(VietNamNet) - Viễn cảnh phát triển của một quốc gia tùy thuộc rất lớn vào tầm vóc và chất lượng của hệ thống quản lý. Nếu tầm vóc của hệ thống đã bị tuột xuống dưới ngưỡng xung yếu đó, thì cho dù xoay xở thế nào, các căn bệnh của hệ thống sẽ mỗi ngày một trầm kha và không thể nào chữa trị bằng những liệu pháp thông thường (bệnh càng chữa, càng nặng). Khi đó, hệ thống chỉ còn phương cách duy nhất là đột phá để nâng tầm vóc của mình vượt lên trên ngưỡng xung yếu trong động thái vận động của mình.
>>> Yêu cầu khẩn thiết của đột phá
>>> Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam
Phần cuối cùng trong loạt bài viết về triết lý phát triển, Tiến sĩ Vũ Minh Khương lý giải về những đột phá cần phải có trong hệ thống.
Thực thi dân chủ để huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc
Công cuộc đổi mới của nước ta chỉ ra những bài học quan trọng về giải phóng và phát huy nguồn lực xã hội.
Từ việc giải phóng sự kiểm soát về quá trình sản xuất, chúng ta đã tạo bước nhảy vọt trong gia tăng sản lượng hàng hóa. Từ đó nước ta thoát được cảnh thiếu đói, nghèo nàn để chuyển sang đủ ăn.
Từ việc tự do hóa việc thiết lập công ty và chuyển dịch tư liệu sản xuất, chúng ta đã tạo nên sự bùng phát của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Từ đó, nước ta đang có những chuyển biến thuận lợi để chuyển được từ tình trạng đủ ăn sang tình trạng khấm khá.
Giờ đây, dân chủ hóa là bước đi quan trọng và hợp lý tiếp theo để nước ta chuyển được từ khấm khá lên phồn vinh. Dân chủ hóa sẽ giúp nước ta thoát khỏi tình trạng khan hiếm người tài năng, trung thực, và tâm huyết và tạo nên những động lực tiềm tàng để người dân sát vai nhau phấn đấu trong một ý thức công dân sâu sắc vì tương lai tốt đẹp của bản thân và đất nước.
Dân chủ hóa cũng tạo môi trường phấn khích cho sáng tạo và thử nghiệm táo bạo, một động lực quan trọng cho mọi kỳ tích phát triển. Dân chủ hóa sẽ cho phép thử nghiệm hình thành một số thành phố có đẳng cấp quốc tế theo các định hướng sau:
+ Thị trưởng của thành phố sẽ do người dân trực tiếp bầu ra. Bộ máy sẽ được tuyển chọn trên các tiêu chí chủ đạo là tài năng, tính trung trực, và lòng tâm huyết. Cơ chế trả lương sẽ do thành phố tự cân đối quyết định để đảm bảo một chính quyền ưu tú, tận tâm, và tuyệt đối trong sạch.
+ Thành phố sẽ được xây dựng theo đẳng cấp hàng đầu quốc tế về quy hoạch, giao thông công cộng, cây xanh, bảo vệ môi trường, nhà ở, bệnh viện, trường học, tiện ích văn hóa - thể thao.
+ Thành phố áp dụng mô hình giáo dục hiện đại (trong đó, Singapore là một kinh nghiệm quý) để đào tạo thế hệ trẻ trở thành công dân có tầm vóc toàn cầu.
+ Thành phố sẽ là cái nôi ra đời của các đại học đẳng cấp quốc tế và các công ty có tầm vóc quốc tế của Việt Nam.
+ Thành phố sẽ là tâm điểm khơi dậy sức mạnh cốt lõi của dân tộc và thu hút trí tuệ, kinh nghiệm, và nguồn lực toàn cầu...
Vai trò hệ thống quản lý
Viễn cảnh phát triển của một quốc gia tùy thuộc rất lớn vào tầm vóc và chất lượng của hệ thống quản lý.
Chất lượng của hệ thống quản lý được đánh giá chủ yếu trên các dịch vụ công chủ yếu mà hệ thống phải cung cấp; đó là giáo dục, y tế - sức khỏe, giao thông - qui hoạch đô thị, thủ tục hành chính, an ninh - trật tự, và bảo vệ các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành quả đáng trân trọng trong quá trình đổi mới vừa qua, tầm vóc và chất lượng hoạt động của hệ thống quản lý ngày càng bộc lộ rõ sự bất cập.
Theo mô hình phát triển động, mỗi hệ thống có một cái ngưỡng về tầm vóc mà nếu vượt qua đó, hệ thống dù còn nhiều khuyết tật yếu điểm, nhưng với nỗ lực phát triển, nó sẽ mỗi ngày một hoàn thiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn khách quan.
Thế nhưng, nếu tầm vóc của hệ thống đã bị tuột xuống dưới ngưỡng xung yếu đó, thì cho dù xoay xở thế nào, các căn bệnh của hệ thống sẽ mỗi ngày một trầm kha và không thể nào chữa trị bằng những liệu pháp thông thường (bệnh càng chữa, càng nặng). Khi đó, hệ thống chỉ còn phương cách duy nhất là đột phá để nâng tầm vóc của mình vượt lên trên ngưỡng xung yếu trong động thái vận động của mình.
Nỗ lực đột phá của một hệ thống, trước hết cần chú trọng vào ba khâu then chốt có mối quan hệ mật thiết với nhau; đó là Tầm nhìn, Khả năng học hỏi, và Cơ chế tuyển chọn - đề bạt cán bộ.
Về tầm nhìn
Hệ thống phải thấu hiểu quy luật vận động của xã hội và xu thế phát triển của thế giới để có được tầm nhìn sáng rõ cho tương lai của dân tộc. Trong nỗ lực này, ba nguy cơ cần tuyệt đối tránh là: tự trói mình vào quá khứ hoặc lợi ích cá nhân; phiến diện thiếu khoa học trong phân tích xu thế phát triển của thế giới; và mặc cảm về vị thế hiện tại để rồi làm tắt đi khát vọng vươn lên vị thế xứng đáng của dân tộc trong cộng đồng thế giới.
Về khả năng học hỏi
Hệ thống cần gia cường khả năng học hỏi theo hai mô thức chính. Mô thức thứ nhất đòi hỏi sự nhạy bén tiếp thu cái mới, cái hay, và khả năng chắt lọc tinh hoa tri thức của nhân loại. Mô thức này đòi hỏi cán bộ phải có tài và có quyết tâm. Mô thức thứ hai đòi hỏi khả năng học từ sai lầm, thất bại. Đó là khả năng phân tích và thấu hiểu căn nguyên của những sai lầm trước đây để rồi tránh mắc phải những sai lầm trong hiện tại và tương lai. Chẳng hạn, Hàn Quốc khi kỷ niệm ngày độc lập thường xoáy vào phân tích những nguyên nhân mất nước hơn là tranh thủ phô trương các thành tựu phát triển.
Về cơ chế tuyển chọn, đề bạt, đánh giá và đãi ngộ cán bộ
Cũng như các nước Đông Á khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa "cảm nhận xấu hổ" (shame culture). Theo đó người dân hành động dựa trên sự phán xét của xã hội về mình hơn là dựa trên suy xét của cá nhân là điều ấy đúng hay sai về luật pháp hay đạo đức. Vì vậy, cách hành xử của người dân chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cách hành xử của giới quan chức, trí thức, và giáo viên, là những tầng lớp mà người dân thường coi là chuẩn mực cho những hành vi của xã hội.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore (và Trung Quốc gần đây) trong công cuộc phát triển của mình đã hết sức chú trọng xây dựng một đội ngũ công chức ưu tú về tài năng và phẩm chất; và điều này đã mang lại những tác động to lớn không chỉ tới nhịp độ tăng trưởng kinh tế mà cả nền tảng đạo lý của xã hội.
Ở Việt Nam, tài năng và phẩm chất trong thời gian qua chưa thực sự trở thành tiêu chuẩn tối thượng trong tuyển dụng, đánh giá, và đề bạt cán bộ. Hệ quả là, đội ngũ này không chỉ chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội mà còn là nơi phát sinh ra lối sống bê tha và những hành vi gian dối, tham nhũng. Do vậy, người dân hiện không còn bị tiết chế bởi cảm nhận xấu hổ khi bị lôi cuốn vào các hành vi gian dối, chạy chọt, cờ bạc, chơi bời.
Do đó, xây dựng một đội ngũ công bộc ưu tú thông qua cơ chế tuyển chọn, đề bạt, đánh giá và đãi ngộ cán bộ thực sự dân chủ và khoa học cần là bước đột phá quan trọng trong nỗ lực cải cách.
Thay lời kết
Khi khảo cứu lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới thường, các nhà nghiên cứu tìm thấy sự kinh ngạc ở một trong hai thái cực. Ở thái cực thứ nhất, người ta kinh ngạc trước những cố gắng phi thường mà một dân tộc có thể làm được khi họ thấu hiểu và dũng cảm chấp nhận những thách thức nghiệt ngã, biến chúng thành cơ hội để làm nên kỳ tích phát triển; Ở thái cực thứ hai, người ta thấy kinh ngạc về sự luẩn quẩn trong tư duy và sự tầm thường trong hành động mà một dân tộc, dù có quá khứ vinh quang, có thể có khi họ lẩn tránh những thách thức khắc nghiệt của đổi thay và bỏ qua những cơ hội vô giá cho phát triển.
Nước Việt Nam ta sẽ ở vào thái cực nào của sự kinh ngạc trong những thập kỷ tới đây?
Người Việt Nam liệu còn khắc ghi trong tâm can của mình nỗi trăn trở, xót xa về vị thế dân tộc "ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" của Trần Hưng Đạo và ý chí hào hùng "Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,[...] Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau / Song hào kiệt thời nào cũng có" của Nguyễn Trãi?
Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống vì khát vọng độc lập tự do và tương lai phồn vinh của dân tộc liệu có cảm thấy yên lòng với những gì chúng ta đang làm hôm nay?
Người Việt Nam năm 2045 sẽ được hãnh diện về lòng quả cảm và những nỗ lực phi thường mà thế hệ hôm nay sẽ xiết chặt hàng ngũ để làm nên một nước Việt Nam hùng cường hay họ sẽ phải hổ thẹn, tủi nhục về vị thế yếu hèn của dân tộc trong cộng đồng thế giới và xót xa nuối tiếc về những cơ hội vô giá mà thế hệ cha anh họ đã bỏ qua?
Lịch sử đang chờ đợi câu trả lời của thế hệ chúng ta!
-
TS Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore)Trên đây là những quan điểm riêng của tác giả. Mời độc giả cùng tham gia tranh luận với Tiến sĩ Vũ Minh Khương