221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
886944
Cái "khó" của nghề Bộ trưởng hay chuyện cơ chế
1
Article
null
Cái 'khó' của nghề Bộ trưởng hay chuyện cơ chế
,

(VietNamNet) - "Bộ trưởng có muốn bổ nhiệm một vụ phó cũng phải đưa ra Ban Cán sự Đảng trong khi nhận thức rất khác nhau. Đối với những người năng lực hạn chế, Bộ trưởng cũng không thay được", lời tâm sự rất thật của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho thấy những ràng buộc của cơ chế đối với tổng tư lệnh ngành và ngay cả với người đứng đầu Chính phủ.

Bộ trưởng Tuyển: Đảng phải làm sao phát huy hơn nữa vai trò chủ động của Nhà nước và sự năng dộng của người dân.

Để giải quyết được những cái khó này, theo Bộ trưởng Tuyển, cần phải giải quyết vấn đề tổng thể hơn: xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền hạn, trách nhiệm quản lý của Nhà nước.

"Đảng cần có một cơ chế tốt để lựa chọn được những cá nhân tốt, tận dụng được thời cơ tốt và phát huy được vai trò chủ động của nhà nước trong việc định ra và thực thi những chính sách kinh tế xã hội", đúc kết của một người từng là Bí thư Tỉnh uỷ và ngồi trên ghế Bộ trưởng hơn chục năm.

VietNamNet trích đăng cuộc trò chuyện giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển xoay quanh chủ đề trên.

Bổ nhiệm một anh Vụ phó cũng phải đưa ra ban cán sự

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với vai trò tổng tư lệnh ngành, ông có thấy là mình đã phát huy, tận dụng được hết và đầy đủ những quyền hạn mình có hay chưa, hay là đôi khi vẫn còn phụ thuộc vào những quyền lực khác và đôi lúc ông không quyết định được?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Trong cuộc đời mình, tôi đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ, nhưng tóm lại có ba giai đoạn tôi gánh vác những nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, thời kỳ tôi làm Tổng Giám đốc của Petrolimex, Công ty Dầu khí VN, một Tổng công ty lớn nhất thời điểm đó, có quy mô toàn quốc, với hơn một vạn người.

(Trầm ngâm) Tôi cảm thấy, thời kỳ làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, tôi được chủ động hơn nhiều và cống hiến được nhiều, tất nhiên là vùng vẫy trong phạm vi của cơ chế chính sách, luật pháp. Hay, thời kỳ làm Tổng Giám đốc cũng thế.

Nhưng đến khi làm Bộ trưởng thì khó hơn nhiều. Bởi làm Bộ trưởng thì còn vướng đến rất nhiều bộ khác. Khi đưa ra một chính sách không phải chỉ là chuyện của mình, đặc biệt những chính sách phát triển.

Với các cơ quan cấp Bộ thì luôn luôn có hai việc, cơ chế quản lý và chính sách phát triển. Cơ chế quản lý của anh thế nào? Phải chuyển biến theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, theo các chính sách phát triển. Mà đã phát triển thì phải cần nguồn lực.

Bộ Thương mại thì không có gì. Thậm chí, ngay cả trong khâu bổ nhiệm cán bộ cũng thế, không phải Bộ trưởng quyết định cho tất cả. Bổ nhiệm một anh Vụ phó cũng đưa ra ban cán sự. Mà, trong ban cán sự nhiều khi các nhận thức rất khác nhau.

"Chúng ta cần tăng cường khả năng tranh cử trong nội bộ Đảng thì các lựa chọn mới tốt. Còn nếu để ai đấy lựa chọn thì nhiều thứ còn tồn tại lắm.

Đảng không ngăn cấm điều này, nhưng trong cơ chế hoạt động lại chưa tạo ra văn hóa ứng cử".

Tôi không nói mình đúng nhưng rõ ràng có nhiều thời điểm, nhận thức của chúng ta còn khác nhau. Như vậy, cần phải có một cơ chế tốt hơn trong khi vẫn giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng. Có như vậy mới phát triển.

Trong bối cảnh đó, tôi đã cố gắng xác định một số vấn đề. Tôi đã nói công khai với anh em trong Bộ và cả với DN. Đó là, chúng ta phải thay đổi khái niệm quyền lực. Quyền lực gì? Đó là khả năng đáp ứng nhu cầu của người khác và buộc người khác phải cần đến mình.

Người ta cần gì? Chủ yếu cần tiền, cần dự án. Tiền, thì "ông" Thủ tướng, ông bộ Tài chính mới có. Dự án thì bên bộ KHĐT, bên ông Giao thông, thậm chí Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình cũng có. Ngay cả Tổng cục Du lịch cũng rất nhiều, Ủy ban Thể dục Thể thao cũng có. Còn Bộ Thương mại không có đồng nào.

Nhưng tôi nói với anh em, rằng phải quan niệm lại, phải xem thông tin cũng là quyền, kiến thức cũng là quyền. Vai trò quyền lực của tiền sẽ ngày càng giảm đi so với hai vấn đề này.

Vậy Bộ Thương mại cần xây dựng là một bộ có kiến thức có thông tin. Tất nhiên, nói và muốn như vậy thôi nhưng không phải là đã làm ngay được. Và chúng tôi đang vận động theo xu hướng ấy.

Cần từng bước tạo ra văn hóa tranh cử

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa ông, với cương vị một Bộ trưởng, như ông nói là cũng không dễ mà có được cơ chế bổ nhiệm cán bộ dưới quyền của mình. Nếu giả sử cho ông được quyền phát huy hết năng lực của mình và hoàn thành nghĩa vụ với đất nước khi giao cho ông trọng trách Bộ trưởng thì ông cần những quyền gì?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Ở đây là chuyện của một dây chuyền chứ không phải làm tốt một khâu là hoàn toàn giải quyết được hết vấn đề. Giả sử, giao cho "anh" Bộ trưởng có quyền, cũng là chuyện rất tốt nhưng vấn đề là chọn Bộ trưởng thế nào? Nếu chọn bộ trưởng đúng thì yên tâm lắm, tất cả vì công việc, chí công vô tư.

Trường hợp chúng ta chọn chưa đúng người có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau đây. Thứ nhất, do đánh giá không đúng, thứ hai, do động cơ không đúng.

Nhân dân suy tôn sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là hoàn toàn hợp lý.

Nhưng từ cái toàn thể đó, những chuyện khác chúng ta lại áp đặt vào làm giảm bớt tính chủ động, sáng tạo của người dân. Đảng nên có sự lãnh đạo để người dân trở nên năng động hơn.

Muốn đánh giá đúng, anh phải là người hiểu biết, có trình độ. "Anh"  không thể nhận xét trình độ người khác nếu trình độ anh kém. Tôi không nghĩ rằng anh có trình độ kém lại đánh giá được nhân viên tốt. Anh phải giỏi hơn người khác mới đánh giá được người khác. Nếu không, chỉ là nói theo.

Thứ hai, anh phải rất khách quan. Có thể, anh cũng đánh giá người này người nọ giỏi nhưng vì vướng víu một điều gì đó nên anh lại không công khai thừa nhận điều này. Cơ chế này cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Chúng ta cần tăng cường khả năng tranh cử trong nội bộ Đảng thì các lựa chọn mới tốt. Còn nếu để ai đấy lựa chọn thì nhiều thứ còn tồn tại lắm.

Công khai tranh cử trong nội bộ Đảng. Tất nhiên, cũng không ai cấm, và trong điều lệ cũng khuyến khích. Nhưng thật ra, nếu có đó mà đứng ra ứng cử chúng ta vẫn xem là hiện tượng lạ. Đảng không ngăn cấm điều này, nhưng trong cơ chế hoạt động lại chưa tạo ra văn hóa ứng cử.

Cần từng bước tạo ra văn hóa này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về thông tin, làm thế nào để người dân có đủ thông tin biết được về người tự đứng ra ứng cử đó để dân chọn lựa?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Thế thì "anh" phải tự giới thiệu, dân chúng người ta đo lường được cả. Tôi nghĩ, nếu anh làm dở thì sẽ rất ngại. Tôi làm gì chưa được mà được tung hô, được tụng ca thì sẽ rất ngại.

Thời điểm đàm phán WTO thành công, rất nhiều người ngợi ca, đánh giá tôi thế này thế kia, nhiều tung hô. Nhưng tôi đã phải đính chính lại rằng đây là công lao của tập thể. Sau khi kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ, trên mạng, có rất nhiều bạn đọc đã tung hô tôi nên tôi đã viết ngay một bức thư để giải thích rằng đây là công lao của rất nhiều người và trước mắt vẫn còn những đàm phán đa phương...

Tôi là người tự biết đánh giá mình, nếu tôi khá mà có ai đó  bảo tôi dốt là tôi cãi đến cùng, tôi không chịu. Nhưng nếu như có ai đó tung hô bảo tôi giỏi ở mức này mức nọ chưa chính xác thì tôi cũng sẽ đính chính ngay chứ không nhận.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng rõ ràng, công tác tiếp xúc với công chúng để công chúng có được những thông tin minh bạch, đầy đủ trước khi từng người tự ra ứng cử là rất cần thiết phải không, thưa ông?

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tôi nghĩ thông tin là rất quan trọng, không chỉ là thông tin chết cứng trên lý lịch, mà phải là thông tin sống động. Ông đã làm những gì và người ta đã nói về những việc ông làm như thế nào.

Tất nhiên, những thông tin đó cần phải được sàng lọc, chí ít là nên cung cấp thông tin cho người dân tham khảo và có thời gian dài để tìm hiểm. Bởi vì, chúng ta quen dùng khái niệm Đảng cử dân bầu. Với toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng vào sinh ra từ của các đảng viên thì niềm tin của dân chúng với Đảng là hoàn toàn tự nhiên. Nhân dân suy tôn sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng là hoàn toàn hợp lý.

Nhưng từ cái toàn thể đó, những chuyện khác chúng ta lại áp đặt vào làm giảm bớt tính chủ động, sáng tạo của người dân. Đảng nên có sự lãnh đạo để người dân trở nên năng động hơn.

Chúng ta nói nhiều về thành tựu, vị thế của hai mươi năm đổi mới, với những biến đổi, vị thế này khác. Nhưng phải khẳng định, chính sự đổi mới tạo ra một thế hệ trẻ năng động hơn, có trình độ, dám chấp nhận mạo hiểm và một đội ngũ doanh nhân trẻ.

Đó là thành tựu lâu dài của hai mươi năm đổi mới và một thắng lợi quan trọng của hai mươi năm đổi mới. Đảng phải tạo ra một xã hội năng động.

Thủ tướng còn chưa kỷ luật được hết nữa là ông Bộ trưởng

- Phùng Tiến Thắng. Dia chi: 562 Nguyễn Văn Cừ- Long Biên - Hà Nội. Email: thangvieko@vnn.vn: Kính thưa Bộ trưởng, chúng tôi là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh XNK và thấy rằng, hiện nay ngay trong Bộ Thương mại có một số đội ngũ những cán bộ hoạch định chính sách thương mại có trình độ và năng lực thấp, tư duy không phù hợp với sự phát triển của thương mại thế giới nhưng vẫn làm việc?

- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Ngay cả những người tôi đánh giá năng lực hạn chế nhưng vẫn chưa thay được. Cơ chế thay người của chúng ta rất khó. Thứ nhất, việc điều chuyển nhân sự, nhưng nếu điều chuyển mà nơi khác không nhận nên không thể thải hồi được thì rất khó xử.

Thứ hai, phải xác định đó là người nào, cụ thể. Hãy liên hệ với tôi và nói rõ ai là người đó. Có thể tôi chưa thay được nhưng tôi thấy được rằng anh nói đúng.

- Nguyễn Hoàng Anh, TP.HCM: Thưa Bộ trưởng, chúng ta lâu nay có những phê phán và thậm chí, xử lý những cán bộ công chức đảng viên đi sai hướng hoặc có vấn đề tư tưởng, nhưng chúng ta chưa xử lý những người làm chậm tiến trình đổi mới?

- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Khuôn khổ đổi mới do Đảng đề ra. Bàn về nó nhanh hay chậm thì phải rất công phu, nhanh quá thì có thể đổ vỡ. Nhiều nước dùng liệu pháp sốc, tất nhiên sốc thì có thể gây ra đổ vỡ nhưng cũng sẽ được sắp xếp lại, chấn chỉnh sau vài chục năm.

Chúng ta vừa có tổng kết 20 năm đổi mới và khẳng định đúng đắn. Nếu có khâu nào đó trì trệ, chúng ta phải có cơ chế và phương thức để xử lý anh trì trệ.

Với phương thức hiện nay thì rất khó. Thủ tướng cũng nói Thủ tướng còn chưa kỷ luật được hết nữa là một ông Bộ trưởng. Ban chống tham nhũng có quyền đình chỉ nhưng nếu để đình chỉ thứ trưởng phải đưa ra Ban Bí thư.

Cần tăng trách nhiệm cá nhân lên

- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Vậy theo Bộ trưởng, có nên để Bộ trưởng quyết định xử lý đối với Thứ trưởng không, hay chí ít cũng là Thủ tướng quyết định Thứ trưởng?

- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Để giải quyết vấn đề cụ thể ấy chúng ta phải làm được vấn đề lớn hơn. Tôi chưa trả lời nên hay không nên. Tôi cũng như anh và các bạn ở đây đều khẳng định phải tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, điều đó không ai dám bác bỏ, nhưng phát huy ở đâu và khâu nào? Chúng ta phải giải quuyết tốt khâu này đã.

Ví dụ, nói chung chung là nếu Đảng lãnh đạo thì quan trọng nhất phải nắm được cán bộ, vì sau khi có đường lối thì cán bộ quyết định tất cả. Hoặc nắm nhưng ở cấp nào, theo kiểu nào, công nghệ nào cũng là vấn đề.

Do vậy, phải tăng cường lãnh đạo của Đảng, nhưng trong điều kiện kinh tế ngày càng phong phú, vận động nhanh như thế này thì phát huy ở khâu nào là vấn đề quan trọng. Cần tăng trách nhiệm cá nhân lên. Tôi thì nghĩ là nên giải quyết vấn đề tổng thể đã, trên cơ sở đó mới giải quyết cụ thể.

Đảng phải phát huy vai trò chủ động của Nhà nước

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện đang có nhiều luồng ý kiến bàn về vấn đề làm thế nào để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sao cho không bị chồng chéo với vai trò của nhà nước nhưng vẫn khẳng định được vai trò lãnh đạo. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? 

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đề tài này không trực tiếp liên quan đến thảo luận ngày hôm nay, nhưng vẫn liên quan đến việc chúng ta gia nhập WTO. Vấn đề làm thế nào để vượt qua thử thách. Hệ thống chính trị hoạt động thế nào để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được thách thức.

Có một số vấn đề đặt ra như sau: vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm, quyền hạn quản lý của nhà nước, vai trò của người dân và tổ chức chính trị đại diện cho họ. Đây là ba thành tố cấu thành tổ chức chính trị của chúng ta. Đương nhiên, để đảm bảo sự phát triển theo định hướng XHCN mà chúng ta đã chọn, dứt khoát phải tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Không có nghĩa Đảng phải làm tất cả và can thiệp vào mọi thứ.

Thực tế, lâu nay Đảng cũng không can thiệp vào tất cả. Nhiều việc, Nhà nước đã làm. Điều quan trọng là Đảng phải nắm được vấn đề then chốt nhất, đặc biệt là chiến lược phát triển. Thời đại bây giờ tác động, biến đổi rất nhanh dưới tác động của khoa học công nghệ kỹ thuật. Tôi đã từng nói chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được sự thay đổi như thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ hiện nay, thế giới đương đại chúng ta đang sống. Không gian gần như co lại, thời gian gần như ngắn lại và sự vật vận động rất nhanh.

Theo tôi, Đảng cần có một cơ chế tốt để lựa chọn được những cá nhân tốt, tận dụng được cơ hội thời cơ tốt và phát huy được vai trò chủ động của nhà nước trong việc định ra và thực thi những chính sách kinh tế xã hội. Nếu nhà nước không phát huy được tính chủ động thì hiệu quả thực tế sẽ không cao.

Có một điều mà dường như tôi chưa từng nghe ai phát biểu, đó là ở vào thời đại của chúng ta khác những thời đại trước ở chỗ tư duy mạnh hơn kinh nghiệm. Kinh nghiệm có thể chiếm vai trò rất quyết định trong nền kinh tế nông nghiệp. Sang kinh tế công nghiệp cũng vẫn còn vai trò lớn, nhưng sang thời kỳ này kinh nghiệm không bằng tư duy.

Đặc biệt, hiện nay, quy mô không bằng tốc độ. Tuổi thọ sản phẩm đang ngắn lại khi các sản phẩm mới liên tiếp ra đời. Một doanh nghiệp lớn, trong thời gian 5 năm, chắc gì đã phát triển bằng một anh doanh nghiệp nhỏ nhưng có tốc độ phát triển nhanh.

Trong bối cảnh này, Đảng phải xác định nhiệm vụ mấu chốt là phát huy hơn nữa vai trò chủ động của nhà nước. Hội nghị TƯ 4 tới đây cũng sẽ có chương trình để bàn về việc này.

  • VietNamNet

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,