221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
933282
Bác Hồ và những chuyện chưa được kể phía sau khuôn hình
1
Article
null
Bác Hồ và những chuyện chưa được kể phía sau khuôn hình
,

(VietNamNet) - Đây là những câu chuyện cảm động về Bác Hồ với những người làm báo hình của đạo diễn, quay phim, NSƯT Phạm Việt Tùng - người đã từng theo Bác những ngày đầu bước vào nghề báo hình và làm nhiều phim tài liệu về Bác Hồ.  Chúng tôi xin đăng lại nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Những câu chuyện ông kể, có chuyện do ông trực tiếp chứng kiến và có những chuyện các đồng nghiệp của ông, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, Hoàng Thái, Phan Nghiêm, Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Phan Trọng Quỳ, An Sơn, Tô Cương, Ngọc Quỳnh, Khánh Dư, Nguyễn Đăng Bẩy... kể lại trong chặng đường tái dựng chân dung Bác Hồ của ông. 

 

bacho.jpg
Bác Hồ luôn quan tâm đến phóng viên báo chí từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể.

 

Đó là những câu chuyện không thể nào quên đối với những người có may mắn gánh trên mình trọng trách “đưa hình ảnh Bác đến với đồng bào khắp trong Nam, ngoài Bắc, trong đó có những người “giúp nhân dân Miền Nam biết gương mặt đó để tin và đi theo chủ nghĩa đó” như lời kể của nghệ sĩ Việt Tùng.

Ở độ tuổi 20, còn rất trẻ, Phạm Việt Tùng đã "có may mắn được đi theo Bác Hồ" từ những năm 1960. Ông tâm sự: "Được tiếp xúc và gần gũi Bác, chúng tôi bị ảnh hưởng của Bác trong công việc báo hình. Thế hệ những người "cũ kỹ, có may mắn gần Bác như chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao cho đúng, soi lại tư tưởng của Bác trước mỗi hành động".

Kể từ năm 1919 với bản yêu sách nổi tiếng gửi đến Hội nghị Véc-xây, cho đến khi từ giã cõi đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài báo, với 150 bút danh khác nhau.

Bác cũng là người sáng lập nên nền báo chí cách mạng VN.

Những năm đầu trong nghề làm báo hình của ông gắn với nhiều kỷ niệm về Bác. Sau này, ông đã làm rất nhiều những bộ phim tư liệu về Bác Hồ. Những kỷ niệm khi quay phim về Bác tái hiện sống động trong ký ức NSƯT Việt Tùng.

Bác luôn xuất hiện ở nơi không ngờ nhất

Được báo tin Bác chuẩn bị đến thăm một địa điểm nào đó, đơn vị được Bác tới thăm bao giờ cũng muốn chuẩn bị thật chu đáo để đón Bác. Cánh quay phim thường đến sớm, chuẩn bị máy tại nơi dự kiến sẽ đón Bác.

“Nhưng Bác luôn xuất hiện ở những nơi không ngờ nhất. Nhiều khi mình chuẩn bị đón tiếp tại một hướng nhưng ông Cụ lại đến từ một hướng khác”. “Không ai đoán được ông Cụ muốn kiểm tra mình cái gì”.

Năm đó, Bác Hồ trở lại thăm Pắc Bó, nơi Bác vẫn xem là quê hương thứ hai của mình. Nhân dân Pắc Bó đã làm một con đường lớn để đón Bác vào thăm mộ Kim Đồng. Nhưng khi đến thăm, Bác không đi con đường mới được xây dựng ấy. Bác lần theo đường mòn cũ, đi lại những lối đi đã từng rất quen thuộc với Bác trong thời kỳ kháng chiến, như muốn ôn lại cả chặng đường đã qua.

Mỗi khi đón Bác, các cơ quan, đơn vị đều chuẩn bị kỹ phòng họp để Bác vào thăm. Nhưng bao giờ cũng vậy, Bác thường qua thăm chỗ nhà ăn, nhà vệ sinh trước rồi mới tới gặp nhân dân. Bác quan tâm sâu sắc, cụ thể đến đời sống của họ, từng cái ăn, cái ở. “Mỗi chuyến thăm của Bác không phải Bác đến chỉ để phát biểu vài ba câu…”. Có lần, đến thăm nhà máy cơ khí số 1, trong khi mọi người đang loay hoay chuẩn bị phòng đón Bác, Bác đi vòng qua sân, nhìn thấy một cái bục nhỏ. Bác đứng lên bục và nói chuyện với công nhân ngay tại đó.

"Các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm"

Là vị Chủ tịch nước, nhưng Bác quan tâm đến những việc rất nhỏ của cánh quay phim, quan tâm sát sao và rất cụ thể. Ông Việt Tùng tâm sự: "Cụ luôn biết mình đang thuận lợi, khó khăn gì để giúp đỡ mình, thân tình và nhân ái”.

Ông vẫn nhớ câu chuyện của người đồng nghiệp trong chuyến quay phim dịp Đại hội Đảng lần thứ II. Bác đã chủ động hỏi các nhà quay phim: "Các chú có mang nhiều phim không?" Chú quay phim thành thật thưa với Bác: "Thưa Bác, chúng cháu chỉ có 1 cuộn phim thôi ạ". Bác liền bảo: "Thế các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm… Chú quay một cái toàn cảnh rồi lia sang lá cờ. Sau đó mới tới các hoạt động của hội nghị". Ông Cụ am hiểu về nghề làm phim như vậy đấy, nhà quay phim Việt Tùng nói.

Bấy giờ, điện ảnh Việt Nam còn kém. Chúng ta quay phim gửi sang Trung Quốc, để Trung Quốc “làm giúp”. Đó là bộ phim "Việt Nam kháng chiến". Ta muốn quay cảnh Bác họp hội đồng Chính phủ nhưng vì hồi ấy, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại như bây giờ, ánh sáng trong ngôi nhà mái lá không đảm bảo cho cảnh quay. Trong lúc cánh quay phim đang "bí", loay hoay chưa biết làm thế nào cho đủ sáng, Bác chỉ lên mái nhà, bảo với quay phim Khánh Dư lúc đó đang là phụ quay: "Chú trèo lên dỡ mấy tàu lá cọ xuống cho ánh sáng lọt vào là quay được".

Nhà quay phim Tô Cương: "Ông cụ đã cứu mình"

Ông bồi hổi kể, Bác Hồ có thói quen đi rất nhanh. Bác bước từng sải dài, chỉ nhắm nhanh đến đích, để thực hiện công việc của mình. Anh em quay phim nhiều khi không bắt kịp hình ảnh của Bác, nhưng ngại, không biết làm như thế nào. Một hôm, trong lúc nói chuyện, Bác quay sang hỏi nhà quay phim An Sơn: “Hôm nay các chú có làm được việc không?”. Lúc này, ông mới mạnh dạn bộc bạch với Bác: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay được ạ”. Từ đó, khi máy quay hướng vào Bác, Bác chủ động đi chậm lại, tạo thuận lợi để thu được những thước phim về Bác.

Bác Hồ luôn quan tâm đến những việc rất bé như vậy. Câu chuyện của nhà quay phim Tô Cương được nghệ sĩ Việt Tùng kể lại trong niềm xúc động. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Lô-Giơ-Bai, ân nhân của Bác trong vụ án Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1.

Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy. “Cụ lo cho mình như thế đấy. Nếu Cụ đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Cụ, không hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật…”. Ông Việt Tùng lúc bấy giờ làm ánh sáng phụ cho ông Tô Cương quay phim về Bác kể lại. Sau lần đó, nhà quay phim Tô Cương cứ xuýt xoa: “May quá, Ông Cụ đã cứu mình”.

Đằng sau khuôn hình, tại hậu trường những cảnh quanh chân thực về Bác, còn biết bao những câu chuyện giản dị và cảm động. Những câu chuyện đó đã theo họ trên suốt chặng đường làm báo, với tâm nguyện “làm gì cho xứng đáng”, bởi như Bác nhiều lần nhắc nhở: làm báo chính là làm cách mạng… là để phục vụ quảng đại quần chúng, không chỉ phục vụ một số ít cá nhân... 

  •  Phương Loan
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,