(VietNamNet) - "Các công trình vi phạm nghiêm trọng phải được xử lý kiên quyết nhưng không cực đoan, rập khuôn, máy móc. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đủ để răn đe các đối tượng vi phạm". Tuyên bố của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân bên lề Hội nghị lần thứ 7 BCH Đảng bộ thành phố khoá XIV, sáng nay, 4/4.
Công trình số 4 Đặng Dung xây vượt phép 8 tầng (Ảnh: TP)
Ông Ân sẽ thay mặt UBND TP Hà Nội trực tiếp báo cáo phương án xử lý các công trình sai phạm trên địa bàn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, diễn ra vào ngày 5 và 6/4.
Dưới đây là trả lời của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân về báo cáo sắp trình Thủ tướng.
Phá dỡ phần sai phạm
Phương án xử lý mà ông sẽ báo cáo với Thủ tướng tới đây cụ thể là gì, thưa ông?
Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng và các ngành nghiên cứu, có đề xuất chi tiết, trình Thường vụ Thành uỷ quyết định phương án cụ thể với từng công trình.
Tuy nhiên, Thường vụ đã có ý kiến chỉ đạo là phải xử lý kiên quyết, không cực đoan và cũng không rập khuôn, máy móc. Thành phố cũng đã nghiên cứu và đưa ra các phương án xử lý về mặt nguyên tắc để báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tới.
Hiện, các chủ đầu tư đang đề xuất một số phương án, tuy nhiên những phương án này chưa đạt. Các chủ đầu tư đều xin nộp phạt để tồn tại, nhưng các phương án không đưa ra được các cơ sở, không có tính thuyết phục.
Chính vì vậy, Thành phố cần có thời gian để tìm được phương án xử lý tốt nhất. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể để Hà Nội giải quyết dứt điểm những công trình này.
Nhiều phương án đã được tính đến, vấn đề là lựa chọn được phương án nào tối ưu nhất. Các phương án này cần có sự thống nhất của Bộ xây dựng và các bộ ngành Trung ương. Phải thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Một mình Hà Nội không thể làm được, bởi đây còn là vấn đề xã hội.
Thành phố sẽ phá dỡ phần sai phạm của các công trình xây dựng?
Việc này Thành phố sẽ chủ động làm. Nguyên tắc là làm đúng theo luật. Công trình số 4 Đặng Dung, số 2/31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh đều phải xử lý kiên quyết, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Bên cạnh việc tháo dỡ phần sai phạm, các công trình này còn phải chịu xử phạt hành chính với mức phạt nặng.
Trách nhiệm của người quản lý cấp cơ sở thế nào, thưa ông? Bởi chủ một căn hộ chung cư rất nhỏ chỉ làm thêm một phòng, lập tức chính quyền phường đến ngay, vậy mà cả tòa nhà như thế thì phường lại không biết?
Đúng là như thế thật. Đó là buông lỏng quản lý, là trách nhiệm các cấp, những người trực tiếp điều hành. Nhưng song song xử lý các công trình, thành phố cũng đã có hướng xử lý cả cán bộ, nguyên tắc là như thế. Thậm chí phải xử lý cả các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, đồng lõa với chủ đầu tư để cố tình vi phạm.
Chờ "lệnh" của Thủ tướng
TP để các chủ đầu tư tự đề xuất phuơng án xử lý. Vậy hạn chót để trình các phương án xử lý đó lên TP là bao giờ?
Trong chỉ đạo chung đã có. Ngày 30/3 là hạn cuối cùng.
Đã qua thời hạn trên, các chủ đầu tư đề xuất phương án xử lý như thế nào?
Họ có đề xuất nhưng chưa đạt. Hầu hết đề xuất theo hướng tự nộp phạt để được tồn tại, với mức độ rất thấp.
Nếu chấp nhận phương án đó, ông có nghĩ sẽ tạo thành một tiền lệ không hay? Tức là cứ vi phạm rồi nộp phạt?
Không nên nói đến tiền lệ hay không ở đây.
Vậy có chế tài gì mạnh hơn để xử lý vi phạm trật tự xây dựng?
Chúng tôi phải xin ý kiến Thủ tướng, xin ý kiến các bộ, ngành để thống nhất giải pháp xử lý cho hợp lý.
Trong 2 phương án: sai đến đâu xử lý đến đó và phạt nặng cho tồn tại, Thành phố nghiêng về phương án nào?
Trước mắt, cứ phải phá dỡ phần sai phạm. Phải xử thật nghiêm để giữ trật tự, kỷ cương, sai đến đâu thì xử lý đến đó.
Còn vì sao phải xin ý kiến của các bộ ngành Trung ương, là vì mỗi công trình đều có những lỗi sai phạm khác nhau, chính sách xử lý các thời điểm cũng có chỗ phải cân nhắc để khi xử lý đảm bảo công bằng, đúng luật, đúng với cả những trường hợp cụ thể.
Cá nhân ông có cảm thấy đau lòng vì đã xảy ra những sai phạm như vậy ngay tại Thủ đô không?
Tất nhiên để xảy ra như thế thì không ai vui cả. Nhưng không phải bây giờ mới xảy ra đâu, mà ta đã khắc phục và chấn chỉnh từ nhiều năm rồi. Bây giờ xảy ra những vụ việc đó, ta phải cùng nhau bình tĩnh để giải quyết, chứ không nên vội vàng.
-
Vân Anh (ghi)