(VietNamNet) - Cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng có thể áp dụng tại VN hay không? Một liên tưởng đến sự dè dặt đối với việc thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số Sở - ngành, quận - huyện tại TP.HCM - việc được coi là tạo đột biến trong dòng chảy quen thuộc: cấp trên bổ nhiệm cán bộ. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc xung quanh vấn đề trên.
>>>Người dân sẽ trực tiếp bầu thị trưởng?
Ông Phúc nói: "Thực hiện quyền trực tiếp bầu lãnh đạo của người dân là rất quan trọng. Để có cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng cũng như dân chủ trực tiếp ở cấp thành phố cần có thời gian giải quyết đồng bộ, vì điều này liên quan toàn bộ hệ thống thể chế, cơ chế nhân sự của VN. Trong năm 2007 mới thí điểm cơ chế người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã.
Thời gian để cơ chế này ra đời phụ thuộc vào trình độ phát triển với hệ thống thể chế, ý thức pháp luật của người dân".
Không trái với cơ chế Đảng cử, dân bầu
- Thưa ông, việc áp dụng cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng có vướng mắc gì với cơ chế Đảng cử, dân bầu hiện nay?
- Không có mâu thuẫn gì cả. Lúc đó, các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình giới thiệu người và Đảng cũng giới thiệu người. Nếu Đảng lựa chọn những người tốt nhất thì dân sẽ lựa chọn.
Trách nhiệm của Đảng là giới thiệu được những con người tốt nhất để đảm nhận mỗi vị trí. Cần phát huy vai trò của hội đồng giám sát để xác định con người đó có xứng đáng hay không.
Mặt khác, hiện nay, yêu cầu rất mới là phải có sự tham gia của người dân trong cải cách hành chính, trong các quyết định của Nhà nước một cách thực sự. Đó là cơ chế giám sát, phản biện xã hội. Cơ chế này đòi hỏi cao hơn ở người làm lãnh đạo.
- Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến sự giới thiệu ứng cử rộng rãi của các tổ chức xã hội, có ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ, cần tăng cường khả năng cạnh tranh trong nội bộ Đảng?
- Đề cao quyền lựa chọn là một xu thế. Bây giờ, việc giới thiệu bầu cử trong Đảng đã có số dư 20 - 30%, chứ không phải cứ cử ra là trúng. Nếu sau này người dân có thể trực tiếp bầu chức vụ cao cấp trong Đảng thì càng tốt.
Dân chủ là một quá trình, không thể nôn nóng, không thể cứ thích là được. Nên nhớ, các nước đi trước đã có thể chế pháp quyền tư sản vài trăm năm với việc tập trung thực hiện từng mục tiêu.
Thi tuyển có thể đánh giá cả "chuyên" lẫn "hồng"
- Có học giả cho rằng dân chủ không chờ dân trí, mà phải chủ động đi trước dân trí. Vậy mà, ngay cả một việc được xem là trong tầm tay như đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số Sở - ngành, quận - huyện ở TP.HCM - bước đột phá trong công tác cán bộ - đã được xây dựng, nhưng sau đó lại chưa được triển khai. Ông nghĩ sao về việc này?
- Đề án với những ý tưởng mới này đáng được triển khai. TP.HCM thực hiện như thế là hơi chậm, nên làm càng sớm càng tốt.
Long An cũng đã triển khai đề án tương tự của TP.HCM từ tháng 12/2006. Đà Nẵng đang triển khai thi tuyển người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, như trường học, bệnh viện, các trung tâm, nhà văn hóa...
Ngoài ra còn có những đề xuất với ý tưởng mạnh hơn thế nữa.
- Có người giải thích sở dĩ có sự dè dặt trong thực hiện đề án trên tại TP.HCM là do còn băn khoăn việc thi tuyển mới chỉ xét được chuyên môn, khó xét được phẩm chất đạo đức và các yếu tố khác, tức là chỉ nhìn được "chuyên", chưa nhìn được "hồng"?
- Ngay bản thân nội dung thi tuyển đã đề cập đến cả "hồng" và "chuyên" rồi. Có đối thoại và có rà soát xem ứng viên là người này thế nào, qua hồ sơ, lý lịch. Khi quyết định bổ nhiệm, có thể thẩm định kỹ càng hơn nữa qua nhiều kênh thông tin.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phạm Cường (thực hiện)