(VietNamNet) - Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện quyết định số 80/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về xử lý, sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ tài chính, khẳng định: Việc chậm trễ trong thực hiện quyết định trên so với kế hoạch, đặc biệt đối với những đơn vị chiếm dụng đất, là do đã có quy định nhưng chỉ mang tính khuyến khích, động viên, chưa có chế tài xử phạt những đơn vị không chấp hành.
Nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua được quản lý qua nhiều đầu mối với quy mô diện tích, giá trị tài sản rất lớn. Nhưng việc quản lý, sử dụng còn một số hạn chế, như sử dụng chưa đúng quy hoạch và công năng.
Chậm thu hồi đất do thiếu chế tài xử phạt
Kho bãi 555 Bình Quới, quận Bình Thạnh... biến thành khách sạn?! (ảnh: Thái Thiện)
Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đã thống nhất trình Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, ngăn chặn lãng phí, thất thoát trong quản lý, khai thác, sử dụng nhà, đất, đưa vào khai thác phục vụ thương mại dịch vụ, công nghiệp cao cấp... đúng quy hoạch với lợi ích cao.
Đến 30/9/2006, Ban chỉ đạo 80 (Ban chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM với thành phần chính là lãnh đạo Bộ Tài chính và UBND TP) đã tổ chức kê khai và tiếp nhận báo cáo kê khai nhà, đất của 1.842/1.882 đơn vị, đạt tỷ lệ 97,87%.
Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo 80 đã xác định có hơn 14 triệu m2 đất, chiếm tỷ lệ 9,7% tổng diện tích đất đã kiểm kê, không phù hợp với quy hoạch (ví dụ, đất được sử dụng để sản xuất - kinh doanh, kho bãi... nay theo quy hoạch mới thì không còn phù hợp); hoặc không đúng công năng (ví dụ, các loại nhà phố được sử dụng làm trụ sở, văn phòng cơ quan...).
Một đại diện Sở tài nguyên - môi trường cho biết, trong 900 đơn vị nộp hồ sơ kê khai về tình trạng nhà, đất, thì có tới 400 đơn vị không có giấy tờ gì ngoài tờ đăng ký, nhiều đơn vị tự cất nhà, dựng ki ốt trên đất chiếm dụng.
Ban chỉ đạo đã đề nghị UBND TP thu hồi hơn 327.000 m2 đất, chiếm tỷ trọng 0,22% diện tích đất đã kiểm kê. Diện tích đất thu hồi sẽ được đưa vào bán đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng đúng quy hoạch của TP, một phần đáng kể dành cho công trình phúc lợi công cộng, cây xanh. Hiện, lượng nhà, đất được bán có tổng trị giá gần 6.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, "tiến độ và kết quả đạt được vẫn chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra ban đầu, hiệu quả sắp xếp chưa được như mong muốn".
"18 đơn vị chưa kê khai 2,7 triệu m2 đất"
Vướng mắc đáng chú ý là, trong quá trình xử lý hồ sơ nhà, đất có một số đơn vị thường xuyên đề xuất thay đổi phương án xử lý. Vì vậy, Ban chỉ đạo phải giải quyết hồ sơ lại từ đầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý. Một số đơn vị mặc dù đã được hướng dẫn chi tiết, nhưng vẫn thực hiện không đủ các mẫu biểu báo cáo hoặc kê khai không đầy đủ nhà, đất đang quản lý, sử dụng.
Về vấn đề này, đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa từng bức xúc: "Đây là chiêu kéo dài thời gian để thu lợi của các đơn vị, cần có chế tài mạnh, kẻo pháp luật bị bỏ qua như trong rừng".
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, đề nghị dùng biện pháp "rắn": Công bố, thậm chí phổ biến trên báo chí, danh sách 18 đơn vị chưa kê khai nhà, đất kèm theo danh mục chi tiết. Đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương bị xem là có "cơ" lớn nên khó kiểm soát, theo ông Hùng, càng cần phải gương mẫu thực hiện chỉ đạo nhanh chóng hơn các đơn vị địa phương, chứ không thể chậm ì ạch như hiện nay.
Trước những bức xúc này, việc ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra nguyên nhân của chậm trễ là do thiếu chế tài xử phạt được đánh giá là xác đáng.
Tại buổi làm việc ngày 5/12, Ban chỉ đạo 80 quyết định: Chậm nhất là đến ngày 31/3/2007, tất cả các đơn vị có quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP phải nộp phương án sắp xếp, xử lý cho Ban. Phấn đấu đến hết năm 2007, Ban chỉ đạo 80 sẽ trình cho Bộ Tài chính hoặc UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp.
Chậm nhất đến ngày 30/6/2007 kết thúc việc kiểm tra và xử lý cơ bản các cơ quan, đơn vị thuê nhà, đất của công ty quản lý kinh doanh nhà TP, thuê đất của Sở tài nguyên - môi trường, nhưng không sử dụng mà cho thuê lại, bỏ trống, hoặc sử dụng không đúng mục đích. Nếu phát hiện đơn vị nào sử dụng lãng phí hoặc không có chức năng cho thuê nhà, đất mà cho thuê lại, sẽ tiến hành thu hồi ngay (không kèm theo bất cứ điều kiện gì).
UBND TP kiến nghị Thường vụ Thành ủy cương quyết xử lý cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị của TP và kiến nghị Trung ương xử lý lãnh đạo của các đơn vị Trung ương, nếu không chấp hành nghiêm chỉ đạo.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết: "Tiêu chí để đánh giá đất sử dụng sai mục đích là quy hoạch". Như vậy, tình hình quy hoạch còn thiếu, còn nhiều hạn chế hiện nay sẽ gây một số khó khăn cho việc đánh giá tình trạng nhà, đất.
-
Phạm Cường
Ý kiến của bạn: