(VietNamNet)- Người Việt Nam sau này sẽ được hãnh diện về lòng quả cảm và những nỗ lực phi thường mà thế hệ hôm nay sẽ xiết chặt hàng ngũ để làm nên một nước Việt Nam hùng cường? Hay, họ sẽ phải hổ thẹn về vị thế yếu hèn của dân tộc trong cộng đồng thế giới?
>>>Bài 1: Yêu cầu khẩn thiết của đột phá
Trong khuôn khổ có hạn, bài viết này đề cập đến bốn nội dung của triết lý phát triển mà chúng ta cần có đột phá trong nhận thức. Bốn nội dung đó là (1) Các yếu tố nền tảng của phát triển; (2) Thế mạnh cốt lõi và điểm yếu dễ tổn thương của dân tộc; (3) Sức mạnh của Dân chủ; và (4) Vai trò tiên phong của Hệ thống.
Các yếu tố nền tảng của phát triển
Với kỳ vọng đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa và tốc độ tăng trưởng, chúng ta đã đầu tư rất lớn vào các dự án công nghiệp thiếu sức sống như xi măng, mía-đường, dầu khí, đóng tàu; trong khi xem nhẹ những yếu tố nền tảng, cực kỳ quan trọng không chỉ cho tăng trưởng hiện tại, mà cả phát triển trong tương lai.
Vệt Nam cất cánh (Ảnh tư liệu)
Lý thuyết tăng trưởng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm phát triển toàn cầu chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng GDP của một quốc gia quyết định chủ yếu bởi mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại, các yếu tố khách quan, và các yếu tố nền tảng (1).
Mức thu nhập bình quân đầu người có tác động âm tới tốc độ tăng trưởng; nghĩa là, khi mức thu nhập cao lên thì tốc độ tăng trưởng có xu hướng thấp xuống. Nói một cách khác đi, nếu hai nước có điều kiện khách quan và nền tảng gần giống nhau, nước nghèo hơn thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tổng kết này thường được gọi là qui luật hội tụ có điều kiện).
Các yếu tố khách quan liên quan tới tiến bộ về khoa học công nghệ, toàn cầu hóa, thiên tai-dịch bệnh, biến động của giá dầu và tăng trưởng của các nền kinh tế lớn.
Các yếu tố nền tảng gắn với nguồn vốn con người (trình độ học vấn, sức khỏe, ý chí vươn lên, tính sáng tạo); thiết chế vĩ mô (ổn định chính trị, hệ thống luật pháp, chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước…); và hạ tầng cơ sở (hệ thống giao thông, cung ứng điện-nước, dịch vụ tài chính ngân hàng).
Tăng trưởng khá cao của nước ta trong thời kỳ đổi mới bắt nguồn từ cả ba nhóm yếu tố. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người của nước ta ở vào mức rất thấp; so với mức thu nhập bình quân đầu người của nước ta năm 2005, Indonesia và Phillipines hơn ta 2 lần, Trung Quốc: 2,7 lần, Thái Lan: 4,4 lần; Hàn Quốc: 26 lần; Nhật Bản: 56 lần). Thứ hai, bối cảnh khách quan cho phát triển của nước ta rất thuận lợi, đặc biệt là tốc độ phát triển bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc, công nghệ thông tin, và toàn cầu hóa. Thứ ba, là các yếu tố nền tảng. So với các nước nghèo, chúng ta có nguồn nhân lực vượt trội hơn hẳn về giáo dục và tính năng động; về thiết chế vĩ mô, chúng ta đã có bước tiến lớn về cải cách hệ thống luật pháp và cơ chế quản lý kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài hoạt động ngày càng thuận lợi. Về hạ tầng cơ sở, chúng ta đã có những những bước tiến vượt bậc.
Thế nhưng, một câu hỏi cần đặt ra là “tại sao tăng trưởng của chúng ta thấp hơn hẳn Trung Quốc trong suốt hai mươi năm qua?”
Nguyên nhân không thể là yếu tố mức thu nhập đầu người vì chúng ta ở mức thấp hơn Trung Quốc; và do đó lẽ ra chúng ta phải tăng trưởng cao hơn qui luật hội tụ (theo ước tính của tác giả, yếu tố này cho phép Việt Nam tăng cao hơn Trung Quốc khoảng 1%).
Nguyên nhân cũng không thể là các yếu tố khách quan, vì điều kiện khách quan cho phát triển của cả hai nước cơ bản giống nhau, nếu không nói là Việt Nam có phần thuận lợi hơn. Chẳng hạn, mức viện trợ quốc tế tính trên bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2004 cao gấp hơn sáu lần so với Trung Quốc.
Như vậy, nguyên nhân rõ ràng nằm ở các yếu tố nền tảng. Dưới đây chỉ xin nêu ra mấy ví dụ về sự thua kém của chúng ta so với Trung Quốc trên một số thước đo có liên quan tới việc chăm lo phát triển nguồn lực con người và chất lượng của thiết chế vĩ mô.
Về chăm lo phát triển nguồn lực
Trước hết, hệ thống giáo dục của Trung Quốc có những tiến bộ hơn hẳn Việt Nam, thể hiện ở một số điểm nổi bật sau:
+ Tỷ lệ học sinh độ tuổi 15-24 mù chữ giảm từ 4,5% năm 1990 xuống 1% năm 2004 trong khi tỷ lệ này của Việt Nam tăng từ 5,5% lên 6% (2).
+ Hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc đã được cải cách mạnh mẽ theo hướng 3D (Decentralization=Tự chủ hóa; Depoliticization=Phi Chính trị hóa; Diversity=Đa dạng hóa), và 3C (Commercialization=Thương mại hóa; Competition=Cạnh tranh; Cooperation=Hợp tác).Kết quả là các trường đại học phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Số lượng trường đại học tư tăng từ số 0 năm 1985 lên 1.300 năm 2000. Các trường đại học gia tăng nhanh số lượng bài nghiên cứu, sáng chế, phát minh và đặc biệt bám sát nhu cầu ứng dụng và đòi hỏi của thị trường; thu nhập từ các doanh nghiệp khoa học-kỹ thuật của 13 đại học đầu đàn đạt trên 7 tỷ USD năm 2004 (3). Thêm nữa, hai đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa của Trung Quốc được xếp vào các đại học hàng đầu thế giới (4).
Thứ hai, Việt Nam đang đứng trước những vấn đề đáng lo ngại về chất lượng hệ thống y tế và nếp sống lành mạnh. Chẳng hạn, số lượng các bà mẹ bị tử vong khi sinh con (tính trên 100.000 lần sinh) tăng từ 95 năm 1995 lên 130 năm 2004; trong khi chỉ số này của Trung Quốc giảm từ 60 xuống 56. Về chỉ số người nhiễm HIV trên 1.000 dân, Việt Nam đang ở trong xu thế tăng và chỉ số này của Việt Nam vào năm 2005 cao gấp 6,3 lần so với Trung Quốc, 12 lần so với Hàn Quốc, và 24 lần so với Nhật Bản. Số lượng người chết vị bệnh AIDS ở Việt Nam tăng từ lên 8.900 năm 2003 lên 13.000 năm 2005, gấp hàng chục lần Nhật Bản hay Hàn Quốc (5).
Thứ ba, là về an toàn cá nhân. Mức tai nạn giao thông cao, bạo lực, và trộm cắp, trấn lột, lừa đảo đang trở thành vấn nạn ở Việt Nam. Chỉ số tai nạn giao thông đường bộ (tính trên 100.000 dân) của Việt Nam cao hơn và tăng nhanh hơn Trung Quốc. Chỉ số này của Việt Nam so với Trung Quốc cao gấp 1,3 lần vào năm 1998 và 1,7 lần vào năm 2003 (6). Theo thống kê này, nếu chỉ số tai nạn giao thông của Việt Nam giữ được ở mức của Trung Quốc, thì mỗi năm, hàng nghìn đồng bào ta (năm 2003 là 5.000 người) sẽ tránh được cái chết oan khốc này.
Về thiết chế vĩ mô
Ngân hàng thế giới, trên cơ sở nhiều nguồn tài liệu khảo sát, đưa ra đánh giá thường kỳ chỉ số chất lượng thiết chế vĩ mô của mỗi nước trong so sánh toàn cầu (7). Lược đồ 2 chỉ ra Việt Nam trong so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, và Singapore trên một số chỉ số chủ yếu của chất lượng thiết chế vĩ mô: “Ổn định chính trị”, “Chất lượng chính sách”, “Hiệu lực Chính quyền”, và “Kiểm soát tham nhũng”. Con số trên thanh biểu đồ chỉ ra đẳng cấp của mỗi quốc gia theo từng tiêu chí (thể hiện bởi số lượng phần trăm trong tổng số 213 quốc gia và lãnh thổ xếp hạng đứng thấp hơn quốc gia đó trên chỉ số được xem xét).
Lược đồ 2 cho thấy, Việt Nam có vị trí khá cao và lợi thế quan trọng về ổn định chính trị, song chúng ta còn ở vị thế rất yếu trong các tiêu chí khác, đặc biệt là các tiêu chí “ chất lượng chính sách” và “kiểm soát tham nhũng.”
Lược đồ 2: Việt Nam trong so sánh với các nước về trên các tiêu chí về thiết chế vĩ mô
Biểu đồ so sánh giữa Việt Nam với các nước về thiết chế vĩ mô
Một minh chứng khác liên quan đến hạn chế và tính dễ thỏa mãn của chúng ta trong quản lý. Tổn thất điện so với tổng lượng điện sản xuất của chúng ta ở dừng ở mức khoảng 14% từ năm 2000 đến nay sau khi giảm được mức khá cao trong các năm trước đó (15-20%). Chúng ta dường như không trăn trở phấn đấu để đạt được mức tổn thất thấp như nhiều nước khác. Chẳng hạn như, vào năm 2003, mức tổn thất điện của Trung Quốc là 6,5%, của Thái Lan là 7,3%, của Malaysia là 4,6%, và của Hàn Quốc 3,2%. Nếu ngành điện của ta giảm được tổn thất điện năng xuống mức của Thái Lan (7,3%) hay Trung Quốc (6,5%), chúng ta sẽ có thêm 2-3 tỷ Kw/h mỗi năm, và như vậy sẽ không chỉ tránh được việc cắt điện mà còn thu thêm được trên 100 triệu USD mỗi năm.
Thế mạnh cốt lõi và những điểm yếu dễ tổn thương của dân tộc
Do đặc thù của lịch sử, yếu tố địa lý, và nhân chủng học, mỗi dân tộc trong quá trình phát triển của mình đều hình thành nên những thế mạnh cốt lõi và những điểm yếu dễ tổn thương.
Thế mạnh cốt lõi của một dân tộc có ba đặc trưng chính (8): thứ nhất, nó giúp tạo nên giá trị; thứ hai, nó có thể áp dụng trong khắp mọi ngành nghề; và thứ ba, người dân coi nó như một thuộc tính tự nhiên và cảm thấy phấn khích khi nó được khơi dậy và phát huy.
Những điểm yếu dễ tổn thương của một dân tộc thể hiện ở ba điểm: thứ nhất, nó gây tổn thất cho sức phát triển của dân tộc; thứ hai, nó rất dễ trỗi dậy và bùng phát khi có cơ chế thuận lợi; và thứ ba, người dân coi nó như một thuộc tính tự nhiên và có thể mất đi cảm xúc bị dằn vặt khi phải sống chung với nó.
Một trong những đặc thù quyết định đặc tính người Việt Nam có liên quan lịch sử hàng nghìn năm đan xen giữa những năm tháng chịu nhẫn nhục với sự khôn khéo linh hoạt để tồn tại dưới ách thống trị của ngoại bang và ý chí quật khởi, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành và giữ độc lập.
Về địa lý, Việt Nam có thế mạnh cốt lõi về vị trí chiến lược và sự đa dạng và khá thuận hòa của khí hậu.
Về đặc tính con người, như đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu, thế mạnh cốt lõi của Việt Nam nổi bật ở lòng yêu nước và tinh thần quật khởi, đặc biệt trong những tình thế sống còn của dân tộc; ở trí thông minh và sự năng động, ở sự coi trọng đặc biệt việc đầu tư vào giáo dục; và ở tính vị tha, chu đáo, và tinh tế.
Các điểm yếu dễ tổn thương của Việt Nam có lẽ cũng nằm ở đặc tính dân tộc. Thứ nhất đó là ở tính thiếu duy lý, dễ ảo tưởng (có lẽ do quá nhiều năm phải mơ tưởng đến ngày thoát khỏi ách đô hộ và thiếu cơ hội trải nghiệm qua những qui luật khắt khe và sòng phẳng của kinh tế thị trường); thứ hai, đó là tính coi thường nguyên tắc, không ngại nói dối hoặc làm sai nguyên tắc để được việc (có lẽ do phải tìm cách tồn tại được dưới sự thống trị và kiểm soát hà khắc quá lâu); và thứ ba, đó là tính dễ thỏa mãn, thích phô trương, hưởng lạc khi có điều kiện.
Thực tế phát triển chỉ ra rằng, một dân tộc có thể làm nên những kỳ tích phi thường khi thế mạnh cốt lõi của họ được khơi dậy và phát huy; song dân tộc đó cũng có thể rơi vào tình trạng trì trệ, sa sút khi những điểm yếu dễ tổn thương của họ có cơ hội bùng phát.
Sự nổi lên đặc sắc của một số công ty trên thị trường chứng khoán vừa qua một phần là nhờ các công ty này đã biết bật lên trên nhờ tựa trên thế mạnh cốt lõi của đất nước. Chẳng hạn như FPT (phần mềm) nhờ vào khai thác trí tuệ người Việt; Minh Phú (Thủy sản) nhờ vào tính chu đáo và tinh tế trong bán hàng và lợi thế địa lý của nước ta trong sản xuất nông sản. Tân Tạo nhờ vào tính linh hoạt trong nắm bắt thời cơ và lợi thế vị trí địa lý.
Theo một cách nhìn về chiến lược kinh doanh, thế mạnh cốt lõi của dân tộc Viêt Nam khi được khơi dậy và phát huy sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho các công ty Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế đặc sắc trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục, công nghệ thông tin-sinh học, du lịch, vận tải hàng không và đường biển, sản xuất và chế biến thực phẩm.
Thế nhưng, nhiều công ty của Việt Nam, dù đã có ít nhiều thành công, cũng có thể sẽ thất bát, thậm chí suy sụp, nếu họ dung dưỡng trong hệ thống quản lý của mình những điểm yếu dễ tổn thương của người Việt Nam ta, đó là sự ảo tưởng-thiếu thực tế, tính tùy tiện và không ngại nói dối, và cách làm gian dối, tính dễ thỏa mãn, thích phô trương, hưởng lạc.
Mặc dù trong bối cảnh quốc tế rất thuận lợi, sự nghiệp phát triển nước ta hiện nay vẫn còn đang đứng trước những nguy cơ rất lớn có liên quan đến sự sa sút trong nền tảng phát triển. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ chế hiện nay của chúng ta chưa khơi dậy được (nếu không nói là đã làm nhụt đi) thế mạnh cốt lõi của dân tộc; trong khi lại tạo nên môi trường dung dưỡng cho các điểm yếu dễ tổn thương bùng phát và lây lan.
Cụ thể là, ý chí chiến lược trong phát triển của chúng ta thấp, lại bị ràng buộc những tư tưởng giáo điều đã làm nhụt đi khát vọng và tinh thần quật khởi của dân tộc; chúng ta dồn nguồn lực cho nhiều dự án công nghiệp duy ý chí thay vì đầu tư cho chăm sóc và phát triển nguồn lực con người. Bộ máy công quyền của chúng ta với một bộ phận khá đông đã trở nên vô cảm làm thui chột tính vị tha và lòng nhân ái của người dân. Tham nhũng, tiêu cực và quản lý yếu kém tạo cơ hội cho nhiều người giàu lên nhanh chóng không bằng lao động chân chính làm cho người dân càng ảo tưởng về về cách làm giàu chụp giật. Hệ thống lương bổng bất hợp lý, hệ thống luật pháp thiếu minh bạch, sự lạm dụng quyền lực khuyến khích sự gian dối và chèn ép sự ngay thẳng. Cơ chế lựa chọn và giám sát cán bộ thiếu dân chủ, khoa học sinh ra nhiều quan chức bê tha, hưởng lạc, sính phô trương và thành tích không thực chất, làm người dân, đặc biệt thế hệ trẻ, không còn thấy xấu hổ khi sa đà vào con đường này.
Nếu không có đột phá để tiết chế các điểm yếu dễ tổn thương này của dân tộc, tình thế phát triển của Việt Nam sẽ đứng trước những khó khăn còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Tính ảo tưởng sẽ làm nạn cờ bạc, hủ tục mê tín dị đoan, và cách làm ăn chụp giật lan tràn. Tính thiếu ngay thẳng sẽ làm tình trạng gian dối ngày càng phổ biến và ăn sâu vào mọi lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất và chế biến thực phẩm, giáo dục, tư pháp, và tuyển chọn-đề bạt cán bộ. Tính dễ thỏa mãn-thích hưởng lạc sẽ làm tắt ngấm mọi khát vọng đổi thay và chấp nhận sự hoành hành của nạn tham nhũng, ma túy, và mãi dâm.
-
Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore)
-
Bài 3: Vai trò tiên phong của hệ thống
Trên đây là quan điểm của tác giả. Mời độc giả cùng tham gia tranh luận:
-
[1] Xem thêm “Determinants of Growth”, Robert Barro, The MIT Press, 1997.
[2] Theo “Key Indicators 2006: Measuring Policy Effectiveness in Health and Education”, ADB, 2006.
[3] Theo “The Role of University in China’s Economic Development” báo cáo trình bày tại Đại học Stanford 6/2006 bởi Lan Xue, Hiệu phó trờng Quản lý và Chính sách công, Đại học Thanh hoa.
[5] Dựa theo “2006 Report on the global AIDS epidemic, UNAIDS/WHO, May 2006”, Tổ chức Sức khỏe Thế giới, 2006.
[6] Theo “Connecting East Asia: A New Framework for Infrastructure, 2005”, Statistical Annex: Infrastructure Indicators; Ngân hàng Thế giới, 2006.
[7] Xem thêm “Governance Matters V: Governance Indicators for 1996–2005” bởi Kaufmann, Kraay, và Mastruzzi, Ngân hàng Thế giói, 2006.
[8] Xem thêm "The Core Competence of the Corporation", Gary Hamel and C. K. Prahalad, Harvard Business Review, vol. 68, no. 3, May-June 1990.