221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
902072
Công tác kiều bào: Chính sách rõ ràng, vẫn phải làm "chui"
1
Article
null
Ba năm thực hiện Nghị quyết về người Việt Nam ở nước ngoài
Công tác kiều bào: Chính sách rõ ràng, vẫn phải làm 'chui'
,

(VietNamNet) - Hỏi chuyện bà con Việt kiều sau ba năm thực hiện Nghị quyết 36 về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, hầu hết họ đều tỏ ra ái ngại. Có người còn cho rằng: "Công tác Việt kiều không được triển khai, dù chỉ một bước".  

Theo đánh giá của nhiều kiều bào: "Năm 2006 là năm quan trọng của Việt Nam nhưng riêng về công tác đối với người VN ở nước ngoài thì không có gì "đột phá" hoặc mới mẻ". Ông Vương Vũ Đức, Việt kiều Mỹ nhận xét rằng: Nghị quyết 36 ra đời đã vài năm nhưng việc thực thi vẫn còn e dè, không thấy có nhiều sáng kiến mới. "Hai năm nay, công tác Việt kiều không được triển khai, dù chỉ một bước", Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì nói vậy. 

Câu chuyện chất xám kiều bào liên quan đến nhiều cơ quan, nhà nước, liên quan đến cả chính sách lớn của nhà nước, của từng địa phương. Chính sách lớn đã có nhưng quán triệt và thực thi cụ thể còn nhiều hạn chế. Có rất nhiều câu chuyện khiến người làm công tác Việt kiều cũng như những kiều bào tâm huyết phải suy tư.

Bác Hồ đã ra tận cầu tàu để đón Việt Kiều Thái Lan (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Con tim có vui trở lại

Cách đây gần 2 năm, bên lề Hội thảo về trí thức kiều bào góp phần xây dựng đất nước, GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều tại Bỉ) đã nói: “Nếu nghị quyết 36 được thực hiện tốt, nó sẽ có sức công phá rất lớn và nó sẽ tạo ra sự ràng buộc, gắn kết chặt chẽ giữa những người cùng một nước, bất chấp khoảng cách về thời gian, không gian... Khi nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại...”

Sau 3 năm thực hiện, con tim có vui trở lại với những niềm vui rất hữu hình. Nghị quyết 36 đã "tạo tư duy, suy nghĩ mới, và mối quan tâm lớn của dư luận trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đồng thời tạo được sự phấn khởi trong kiều bào hướng về quê hương".

Thực tế đã có những bước chuyển đáng kể. Về mặt chủ trương, Việt Nam đã giải quyết rộng hơn, thoáng hơn trong vấn đề mua nhà của Việt kiều, xây dựng quỹ hỗ trợ cộng đồng, và sắp tới là quỹ bảo trợ công dân, tổ chức các chương trình dạy tiếng Việt, đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng xa xứ...

Ở cấp độ nhận thức, sự quan tâm cũng như triển khai trong quá trình hoạch định chính sách có những chuyển biến tích cực. "Điều này quan trọng lắm", ông Tạ Nguyên Ngọc, cán bộ Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ. Đã có những trăn trở tuy công tác vận động kiều bào lâu dài nhưng "nhiều khi còn dễ hơn trong nước", "nhận thức đúng về cùng một vấn đề rất khó, cần thời gian". Nhiều người, nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn chưa có nhận thức đầy đủ.

Kiều bào không biết phải giúp gì

Theo ông Đức, Nhà nước chưa có một chính sách rõ nét, và nhất là thiếu đồng nhất, thay đổi tùy người nào chủ xướng ra. Ông dẫn ví dụ: Nếu Bộ Ngoại giao chủ xướng thì hầu như nghiêng về mặt chính trị nhiều hơn, nếu Bộ Thương mại, đầu tư chủ trì thì lại nghiêng hẳn về các xí nghiệp, đầu tư..., hoặc nếu Bộ Văn hóa Thông tin đứng ra thì chú trọng vào lĩnh vực văn hóa thôi, chưa kể đến các hoạt động do một đoàn hát này, một nghệ sỹ nọ, một thành phố hoặc một quỹ nào khác... tổ chức.

Bàn về việc thu hút chất xám, ông Tạ Nguyên Ngọc, cán bộ Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, ngay bản thân chuyện chính sách đối với nhân sỹ trong nước hiện vẫn chưa có, chính sách với Việt kiều sẽ ra sao.

Ông Ngọc cũng cho hay người Việt Nam ở nước ngoài, người tài, người giỏi và có tâm hướng về quê hương không thiếu nhưng có những lĩnh vực về VN họ không có điều kiện phát triển. Trong khi họ luôn thiếu những thông tin cụ thể về những gì họ có thể làm. "Vậy nên nói chuyện hỗ trợ, hợp tác là khó lắm". 

Ông cũng cho biết, có những trường hợp kiều bào gặp đưa ra những kiến nghị rằng mình có công trình nghiên cứu này, có dự án nọ giúp được trong nước. Thế nhưng bản thân các ông khi giới thiệu cho các cơ quan trong nước thì không có hồi âm gì, ngay cả một câu trả lời từ chối. "Một trung tâm thông tin, chịu trách nhiệm kết nối làm việc trách nhiệm, hiệu quả là điều chúng ta vẫn thiếu", ông Ngọc kết luận.

Về phía kiều bào, khi được hỏi về những đóng góp cho đất nước, hầu hết kiều bào băn khoăn rằng thông tin từ trong nước quá thiếu và không cụ thể. Họ cần những đơn đặt hàng từ trong nước về những vấn đề cụ thể. Việt Nam định phát triển gì, còn thiếu gì, kiều bào có thể giúp gì?....

Vẫn phải làm "chui", "lách" luật

"Nhiều trường hợp mời kiều bào về, chúng tôi phải lách luật, làm chui rất nhiều", ông Ngọc thừa nhận. Việt kiều nói chính sách thì có nhưng việc thực hiện không dễ dàng. Về nước, nhiều kiều bào không nắm được quy trình, không biết được quy cách làm ăn ở Việt Nam. Thủ tục hành chính trở thành rào cản gây trở ngại bên dưới, ngay cả khi pháp luật ở trên đã chuẩn. 

"Tư duy luật pháp Việt Nam là chỉ làm những gì luật cho phép, không giống với phương Tây là được làm những gì luật pháp không cấm. Do đó, làm chui là chuyện thường tình". "Nhận thức thì chuẩn nhưng cơ chế chưa theo kịp, muốn đúng cũng khó", ông Ngọc nói thêm.

Dẫn dụ về chuyện chính sách, ông Ngọc nói chính sách tạo điều kiện cho kiều bào mua nhà tuy có nhưng đến nay vẫn không có hướng dẫn thực thi. "Nhiều trường hợp, mặc dù đủ điều kiện nhưng không ai công chứng cho vì bên tư pháp không có hướng dẫn thực hiện, còn những người có thể được mua một nhà lại không có bằng chứng gì chứng tỏ họ đã chưa mua cái nhà nào khác. Hạn chế trong công tác lưu trữ bên nhà đất gây khó cho kiều bào".

Có trường hợp như Kỹ sư Nguyễn Lương Dũng (Việt kiều Đức) sau 10 năm công tác tại ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh bỗng gần đây được yêu cầu trình "giấy phép lao động" tại Việt Nam. Nhưng giấy phép ai cấp, quy trình cấp như thế nào... lại không có chỉ dẫn cụ thể.

"Chúng tôi về làm tại VN nhiều năm mà vẫn còn vất vưởng, sao dám mời ai về giúp", một Việt kiều chua chát nói. "Nhiều lúc không biết mình là ai. Công dân Việt Nam không phải, mà người nước ngoài cũng không, thậm chí không biết có phải là Việt kiều, bộ phận không thể tách rời của dân tộc không nữa".

"Chúng tôi chỉ mong tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể về công tác tự nguyện, chứ cũng không dám mong gì khác từ việc "mời về". "Tôi chỉ mong được xem là một công dân bình thường của Việt Nam, xem ngang với trí thức trong nước". Đó là những mong muốn của kiều bào thiết tha muốn góp phần xây dựng quê hương.

  • Phương Loan

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,