221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
936390
Lấy ý kiến dân về Dự luật Thuế thu nhập cá nhân
1
Article
null
Lấy ý kiến dân về Dự luật Thuế thu nhập cá nhân
,

(VietNamNet)- Chiều 23/5, Uỷ ban Thường vụ QH đã đồng ý việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự Luật Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu từ ngày 15/6 vào kéo dài đến ngày 15/8.

Tiền lãi tiết kiệm, kiều hối không chịu thuế

060915100014_DucTho_1_.jpg
Dự luật thuế thu nhập cá nhân gây tranh cãi sẽ được lấy ý kiến dân từ ngày 15/6.
Theo dự kiến, có 6 nhóm vấn đề trong Luật Thuế thu nhập cá nhân được đưa ra xin ý kiến nhân dân. Bao gồm: đối tượng nộp thuế; thu nhập chịu thuế (bổ sung một số khoản như thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản); giảm trừ gia cảnh (4 triệu đồng/tháng, 5 triệu đồng/tháng, hay 3 triệu đồng/tháng); biểu thuế (lũy tiến từng phần, biểu thuế toàn phần với mức thấp nhất 5%); thuế đối với cá nhân không cư trú (thuế suất 20% đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công); thời điểm hiệu lực của Luật Thuế thu nhập cá nhân (1-1-2009).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết bản dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân trình Uỷ ban Thường vụ QH (UBTVQH) chiều nay đã có một số chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cụ thể là sẽ chưa thu thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Qua tính toán, hiệu quả khoản thu này chưa cao do số thu không lớn, khó quản lý thu, và chưa được sự đồng thuận của ngành ngân hàng và xã hội. Đồng thời với đó, cũng chưa thu thuế đối với lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và khoản thu này có tính chất tương tự như lãi tiền gửi tiết kiệm.

Về mức giảm trừ gia cảnh, khi trình dự luật này ra Quốc hội, Chính phủ đã trình hai phương án giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng. Hầu hết ý kiến thảo luận ở Quốc hội đã nhất trí với phương án 5 triệu đồng/tháng, vì đây là mức thu nhập mà người nộp thuế có thể bảo đảm được mức sống trung bình ở thời điểm luật có hiệu lực vào năm 2009.

Ông Trương Chí Trung trình thêm phương án giảm trừ gia cảnh 3 triệu đồng/tháng. “Phương án này là tiếp thu ý kiến của một số ĐBQH đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh để nhiều người được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của công dân” - Thứ trưởng Trương Chí Trung cho hay.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Hoàng Thanh Phú cho rằng, hai phương án 4 và 5 triệu đồng/tháng người dân đã biết từ lâu. Việc đưa thêm phương án nữa là không cần thiết, khiến việc lấy ý kiến thêm phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cũng không đồng ý, bà lấy minh hoạ đơn giản: “Giá cả thị trường tăng liên tục. Năm ngoái giá gas chỉ 80.000-100.000 đồng/bình, nay đã lên 180.000 đồng/bình. Tại sao mức giảm trừ không tính theo trượt giá thị trường?”.

Mặt khác, theo bà Tâm Đan, nếu nói là đưa ra nhiều phương án để nhân dân lựa chọn thì tại sao chỉ đưa ra phương án thấp, mà không đưa ra phương án cao hơn 5 triệu đồng?

Cuối cùng, UBTVQH thống nhất việc cần phải xin ý kiến nhân dân đối với dự Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó thời gian thực hiện bắt đầu từ 15/6 và kéo dài trong vòng 2 tháng, đến ngày 15/8.

Ưu đãi thuế thu nhập DN cho các cơ sở sử dụng người lao động sau cai nghiện

Sáng cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ QH đã bàn về việc cho phép áp dụng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý.

Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ QH ra nghị quyết cho phép được thí điểm áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động là người sau cai nghiện trong thời gian thực hiện NQ 16.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng đề nghị trên của Chính phủ là chưa phù hợp, bởi việc ban hành quy định pháp luật về thuế thuộc thẩm quyền của QH, vì vậy Chính phủ cần trình QH về vấn đề này.

Hơn nữa, nếu phải sửa đổi pháp luật về thuế mà chỉ áp dụng theo NQ 16 (hiệu lực chỉ còn hơn 1 năm) là quá ngắn, không thể tạo động lực thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó tạo việc làm cho người sau cai nghiện lại cần những chính sách ổn định lâu dài.

Bà Hoài Thu cũng nói thêm, hỗ trợ ưu đãi về thuế là chưa đủ mà cần phải có sự hỗ trợ bằng nhiều giải pháp khác thì mới có hiệu quả.

Giải pháp được bà Hoài Thu đưa ra: Trong thời gian còn lại khi thực hiện NQ 16, Chính phủ và các tỉnh, thành nghiên cứu vận dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ cần thiết khác cho các nhà đầu tư. Nếu cần, Chính phủ có thể sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự trữ tài chính hoặc ngân sách dự phòng để thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong năm nay (theo dự kiến khoảng 10 tỷ đồng/năm). Chính phủ chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá toàn diện 4 năm thực hiện NQ 16 để báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm nay, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh liên quan.

Đề xuất của bà Hoài Thu đã được nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ QH đồng tình.

  • Đỗ Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,