(VietNamNet)- Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước tại QH sáng nay, 6/11, cho thấy hiệu quả từ cổ phần hoá đạt thấp, cách thực hiện vẫn còn lúng túng, tài sản Nhà nước chưa được quản lý để sử dụng một cách hiệu quả.
Vốn Nhà nước được cổ phần hoá mới chiếm 6%
Tài chính ngân hàng là những ngành chưa được quan tâm cổ phần hoá. (ảnh VNN). |
Về những hạn chế và vướng mắc trong việc thực hiện cổ phần hoá (CPH ) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), báo cáo thẩm tra cho biết so với mục tiêu của Đảng đề ra thì tiến độ CPH còn chậm, nhất là việc CPH các doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Cổ phần hoá DN theo lĩnh vực và địa bàn không đồng đều, tính chung đến cuối năm 2005, DNNN được cổ phần hóa trong ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng chiếm 66%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 27,6%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 6,4%; doanh nghiệp nhà nước do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưng quản lý được cổ phần hóa chiếm 61,7%; các tổng công ty 91 chiếm 9,3%.
Nhà nước đang mất vốn từ cổ phần hoá
Báo cáo của Quốc hội đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp được xác định có thể cao hoặc thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán, nhưng phần lớn là cao hơn từ 10%-30%. Giá cổ phiếu khi đấu giá có trường hợp cao hơn mệnh giá từ 30% đến 200%.
Theo quy định, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần nhưng đến nay Tổng Công tu này vẫn chưa hoạt động theo quy định. Trong thời gian chưa chuyển giao thì Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân, Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập được giao quản lý phần vốn nhà nước.
Phần lớn tài sản không cần dùng, được loại ra khi tính giá trị doanh nghiệp đã cũ nát hoặc còn sử dụng được nhưng hiệu quả rất thấp, nhiều trường hợp chưa thể bàn giao cho Công ty mua bán nợ. Tuy vậy, có doanh nghiệp lại lạm dụng khai thác để kiếm lợi.
Giá trị thực của DN phần lớn cao hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán 10-30%. Giá cổ phiếu khi đấu giá có khi cao hơn mệnh giá tới 30%, thậm chí 200%. (ảnh va21.org) |
Đã phát sinh tình trạng cổ đông là người lao động bán trực tiếp hoặc chuyển nhượng cổ phần (kể cả cổ phiếu ưu đãi) hoặc làm trung gian giúp người khác bán, chuyển nhượng cổ phần. Việc thu gom, mua lại cổ phần nếu không được kiểm soát dễ dẫn đến số ít cá nhân nắm giữ một lượng cổ phần đủ lớn để chi phối doanh nghiệp cổ phần (thông qua lá phiếu bầu), tuyệt đại bộ phận người lao đông trong doanh nghiệp trở thành người làm công ăn lương. Theo quy định, quyền mua bán, chuyển nhượng cổ phần do cổ đông quyết định, nhưng cần thấy thực chất của sự mua bán, chuyển đổi để sớm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách và có giải pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế và mục tiêu của cổ phần hóa.
Hạn chế đối tượng mua cổ phần: DN không phát triển
Đối tượng mua cổ phần hạn hẹp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hoá không có sự thay đổi đáng kể trong phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Trong thời gian dài, cổ phần lần đầu chủ yếu do nhà nước nắm giữ phần chi phối, tiếp đến là bán cho người lao động, nhà đầu tư…Quyền mua cổ phần của người quản lý trong doanh nghiệp, Nhà đầu tư có tiềm năng (bao gồm nhà đầu tư trong và ngoài nước) rất hạn chế. Nhiều trường hợp, cổ phần DN hoàn toàn do nhà nước và người lao động trong doanh nghiệp nắm giữ.
Nghị định 187 cho phép nhà đầu tư chiến lược trong nước được mua tối đa 20% số cổ phần với giá ưu đãi. Như vậy, vẫn có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng khó có thể mua được lượng cổ phần đủ lớn để được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Báo cáo đánh giá vẫn không thấy sự phối hợp đầy đủ giữa các cơ quan như ngân hàng, thuế, tài chính…để giải quyết công nợ. Thực tế, rất ít công ty cổ phần xác nhận nợ và trả nợ thay cho doanh nghiệp nhà nước. Chuyển nợ ngân hàng thành vốn góp cổ phần cũng không dễ do vướng mắc quy định về tỷ lệ phần vốn của ngân hàng tại doanh nghiệp.
Con người : Thiếu quyết tâm, quy định: không rõ ràng
Bàn về nguyên nhân của những hạn chế, báo cáo cho rằng nhận thức về chủ trương cổ phần hóa DNNN chưa thống nhất, nên các đơn vị còn thiếu quyết tâm. Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quyết định của Nhà nước, chưa tích cực, kiên quyết trong tổ chức thực hiện; chưa chú trọng đúng mức cổ phần hóa những doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ 100% vốn.
Về chính sách cho CPH, xét cả quá trình thì có những quy định ban hành chậm, thiếu đồng bộ, thay đổi, bổ sung nhiều lần gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CPH. Quy trình CPH còn phức tạp, một số nội dung chưa cụ thể, thủ tục rườm rà, như: xác định giá trị doanh nghiệp nói chung và xác định giá trị quyền sử dụng đất nói riêng, trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất; xác lập quyền sở hữu tài sản cho công ty cổ phần; xử lý công nợ ở các tổ chức tín dụng nhà nước; tiêu chuẩn và phương pháp cụ thể xác định giá trị thương hiệu, giá trị tiềm năng, lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; tiêu chí xác định cổ đông chiến lược...
Hình thức đấu giá cổ phần chưa đa dạng và thực hiện một vòng đấu giá, nên các nhà đầu tư không thể thay đổi nếu muốn chấp nhận giá cao hơn để được trúng thầu. Quy định thời hạn đăng ký tham gia đấu giá 5 ngày là dài và dễ rò rỉ thông tin, tiêu cực trong đấu giá. Hệ thống các quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty chứng khoán chưa phát triển.
Quy định về quản lý và giám sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện trực tiếp vốn nhà nước ở công ty cổ phần chưa đầy đủ. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp ban hành còn chậm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn CPH, giải quyết tồn tại về tài chính, về quyền sử dụng đất đai … còn thiếu đồng bộ và chưa kịp thời.
Chưa chủ động xử lý dứt điểm các tồn đọng trước khi cổ phần hóa. Các ngân hàng không muốn chuyển nợ vay thành vốn góp. Nhiều khoản nợ không hấp dẫn Công ty mua bán nợ mua theo giá thoả thuận. Các tổ chức tài chính trung gian, các định chế tài chính chưa đóng vai trò là "nhà môi giới" để đưa cổ phần các doanh nghiệp đến với các nhà đầu tư. Công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các đề án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.
-
Quang Vũ