221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
898164
4 giờ trực tuyến cùng Thủ tướng
1
Article
null
4 giờ trực tuyến cùng Thủ tướng
,

(VietNamNet) - Thẳng thắn, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào dù nhạy cảm hay mang tính chất riêng tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại trực tuyến với người dân trong suốt gần 4 giờ đồng hồ không ngơi nghỉ. Ấn tượng để lại trong những người trực tiếp thực hiện cuộc đối thoại cùng ông là phong thái tự tin, đĩnh đạc và sự cởi mở, giản dị đến bất ngờ của một nhà lãnh đạo cấp cao.

 

>> Chuyện bên lề giao lưu với Thủ tướng

 

Vượt quá thời gian 60 phút so với dự kiến, Thủ tướng đã trả lời hơn 30 câu hỏi về tất cả các vấn đề, kể cả một số câu hỏi riêng tư.

Trả lời không văn bản soạn sẵn trong gần... 4 giờ liền

Theo kế hoạch, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng tổng biên tập 3 tờ báo điện tử phải có mặt lúc 8h30' ở trụ sở Website Chính phủ. Ai cũng cố gắng có mặt sớm hơn 5-10 phút, để chủ động lo liệu mọi sự việc phát sinh bất thường. Tuy nhiên, không ai ngờ lúc 8h15', Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến, trước cả Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao.

8h40p: Thủ tướng di chuyển sang phòng đối thoại trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Trước khi vào phòng đối thoại, Thủ tướng rất vui vẻ nói chuyện về Internet với 3 vị tổng biên tập. Ông trấn an họ rằng "không có gì phải ngần ngại" khi đặt câu hỏi cho ông trong ít phút nữa.

Phòng đối thoại trực tuyến ngay lập tức nóng lên khi Thủ tướng bước vào. Trước những kỳ vọng lớn lao của nhân dân gửi gắm vào hơn 20.000 câu hỏi, Thủ tướng đã quyết định sẽ bắt đầu buổi làm việc vào 8g45, sớm hơn 15 phút so với kế hoạch.

"Là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới dùng mạng internet để kết nối với dân bằng việc lắng nghe và trả lời các câu hỏi, suy tư của họ" như nhận xét của báo giới quốc tế nhưng điều gây ngạc nhiên đối với đông đảo giới phóng viên là Thủ tướng hoàn toàn không chuẩn bị bằng văn bản cho các câu trả lời.

Suốt gần 4h đồng hồ, Thủ tướng "nói vo hoàn toàn" và trả lời các câu hỏi một cách thoải mái, điềm tĩnh.

Bản thân không chuẩn bị trước câu trả lời và cũng không ai chuẩn bị trước câu trả lời cho Thủ tướng nhưng ông đã giải đáp cặn kẽ mọi câu hỏi chính xác đến cả những số liệu về tài chính, kinh tế, xã hội mà không có một chỗ vấp, không có cố vấn, hay phụ tá bên cạnh.

Khi một người dẫn chương trình đọc câu hỏi của bạn đọc: “Chính phủ có những giải pháp gì dành cho 16% hộ nghèo ở Việt Nam hiện nay?”, Thủ tướng đã “chỉnh” ngay “Hiện nay số hộ nghèo ở nước ta là 19% chứ không phải 16%.”

Thậm chí, khi một vài người giúp việc ra dấu tỏ ý hỏi ý kiến ông rằng "Thủ tướng nên nghỉ giải lao 1 lát", ông đã xua tay, tỏ ý "Các bạn cứ tiếp tục đặt câu hỏi đi. Tôi không cần nghỉ".

Tốc độ trả lời các câu hỏi của Thủ tướng đã khiến đội đánh máy phải rất vất vả mới theo kịp. Trong phòng đánh máy, gần 30 nhân viên (đều là phóng viên, biên tập viên của 3 tờ báo điện tử đồng tổ chức sự kiện) căng sức để đẩy tốc độ gõ tiến kịp tốc độ nói.

Thủ tướng đã làm "nóng" phòng đối thoại bằng việc chọn trả lời trực diện với những câu hỏi khó, dù máy lạnh trong phòng trực tuyến vẫn miệt mài chạy. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Chính TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn "thật thà" kể lại với phóng viên: "Buổi sáng đi thấy trời lạnh, mình đã cẩn thận mặc cho đủ ấm. Nhưng rốt cuộc thì không khí "nóng" trong phòng được chính Thủ tướng "làm nóng" bởi trực diện giải đáp những câu hỏi "rất sốc", khiến mình chỉ muốn chạy ra cởi bớt... áo len".

Suốt buổi đối thoại, máy lạnh phòng trực tuyến vẫn chạy đều. Chính Thủ tướng là người vui vẻ, chủ động không né bất kỳ câu hỏi nào để trả lời nhân dân.

Những người có mặt chứng kiến từ giây phút đầu tiên Thủ tướng đến chuẩn bị buổi trực tuyến, cho tới khi ông rời trụ sở Website Chính phủ (tại 16 Lê Hồng Phong, Hà Nội), không ít người đã phải kinh ngạc trước sức khỏe dẻo dai của Thủ tướng.

Suốt 210 phút tập trung trả lời các vấn đề mà nhân dân đặt ra, nhà lãnh đạo đã 58 tuổi này không hề đứng lên lấy một lần, cũng không hề có một phút nghỉ giải lao.

Với hơn 20.000 câu hỏi gửi về chỉ trong thời gian ngắn qua Website Chính phủ, báo điện tử Đảng Cộng sản, báo điện tử VietNamNet, hơn ai hết, Thủ tướng là người hiểu rất rõ: Đó là tâm nguyện của nhân dân, đồng bào trong và ngoài nước.

Bởi vậy, ông đã đến trước thời gian dự kiến bắt đầu, cố gắng trả lời tối đa số lượng câu hỏi trong thời gian có thể, giải đáp khá nhiều vấn đề, nhưng cũng chỉ giải đáp được hơn 30/ hơn 20.000 câu hỏi, dù thời gian trả lời đã kéo dài hơn khi ấn định tới... 60'.

Và Thủ tướng hứa sẽ tiếp tục tiếp nhận các câu hỏi mà nhân dân gửi về, phân loại, chuyển cho các bộ, ngành xử lý, trả lời. Dự kiến, việc Thủ tướng đối thoại trực tuyến với nhân dân sẽ được tổ chức định kỳ, bởi theo lời 1 nhà tổ chức "sự kiện này dù tổ chức lần đầu tiên nhưng đã hoàn hảo".

Những câu trả lời bất ngờ

Điều gây bất ngờ lớn nhất, với độc giả trong và ngoài nước cũng như giới báo chí là cách Thủ tướng Việt Nam đối diện với những câu hỏi tưởng như cực kỳ nhạy cảm vốn không dễ trả lời. Từ chuyện chống tham nhũng, tới chính sách đất đai và cả chỉ thị cấm tư nhân hoá báo chí đã được ông đề cập một cách thẳng thắn, không né tránh, không vòng vo.

Thẳng thắn, công khai, trực diện, minh bạch với tầm tư duy bao quát mọi vấn đề của đất nước, là cách mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Cánh phóng viên có mặt trong phòng theo dõi cuộc trực tuyến đã phải "ồ" lên khi Tổng Biên tập VietNamNet chuyển tới Thủ tướng câu hỏi của một bạn đọc từ Ba Lan: "Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy, có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không"?

Câu hỏi này được giới phóng viên nước ngoài bình luận ngay là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã trả lời một cách nhẹ nhàng, thoả đáng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cười rất tươi và trả lời không chút bối rối một câu hỏi tưởng như gây sốc: "Có người nói, con gái ông lấy chồng Việt Kiều, 2 con ông đi học ở Mỹ, trong khi trước đây ông chiến đấu chống Mỹ"?.

Trước đó, nhiều độc giả đã từng gửi thư về VietNamNet tỏ ra nghi ngờ liệu những câu hỏi như thế có đến được với Thủ tướng và người đứng đầu Chính phủ có "dám" trả lời ?.

Rốt cuộc, những thắc mắc ấy lần lượt được chính Thủ tướng vui vẻ giải đáp khi các câu trả lời lập tức xuất hiện đồng thời trên website của 3 tờ báo.

Một đồng nghiệp nhận xét rằng, có cảm giác hình như qua cung cách trả lời, Thủ tướng không thấy bất ngờ bởi một vấn đề một câu hỏi nào? Hình như ông đã có sẵn nhiều thứ và chỉ đợi có dịp là bật ra? Tất cả các nội dung trả lời như được phát ra một cách tự nhiên, nhanh chóng từ trong máu, thịt của Thủ tướng khiến người đối diện có cảm giác rằng những điều trăn trở của nhân dân cũng là những ưu tư, những trăn trở từ rất lâu của Thủ tướng.

Sự công khai, minh bạch và thành thật của một vị lãnh đạo cấp cao khi nói về chuyện con trai mình du học ở Mỹ bằng kinh phí đào tạo tiến sĩ của Nhà nước đã nhận được sự cảm phục từ độc giả từ mọi nơi đang theo dõi cuộc đối thoại.

Trong khi đó, giới nhân sĩ, trí thức lại đồng cảm với những ý tưởng tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ về việc tuyển chọn người tài. Tuy không có câu hỏi và trả lời trực tiếp về trí thức, nhưng qua những nội dung ông trình bày toát lên một sự thấu hiểu, một sự trân trọng va nỗ lực muốn phát huy cao nhất mọi trí tuệ của người trí thức chân chính.

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách thích hợp, đúng đắn để đào tạo và trọng dụng nhân tài.

Thứ hai, phải thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường thì nền kinh tế mới phát triển nhanh, bền vững, doanh nghiệp mới phát triển.

Thứ ba, để người có tâm, tài vào làm việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không có cách nào khác là phải thực hiện dân chủ”.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Bình, một kiều bào ở Mỹ đã mail ngay về VietNamNet để chia sẻ sự tâm đắc của mình với quan điểm của Thủ tướng. Theo Tiến sỹ, Thủ tướng đã đi thẳng vào bản chất của vấn đề chiêu mộ, sử dụng người tài làm sao cho hiệu quả. Những câu trả lời như vậy đã giúp người dân trong và ngoài nước cảm thấy thực sự tin tưởng vào tư duy và tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ trước những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc trọng dụng người hiền tài.

Toát ra sự chân thực, bình dị từ đáy lòng

Nếu như cách trả lời thẳng vào những câu hỏi nhạy cảm hay mang tính chất riêng tư gây ấn tượng với người dân và giới quan sát về sự tự tin và bản lĩnh của một chính khách thì chính lối nói chuyện cởi mở, chân thành và giản dị lại thuyết phục những người đối thoại về một phong cách cá nhân nhà lãnh đạo không xa rời với dân chúng. Giống như chính điều mà ông tâm sự, trả lời câu hỏi của độc giả  "Tôi yêu nhất sự trung thực và ghét nhất sự giả dối".

Không khí tường thuật khẩn trương, tập trung cao độ của các phóng viên, biên tập viên VietNamNet tại phòng tường thuật trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Khi được hỏi: "Khi nhận nhiệm vụ, ông có nghĩ, sau 7 tháng, mình có uy tín cao trong đồng bào như hiện nay không?", Thủ tướng dường như không giấu nổi sự xúc động. Ông lặng đi, mắt nhìn vào chốn xa xăm và nói : "So với nhiệm vụ và sự mong đợi, đòi hỏi của nhân dân, tôi nghĩ mình còn phải phấn đấu nhiều hơn, quyết liệt hơn". 

Dường như, Thủ tướng ông đang nói với chính bản thân mình, đang tự vấn bản thân mình chứ không phải là đang trả lời bạn đọc toàn thế giới. Một sự thành thực, khiêm nhường, thực sự xuất phát từ đáy lòng ông.

Khi trả lời câu hỏi về quyết sách của Chính phủ trong xóa đói giảm nghèo và việc nông dân bị thu hồi đất trong quá trình công nghiệp hóa, giọng ông chùng hẳn xuống.

Nét mặt Thủ tướng không giấu vẻ ưu tư khi khẳng định, đây là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước, "không thể có chuyện công nghiệp hoá, hiện đại hóa mà đời sống của đồng bào lại kém đi".

Thế nhưng chính phần đối thoại của ông với một độc giả trẻ lại được bình chọn là câu trả lời tâm đắc nhất mà lý do, theo người dân là "qua đó, Thủ tướng đã thể hiện một phong cách hết sức bình dị, gần gũi".

Trước câu hỏi thú vị của Lê Trung Hiếu "Thưa chú Nguyễn Tấn Dũng, cháu có nguyện vọng sau này sẽ làm Thủ tướng, Xin chú có thể nói cho chúng cháu biết về kinh nghiệm của chú để trở thành một thủ tướng Chính phủ như hiện nay?", Thủ tướng thân mật: "Trước hết, với cháu Lê Trung Hiếu, chú hoan nghênh nguyện vọng của cháu, chúc cháu sẽ thành công. Về kinh nghiệm của chú để trở thành Thủ tướng Chính phủ, thật tình đến lúc này chú chưa lúc nào có thời gian suy nghĩ xem mình có kinh nghiệm gì để trở thành Thủ tướng. Nhớ lại, hôm Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu bầu Thủ tướng, chú chưa nghĩ sẽ trở thành Thủ tướng Chính phủ".

Đọc câu hỏi và câu trả lời của Thủ tướng, không ai nghĩ là đó là cuộc giao lưu giữa người đứng đầu Chính phủ và người dân thường. Đó như là cuộc trò chuyện thân mật giữa ''chú'' Nguyễn Tấn Dũng và cháu Lê Trung Hiếu.

Kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng vui vẻ đồng ý chụp ảnh với tất cả các phóng viên, biên tập viên, mặc dù nhân viên an ninh tỏ ra... lo ngại.

Nhiều người có cơ hội tham gia trực tiếp buổi đối thoại tỏ ra nuối tiếc: Nếu ban tổ chức chuẩn bị sẵn sàng để có thể tường thuật trực tiếp lời Thủ tướng bằng âm thanh trực tiếp, thì những người dân tham gia đối thoại cùng ông sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn tiếng nói, âm điệu và cả những lúc thở dài, trầm ngâm đầy ưu tư của vị Thủ tướng trẻ vốn đầy tự tin của đất nước.

TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn kể lại với phóng viên, chính ông Tuấn là người cuối cùng bắt tay tạm biệt để Thủ tướng lên xe. Thoáng trên gương mặt Thủ tướng vẫn phảng phất một chút vương vấn, luyến tiếc...

Còn cánh phóng viên, vỗn dĩ "thường tinh mắt, thính tai" và thường... để ý kỹ chi tiết, đã kịp ghi nhận một hình ảnh rất gần gũi: Chiếc ô tô chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời trụ sở 16 Lê Hồng Phong vẫn là chiếc Toyota quen thuộc ông vẫn hay dùng từ khi giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải là xe Mercedes như tiêu chuẩn dành cho lãnh đạo cấp cao.

Nói như bình luận của nhiều giới trong xã hội, gần 4h đồng hồ đối thoại trực tuyến có thể được coi là một cuộc sát hạch trước toàn thể nhân dân trong và ngoài nước và Thủ tướng đã trải qua cuộc sát hạch ấy một cách xuất sắc.

  • Minh Anh

Bình luận của các hãng thông tấn quốc tế và người dân trong nước về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với người dân:

Reuters: Cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính chịu trách nhiệm cao hơn giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với 84 triệu người dân Việt Nam, trong đó có hơn một nửa số dân dưới độ tuổi 35. Thủ tướng Việt Nam đã phá vỡ một thói quen sinh hoạt chính trị kéo dài hàng thập kỷ bằng việc tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên.

AP: Đây là lần đầu tiên, một vị Thủ tướng Việt Nam có cuộc giao lưu trực tuyến với người dân trong nước và ở nước ngoài. Kênh truyền thông mới sẽ góp phần tăng cường trao đổi cách nhìn, quan điểm và thông tin hai chiều giữa lãnh đạo với người dân.

AFP: Trong cuộc đối thoại trực tuyến lần đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến cả những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng và tự do báo chí trong một diễn đàn thu hút sự quan tâm với hơn 20,000 câu hỏi .

Nguyễn Đăng Tố (Quán Thánh- Hà Nội): "Tôi rất tâm đắc với ý kiến Thủ tướng trả lời về việc cho con đi học Mỹ và quan điểm của Thủ tướng với cuộc chiến tranh trước kia. Đối với khoa học không thể có phân chia giai cấp, chỉ có những người sử dụng nó mới mang yếu tố chính trị. Nền khoa học kỹ thuật của Mỹ, là những thành tựu của nhân loại. Và việc học nó mọi người có quyền bình đẳng như nhau".

Lê Văn Hùng (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội): ''Các câu trả lời của Thủ tướng đều sát thực tế, rõ ràng, có sức thuyết phục. Tôi thích 3 câu trả lời liên quan đến người nghèo. Thật vui mừng khi Thủ tướng đưa ra thông tin, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán và trình Chính phủ kế hoạch miễn học phí cho toàn bộ học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ người dân nghèo sẽ cảm thấy vui mừng vì được sự quan tâm như vậy''.

Ông Trần Phấn (một sỹ quan quân đội nghỉ hưu): "Hôm qua, mấy ông hưu trí cạnh nhà tôi có hỏi nhau: mong chờ của các ông bây giờ là cái gì? Hôm nay đọc câu trả lời của Thủ tướng, chúng tôi đều nhất trí rằng, không dễ dàng để trả lời những câu hỏi về đời tư, về quyết tâm, về sự yêu ghét như thế trước đông đảo nhân dân. Thú thực là hôm qua, chúng tôi không dám mong chờ những câu trả lời như thế!".

Lê Hồng Quang (Thanh Hoá): "Có người nói càng ở vị trí lãnh đạo trên cao, càng thấy đơn độc nhưng chú không thấy lúc nào mình đơn độc cả. Không biết những người khác nghĩ như thế nào, nhưng chú thấy cuộc đời này lúc nào cũng tốt đẹp" - Tôi rất thích câu trả lời này của Thủ tướng, một người đứng đầu Chính phủ với bao nhiêu công việc bộn bề mà vẫn lạc quan thế này, lại rất thân tình như vậy''.

 

   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,