(VietNamNet) - Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị là thảo luận và quyết định một số vấn đề về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân không rõ.
>>>"Làm rõ quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước"
>>>Giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước
>>>Cái "khó" của nghề Bộ trưởng hay chuyện cơ chế
Khắc phục tình trạng chồng chéo, làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân
Cần sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của Đảng gắn với kiện toàn, tổ chức bộ máy nhà nước, khắc phục sự chồng chéo. |
"Nghị quyết Đại hội X đã đề ra yêu cầu sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của Đảng, đặc biệt là các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng ủy khối ở Trung ương và các địa phương gắn với kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, để tạo ra "cơ chế vận hành thông suốt trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" là vấn đề có tính khoa học về tổ chức" và "hết sức hệ trọng, nhạy cảm, cần được nghiên cứu, thảo luận để đi đến các quyết định đúng đắn".
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng cho rằng, hội nghị cần tính toán để tiến tới việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp và việc tổ chức bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp sao cho hợp lý hơn về thời điểm, bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả cao, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan của Đảng và cơ quan nhà nước trong việc xem xét về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác tổ chức, cán bộ, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.
Hoàn thiện cơ chế bầu cử để nâng cao chất lượng đại biểu QH
Bên cạnh vấn đề kiện toàn tổ chức Đảng và Nhà nước, theo Tổng Bí thư, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội cũng cần được Hội nghị bàn thảo kỹ.
Tổng Bí thư cho rằng việc"xác định phương hướng chuẩn bị nhân sự và lãnh đạo bầu cử theo đúng các quy định của pháp luật để bầu được những đại biểu Quốc hội thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có phẩm chất và năng lực tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, là một vấn đề hết sức quan trọng, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân".
Tác động của WTO đến mức nào còn tuỳ vào bản lĩnh của chúng ta
Nói về WTO, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng việc gia nhập WTO là một thắng lợi quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, thắng lợi này vừa tạo ra những cơ hội lớn, vừa đặt ra những yêu cầu mới và thách thức không nhỏ.
"Cơ hội không tự nhiên biến thành lợi ích mà tùy thuộc vào khả năng tận dụng của chúng ta", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để phát triển. Thách thức dù là sức ép rất lớn nhưng tác động đến mức nào còn tùy thuộc vào bản lĩnh và sự nỗ lực chủ quan của chúng ta.
Nếu chúng ta có quyết tâm cao, có sự chuẩn bị tích cực bằng những chủ trương chính sách đúng đắn, biện pháp hiệu quả và sự vươn lên nhanh chóng thì không những vượt qua được thách thức mà còn có thể biến chính các thách thức đó thành động lực cho sự phát triển".
Giải pháp căn bản, theo người đứng đầu Đảng là phải xây dựng cho được những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, bảo đảm đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững, giữ vững độc lập chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng Chiến lược biển
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư cũng nêu rõ Hội nghị Trung ương lần này sẽ thảo luận toàn diện về vị trí, vai trò của biển, cả về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại để xây dựng "Chiến lược biển đến năm 2020" và tầm nhìn xa hơn.
Theo Tổng Bí thư, đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của biển, vùng ven biển và hải đảo, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần tạo thêm thế và lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, làm chủ vùng biển của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
-
K.L