221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
887840
Người dân sẽ trực tiếp bầu thị trưởng?
1
Article
null
Người dân sẽ trực tiếp bầu thị trưởng?
,

(VietNamNet) - Tại hội thảo "Xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM - một yêu cầu tất yếu của cuộc sống" vừa qua, một số ý kiến đề xuất chính quyền đô thị hiện đại cần gắn với cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng (chức vụ tương ứng với Chủ tịch UBND thành phố hiện nay) như nhiều nước trên thế giới.

Bầu được người có tài năng, uy tín

Soạn: HA 1010657 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hiện tại, ngay cả việc bỏ phiếu tại HĐND cũng bị đánh giá đôi khi mang tính hình thức. (Ảnh minh họa: Phạm Cường)

Ngược lại với một số ý kiến này, có học giả cho rằng, cơ chế trên khó phù hợp với VN. Tuy nhiên, các thành phố của Trung Quốc đã chuyển sang chế độ thị trưởng từ năm 1995 và áp dụng hình thức bầu cử trực tiếp.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng, cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng được tiến hành bằng việc có nhiều hơn một ứng viên do tổ chức Đảng, tổ chức xã hội tiến cử qua nhiều vòng tranh cử nội bộ trình bày chương trình hành động của mình, tiến hành vận động tranh cử thông qua nhiều hình thức khác nhau. 

Trên cơ sở đó, người dân bỏ lá phiếu chọn ra người tài năng nhất. Các vị thị trưởng đắc cử qua bầu cử trực tiếp, công khai, minh bạch này thường là những người có tài năng, uy tín.

PGS Hòa cho rằng, dân chủ trực tiếp bao gồm cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng là mức phát triển cao của dân chủ. Mức độ dân chủ tăng cùng với từng giai đoạn phát triển của chính quyền đô thị.

"Chúng ta cần tăng cường khả năng tranh cử trong nội bộ Đảng thì các lựa chọn mới tốt" - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trả lời phỏng vấn VietNamNet (chi tiết).

Có thể phân quá trình xây dựng chính quyền đô thị hiện đại thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tập trung hóa cao, lập chính sách và ban hành từ trên xuống, Nhà nước nắm hầu hết các lĩnh vực khác nhau. Bộ máy quản lý ra đời từ chỉ định và dân chủ gián tiếp thông qua các tổ chức dân cử. Mức GDP bình quân trong giai đoạn này dưới 1.000 USD/năm.

Giai đoạn 2: Hoạt động kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn, chính phủ chỉ nắm một số khâu trọng yếu, dân chủ trực tiếp. Kiểm soát xã hội bằng luật pháp và các sức mạnh xã hội khác. Mức GDP bình quân trong giai đoạn này trên 2.000 USD/năm.

Ở giai đoạn 3, Nhà nước đóng vai trò là người bảo vệ bằng hành lang pháp luật và hỗ trợ bằng chính sách cho xã hội phát triển. Phân quyền triệt để, dân chủ trực tiếp, tự quản mạnh mẽ. Tư nhân đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế. Mức GDP bình quân trong giai đoạn này trên 10.000 USD/năm.

Như vậy, dân chủ trực tiếp trong đó có cơ chế người dân trực tiếp bầu cử thị trưởng có thể được áp dụng từ giai đoạn 2.

Vẫn quen bổ nhiệm theo đánh giá của lãnh đạo

Tại hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cho biết, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Đề nghị này được chấp thuận hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự cởi mở đối với cơ chế mới này.

Một chuyện khác: Vào năm 2004, Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM đã xây dựng đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số Sở - ngành, quận - huyện. Đối tượng thi tuyển được mở rộng, không quan trọng đã vào Đảng hay chưa. Sau khi trúng tuyển, người trưởng, phó phòng sẽ được đánh giá mỗi năm một lần trong nhiệm kỳ 5 năm. Nếu không đạt yêu cầu sẽ bị bãi miễn và chuyển sang vị trí khác.

Việc này được coi là một bước đột phá hướng tới công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Một lãnh đạo cấp cao của TP.HCM giải thích: Dư luận nói về đề án như thế, nhưng chưa thực hiện được. Bởi vì, việc thi tuyển mới chủ yếu đánh giá về trình độ chuyên môn, trong khi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có cả phẩm chất đạo đức. Hơn nữa, người VN vẫn quen bổ nhiệm theo đánh giá của lãnh đạo.

Một số chuyên gia cải cách hành chính tỏ ý băn khoăn về sự dè dặt này. Họ cho rằng, bản thân đề án với việc xét kỹ lý lịch đã có thể đánh giá được một phần phẩm chất đạo đức của ứng viên. Hơn nữa, việc hàng năm có đánh giá, nếu không đạt yêu cầu sẽ bãi nhiệm, khiến người trưởng, phó phòng sau khi trúng tuyển không thể lơ là ý thức phục vụ người dân.

Người dân trực tiếp bầu thị trưởng và thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng là hai việc khác nhau, nhưng có điểm giống nhau: Cạnh tranh sòng phẳng bằng năng lực và uy tín trong một cơ chế minh bạch để bước vào vị trí lãnh đạo.

Trao đổi với VietNamNet về đề án thi tuyển trưởng, phó phòng, ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch MTTQ TP.HCM, khẳng định: "Vấn đề là Đảng có quyết tâm tuyển chọn người tài hay không".

Còn ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP, thẳng thắn: "Đề án này đụng đến cái cốt lõi, nhạy cảm nhất: sự dích dắc của chức, quyền, tiền, bạc, thân thích - chi phối hầu như toàn bộ việc chọn lựa vị trí suốt thời gian dài vừa qua".

Câu hỏi cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng có thể áp dụng tại VN hay không (sẽ được VietNamNet đề cập trong bài viết tiếp theo) dễ nhận được câu trả lời: "Dân chủ cần có quá trình và đi cùng với dân trí". Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn lại cho rằng: "Dân chủ thậm chí phải chủ động đi trước dân trí".

  • Phạm Cường

Bài 2: Người dân trực tiếp bầu thị trưởng, liệu có trái với nguyên tắc Đảng cử dân bầu? (Trao đổi của PV VietNamNet với một quan chức phụ trách cải cách hành chính)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,