221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
884676
2007: Tiến tới xoá Bộ chủ quản đối với DN Nhà nước
1
Article
null
2007: Tiến tới xoá Bộ chủ quản đối với DN Nhà nước
,

(VietNamNet) - Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách hành chính là hai giải pháp lớn được Chính phủ đưa ra thảo luận trong hội nghị triển khai nhiệm vụ Kế hoạch và Ngân sách năm 2007.

Trong hai ngày 8 và 9/1, Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương trong cả nước thảo luận về các biện pháp triển khai nhiệm vụ năm 2007.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2006 là năm đỉnh cao của thành tựu 20 năm đổi mới. Đất nước đã giành được những thành công to lớn trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng…

Theo Thủ tướng, kết quả đó đã tạo nên thời cơ và vận hội mới cho dân tộc Việt Nam trong năm 2007 và những giai đoạn tiếp theo.

Soạn: HA 1004103 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tập trung thảo luận và đưa ra những biện pháp, phương hướng cho 3 nhiệm vụ trọng tâm: phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao, cải cách hành chính hiệu quả và ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng

Nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính của Chính phủ, trước hết, theo Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung, liên quan đến tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, từ đó tiến tới không còn “Bộ chủ quản” đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chức năng của mình cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.

 “Tinh thần chung là giảm bớt các quyết định cụ thể không cần thiết của Thủ tướng, phân bớt việc thực hiện trách nhiệm của Thủ tướng cho các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh", ông Trung nói.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, trình Quốc hội đề án về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính từ TƯ đến địa phương theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt hiện đại.

Theo đó, Chính phủ thực hiện đúng vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện bộ quản lý đa ngành, giảm đầu mối, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian; tập trung vào chức năng chủ đạo là cải cách hành chính, hoạch định thể chế, chính sách...

Cũng theo ông Đỗ Quang Trung, chương trình “Chính phủ điện tử” phải vận hành sao cho đến cuối năm, có thể đưa vào hoạt động mạng điều hành của Chính phủ tới bộ, ngành và 64 tỉnh thành.

Cổ phần hoá nhiều tổng công ty, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm

Chính phủ khẳng định sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như một yêu cầu cấp thiết khi VN là thành viên của WTO.

Trong 7 nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu ra, có việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính cùng các Bộ liên quan rà soát các cơ chế phát triển thị trường vốn, khuyến khích phát hành cổ phiếu, trái phiếu và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các ngân hàng thương mại…

Cổ phần hoá sẽ phải gắn với phát triển thị trường chứng khoán. Theo ông Phúc, sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá khoảng 550 doanh nghiệp nhà nước, kể các các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và ngân hàng thương mại Nhà nước, các Tổng công ty bảo hiểm.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo trong năm 2007 phải cổ phần hoá 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Thủ tướng cũng đã bày tỏ không hài lòng với tiến độ cổ phần hoá quá chậm các ngân hàng, tổng công ty Nhà nước.

Quản lý giá một số sản phẩm quan trọng theo cơ chế thị trường

Bộ Tài chính sẽ chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ lộ trình chuyển việc quản lý giá một số sản phẩm quan trọng theo cơ chế thị trường. Sẽ nghiên cứu để miễn giảm thuỷ lợi phí đối với sản xuất nông nghiệp và tiến tới bỏ các khoản huy động khác của nông dân.

Nhằm khắc phục tình trạng dự án đầu tư bị kéo dài và đầu tư dàn trải, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các quy định trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng phân cấp, giao quyền và trách nhiệm đầy đủ cho chủ đầu tư và người quyết định đầu tư.

Việc nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tính dân chủ, công khai của quy hoạch cũng sẽ được chú trọng hơn nữa.

Chính phủ cũng sẽ có cơ chế để HĐND các cấp và người dân tham gia giám sát thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng tại địa phương.

Việt Nam sẽ chủ động thực hiện cam kết quốc tế. Bộ Thương mại cùng Uỷ ban hợp tác kinh tế quốc tế chủ trì xây dựng và trình Chính phủ thông qua ngay trong tháng 1/2007 chương trình hành động thực hiện cam kết gia nhập WTO.

Năm 2007 phải là năm của các chỉ tiêu vượt trội

Nếu như năm 2006 đánh dấu những thành công không thể phủ nhận trong hội nhập kinh tế quốc tế và tăng trưởng GDP thì năm 2007 sẽ phải là năm của các chỉ tiêu vượt trội. Việt Nam sẽ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện các cam kết gia nhập WTO.

Trong báo cáo trình bày tại Hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc đưa ra các con số: GDP phải tăng 8,2-8,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 17,4%, nhập khẩu: 15,5%. Bội chi ngân sách Nhà nước cần được giới hạn ở 5% GDP, tương đương 56,5 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 40% GDP. Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.  

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,