(VietNamNet) - Sau khi TP.HCM được giải phóng, một số nhân sỹ, trí thức, sỹ quan chế độ cũ được giữ vị trí cao trong Đảng tham gia bộ máy chính quyền cách mạng và tỏa sáng trên cương vị của mình. Bài học về sự cởi mở, táo bạo trong cách sử dụng người liệu đã được TP.HCM phát huy sau 32 năm?
Trong số trí thức, sỹ quan chế độ cũ tham gia bộ máy chính quyền mới tại TP.HCM có những người như bác sỹ Văn Tần, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, bác sỹ Đông A... Năm 2006, bác sỹ Văn Tần, Phó giám đốc bệnh viện Bình Dân, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc bệnh viện ung bướu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhờ những đóng góp cho y học nước nhà suốt mấy chục năm qua.
Đó là thành công trong cách dùng người một cách dũng cảm ở thời điểm nhạy cảm, có thể nhìn vào đó để xem lại sự kế thừa trong cách đào tạo, thu hút và sử dụng con người - động lực chính cho phát triển - tại TP.HCM.
Chưa có cơ chế tuyển chọn minh bạch?
Cải cách hành chính TPHCM (ảnh: Phạm Cường)
Dễ nhận thấy, trong điều kiện bộ máy hành chính còn quá cồng kềnh, chuyển đổi chậm chạp, nền kinh tế còn khó khăn, trong số đông đảo Việt kiều được đào tạo bài bản, tiếp thu tư duy quản lý hiện đại lại không có nhiều người tham gia quản lý.
Qua việc tìm hiểu tâm tư của các trí thức Việt kiều, TSKH Trần Hà Anh, Trưởng Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ khoa học - kỹ thuật Việt kiều, cho biết, hiện có rất ít Việt kiều còn mang quốc tịch Việt Nam muốn vào bộ máy, có chăng là làm các dự án.
Nếu Việt kiều muốn góp sức vào bộ máy quản lý thì họ đi theo con đường nào? Một cơ chế để nhanh chóng lựa chọn người có năng lực là thi tuyển.
Năm 2004, Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM xây dựng đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số sở-ngành, quận - huyện gây xôn xao dư luận. Nhưng, cho đến bây giờ, đề án vẫn chưa được Thành uỷ TP.HCM thông qua. Những người có trách nhiệm trong việc này giải thích: Người VN vẫn quen với cơ chế lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ, vả lại, việc thi tuyển mới chỉ kiểm tra được trình độ chuyên môn, chứ chưa kiểm tra được đạo đức, nghĩa là mới đảm bảo được "chuyên", chưa đảm bảo được "hồng".
Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với VietNamNet, thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng: Ngay bản thân nội dung thi tuyển đã đề cập đến cả "hồng" và "chuyên", có đối thoại và có rà soát xem ứng viên là người này thế nào, qua hồ sơ, lý lịch. Khi quyết định bổ nhiệm, có thể thẩm định kỹ càng hơn nữa qua nhiều kênh thông tin. Ông còn nhận xét: "TP.HCM thực hiện đề án như thế là chậm, nên làm càng sớm càng tốt".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung tỏ thái độ rõ rệt cho đây là một đề án hợp thời, cần triển khai nhanh.
Không còn là đầu tàu trong phát huy nhân lực
Trong khi đó, như một điều tất yếu phải đến trong công tác cán bộ, thành phố Đà Nẵng đã thí điểm thành công việc thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng và đang hướng tới thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Tỉnh Long An đang thí điểm thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số sở -ngành, quận - huyện. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho biết, năm 2007 sẽ thí điểm cơ chế người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định phê duyệt đề án thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương (cấp vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cấp phòng thuộc UBND cấp huyện và tương đương, cấp sở thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương).
Như thế, việc tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng, để lựa chọn người xứng đáng vào một số vị trí đã trở thành quyết tâm chính trị của người đứng đầu chính phủ. Điều này giống như sự xác lập dòng chảy mới trong công tác cán bộ vốn từ trước đến nay đi theo lối mòn: lãnh đạo bổ nhiệm đã hiện hữu rõ rệt.
Riêng đối với TP.HCM, điều đáng nói là: 32 năm trước, ở thời điểm dù chế độ cũ vừa sụp đổ, sự chia cắt, trong lòng người chưa thể xoá, mà vẫn có những người trong Đảng dám đứng ra chấp nhận, bảo lãnh cho một số nhân sỹ, trí thức, sỹ quan chế độ cũ tham gia vào bộ máy của chính quyền mới. Vậy mà, đến giờ, khi vết thương chia cắt đã dần bị xoá nhoà, lại có sự dè dặt trong việc áp dụng cơ chế minh bạch để tuyển chọn người có năng lực.
Nhận xét của đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa về đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại TP.HCM chỉ là góc nhìn của một cá nhân nhưng cũng gợi suy nghĩ: "Đề án này đụng đến cái cốt lõi, nhạy cảm nhất: sự dích dắc của chức, quyền, tiền, bạc, thân thích, chi phối hầu như toàn bộ việc chọn lựa vị trí suốt thời gian dài vừa qua".
Công trình kém chất lượng - Vai trò trí thức ở đâu?
Theo TSKH Trần Hà Anh, trong việc thu hút Việt kiều, mức lương cao chỉ là một yếu tố, yếu tố chính là tạo cho trí thức Việt kiều môi trường làm việc tốt, phát huy khả năng ở mức cao.
Nếu không vào bộ máy chính quyền, trí thức Việt kiều về nước sẽ làm kinh doanh, tham gia các dự án, các câu lạc bộ, làm tư vấn.
Sau một loạt công trình kém chất lượng hoặc chậm trễ của TP.HCM thời gian qua, như cầu Văn Thánh 2, cầu Bình Triệu 2, liên tỉnh lộ 15, cầu đường Nguyễn Tri Phương..., người ta đặt câu hỏi về vai trò của các nhà tư vấn, chất lượng tư vấn. Trong khi việc thuê tư vấn nước ngoài vẫn bị kêu là đắt đỏ, dễ bị "hố" bởi gặp phải tư vấn kém chất lượng, khó liên kết chặt chẽ với cán bộ trong nước do khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, thì vai trò của các nhà tư vấn Việt kiều còn khá mờ nhạt.
Hầu hết các quyết sách của UBND TP.HCM liên quan đến lĩnh vực kinh tế đều thông qua Viện Kinh tế TP. Một thành phố gánh trọng trách là đầu tàu kinh tế của cả nước, đang gặp nhiều bài toán cho bước phát triển mạnh mẽ xứng với tiềm năng trong tương lai, thì những quyết sách được vạch ra chủ yếu bởi Viện Kinh tế liệu đã đủ?
TSKH Trần Hà Anh phân tích, trong một bộ máy mà lãnh đạo bao gồm nhiều nhà chính trị hơn nhà kỹ trị như tại TP.HCM hiện nay, các nhà lãnh đạo cần quy tụ được sự hỗ trợ của nhiều nhân sỹ, trí thức, đáng kể là lực lượng trí thức Việt kiều.
Hiện nay, do quy định người Việt Nam ở nước ngoài không được phép lập hội, nên mới chỉ có sự ra đời của Câu lạc bộ khoa học-kỹ thuật Việt kiều nằm trong Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, làm cầu nối giữa trí thức Việt kiều và chính quyền trong nước. Tuy nhiên, Câu lạc bộ vẫn chưa có giấy phép hoạt động chính thức và những người đứng ra tổ chức Câu lạc bộ đang làm việc không lương như làm từ thiện.
Gieo "hạt giống đỏ" chưa hiệu quả?
Một tâm điểm khác về chuyện sử dụng nhân lực của TP.HCM là "Chương trình 300 thạc sỹ, tiến sỹ". Trong các năm 2001- 2005, chương trình đã tuyển chọn được 257 ứng viên và đưa đi đào tạo 222 học viên. Mức đầu tư cho mỗi ứng viên khoảng 40.000 - 50.000 USD. Đến nay, TP đã có 99 đơn vị đăng ký tiếp nhận 215 học viên thuộc chương trình.
Tuy vậy, bên cạnh thành công ban đầu, đã có sự trớ trêu trong cách sử dụng những "hạt giống đỏ" này. Có trường hợp sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sâu, được nhận vào một sở của TP chỉ được giao việc đánh máy vi tính, nhập liệu với mức lương 500.000 đồng/tháng và làm phiên dịch tiếng Anh khi có đoàn khách quốc tế. Có người thổ lộ: vào cơ quan mấy ngày, thấy mọi người xung quanh làm việc uể oải, tự cảm thấy lạc lõng như “sắp tắt lửa lòng”. Có người than phiền về việc mình được lựa chọn vào một cơ quan chỉ là ngẫu nhiên, không dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn. Một số người khác cho hay, sau khi được đào tạo, họ không biết về đâu.
Sau 32 năm, thành công từ cách dùng người trọng tài năng, cởi mở và yêu cầu phát triển trong tương lai gần trở thành một trung tâm của khu vực và thế giới, tự thân đòi hỏi TP.HCM cần có những giải pháp đào tạo, thu hút và sử dụng con người quyết liệt, hợp lý hơn.
-
Phạm Cường