(VietNamNet) - Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người đã nhiều năm làm việc cùng ông Trần Bạch Đằng, đã dành cho VietNamNet cuộc trao đổi ngắn về những cảm nghĩ của mình về nhà lãnh đạo xuất sắc ngay tại Nhà tang lễ TP.HCM,
- Được biết ông đã nhiều năm làm việc cùng ông Trần Bạch Đằng, nhưng bắt đầu từ khi nào?
Tôi may mắn được làm cùng ông Trần Bạch Đằng từ năm 1964, khi tôi chuyển công tác từ báo Nhân Dân ngoài Bắc vào Nam làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Khi đó tôi là cấp dưới, nhưng thực sự ông coi tôi là một học trò, một người em rất thân thiết. Suốt thời gian từ đó đến sau này, mỗi khi có việc gì cần trao đổi, cần tranh luận, ông thường gọi tôi đến chỉ bảo rất chân tình.
Lời chia buồn Tập thể Báo điện tử VietNamNet xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và bạn bè ông Trần Bạch Đằng, một nhà báo lỗi lạc, nhà lãnh đạo cách mạng, nhà tư tưởng và nhà văn hóa. Chúng tôi tin tưởng các thế hệ hiện nay và mai sau sẽ mãi ghi nhớ công lao của ông và sẽ tiếp tục sự nghiệp ông đã cả đời theo đuổi.
- Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, từ trong kháng chiến, rồi hòa bình, rồi đổi mới, trong mỗi giai đoạn ông Trần Bạch Đằng luôn là một người có tư tưởng rất mới. Ông thấy có sự thay đổi gì về tư duy qua những thời kỳ khác nhau như vậy không?
Trước hết, phải nói là ông có công rất lớn trong việc xây dựng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Thời còn trong rừng rậm, khó khăn như vậy, Ban Tuyên huấn chúng tôi đã xây dựng được đủ các ban, từ báo chí, đài phát thanh, nhà in, điện ảnh… đến cả tuyên truyền đối ngoại ra nước ngoài. Anh Tư Ánh (tên hiệu của ông Trần Bạch Đằng) là người lãnh đạo đã đóng góp rất tích cực để xây dựng lên một cơ ngơi như vậy.
Đến năm 1970, ông là Bí thư của khu vực Sài Gòn - Gia Định, nhưng đến năm 1973 ông lại trở về lãnh đạo Tuyên huấn Trung ương Cục. Từ vị trí này, ông đã lãnh đạo anh em chuẩn bị rất tích cực cho công việc tiếp quản Sài Gòn và chuẩn bị cho các công việc sau giải phóng.
Sau giải phóng, ông không còn trực tiếp làm tuyên huấn, mà làm dân vận và nghiên cứu. Nhưng ông vẫn thường xuyên gặp anh em chúng tôi. Tuy không còn là lãnh đạo trực tiếp, ông vẫn nhắc nhở và giáo dục chúng tôi. Ông trở thành một cây viết xuất sắc, ngoài rất nhiều bài báo, ông còn viết phim truyện và phim tài liệu. Những bài báo của ông rất sắc sảo, thậm chí dữ dội, và đặt ra những câu hỏi không phải một sớm một chiều tìm được câu trả lời. Làm được như vậy, vì ông không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, mà còn là một nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong mọi giai đoạn, ông đã đóng góp rất nhiều cho con đường đi lên của chúng ta. Thực sự tôi rất tiếc là nhiều câu hỏi ông đặt ra cho chúng ta, cho đến khi ông ra đi, vẫn chưa có lời giải đáp.
- Nhiều người vẫn nghĩ một lãnh đạo chính trị luôn có tác động trực tiếp và mạnh mẽ hơn người cầm bút. Nhưng dường như với trường hợp bác Tư Ánh thì khác. Ở vị trí người cầm bút, bác vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn?
Trước hết, ông vốn là một nhà cách mạng lão thành. Vào Đảng từ năm 1943, ông trở thành nhà lãnh đạo cách mạng của Nam Bộ. Uy tín của ông đối với lĩnh vực chính trị, đặc biệt đối với các hoạt động của miền Nam, trước sau vẫn là một nhà lãnh đạo xuất sắc. Các ý kiến của ông đều được trân trọng.
Dù đến khi ông không còn là lãnh đạo, nhưng các lãnh đạo sau này hầu hết đều là học trò và đàn em của ông, nên ông vẫn thường xuyên được hỏi ý kiến, đặc biệt về các vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông vẫn luôn đưa ra những ý kiến xuất sắc, đề ra những giải pháp để cho dân đỡ khổ. Vì vậy, tôi nghĩ chỗ đứng của ông luôn luôn là người lãnh đạo.
- VietNamNet có lần mời bác Tư Ánh tham gia buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề "Đảng viên làm kinh tế". Đáng ngạc nhiên, bác Tư Ánh là một Đảng viên lâu năm, nhưng các tư tưởng của bác vẫn đi đầu trong những lĩnh vực đổi mới. Vậy trong các lĩnh vực khác từ trước đến nay, có phải bác Tư Ánh là người đề ra các tư tưởng dẫn đầu?
Ông Tư Ánh là người đóng góp rất nhiều trong các tư tưởng đổi mới. Ông là một người bạn rất thân của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã luôn sát cánh cùng ông Linh trong công cuộc đổi mới của đất nước. Tôi dẫn chứng việc chị Ba Thi và Công ty Lương thực TP.HCM đã thay đổi cách làm ăn để giải quyết được vấn đề lương thực của Thành phố và sau đó đã thành mô hình của cả nước. Khi đó có nhiều ý kiến phản đối. Nhưng anh Tư Ánh và chúng tôi đã có rất nhiều bài về chị Ba Thi và cách làm của chị được ông Linh rất ủng hộ.
Nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam (năm 1985), ông Trần Bạch Đằng đã đưa ra một tập tài liệu về đổi mới của Thành phố sau 10 năm giải phóng, trong đó cho thấy ông luôn đi đầu trong việc đưa ra các tư tưởng đổi mới.
Tôi nhớ một lần, năm 1970, ông trở về miền Nam sau khi ra Hà Nội. Ông gọi tôi đến và nói: Công nghiệp hóa ở miền Bắc hình như có vấn đề, đó không phải là cách nên làm. Ông đã phát hiện ra điều đó từ rất lâu trước khi đổi mới, khi tất cả còn trong thời kỳ bao cấp.
- Xin cảm ơn ông!
Những bài báo của ông như những tiếng gõ vào cuộc sống |
Tôi đã được làm việc với anh Trần Bạch Đằng trong nhiều năm, vừa là cán bộ cấp dưới, vừa là anh em quan hệ thân tình. Anh là một người lãnh đạo công tác tuyên huấn sắc sảo. Câu nói bất hủ của anh mà đến giờ chúng ta vẫn nhắc là “Ra ngõ gặp anh hùng”. Miền Nam kháng chiến bất khuất kiên cường nên ở đâu cũng có thể trở thành anh hùng. Ông viết báo rất khỏe và thông thường đặt ra những vấn đề buộc những người lãnh đạo, những cán bộ cấp dưới phải suy nghĩ và cân nhắc. Những bài báo sắc nét, gọn gàng của ông như những tiếng gõ vào cuộc sống và hoạt động kinh tế - xã hội còn chậm chạp, trì trệ. Ông cũng là một nhà lãnh đạo bình dân. Lúc còn làm việc, ông luôn gần gũi để cán bộ có thể thông tin, tranh luận các vấn đề quan tâm. Lúc nghỉ hưu, ông thường đi bộ ngoài đường, ghé vào chợ mua cá mua rau, thăm các cháu nghèo khổ, xem trẻ em đường phố đá banh… Ông mất đi, chúng ta mất một cây bút xuất sắc, đặc biệt là những dấu hỏi trung thực, chân tình mà tìm lời giải đáp không phải là một sớm một chiều. Đinh Phong |
-
Bùi Văn