221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
893150
MTTQ VN: Sắp hiệp thương chuẩn bị bầu cử Quốc hội
1
Article
null
MTTQ VN: Sắp hiệp thương chuẩn bị bầu cử Quốc hội
,

(VietNamNet) - Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ VN lần thứ tư (khóa VI) được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 29 - 31/1 đã đưa ra kế hoạch tham gia công tác tổ chức bầu cử Quốc hội (ngày 20.5/2007).

Dự kiến nhiều người hơn để lựa chọn

Soạn: HA 1021475 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu tại hội nghị. (ảnh: Phạm Cường)

Theo Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN, MTTQ có vai trò quan trọng trong việc tham gia công tác bầu cử, nhất là công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, tổ chức các hội nghị cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và giám sát quá trình tổ chức bầu cử.

MTTQ VN đặt ra yêu cầu đảm bảo công tác hiệp thương thực sự dân chủ, đúng quy trình, không để xảy ra vi phạm luật bầu cử.

Việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử cơ bản vẫn theo quy trình hiệp thương đã thực hiện trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2002, có sửa đổi, bổ sung một vài điểm để mở rộng dân chủ trong việc giới thiệu người ứng cử như: Trong lần hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ phải dự kiến nhiều người hơn để lựa chọn dần theo các bước hiệp thương, bảo đảm mỗi đơn vị bầu cử dư ít nhất hai người.

Thời gian nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử chậm nhất là 17h ngày 16/3/2007. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba chậm nhất là ngày 15/4/2007.

Bà Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, khẳng định, theo chủ trương chung, cuộc bầu cử này sẽ đạt 30% số đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Huy động nhân tài cho phản biện xã hội

Một số vấn đề về lý luận và tổ chức MTTQ chiếm thời lượng đáng kể của hội nghị.

Bỏ phiếu tín nhiệm: Thực tế yếu kém hơn

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành đã triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh là Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã trong năm 2006, số người được lấy tín nhiệm là 12.595 người. Có 67 người đạt số phiếu tín nhiệm dưới 50%, chiếm tỷ lệ 0,53%. Đối với chức danh trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, có 1.049 trên tổng số 41.053 người được lấy phiếu tín nhiệm đạt số phiếu tín nhiệm dưới 50%, chiếm tỷ lệ 2,56%.

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt khẳng định, hầu hết những người đạt tín nhiệm dưới 50% bị bãi nhiệm. "Việc bỏ phiếu đã có bước đầu thành công nhưng chưa phản ánh hết thực tế, thực tế còn yếu kém hơn".

Theo GS Tương Lai, nghị quyết của Đại hội X vừa trao cho MTTQ chức năng phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đây chính là nhiệm vụ lớn lao mà không một tổ chức nào có thể đảm đương thay cho MTTQ được. Nó đáp ứng đòi hỏi của việc mở rộng dân chủ trong giai đoạn mới của sự nghiệp phát triển đất nước.

Làm tốt chức năng phản biện chính là nâng cao chất lượng phát huy dân chủ để tăng cường đoàn kết trên cơ sở cùng có lợi, "cùng thắng", chứ không phải "ai thắng ai" (theo cách tư duy cũ quá đề cao đấu tranh giai cấp - PV).

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Viện Nhà nước và Pháp luật, phân tích chức năng phản biện xã hội của MTTQ: Phản biện xã hội là yêu cầu tất yếu của thể chế chính trị. Phản biện xã hội là cộng đồng đóng góp ý kiến, hiến kế như trong các hoạt động: Góp ý kiến xây dựng các các quyết sách, các dự án luật, các công trình trên toàn quốc...

Tuy nhiên, hoạt động phản biện xã hội nhiều năm qua chưa được đẩy mạnh, việc tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia còn hạn chế.

Phản biện xã hội cần có cơ chế rõ ràng, MTTQ cần động viên các tầng lớp nhân dân, huy động được nhân tài để đẩy hoạt động này lên.

Nhiều người nghèo, có nguy cơ bị sa thải

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết một số giải pháp kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm nay cần có sự huy động sức mạnh từ mọi tầng lớp nhân dân của MTTQ.

Năm nay, chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP của VN là 8,5%, giảm khai thác dầu thô để giữ gìn mỏ dầu. Phấn đấu tỷ lệ đầu tư cao hơn 40% với việc phát triển quy mô thị trường chứng khoán.

Sau khi hội nhập, GDP sẽ tăng trưởng rất nóng, nhưng cái đáng lo là đất nước vẫn còn 70 - 80% nông dân và một số lượng công nhân đáng kể có nguy cơ bị sa thải nếu làm ăn kém, trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Năm tới cần tập trung xóa đói, giảm nghèo. VN hiện có 19% hộ nghèo và trên mức nghèo theo chuẩn.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đã đến lúc đẩy mạnh tận dụng lợi thế về biển và vị trí "ngã tư của thế giới" với việc xây dựng các thương cảng lớn.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc xây dựng đại học đẳng cấp cao, nâng cấp giáo dục phổ thông, thí điểm cổ phần hóa một số trường đại học, thí điểm dân chủ trực tiếp ở cấp xã, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường cao tốc và hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Hướng tới việc tinh giản đầu mối trong bộ máy nhà nước, xây dựng các Bộ đa ngành, nâng cao chế độ trách nhiệm, tổ chức lại cơ cấu Quốc hội với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

  • Phạm Cường 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,