(VietNamNet) - Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ tác động rất mạnh đến hoạt động lập pháp của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên khi chương trình làm luật của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 khá nặng, phải thông qua tới 11 luật.
Các đại biểu đang đóng góp ý kiến cho dự thảo luật tại kỳ họp 10, QH khóa XI. |
Nhu cầu nội tại nền kinh tế
Ông Vũ Mão, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết, Quốc hội đã rất cố gắng để xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật. Riêng trong năm 2005, Quốc hội đã thông qua 29 luật, vừa bổ sung sửa đổi, vừa làm mới. Điều này là chưa từng có.
"Trước đây, chúng ta thông qua chỉ 7-9 luật, năm nay cũng được khoảng gần 30 luật, chứng tỏ sự cố gắng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu. Tuy nhiên, nếu so với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Song tôi muốn nói rằng, việc xây dựng luật pháp không chỉ đáp ứng đòi hỏi của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà chính là nhu cầu nội tại của nền kinh tế.
Trao đổi với PV.VietNamNet, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), cũng cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Việt Nam phải sửa gần 20-30 luật, pháp lệnh và nhiều nghị định của Chính phủ, còn sửa một vài điều trong các luật thì khá nhiều. Đây là một trong những việc làm mà chúng ta phải hoàn thiện trong vòng 3 năm, nhưng chính quốc tế cũng công nhận Việt Nam xin vào WTO với một khung pháp lý phù hợp với quy định của WTO, hoàn chỉnh nhất từ trước đến giờ.
Ông Trân nhận xét: "Việc gia nhập WTO vừa ép buộc mình đồng thời cũng tạo điều kiện để chúng ta xây dựng công tác pháp luật của mình, và qua đó, cũng tiến bộ lên".
Song, ông cũng thừa nhận đây là một quá trình mình vừa làm vừa phải kiện toàn. Việc ban hành các văn bản pháp luật cũng là yêu cầu của nền kinh tế, sớm muộn gì mình cũng phải làm. Mình làm sớm thì có khung pháp lý tốt, sau đó sẽ hoàn thiện dần.
Khó khăn lớn hiện nay mà công tác lập pháp vấp phải, theo Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, đó là nội dung các quy định của WTO rất phức tạp với Việt Nam, gắn kết với nhiều án lệ thương mại và học thuyết kinh tế quốc tế khác nhau. Nói chung, nó rất mới đối với Việt Nam, đặc biệt với những người làm luật. Thứ hai, nguồn nhân lực của ta hiện còn rất hạn chế. Các chuyên gia xây dựng pháp luật chưa được đào tạo đầy đủ, có hệ thống. Thứ ba, đó là một công việc mất nhiều thời gian và công sức.
Chạy đua
Kết quả một cuộc khảo sát do Dự án Star Việt Nam tiến hành cùng với Bộ Tư pháp, sau khi rà soát 311 văn bản quy phạm pháp luật và 11 điều ước quốc tế của Việt Nam có liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiệp định Thương mại song phương Việt Mỹ (BTA) và WTO, cho thấy, có 72 văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra đề xuất, chỉnh sửa, làm mới.
Số lượng văn bản này chắc chắn sẽ tăng thêm khi kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đem lại những cam kết WTO+. Do đó, cần sửa đổi tiếp những văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là lĩnh vực thương mại.
Riêng năm 2005, ông Lưu cho biết, chương trình làm luật của Quốc hội đã yêu cầu thông qua 38 văn bản luật, pháp lệnh (trong chương trình chính thức) và 24 văn bản khác trong chương trình chuẩn bị. Ví như Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ Luật Thương mại sửa đổi, Luật Bổ sung một số điều của Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư, Bộ Luật Thi hành án... đều liên quan đến hội nhập kinh tế và WTO.
Điều đó vẫn tiếp tục trong năm 2006 này. Một số lượng lớn văn bản luật cần được bổ sung và xây dựng mới từ nay đến năm 2007.
Sắp tới, Bộ Tư pháp phải chuẩn bị rất nhiều những dự án Luật lớn về Đăng ký tài sản bảo đảm, Đăng ký Bất động sản, Thi hành án, Bồi thường Nhà nước, Tương trợ tư pháp, Lý lịch tư pháp... Trong định hướng cải cách hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Quốc hội sẽ phải sửa những luật về tổ chức bộ máy, như các Luật Tổ chức lên quan đến Quốc hội và Chính phủ. Với các luật thông qua trong kỳ họp này, việc chuẩn bị các nghị định hướng dẫn cũng chiếm một khoảng thời gian không nhỏ.
-
Hà Yên