221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
871916
TPHCM đang quản lý đô thị theo cách nông thôn
1
Article
null
TPHCM đang quản lý đô thị theo cách nông thôn
,

(VietNamNet) - TPHCM đang rốt ráo thí điểm mô hình chính quyền đô thị với việc lấy ý kiến phản biện và tham khảo từ các thành phố lớn trên thế giới. Thế nhưng TP lại có những quy định trái với mô hình chính quyền đô thị hiện đại mà chính TP đang muốn hướng tới: không tinh giản bộ máy hành chính địa phương mà còn để phình to, chậm áp dụng phương tiện quản lý thay con người...

Xung quanh vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS. Võ Văn Sen, đại biểu HĐND, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa xã hội & nhân văn TP, người từng có nhiều năm nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị trên thế giới.

Quận - huyện không đủ trình độ tham gia phê duyệt

PGS. Võ Văn Sen. (ảnh: Phạm Cường)

- Ông có bình luận gì việc TP.HCM vẫn có chủ trương thúc đẩy phân cấp cho địa phương, trái với cách quản lý của chính quyền đô thị hiện đại, và làm lượng công chức hành chính địa phương vẫn tiếp tục tăng? 

Tôi không đồng ý với xu thế phân cấp giải quyết công việc cho các địa phương hiện nay của TP.

Chẳng hạn, đối với quy hoạch 1/2000, TP đang cố công phân cấp cho các quận - huyện phê duyệt. Cùng ý kiến với nhiều chuyên gia, tôi xin nói thẳng, quận - huyện không đủ trình độ tham gia phê duyệt.

Xu hướng quản lý đô thị hiện đại trên thế giới hiện nay là hệ thống quản lý cơ bản tập trung ở cấp thành phố, chứ không phân tán quyền lực xuống quận - huyện, phường - xã như TP.HCM hiện tại.

Đây là thời điểm cần rà soát cùng một lúc quy hoạch của TP.HCM trên tất cả các lĩnh vực. Quy hoạch kinh tế, mạng lưới giáo dục, giao thông, điện nước... có chồng chéo, không đồng bộ không? Nếu sai thì sửa ngay.

Ví dụ, đối với ngành giáo dục, chính quyền đô thị không thể theo cách thức như hiện nay: cấp trung học phổ thông thì giao cho Sở giáo dục - đào tạo quản lý; trung học cơ sở, tiểu học, nhà trẻ thì giao cho phòng giáo dục quản lý; mà phải tập trung quản lý vào Sở. Hay như thuế, không nên có phòng thuế của quận mà Cục thuế TP trực tiếp thu thuế toàn TP. Cấp nước cũng không cần để cho chính quyền cấp phường, cấp quận tham gia.

Thay đổi tư duy quản lý là rất khó, vì chúng ta vốn quen phân cấp quản lý cho phường, việc gì cũng lấy phường làm cơ sở. Quản lý như vậy là theo phương pháp của nông thôn, chứ không phải thành phố hiện đại. Các thành phố lớn có đặc điểm giao thông, liên lạc thuận tiện, khoảng cách giữa các địa bàn gần hơn nông thôn, nên có thể tập trung quyền quản lý vào một cấp, thay vì phân tán ra ba cấp.

Các thành phố lớn trên thế giới không để cho cấp quận có nhiều quyền như tại VN, và thậm chí không có cấp phường. Các khu vực được chia nhỏ và đánh mã số, chủ yếu có tác dụng cho ngành bưu điện và công tác bầu cử.

Dùng công nghệ thông tin, bớt một nửa số "người quản lý"

- Cùng với quản lý tập trung là sẽ là cắt giảm số lượng công chức khổng lồ liên tục tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lộ trình cắt giảm công chức tại TP.HCM hầu như không được nhắc đến trong các văn bản chính thức. Có vẻ vẫn có lúng túng về lộ trình và phương án cắt giảm?

- Muốn quản lý tập trung, phải ứng dụng công nghệ hiện đại: xây dựng chính phủ điện tử. TP.HCM đã hướng đến việc này nhưng triển khai rất chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính tại các Sở, ngành còn rất hạn chế. Có trụ sở quận - huyện thậm chí chưa nối mạng internet.

Số công chức hành chính vẫn tăng, trong khi người dân vẫn kêu vì phải chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính. Lời giải chỉ có thể là: hiện đại hóa quản lý. (Ảnh chụp tại phòng công chứng số 1, TP.HCM: Phạm Cường)

Hiện tại, người dân đi lo thủ tục hành chính phải chứng thực đủ mọi bản sao tại phường, quận. Đến chứng minh nhân dân cũng phải chứng thực, vì nhìn bằng mắt chứ có computer hóa đâu mà biết thật hay giả. Lẽ ra chỉ phải chứng thực những giấy tờ đặc biệt quan trọng. Ngay cả bằng cấp cũng không phải chứng thực, khi cần thiết có thể kết nối với cơ quan cấp bằng và kiểm tra.

Khi công nghệ thông tin được ứng dụng trên toàn hệ thống, người dân muốn mở công ty chỉ cần lên mạng điền vào tờ khai, dùng chữ ký điện tử, rồi lên Sở kế hoạch - đầu tư làm một số thủ tục và lấy giấy phép, không cần xác nhận ở đâu nữa.

Nếu thực hiện computer hóa mạnh mẽ, sẽ giảm được già nửa số công chức, viên chức hành chính, đoàn thể so với hiện nay. Số người này sẽ được học để nâng cao trình độ, tham gia sản xuất, chứ không thể có một lực lượng công nhân, viên chức, quan chức làm quản lý đông đến phi lý (5 người làm, 3 người quản lý) như hiện nay. Chưa kể nhiều người trong lực lượng trung gian này sách nhiễu nhân dân, quan liêu.

Nét chính của xã hội hiện đại là phổ biến hoạt động kinh tế, kể cả văn hóa - xã hội cũng là dịch vụ kinh tế. Cứ xem phim Hàn Quốc sẽ thấy, người ta quay toàn cảnh công ty tất bật làm ăn, chứ có cảnh giải quyết thủ tục hành chính đâu.

TP sẽ đi đầu trong "giải tỏa" hộ khẩu?

- Là một địa phương của cả nước, đương nhiên TP.HCM thực hiện những quy định chung. Nhưng chính quyền đô thị sẽ đi cùng cách thức quản lý đặc thù. Theo ông, cần có những điểm đặc thù nào trong quản lý?

- Muốn xây dựng chính quyền đô thị, trước hết phải thay đổi cách quản lý hộ khẩu. Cách quản lý hộ khẩu hiện nay giống như lấy dây cột chân từng người lại, tưởng là chặt chẽ nhưng người có thể chạy lung tung, vướng dây vào nhau. Trong khi đó, tại nhiều nước đi trước, cách quản lý hộ khẩu giống như dựng hàng rào quanh một khu vực. Người có thể tự do đi lại trong khu vực đó, nhưng chạy ra lề thì bị điện giật văng lại liền.

Cách quản lý hộ khẩu như hiện nay cũng không thể ngăn dòng nhập cư vào TP.HCM. Có thể theo cách Bộ Công an đang đề xuất: hộ khẩu chỉ ghi nhận sự hiện diện của một hộ gia đình để nắm dân số, chứ không phải là điều kiện để mua nhà, đi học, chữa bệnh, quan trọng hơn cả chứng minh nhân dân như hiện nay.

Có thể thay một số chức năng của sổ hộ khẩu bằng thẻ an sinh xã hội như một số nước đi trước. Thông tin về mỗi cá nhân đã nằm trong bộ lưu dữ liệu của chính quyền. Chỉ cần đưa thẻ an sinh với mã số riêng vào máy là biết được tên tuổi, quê quán, tình trạng lao động, khi cần thiết có thể in ngay lý lịch.

Trong khuôn khổ luật pháp chung của VN, TP có thể có quy định mang tính đặc thù. Chẳng hạn, ở nơi khác vi phạm luật giao thông bị phạt 50.000đ, thì ở TP có thể bị phạt nặng hơn, vì thu nhập của người dân TP cao hơn so với mặt bằng cả nước. Tuy nhiên, đặc thù không mâu thuẫn với luật pháp chung.

- Xin cảm ơn ông!

  • Phạm Cường (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,