(VietNamNet)- Tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác trường THPT Vân Tảo ngày 28/3, nhân vật chống tiêu cực trong ngành giáo dục, ứng viên tự ứng cử đại biểu QH khoá XII Đỗ Việt Khoa không nhận được bất cứ sự đồng thuận nào từ 61 đồng nghiệp, dù rằng trước đó tại khu dân cư, thầy Khoa đạt 76% tín nhiệm.
Ứng viên tự ứng cử ĐBQH khoá XII Đỗ Việt Khoa (Ảnh: C.M)
Thầy Khoa nhiều lỗi?
Theo biên bản hội nghị cử tri của trường THPT Vân Tảo ghi lại các ý kiến nhận xét về ứng viên Đỗ Việt Khoa ngày 28/3 thì có tổng cộng 7 người phát biểu. Gồm các ông: Nguyễn Văn Trường (tổ trưởng tổ xã hội 2); Nguyễn Đình Bang (tổ phó tổ giáo vụ); Nguyễn Hồng Long (tổ trưởng tổ giáo vụ) và các bà: Nguyễn Thị Hạnh (chủ tịch công đoàn); Nguyễn Thị Hoa (phó hiệu trưởng); Đào Việt Bình; Đỗ Thu Thảo.
Mặt ưu điểm của ứng viên Đỗ Việt Khoa chỉ được 3 người nêu ra, rất ngắn gọn: Có ý thức tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại, sử dụng giáo án điện tử; chịu khó học hỏi chuyên môn, nghiêm túc trong thi cử.
Về những khuyết điểm của mình bị hội nghị cử tri nêu ra, ông Khoa giải thích: Đúng là tôi ra sai đề thi môn địa lý, nhưng chính tôi chứ không phải ai khác phát hiện ra cái sai đó và đã lên lớp sửa ngay; về việc bỏ giờ là do tôi nhậu tại phòng khách hiệu trưởng, hôm đó cả hiệu trưởng và gần 20 người cùng uống bia ngoài giờ hành chính, mãi đến hơn 10h đêm mới tan. Tôi bị say, nên sáng hôm sau ngủ quên mất 2 tiết đầu, đến trường mới biết có thầy khác cũng say quá đi về còn bị gẫy tay…dù sao đây cũng là khuyết điểm. |
Ngược lại, những tồn tại của ông Khoa bị nêu ra rất nhiều, dài và trùng lặp nhau, tập trung vào ý thức tổ chức kỷ luật: lên lớp muộn 3 tiết học, bỏ giờ 3 tiết học; vắng mặt và đến muộn trong sinh hoạt tập thể, họp hội đồng.
Ngoài ra về chuyên môn, ông Khoa bị nêu đã ra đề kiểm tra học kỳ I (năm 2006-2007) sai câu số 16, môn địa lý 10 sách giáo khoa cơ bản. Từ đó, cả 7 người phát biểu đều nhận xét, ông Khoa không đủ tư cách ứng cử đại biểu QH khoá XII.
Xin trích ý kiến cuối cùng của đại diện cơ quan - hiệu trưởng Lê Xuân Trung: Phẩm chất năng lực của ứng viên Đỗ Việt Khoa chưa đạt yêu cầu; có những biểu hiện chia rẽ đoàn kết hội đồng sư phạm, nói xấu đồng nghiệp; năng lực chưa tốt, ra đề thi sai; gia đình kinh doanh internet chưa phù hợp; các hành động của ông Khoa đi ngược lại đường lối lãnh đạo của nhà trường; không tín nhiệm thầy Đỗ Việt Khoa (Ngoài ra, trong biên bản hội nghị không ghi nhưng theo ông Khoa, hiệu trưởng Trung còn nói ông thông tin báo chí sai sự thật).
Với hình thức biểu quyết giơ tay, có 61/62 (98,4%) cử tri không nhất trí tín nhiệm ứng viên Đỗ Việt Khoa (trừ chính ông Khoa).
Ứng viên nghi nghờ
Trao đổi với VietNamNet, ứng viên Đỗ Việt Khoa cho rằng hội nghị cử tri của trường THPT Vân Tảo “có vấn đề”. Ông cho biết: Trước đó hai ngày, một số giáo viên gặp tôi đã thông báo trước rằng trường sẽ lấy tín nhiệm bằng cách giơ tay.
Trên bảng thông báo của trường cũng chỉ ghi là ngày đó họp hội đồng chứ không ghi rõ là hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, chỉ đến sát giờ mới có một tấm bảng khác được mang ra thay thế.
“Tại sao khi chủ toạ hội nghị (là ông hiệu trưởng) đề nghị cử tri phát biểu thì không ai đứng lên, khiến ông này phải chỉ định từng người. Và tại sao những người này đều đọc bản giấy chuẩn bị sẵn, xoáy vào những khuyết điểm giống hệt nhau của tôi?”, ứng viên Đỗ Việt Khoa đặt câu hỏi.
Ông Khoa đặc biệt nhấn mạnh tình tiết diễn ra gần cuối hội nghị cử tri: ngay sau khi bày tỏ quan điểm “cá nhân tôi không tín nhiệm Đỗ Việt Khoa” thì ông hiệu trưởng lại hỏi ngay: “Ai không tín nhiệm Đỗ Việt Khoa thì giơ tay?”. Theo ông Khoa, đây là một hình thức “mớm” biểu quyết, khiến các giáo viên buộc phải giơ tay.
Chuyện ở trường THPT Vân Tảo
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Thầy có khúc mắc gì với hiệu trưởng mới về Lê Xuân Trung không?”, ông Khoa cho biết trước đó ông đã có sự góp ý (bằng lời, chưa phải văn bản) vào những việc sau của trường THPT Vân Tảo:
Thu quỹ học sinh phụ huynh và quỹ hoạt động tập thể mỗi học sinh tổng cộng 55 ngàn đồng; học sinh đến trường muộn sau 7h25 hoặc thiếu bảng tên, áo trắng, tóc vuốt keo bọt, đi dép kẹp…đều không được vào- điều này dẫn đến có những buổi hơn 200 học sinh bị đuổi về, thậm chí buổi thi thử nghề cho khối 12 cũng có 150/500 em bị đuổi về- ảnh hưởng nhiều đến việc học tập. Ông Khoa nói: “Theo tôi, việc này nên cho các em vào, rồi lập biên bản thay vì đuổi học sinh về lang thang”.
Một việc khác ở trường THPT Vân Tảo mà ông Khoa góp ý, đó là thu học phí ôn thi tốt nghiệp cao. Mỗi buổi trường thu 6000 đồng x 50 buổi = 300 ngàn, cao gấp đôi những trường khác trong tỉnh. Và cuối cùng việc ông Khoa muốn góp ý “vẫn là bệnh thành tích”: Kết thúc kiểm tra học kỳ I, thấy nhiều điểm kiểm tra thấp, trường Vân Tảo đã tổ chức cho học sinh điểm thấp thi lại.
Kỳ 2: Ông hiệu trưởng trường Vân Tảo nói gì?
-
Đỗ Minh