(VietNamNet) - Từng là một cộng sự về công tác tổ chức của Đảng ở nhiều thời Tổng bí thư, ông Nguyễn Đình Hương rất tâm huyết và có kinh nghiệm khi bàn về cơ cấu tổ chức, về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, TƯ và địa phương, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy. Đặc biệt, ông mạnh dạn đề xuất một số ý kiến để làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện, của Đảng.
>>>Giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước
>>>Cái "khó" của nghề Bộ trưởng hay chuyện cơ chế
"…Không chỉ là xếp mâm này sang mâm kia"
- Thưa ông, hôm nay Hội nghị TƯ 4 sẽ khai mạc. Một trong những nội dung của Hội nghị lần này là bàn thay đổi cơ cấu tổ chức. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác tổ chức, theo ông, Hội nghị nên bàn vào vấn đề gì?
Hội nghị TƯ 4 bàn về thay đổi tổ chức nhưng phải dựa trên cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chứ không phải chỉ là xếp mâm này sang mâm kia.
Cái cơ bản là đổi mới hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng, phân rõ Đảng làm gì, Nhà nước, Quốc hội làm gì, mối quan hệ giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp sao cho có một cơ chế rõ ràng.
Tất cả những điều này phải được xem xét trong điều kiện Đảng cầm quyền thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Một đất nước đương trong quá trình hội nhập. Nhà nước đang trong quá trình xây dựng pháp quyền để có thể thấy sự phân định rõ ràng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Vì thế, Đảng không thể vượt qua pháp luật, Đảng lãnh đạo nhưng không thể đứng trên Nhà nước, làm thay Nhà nước. Vấn đề mà pháp luật đã ban hành rồi thì Đảng không thể quyết định khác, không một cá nhân nào đặt quyền lực của mình lên Quốc hội.
Xây dựng được cơ chế này rất khó, phải bàn rất kỹ.
"Nhà nước có mạnh thì mới thực hiện được mục tiêu của Đảng đề ra"
- Có nhiều ý kiến nói rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Đảng phải làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò chủ động của Nhà nước. Theo họ, vẫn có tình trạng Đảng làm thay cả một số công việc thuộc chức năng của Nhà nước. Ý kiến của ông?
Ông Nguyễn Đình Hương trong một cuộc họp. Ảnh tư liệu. |
Có ai đó nói rằng nếu ở lĩnh vực nào mà Nhà nước khoẻ rồi thì Đảng nên bớt vai trò của mình đi, tôi thấy không được.
Quan trọng nhất là phải xem lại ba chức năng chủ yếu nhất, quan trọng nhất của Đảng: Một là: định ra đường lối có các nghị quyết, có nghị quyết xong, nhà nước phải cụ thể hoá bằng pháp luật, nghị định, chính sách; Hai là công tác cán bộ; Ba là kiểm tra việc thực hiện nghị quyết xem có thực hiện đúng hay không, có lệch hay không, chệch hướng hay không.
Những vụ án bình thường để cho toà án xử theo pháp luật. Những vụ án phức tạp xử hay không xử quan trọng lắm. Đảng phải có ý kiến chỉ đạo.
Ví dụ như vụ PMU18, ông Bùi Tiến Dũng phạm tội, thế trách nhiệm của ông Đào Đình Bình thì sao. Vụ Lã Thị Kim Oanh, ông Ngọ "bị" quy trách nhiệm sao vụ này ông Bình lại không bị?
Vụ "siêu lừa" Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hoà, ai chịu trách nhiệm không rõ? Làm tổ chức lọt ông Năm Huy quan hệ với xã hội đen vào, ông Trần Mai Hạnh có sai phạm vào Trung ương, ai chịu trách nhiệm?
Tôi nói bão lụt thì do trời nhưng những việc do mình làm, gây ra, thất thoát hư hỏng không ai chịu trách nhiệm, kể cả cán bộ giữ trọng trách cao nhất. Đảng phải kiểm tra để làm rõ những việc đó.
Tôi nhớ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước: Đảng độc quyền lãnh đạo, Nhà nước quản lý, do đó, Đảng phải đưa nhiều cán bộ xuất sắc sang bên Nhà nước để quản lý Nhà nước. Quản lý Nhà nước tốt tức là thành tích của Đảng tốt. Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết. Sau khi Nghị quyết ra, người thực hiện là Nhà nước, cụ thể hoá. Nhà nước có mạnh thì mới đạt được mục tiêu mà Đảng đề ta. Lý luận đó tôi cho là đúng, tôi cho là như vậy. Nhà nước không khoẻ thì Đảng không thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình.
Tinh gọn các Ban Đảng như thế nào?
- Nhưng thực tế vẫn có tình trạng tồn tại song trùng: ví dụ Nhà nước có Bộ, ngành nào thì Đảng cũng có các Ban tương tự. Vì vậy, có nên giảm bớt các ban này thế nào?
Có vấn đề thế này, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Bốn vị đứng đầu đất nước tất nhiên là những người lãnh đạo cao nhất của Đảng rồi. Đó là sự lãnh đạo rồi. Bên Chính phủ đều là những người trong Bộ Chính trị. Vì thế cho nên, không cần phải có các Ban của mình thì Đảng cũng đã thể hiện sự lãnh đạo một cách tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện rồi.
Tất nhiên, có các cơ quan quan trọng của Đảng không thể thay đổi được: Đó là Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Tuyên huấn, Văn phòng TƯ, Trường Đảng. Tôi thấy từ khi lập Đảng đã có 3,4 cơ quan ấy.
Ban tổ chức để chuyên về tổ chức cán bộ của Đảng; Ban kiểm tra Đảng là để giữ kỷ luật Đảng nghiêm, Ban Tuyên huấn để đảm bảo giáo dục; kiểm tra công tác tư tưởng trong Đảng - đoàn kết trong Đảng là phải bắt đầu từ việc tư tưởng, quan điểm; văn phòng để tiếp công văn, giúp việc cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ.
Còn các cơ quan khác như Ban kinh tế, Ban dân vận, Ban bảo vệ chính trị nội bộ, Ban nội chính, Ban an ninh là sau này mới có - phụ thuộc quan điểm của lãnh đạo mỗi thời kỳ.
Nếu mạnh dạn, tôi cho rằng nên bàn cụ thể sự tồn tại các ban trên, đồng thời bỏ hành chính hoá các đoàn thể. Muốn mạnh phải thế. Hồi kháng chiến khác, động viên nhau ghê lắm, ba sẵn sàng, ba đảm đang. Bây giờ không nên giữ hệ thống tổ chức các đoàn thể như thời còn chiến tranh.
Quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm chính trị của mỗi vị trí
- Trở lại với vấn đề ông đã đề cập ở trên. Ông có thấy rằng thực tế rất khó để quy trách nhiệm cá nhân cho một ai đó?
Việc quy trách nhiệm như thế nào lại phải xem xét. Vì thực tế, người ta có nhiều cách để trốn trách nhiệm lắm.
Thông thường thì ai cũng kể thành tích còn khi xảy ra sự việc thì chẳng ai nhận tránh nhiệm về mình mà đổ cho tập thể, cho người khác. Ví dụ rõ nhất là sai lầm về giá lương tiền hồi trước Đổi mới mà tôi còn nhớ.
Khi phạm sai lầm về cải cách ruộng đất, Bác Hồ đã cùng với TƯ chỉ đạo kiểm điểm và quy trách nhiệm cá nhân. Ba đồng chí phải ra khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh phải rút khỏi vị trí Tổng Bí thư.
Khi Bác nghe chuyện một ông Khu uỷ làm nhà sàn (trước kia ta có Khu tự trị), Bác gọi đến, mời ông này vào Phủ Chủ tịch ăn cơm đàng hoàng rồi hỏi một câu thôi: " Tôi nghe chú làm nhà to lắm phải không. Chú thích ở nhà to như thế à". Ông ta chột dạ sau đó về biến ngay nhà thành trụ sở, còn mình ở nhà khác. Ông Nguyễn Văn Linh cũng nghiêm khắc. Ông ấy từng đuổi ngay một ông Uỷ viên Trung ương ra khỏi Hội nghị trung ương đang họp vì có nhiều vi phạm.
Bây giờ, việc quy trách nhiệm như thế nào chưa hẳn đã rõ ràng. Chẳng hạn như vụ bão lũ vừa qua, phải cách chức một cán bộ phụ trách khí tượng vì dự báo bão không đúng, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng như thế lại cũng dễ dẫn tới hiện tượng người mới lên sợ chịu trách nhiệm nên dự báo bão ở phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, dự báo kiểu đó, người dân chịu những thiệt hại lớn.
Cho nên như tôi đã nói, phải quy rõ trách nhiệm của từng vị trí, từng việc ra thì mới định lượng được cán bộ.
- Nhưng bản thân việc quy định quyền hạn và trách nhiệm của từng vị trí như thế nào cũng chưa được rõ ràng. Chẳng hạn như khi xảy ra sai phạm, hoặc cá nhân không hoàn thành công việc, Thủ tướng không thể xử lý kỷ luật cán bộ nếu không được Bộ Chính trị và Quốc hội đồng ý.
Khi xảy ra vụ PMU18, Thủ tướng nói không có quyền đình chỉ Bộ trưởng Đào Đình Bình mà phải đưa ra Bộ chính trị, Bộ chính trị lại bảo phải đưa ra Quốc hội.
Lẽ ra, nếu quy trách nhiệm thì chỉ riêng việc đổ tàu thì đã có thể cách chức được rồi. Hồi ông Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng Thuỷ lợi để xảy ra vụ vỡ đê Mai Lâm, Bác Hồ cũng cách chức luôn.
Bây giờ thì vướng mắc nhiều do các quy định rất rắc rối.
Ngay Bộ trưởng Bình cũng có cái khó của người ta. Khi phân công cho Thứ trưởng phụ trách PMU18 mà Thứ trưởng làm không tốt thì Bộ trưởng chỉ có quyền phân công anh ta làm việc khác mà không có quyền cách chức. Lẽ ra, Thứ trưởng dưới quyền Bộ trưởng; Bộ trưởng có quyền cách chức và chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vị trí dưới quyền mình.
Rồi mối quan hệ giữa TƯ và địa phương? Cơ quan tiếp dân ở TƯ mỗi lần thấy dân đến khiếu kiện thì cử 1 cán bộ ra tiếp, nhận thư, đóng một cái dấu: "đã nhận được thư” rồi chuyển về địa phương, trong khi ở tỉnh đã không giải quyết được. Luẩn quẩn.
Lẽ ra, nên quy định rõ: Dân của tỉnh nào, chủ tịch tỉnh ấy phải chịu trách nhiệm. Địa phương nào để dân kiện nhiều thì trước hết lãnh đạo tỉnh đó phải kiểm điểm trước TƯ.
Các Bộ thì chỉ quản lý nhà nước. Quyết định là như thế nhưng Bộ vẫn giữ nhiều quyền, nhất là quyền bổ nhiệm cán bộ các đơn vị bên dưới.
Hay tỉnh cũng thế, quyền ghê gớm lắm, nhưng nhiều việc thuộc quyền "anh" không làm vì sợ quyết định sai thì bị kỷ luật nên cái gì cũng xin ý kiến tập thể, xin ý kiến trên.
Chúng ta vẫn thường nói: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ nhưng nhân dân làm chủ là thế nào, làm chủ lúc nào, làm chủ theo cơ chế thế nào? Chúng ta đôi khi hay hô khẩu hiệu: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng mà dân đến đâu mà kiểm tra? Kiểm tra lúc nào? Dân bàn lúc nào? Cái gì dân được bàn? Phải làm rõ ra!
- Xin cảm ơn ông!
-
Đăng Việt (thực hiện)