(VietNamNet) - 32 năm đã qua từ ngày được giải phóng, TP.HCM vẫn bị coi là phát triển chưa xứng với tiềm năng, vị trí của TP trong khu vực và thế giới. Đâu là bất cập trong chiến lược xây dựng TP những năm qua? Đặt trong tầm nhìn của vài thập niên sau, TP.HCM cần hướng đến mục tiêu nào với những giải pháp thiết thực?
Vừa qua, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM đã phối hợp với tập đoàn Nikken Seikkei (Nhật Bản) xây dựng bản quy hoạch điều chỉnh TP.HCM đến năm 2025. Mục tiêu là: xây dựng TP.HCM thành trung tâm công nghiệp, văn hóa của vùng đô thị TP.HCM, bán đảo Đông Dương và khu vực Châu Á; xây dựng thành siêu đô thị 10 triệu dân đóng vai trò là trung tâm công nghiệp tiên tiến của khu vực; khôi phục vị thế Hòn ngọc Viễn Đông. Cái đích được đặt ra liệu đã hoàn toàn hợp lý?
Trao đổi với chuyên gia đô thị Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, xung quanh những vấn đề trên.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm 3 sẽ phát triển như khu phố Đông của Thượng Hải?
Xóa cách quy hoạch cũ ?
- Phương pháp quy hoạch mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay là phương pháp quy hoạch tổng thể. Đây là phương pháp được áp dụng cho các nước có cơ chế quản lý tập trung kéo dài đến tận sau thế chiến thứ hai.
Phương pháp này chủ yếu dựa vào mong muốn chủ quan của chuyên gia quy hoạch hơn là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Quy hoạch theo phương pháp này dễ trở nên xa cuộc sống, dễ thành quy hoạch treo.
Sau khi TP.HCM được giải phóng, phương pháp này lại được áp dụng như với nhiều đô thị khác của Việt Nam.
Trước đó, trong điều kiện chiến tranh, thành phố Sài Gòn phát triển tự phát với một số quy hoạch nhỏ rất manh mún. Chỉ có bản quy hoạch thời Pháp thuộc là khá hoàn chỉnh, nhưng chỉ dành cho quy mô 1 triệu dân. Thời điểm đó Sài Gòn được tôn vinh là "Hòn ngọc Viễn đông".
Cho nên, nhu cầu quy hoạch thật sự khoa học, hợp lý cho TP.HCM hiện nay là rất cấp bách.
- Ông có thể phân tích cụ thể tác hại của việc áp dụng phương pháp quy hoạch đã lạc hậu so với thế giới trên?
- Chính vì quy hoạch theo ý muốn của một số người, không căn cứ vào nhu cầu thực tế đời sống, nên quy hoạch công nghiệp của TP.HCM rất phân tán, không đồng bộ với quy hoạch đô thị. Phát triển không cân đối giữa nhà cho người thu nhập cao với nhà cho người thu nhập thấp. TP chưa có chiến lược hoàn chỉnh về môi trường, nên các chỉ tiêu đều bị vượt quá. Chưa có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội, chẳng hạn phát triển khu công nghiệp nhưng không phát triển nhà ở cho công nhân. Hạ tầng đô thị - xương sống của đô thị - không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Quy hoạch đồng thuận giữa các ngành
- Ông từng băn khoăn về việc quy hoạch xây dựng không gắn kết với quy hoạch kinh tế - xã hội, hai quy hoạch có thể chênh nhau đến 5 năm. Hiện tượng này có xuất phát từ phương pháp quy hoạch như đã nói, và cần áp dụng phương pháp quy hoạch nào?
- Theo tôi, cần ứng dụng quy hoạch đô thị hợp nhất cho TP.HCM và cả các đô thị khác nữa. Quy hoạch hợp nhất có khởi điểm từ các nước phương Tây vào thập niên 80 thế kỷ trước: quy hoạch dựa trên cơ hội, thách thức, môi trường bên trong, bên ngoài.
Luật Xây dựng quy định quy hoạch xây dựng chung và quy hoạch xây dựng chi tiết do Bộ Xây dựng quản lý. Quy hoạch xây dựng chung thường được xem là quy hoạch tổng thể. Luật Đất đai quy định quy hoạch sử dụng đất do Bộ Tài nguyên – Môi trường quản lý. Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý.
Để tránh tình trạng thiếu thống nhất trong các quy hoạch dẫn tới những bất cập, nên hợp nhất quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch kinh tế - xã hội vào quy hoạch xây dựng chung.
Để đảm bảo việc tổ chức không gian lãnh thổ sát với thực tế cuộc sống, không trở thành quy hoạch treo, cần xây dựng “Quy định về sự phối hợp giữa quy hoạch kinh tế - xã hội với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch xây dựng và quy hoạch cơ sở hạ tầng”. Nói cách khác là cần hợp nhất giữa quy hoạch phi vật chất và quy hoạch vật chất, cả theo chiều ngang (các Sở, ngành) và theo chiều dọc (thành phố, quận, phường).
Quy hoạch đô thị hợp nhất là bản quy hoạch đồng thuận giữa các ngành, có sự tham gia của cộng đồng. Điểm mạnh của quy hoạch đô thị hợp nhất còn là gắn kết được với nguồn vốn để đầu tư vào các mục tiêu chủ yếu.
Đủ tiềm năng là thành phố toàn cầu
- Mục tiêu xây dựng TP.HCM đến gần 20 năm nữa như tập đoàn Nikken Seikkei vạch ra liệu đã hoàn toàn xứng với tiềm năng của TP và xu hướng của thế giới? Nhìn xa hơn, 30 năm nữa, TP.HCM cần hướng tới mục tiêu gì?
- Về tầm nhìn, ngay cả với bản quy hoạch đến năm 2025, cần hướng tới xây dựng TP.HCM thành “Thành phố toàn cầu”, “Thành phố quốc tế”.
Theo các nhà nghiên cứu J.Fredmann và G.Wolf, một số tiêu chí “Thành phố toàn cầu” là: một trong các Trung tâm tài chính của thế giới; địa điểm tổng hành dinh về hợp tác liên quốc gia, bao gồm cả tổng hành dinh khu vực; chủ nhà của việc xây dựng các định chế quốc tế; khu vực dịch vụ thương mại phát triển nhanh chóng; trung tâm vận tải quốc tế…
Tiêu chí “Thành phố quốc tế” là: về mặt địa lý có mang tính quốc tế; tham dự vào nhiều hoạt động thương mại kinh tế quốc tế; có nhiều cơ quan nước ngoài (ngân hàng, tổng lãnh sự, cơ quan thương mại du lịch); có liên hệ vận tải trực tiếp với nước ngoài; có các hoạt động xã hội với các nước khác và những hoạt động mạnh mẽ về viễn thông; có hệ thống dịch vụ phục vụ cho các hoạt động hướng ra nước ngoài (phòng họp, khách sạn, viện nghiên cứu); có bộ máy hành chính hoạt động theo phong cách bộ máy đối ngoại…
- Tiềm năng của TP.HCM và cơ hội do xu thế phát triển của thế giới tạo ra liệu có đủ cho TP đạt được những mục tiêu lớn như thế?
- Cạnh tranh toàn cầu đã và đang chuyển từ cạnh tranh giữa các nước sang cạnh tranh giữa các khu vực hoặc giữa các thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu hay quá trình tự do hóa thị trường thế giới. Một vùng sẽ tạo thành một đơn vị kinh tế liên kết trực tiếp với các đơn vị khác trong nước và ở các nước khác tạo thành mạng lưới toàn cầu.
Những nút như vậy có thể nằm ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới có nối kết toàn cầu. Đó chính là cơ sở cho sự hình thành các thành phố toàn cầu, thành phố quốc tế.
VN đã là thành viên của WTO, vùng đô thị TP.HCM, bây giờ là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, sẽ là đầu mối khu vực năng động trong kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và mạng lưới kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo của Nikkei Seikkei và Viện quy hoạch xây dựng TP.HCM, tới năm 2025, TP sẽ có quy mô 10 triệu dân và trở thành thành phố cực lớn. Tuy nhiên, gần đây thành phố cực lớn thường được gọi là thành phố toàn cầu hay thành phố quốc tế.
Việc đặt ra mục tiêu hợp xu thế sẽ cho TP hướng phát triển và phương pháp thực hiện hợp lý. Cách đây 15 năm, Thượng Hải (Trung Quốc) đã dám đặt mục tiêu cạnh tranh với Tokyo và tiến tới cạnh tranh với New York. Đến nay, Thượng Hải đã trở thành đô thị không thể bỏ qua trên bản đồ thế giới. Tại sao không dám đặt mục tiêu tương tự cho TP.HCM?
Mặt tiền hướng ra biển, vẫn bảo tồn sinh thái
- Ở sát biển, TP.HCM có khu sinh thái Cần Giờ cần được bảo tồn và hạn chế tối đa việc xây dựng tại đây. Nhưng, theo nghị quyết của Trung ương về chiến lược kinh tế biển và vùng ven biển, TP cần có mặt tiền hướng ra biển Đông. Vấn đề này cần được giải quyêt thế nào?
- Trong điều kiện này, có thể bố trí cảng nước sâu ở khu vực Gò Gia – Thị Vải (theo đề nghị của Viện vật lý Việt Nam) nối trực tiếp với đường xuyên Á. Cùng với công nghiệp đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản phát triển, cảng này hoạt động đồng bộ với Cảng Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu).
Các yếu tố nêu trên là cơ sở tạo nên đô thị sinh thái Cần Giờ, bên cạnh khu rừng ngập mặn phòng hộ môi trường với diện tích 25.000ha đã được UNESCO công nhận là “khu dự trữ sinh quyển” vào năm 1998.
Trước đây mấy trăm năm, khi xây dựng Leningrad, Pierre Đại đế đã có một câu nói rất hay “Tương lai nằm trên biển”.
Trong thời “cải cách - mở cửa”, Trung Quốc đã có chiến lược ưu tiên tăng trưởng kinh tế vùng ven biển Đông, tạo lực chủ đạo tác động lên toàn quốc. Hệ thống cảng biển tổng hợp cả công nghiệp, thủy hải sản, dịch vụ, nghỉ dưỡng, du lịch đã phát triển thành các nút giao tiếp xuất nhập khẩu nhanh chóng trong hệ thống toàn cầu.
Trong tương lai, TP.HCM sẽ phải hội nhập vào “chuỗi các thành phố ven biển”.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phạm Cường (thực hiện)