(VietNamNet) - Trong khi kiều bào được xem là vũ khí bí mật, đội quân thứ 5 của nhiều nước đang trỗi dậy, thì trí thức Việt kiều vẫn phải đợi chờ, và VN vẫn chưa có một quyết tâm chính trị thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác đối với Việt kiều. Đó là chia sẻ của nhiều kiều bào.
>>17 kiều bào được bình chọn “Vinh Danh Nước Việt - 2006”
Các nước đang khai thác hiệu quả vũ khí bí mật của mình
Trong sự trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà phân tích quốc tế đã nghiên cứu và chỉ rõ vai trò của nguồn lực kiều bào.
Chưa bao giờ, Trung Quốc lại thu hút được đông đảo trí thức Hoa kiều về nước đóng góp đến thế. Với những chính sách thu hút như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa nước này trở thành "cường quốc thứ 2 thế giới về khoa học công nghệ". Các nhà phân tích còn nhận định "Hoa kiều là đội quân thứ 5 của Trung Quốc".
Xuân Quê hương - hoạt động chào mừng kiều bào về quê ăn Tết Đinh Hợi. Ảnh: Người viễn xứ. |
Báo chí gần đây cũng nói nhiều đến "vũ khí bí mật của Ấn Độ", điều làm nên sự phát triển vượt bậc của nước này, đó là người Ấn ở nước ngoài.
Trở lại với tình hình trong nước, nhìn vào thực tế chúng ta cũng thấy sức mạnh của nguồn lực kiều bào. Trong số hơn 3 triệu kiều bào thì có hơn 300 nghìn người Việt có trình độ cử nhân với khoảng 6 nghìn người có trình độ tiến sĩ. Trong số này có hàng trăm trí thức có tên tuổi được quốc tế và khu vực đánh giá cao. Ðã có nhiều người Việt thành đạt trong lĩnh vực chính trị, xã hội, giữ cương vị nhất định trong các thể chế của nước sở tại.
Về kinh tế, ước tính tổng thu nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới 40 tỷ USD/năm, tương đương với mức thu nhập hàng năm của hơn 80 triệu người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại thời điểm này, khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, nhu cầu về một nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập đặt ra cấp thiết. Trong bài viết "Việt Nam đang chạy áp chót", Đại sứ Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ nhận định "VN đang là người chạy áp chót trong cuộc đua thời đại hội nhập".
VN cần "nhìn thật sự thẳng thắn xem chúng ta đang ở đâu, ta đã bị bỏ xa đến đâu, ta có thể khai thác được những lợi thế nào và làm những gì để đưa đất nước tiến cùng thời đại. Đó là những bài toán rất cụ thể, phải dùng đến trí tuệ của cả dân tộc để tính toán". Đến lúc, phải soi chiếu bài học còn nguyên giá trị từ Trung Quốc, Ấn Độ. Và nguồn lực, trí tuệ của cả dân tộc phải tính đến nguồn lực, trí tuệ của Việt kiều.
Việt Nam: Trí thức kiều bào vẫn phải đợi chờ
Theo cảm nhận của nhiều nhân sĩ, trí thức Việt kiều, "trí tuệ kiều bào vẫn chưa được thử thách toàn diện để góp phần giải những bài toán hội nhập kinh tế quốc tế của VN".
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đi vào cuộc sống được gần 3 năm nhưng theo GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ, "vướng mắc cơ bản chính là rào cản tâm lý mà chưa có cơ chế phù hợp để xoá bỏ. Tôi có cảm tưởng là chưa có quyết tâm chính trị để thực thi Nghị quyết 36".
GS. Nguyễn Đăng Hưng tâm sự "những tưởng sau Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, những vướng mắt trầm kha tồn đọng từ 30 năm nay sẽ được giải toả. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, việc huy động và sử dụng nguồn lực chất xám Việt kiều vẫn không được triển khai, dù chỉ một bước". "Cái hố tách rời do lịch sử để lại vẫn còn chưa được bồi lấp với một tốc độ cần thiết". Và vấn đề chất xám Việt kiều còn là "vấn đề quá nhạy cảm", liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, chưa có cơ quan tổng diện điều động được nhiều bộ, đủ quyền lực, đủ tâm, đủ tầm, đủ ý chí đứng ra gánh vác.
Có cách nhìn nhận, đánh giá lạc quan hơn, ông Tạ Nguyên Ngọc, cán bộ Ủy ban người VN ở nước ngoài cho rằng, 3 năm qua, điều lớn nhất mà VN đã làm được là tạo nên một sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, tư duy. "Làm được điều này là rất khó". Tuy nhiên, "việc thực thi (NQ 36) vẫn còn e dè, chưa có nhiều sáng kiến mới", ông Vương Vũ Đức, Việt kiều tại Mỹ nói.
GS. Nguyễn Đăng Hưng làm rõ "hiện vẫn chưa thấy có những cơ chế hiệu quả, những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện, kỳ vọng vẫn còn ở những khẩu hiệu, những trang giấy. Các cơ quan chức năng dường như đã ngừng lại, không quan tâm đúng mức cho vấn đề này nữa. VN vẫn chưa có được một "quyết tâm chính trị đủ lớn" để đề ra những cơ chế mới mang tính đột phá, đẩy lùi những rào cản tâm lý còn tồn đọng cũng như những quan niệm cũ kỹ có thể do hậu quả của lịch sử để lại", ông Hưng nói.
-
Phương Loan
Bài 2: Trăn trở của người trong cuộc