(VietNamNet) - 7/8 ĐB đã đứng bật dậy phản bác "ông Chánh án càng giải trình càng thấy cái dở", "đề nghị trả lời không né tránh"... ngay khi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện vừa ngồi xuống. Thậm chí, có ĐB còn không giữ được bình tĩnh "đồng chí trả lời mà không biết có hiểu câu hỏi của tôi hay không hay hiểu nhưng cứ trả lời theo ý đồng chí" (ĐB Trần Văn Kiệt).
Không khí trong nghị trường cuối phiên chất vấn sáng nay căng thẳng như trong một phiên tòa đi vào hồi bế tắc, đến nỗi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc đến hai lần, rằng "mong đồng chí Chánh án giữ bình tĩnh, có thái độ cầu thị và trả lời một cách có trách nhiệm".
Chánh án: "Đại biểu Vũng Tàu, sao biết rõ chuyện Hà Nội"?
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Phiên chất vấn gay cấn ngay từ đầu với câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đề nghị Chánh án tòa án tối cao cho biết có bao nhiêu trong số các vụ án oan, án sai bị sửa, hủy năm 2006 là do năng lực yếu kém của thẩm phán, bao nhiêu do chạy án và tiêu cực? Về con số chín nghìn bảy trăm vụ án oan, sai như trong báo cáo của ông Nguyễn Văn Hiện, ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa –Vũng Tàu) khẳng định số lượng án phải sửa còn lớn hơn thống kê bởi nhiều người hết tiền không thể theo kiện tiếp và không ít những bản án oan sai do thẩm phán "đạp trên pháp luật mà đi" (có chứng cớ rành mạch).
Trước những chỉ trích trên, ông Nguyễn Văn Hiện bình tĩnh giải thích, vấn đề này đã nêu cả trong báo cáo, án oan án sai đều do yếu tố chủ quan. Ông cho biết, các thẩm phán để xảy ra oan, sai đều phải lập báo cáo và tùy theo nguyên nhân, mức độ sai sẽ có biện pháp xử lý. Bởi theo ông, để xử lý thẩm phán xét xử sai không chỉ là chuyện của ngành Tòa án mà còn liên quan đến các pháp lệnh về công chức, pháp lệnh về thẩm phán... Hiện, đã có 10 thẩm phán bị bãi nhiệm trên tổng số hơn 9000 vụ án oan sai. Ông Hiện cũng tỏ ra rất kinh ngạc trước việc ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh tuy ở tận trong Vũng Tàu nhưng không hiểu vì lý do gì lại có đủ chứng cứ về vụ án đang có nhiều nghi vấn ở 83 Đội Cấn (Hà Nội).
Trước những truy vấn gay gắt của các ĐB khiến không khí nghị trường căng thẳng, ông Hiện đành thú nhận, đến nay, vẫn chưa có sự thống kê hay phân loại nào để xem án oan, án sai chủ yếu do đâu để tìm cách khắc phục. Ông viện dẫn, năng lực con người có hạn, và rằng nền tư pháp thế giới đã được xây từ cách đây cả trăm năm còn hệ thống pháp luật VN mới manh nha trong vòng 60 năm trở lại đây.
Để hoạt động xét xử tốt hơn, phải có 5 điều kiện: Người tiến hành tố tụng tốt; Hệ thống pháp luật tốt; Người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo) tốt; Hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp tố; Và thực hiện tốt các nguyên tắc hiến định là độc lập xét xử và tuân theo pháp luật... |
Đụng chạm đến câu chuyện "cải cách hệ thống tư pháp", ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) cũng đề nghị được làm rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao về việc xác định vai trò của giám đốc thẩm. Nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp cho biết, "Giám đốc thẩm không phải là một loại hình xét xử nhưng là một giai đoạn xét xử hết sức quan trọng, nên không phải ngẫu nhiên khi pháp luật quy định chức năng thứ hai của TANDTC là xét xử giám đốc thẩm". Ông nói thêm, dư luận đều nói được xét giám đốc thẩm như "mò kim đáy bể". Nhiều ĐB trong nghị trường bổ sung thêm, là người dân xem điều này chẳng khác "trúng số độc đắc".
Trước băn khoăn của ĐB Lộc và khá nhiều ĐB khác, ông Hiện chỉ nói chung chung: "TANDTC trong tiến trình cải cách tư pháp sẽ không xét phúc thẩm nữa mà chỉ giải quyết giám đốc thẩm".
"Vơ vét thẩm phán"
Đặt dấu hỏi với chuyện phải chăng nguyên nhân dẫn đến sự chống chất án oan, án sai thời gian qua là do Tòa án tối cao đã phải "vơ vét cả những người không đủ tiêu chuẩn làm thẩm phán" (trích báo cáo của ông Nguyễn Văn Hiện), ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đi sâu chất vấn về những tiêu cực trong tuyển chọn nhân lực trong ngành Tòa án.
ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM): Lần đầu tôi được nghe phải có 5 yếu tố mới có một nền tư pháp tốt, nhất là yếu tố phải có bị cáo, bị can tốt! Mà tòa án là nơi đấu trí của bị cáo và bị can không tốt. Khi nói đến yếu tố đội ngũ, Chánh án bị "nặng" về số lượng, nên mới dùng đến khái niệm "vơ vét"; vì chúng ta có thể chấp nhận số lượng thiếu và sẽ điều động thêm. |
Tỏ ra thông cảm với bức xúc của ĐB Cuông, ông Nguyễn Văn Hiện thanh minh: "Đáng lẽ tôi phải nói rằng "động viên các anh em trong ngành, dù chuyên môn có hơi yếu, đầu tư thêm, rồi sẽ bổ nhiệm", chứ không phải vơ vét, chúng tôi xin đính chính lại cách dùng từ đó". Ông cũng mỉm cười cho biết, từ "vơ vét" là trong ngành vẫn nói với nhau như vậy nhưng có lẽ không được trang trọng lắm trên diễn đàn QH, và khăng khăng, chỉ "rút kinh nghiệm về lỗi dùng từ". Còn việc đội ngũ thẩm phán hiện đang thiếu, yếu so với nhu cầu là một thực tế nhưng chuyện "vơ vét" tạm chỉ áp dụng với các "đồng chí, đồng đội" ở những vùng sâu, vùng xa" và se được đi bồi dưỡng nâng cao chứ không phải là chuyện bổ nhiệm bừa bãi.
Lắc đầu ngao ngán và nhiều lần định đứng lên trong suốt mấy phút lắng nghe thanh minh của Chánh án Hiện, ĐB Lê Văn Cuông đã không giữ được bình tĩnh khi nhắc lại cho Chánh án hàm ý trong câu hỏi của mình, đó là tiêu cực nhãn tiền trong tuyển dụng nhân sự ở tòa án, vấn đề mà ở địa phương, hầu như ai cũng biết rõ. Ông chỉ trích: "có hàng loạt người trình độ trung cấp, sơ cấp lại được tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn... Hậu quả nếu cứ để như vậy thì oan sai! Tôi muốn hỏi về trách nhiệm của chánh án đến đâu mà chưa nghe được câu trả lời rõ ràng?".
Vẫn xoay xoay cây bút trên tay, ông Nguyễn Văn Hiện tiếp tục tỏ ra "không hiểu" vấn đề mà ĐB Cuông đang trình bày và được các ĐB trong nghị trường tán đồng. Một lần nữa, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đành quay sang nhắc khẽ "tiếp thu đi". Lúc đó, ĐB Cuông mới nhận được lời hứa: "sẽ tiếp thu và nghiên cứu trả lời"
6 tỷ để ngành tòa án hội nhập
Cuối phiên chất vấn, ngay sau khi Chủ tịch QH tóm lược nội dung, ĐB Nguyễn Văn Khá (Nam Định) đề nghị "phần trả lời chất vấn của Chánh án khiến đại biểu chúng tôi thấy khá bức xúc, và chắc nhân dân đang theo dõi truyền hình cũng vậy. Theo luật hoạt động giám sát thì việc trả lời chất vấn là một hoạt động giám sát, và Quốc hội có quyền ra nghị quyết về chất vấn. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề chất vấn Chánh án tòa án tối cao". |
Không khí nghị trường vẫn tiếp tục căng thẳng khi ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) tiếp tục với câu chất vấn mà ông cho biết mình đã hỏi ông Chánh án tòa tối cao đến lần thứ ba kể từ sau lần đầu tiên khi VN ký BAT với Mỹ về việc "Ngành tòa án đã chuẩn bị để hội nhập thế nào? Khi VN gia nhập WTO, xử lý thế nào những vụ án có yếu tố nước ngoài, những lĩnh vực nàop được xác định ưu tiên khi hội nhập để không bị thiệt thòi?"
Lấy lại bình tĩnh, ông Nguyễn Văn Hiện giải trình, hầu hết các cơ quan của ngành tư pháp đều đã chuẩn bị cho hội nhập từ nhiều năm nay, đặc biệt, ngành tòa án của ông đã được nhà nước rót xuống 6 tỷ. Ông khẳng định, số tiền này sẽ được tập trung vào hội thảo, chuẩn bị các nội dung về giải quyết các tranh chấp quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ… Ông cũng không quên nhắc lại việc mình đã được nghe và đã phải trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Trân cũng nội dung này đến hai lần và ngỏ ý muốn được nghe ĐB Trân tham gia góp ý cho việc chuẩn bị được tốt hơn.
Lắc đầu mìm cười, ĐB Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, ông muốn nói đến mức độ sẵn sàng cho hội nhập của ngành Tòa án đến đâu và đây là vấn đề nhân lực chứ không phải chuyện kinh phí. Ông khẳng định: "nếu chánh án làm tốt thì QH sẵn sàng đề xuất cho Chánh án được kinh phí đến 60 tỉ chứ không phải 6 tỷ". Đồng thời cũng lưu ý với nghị trường là mặc dù Chánh án đề nghị đại biểu tham gia góp ý kiến nhưng không cho ĐB biết mặt mũi của tài liệu, văn bản thì không hiểu sẽ góp ý cho cái gì?
Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đăng đàn chất vấn.
-
Lê Nhung