(VietNamNet) - Kiều bào và những cán bộ làm công tác Việt kiều, những người trong cuộc, đề nghị cần có những chính sách cụ thể, mang tính trọng dụng để huy động chất xám kiều bào.
Nâng quyền lực UB người VN ở nước ngoài lên cấp trung ương
Ông Tạ Nguyên Ngọc, cán bộ Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng muốn huy động được trí thức kiều bào, thì không thể chỉ là chính sách, chủ trương chung chung mà cần có một trung tâm thông tin, có ban chỉ đạo quốc gia cho vấn đề này.
Trung tâm chịu trách nhiệm lựa chọn ưu tiên cái gì là trọng tâm phù hợp với đòi hỏi trong nước để giải quyết. Trung tâm cũng xem xét thực tế trong nước, có thể đáp ứng được gì, mời Việt kiều về làm gì.. từ đó, muốn tìm ai thì phải tìm cho ra!
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ cho rằng, VN cần nâng cao ảnh hưởng quyền lực của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài lên cấp Trung ương chứ như hiện này thì rất mờ nhạt do chỉ là một bộ phận khiêm tốn trong Bộ Ngoại giao.
Ông Hưng nói: "Muốn có hướng đi rõ ràng thì cần có một cơ chế quyền lực cụ thể, điều động cùng một lượt nhiều bộ khác nhau". Bên cạnh Bộ Ngoại giao, phải có sự đồng tâm hiệp lực tích cực và liên tục của các bộ khác như Công an, Giáo dục - Đào tạo, Khoa học công nghệ... Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, chính quyền nhân dân các tỉnh thành là rất cần thiết.
Cho đến nay, vì thiếu phối hợp nên những quyền lợi căn bản cho một Việt kiều bình thường như vấn đề nhà ở (cơ chế mua nhà cho Việt Kiều vẫn còn bế tắc ở khâu văn bản hướng dẫn, ở cơ quan thẩm định tư cách Việt kiều, thời gian lưu trú...), việc đi lại (nhiều quốc tịch nước ngoài đã được miễn thị thực, visa, nhưng Việt kiều thì vẫn như cũ), việc vãn hồi quốc tịch (phải có bà con gần cho phép nhập hộ khẩu...) vẫn còn chưa được giải quyết hiệu quả!
Chú trọng "mặt trận văn hóa" ngang với chính trị, kinh tế
Quan điểm trên của ông Vương Vũ Đức, Việt kiều Bỉ nhận được sự đồng tình của nhiều kiều bào. Đã đến lúc Chính phủ phải đặt trọng tâm vào mặt trận văn hóa và nâng cấp nó lên ngang hàng với mặt trận chính trị/ngoại giao hoặc kinh tế.
Ông Đức nói, cụ thể nhất là nên bắt đầu lập các phòng văn hóa Việt tại các nước, tương tự như các Alliance Francaise của Pháp, Goethe Institute của Đức, các Vườn Nhật của Nhật, USIA của Mỹ và sắp sửa là Viện Khổng học của Trung Quốc. Các trung tâm này đều dạy tiếng của họ, làm đầu cầu cho các trao đổi văn hóa thường xuyên và điểm tựa cho người đồng hương sống ở nước ngoài. Nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba ở nước ngoài, họ rất muốn học hỏi thêm về đất nước của cha ông, nhưng không có phương tiện.
Không cần trọng đãi nhưng phải trọng dụng!
Ông Ngọc nhấn mạnh: "Không thể có chính sách chung cho tất cả các chuyên gia trí thức kiều bào". Nói vậy cũng giống như việc huy động tất cả chuyên gia trí thức trong nước ngay ngày mai đưa nước ta phát triển. Đây là một bài toán không tưởng vì không chuẩn. Mỗi người có những đòi hỏi khác nhau.. tùy thuộc vào lĩnh vực, vấn đề.
"Chuyên gia trí thức kiều bào cũng có nhiều kiểu dạng, không thể đóng khung trong một dạng nhất định xơ cứng" và "chỉ có thể ưu đãi trong một số trường hợp đặc biệt", ông Ngọc nói. Ví dụ với bài toán giao thông HN, giả sử có người có phép gì đó giải quyết được bài toán này thì đáng mời chứ.
Chúng ta phải xác định tiêu chí để mời, lựa chọn, tạo điều kiện về mặt thông thoáng chung, giúp về thị thực, thông tin, và một cơ chế đủ mạnh. Phải có danh sách sống, liên lạc thường xuyên, cập nhật, trao đổi thường xuyên giữa trong nước và kiều bào. Chúng ta không cần và cũng không thể có một danh sách đầy đủ, nhưng quan trọng phải có danh sách những người có thể nói chuyện, hợp tác được và qua họ mở rộng quan hệ ra bên ngoài.
Ông Ngọc chia sẻ thực tế, có những người sẵn sàng về giúp không công, không cần trọng đãi. Tuy nhiên, "không trọng đãi nhưng phải trọng dụng, dù gì vẫn phải trọng. "Ta mời họ về chứ không phải cho phép họ về, chính sách không thể đòi hỏi sự đồng bộ nhưng cần có sự uyển chuyển", ông Ngọc nhấn mạnh.
-
Phương Loan
Ý kiến của bạn: