(VietNamNet) - Đề án chính quyền đô thị không phải cái đũa thần để cứ xây dựng hoàn chỉnh là có tất cả. Ngay bây giờ, cần sự chủ động hướng tới đô thị đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả nơi bàn nhiều nhất về xây dựng chính quyền đô thị trong thời gian qua như TP.HCM, những việc trong tầm tay trên đường đến cái đích này liệu đã được thực hiện?
- Người dân sẽ trực tiếp bầu thị trưởng?
- "Dân bầu thị trưởng không trái cơ chế của Đảng"
- TP.HCM: Bài học dùng nhân tài
- TP.HCM sẽ trở thành thành phố toàn cầu?
Lãnh đạo chưa quen công nghệ thông tin
Chính quyền đô thị là bộ máy quản lý tinh giản tối đa số lượng công chức và thủ tục hành chính với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thay thế sức người. Thế nhưng, cùng với thất bại của đề án 112 trên cả nước vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã không đạt hiệu quả như mong muốn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sai lầm của đề án 112 là thúc đẩy ứng dụng thông tin theo ý chí của những người làm công nghệ thông tin, mà không tạo ra nhu cầu thực tế, tự giác từ chính bộ máy quản lý. Trong trường hợp này, việc thúc đẩy công nghệ thông tin mang tính chủ quan, trang bị phần mềm, trang thiết bị chỉ để trang bị, chứ không phải vì bộ máy quản lý theo đúng nghĩa.
TP.HCM sẽ xây dựng chính quyền đô thị từ xuất phát điểm một đô thị lớn còn nhiều lộn xộn với cư dân còn mang tập tính nông thông. (ảnh: SGGP)
Tình trạng không tạo được "cầu" thực tế về công nghệ thông tin trong bộ máy quản lý có nguyên nhân quan trọng từ quyết tâm chính trị của những người đứng đầu tạo sự thống nhất trong toàn bộ máy.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giao lưu trực tuyến với người dân qua một số tờ báo điện tử có thể xem như sự thừa nhận vai trò của công nghệ thông tin, tạo hiệu ứng mạnh trong dư luận về một loại hình truyền thông có tính tương tác rất cao. Tương tự, không phải ngẫu nhiên sau khi Thủ tướng Thái Lan ăn thịt gà trước sự chứng kiến của báo giới vào năm 2004, thị trường gia cầm Thái Lan nhanh chóng tan băng sau thời gian dài đình trệ bởi dịch cúm gia cầm.
Tuy vậy, những vị lãnh đạo phụ trách các ngành, địa phương rất hiếm có những hình ảnh giống như Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước. Một lãnh đạo TP.HCM từng tiết lộ trong một cuộc họp có sự chứng kiến của báo chí rằng, ông rất hiếm khi dùng máy vi tính, có thông tin gì thì đã trợ lý báo cho ông. Đến tận năm 2006, trụ sở một UBND quận tại TP.HCM chưa được nối mạng internet, lãnh đạo quận chưa có địa chỉ email và chưa bao giờ trực tiếp lên mạng. Một số giám đốc sở thừa nhận chưa có thói quen dùng mạng internet.
Cũng vào năm 2006, đoàn kiểm tra cải cách hành chính của UBND TP.HCM cho biết: Ở huyện Hóc Môn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng UBND đều chưa có máy vi tính.
Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa từng phản ánh: "Ở quận Bình Thạnh, qua nhiều năm ứng dụng công nghệ thông tin, cả hệ thống chính quyền của quận với rất nhiều đầu mối và công chức chỉ có 60 địa chỉ email, trong đó chỉ có 36 email được mở ra xem. Người có, người không, thì việc lập email chẳng có tác dụng gì".
Ông Khoa đặt giả thiết: "Giả sử Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định: Thư mời họp, văn bản của các Sở, ban, ngành chỉ thực hiện qua email. Không tổ chức cuộc họp mà họp qua đường truyền micro, hoặc thay bằng gửi văn bản. Ai làm làm trái, sẽ bị phạt. Như thế, tình hình sẽ khác hẳn. Thiếu quyết tâm làm chứ không phải không làm được".
Việc thiếu quyết tâm của những người lãnh đạo đã không tạo ra "cầu" thực sự về công nghệ thông tin trong bộ máy quản lý.
Chưa sẵn sàng cho tuyển chọn minh bạch
Chính quyền đô thị sẽ áp dụng cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng - điều còn rất mới mẻ đối với VN. Mô hình có thể áp dụng tại VN là: Có nhiều hơn một ứng viên do tổ chức Đảng, tổ chức xã hội tiến cử qua nhiều vòng tranh cử nội bộ trình bày chương trình hành động của mình, tiến hành vận động tranh cử thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trên cơ sở đó, người dân bỏ lá phiếu chọn ra người tài năng nhất.
Ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định: Cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng không có mâu thuẫn gì với cơ chế "Đảng cử, dân bầu".
Dân chủ trực tiếp bao gồm cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng là mức phát triển cao của dân chủ, gắn với từng giai đoạn phát triển của chính quyền đô thị. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng, nhận định: Cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng có thể áp dụng khi chính quyền đô thị đạt đến mức độ: Hoạt động kinh tế tư nhân khá mạnh mẽ, chính phủ chỉ nắm một số khâu trọng yếu, dân chủ trực tiếp. Kiểm soát xã hội bằng luật pháp và các sức mạnh xã hội khác. Mức GDP bình quân trên 2.000 USD/năm.
Đó là tiêu chuẩn, nhưng mấu chốt là sự chủ động xây dựng dân chủ trực tiếp ngay từ bây giờ. Nếu không có sự chủ động, thì ngay cả khi mức phát triển của chính quyền đô thị trên một số mặt vượt quá tiêu chuẩn, cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng vẫn chưa được áp dụng.
Khi đặt vấn đề về cơ chế này dễ nhận được câu trả lời: "Dân chủ cần có quá trình và đi cùng với dân trí". Tuy nhiên, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn lại cho rằng: "Dân chủ thậm chí phải chủ động đi trước dân trí". Trong cuộc trả lời VietNamNet mới đây, học giả Nguyễn Huy Hoan đã phát biểu gợi nhiều suy nghĩ: "Chúng ta phải học Bác Hồ trong việc huy động được hết sức mạnh toàn dân, đúng như Bác nói có dân là có tất cả. Dù dân trình độ văn hóa có thể không cao nhưng dân rất thông minh, họ biết chọn những người tài, người tốt".
Trong bài viết "TP.HCM: Bài học dùng nhân tài", VietNamNet đã phân tích sự dè dặt của chính quyền TP.HCM đối với đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng, trong khi một số địa phương khác đã thực hiện những việc tương tự và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định phê duyệt đề án thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương.
Đào tạo và phát huy nguồn lực con người là then chốt cho việc xây dựng thành phố đẳng cấp quốc tế, nơi những người đứng đầu trên các lĩnh vực phải là tài năng bậc nhất trên lĩnh vực đó. Nhưng TP.HCM chưa thật sự là đầu tàu trong công tác then chốt này. Biểu hiện đó gây hoài nghi về sự chủ động của TP đối với những cơ chế mới trong công tác cán bộ trong tương lai, trong đó có cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng.
Thiếu con người đô thị
Nhân tố quan trọng nhất tạo nên chính quyền đô thị chính là con người đô thị. Vậy, TP.HCM đã có con người đô thị?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội, từng tỏ ý băn khoăn về khó khăn để xây dựng chính quyền đô thị trong khi đa số người dân vẫn mang lối sống, tư duy của nông thôn. Thậm chí, "nhiều lãnh đạo xuất thân từ nông thôn, suy nghĩ, tầm nhìn bị bó hẹp".
Hiện tại, TP.HCM vẫn quản lý đô thị theo cách nông thôn, bộ máy trên các lĩnh vực trải xuống ba cấp, không có gì khác so với các tỉnh, thành khác. Trong khi đó, sự vượt trội về giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin... của đô thị lớn cho phép tạo khác biệt so với các địa phương khác. Chẳng hạn, không cần phường nào cũng có trạm y tế như các xã ở nông thôn, bởi vì người dân có thể nhanh chóng đến các bệnh viện lớn ở quận khác nhờ khoảng cách gần và việc đi lại dễ dàng. Tương tự, có thể bớt đi các tầng quản lý trung gian.
Nếp sống nông thôn của đại đa số người dân sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng đô thị ngăn nắp, kỷ luật. Có thể thấy được điều đó ở điểm dễ quan sát nhất: sự tuỳ tiện khi tham gia giao thông và giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân.
Ngay điểm này đã đòi hỏi sự quyết liệt của những người quản lý, từ giáo dục trong trường phổ thông đến xây dựng và thực hiện các chế tài chặt chẽ. Thành công của Hà Nội trong việc chấn chỉnh giao thông, để người dân tự giác không dừng xe quá vạch đèn đỏ, sau đợt ra quân rầm rộ vào dịp chuẩn bị cho SeaGames 22 là một bài học.
Chính quyền đô thị bao hàm tất cả các mặt của đời sống đô thị. Nhưng qua một số điểm mấu chốt trên, có thể thấy TP.HCM chưa thật sẵn sàng đi tới mô hình quản lý hiện đại này.
-
Phạm Cường