221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
938526
Tướng Mai Chí Thọ qua lời kể của thiếu tá Hai Liêm
1
Article
null
Tướng Mai Chí Thọ qua lời kể của thiếu tá Hai Liêm
,

(VietNamNet) - Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm là người suốt một thời gian dài kề vai sát cánh bên Đại tướng Mai Chí Thọ. Hôm nay ông tâm sự cùng VietNamNet về những ngày không quên cùng Đại tướng.

>> Trân trọng chào vĩnh việt Đại tướng Mai Chí Thọ

"Suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, tôi quý trọng nhất nhân cách của ông. Với mọi người trong nhà, ông luôn là một người anh lớn, một người còn hơn cả ruột thịt của tôi", Hai Liêm, thiếu tá an ninh, người một thời sát cánh cùng tướng Mai Chí Thọ, tâm sự.

Thiếu tá Hai Liêm (năm nay 92 tuổi) gắn liền với một quãng đường cách mạng của Đại tướng Mai Chí Thọ. Họ trở thành bạn thân không cấp bậc, là anh em chia ngọt sẻ bùi. Hơn 60 năm qua, ông đã đi cùng Đại tướng qua cuộc kháng chiến chống Pháp, một phần đầu của kháng chiến chống Mỹ và sau này sau hòa bình, làm công tác an ninh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Điều gì đã đưa ông đi cùng Đại tướng suốt một thời gian dài đến vậy?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Cũng duyên số cả thôi. Ngày ấy tôi đang họat động cách mạng ở Cần Thơ và khi đã cướp chính quyền xong thì Đảng bộ tổ chức đưa anh em tù Côn Đảo về. Ông Tám Cao (bí danh của Tướng Mai Chí Thọ) lúc ấy được chính quyền mới đề nghị ở nhà tôi và bắt đầu từ đây chúng tôi chung một mái nhà, ăn chung, ngủ chung và tôi không ngờ rằng chúng tôi sẽ còn đi với nhau một con đường rất dài nữa.

- Và từ đó trở đi ông trở thành người bảo vệ của Đại tướng?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Đúng vậy, sau khi từ Côn Đảo về, ảnh được cử giữ chức Bí thư tỉnh ủy rồi Trưởng ty sau đó là Phó giám đốc Công an Nam bộ rồi Giám đốc Công an phân liên khu miền Đông Nam bộ, lúc nào tôi cũng bên cạnh ảnh.

Anh Tám nhỏ hơn tôi 5 tuổi, tôi bắt đầu được nhận nhiệm vụ bảo vệ Tám Cao khi anh bắt đầu nhận chức Trưởng ty Công an Cần Thơ. Thời điểm đó, Pháp đánh dữ lắm, tất cả các cơ quan đầu não của ta phải rút xuống rừng U Minh. Tôi với Tám Cao trở lại Kinh Xáng Xà No củng cố Ty công an Cần Thơ, đi trừ gian diệt tề. Lúc đó khó khăn trăm bề nhưng nhờ vậy tôi mới càng hiểu rõ hơn con người ảnh.

- Ông có thể nói rõ hơn?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Sẽ có rất nhiều chuyện để kể về Tám Cao nhưng tôi không thể nói hết được trong một buổi nói chuyện.

Vào thời kỳ 45, 46 tình hình cực kỳ khó khăn. Cuộc sống khổ lắm, vải không có để mặc, anh em cùng nhân dân phải mặc bao bố tời, mặc rồi thì chí rận tha hồ tung hoành. Nhưng trong những hoàn cảnh ấy, anh Tám lúc nào cũng động viên anh em vượt khó, cố gắng bám trụ và ảnh luôn là người đầu tiên nêu gương tốt cho anh em.

Rồi những năm tiếp theo, tôi cùng ảnh đi nhiều lắm, từ những ngày bão lụt trắng xóa ở Đồng Tháp Mười, từ những giờ lội qua cánh đồng Chó Ngáp ở miền Đông từ 4 giờ chiều hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau mới tới bờ, rồi chiến khu Dương Minh Châu thiếu thốn đủ thứ, đến muối Pháp cũng phong tỏa không cho đem vào rừng... Vào những lúc ấy, Tám Cao bao giờ cũng điềm tĩnh, không bao giờ lộ ra nét mệt nhọc hay vất vả. Đó là một trong những đức tính ở ảnh đã làm tôi cảm phục khiến tôi quyết đi với cách mạng tới hơi thở cuối cùng.

- Quãng đường ấy đầy những chông gai và vất vả, điều gì ở Tám Cao làm ông kính phục nhất?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Đó là tinh thần dũng cảm, yêu nước đến tột cùng và cực kỳ bình tĩnh. Tám Cao còn là người đồng chí mà trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng ở lại chung vai, chung sức với anh em. Với lại, ảnh điềm đạm lắm, chưa bao giờ nóng nảy. Chưa bao giờ ảnh đối xử với anh em như thủ trưởng và hạ cấp, lúc nào cũng như anh em vậy.

Thế cho nên tôi nhớ vào năm 1954 khi đình chiến xong, cấp trên hỏi tôi tập kết hay ở lại thì tôi nhất quyết xin ở lại. Ở lại chiến đấu cùng anh em, ông Tám cũng làm đơn xin ở lại chiến đấu vậy có lí do gì mà tôi phải đi tập kết? Hồi đó tôi làm căng lắm, muốn bắt tôi đi thì phải đem toàn bộ vợ và 7 đứa con tôi đi cùng. Thế là cuối cùng tôi được ở lại. Mừng ghê gớm.

- Thời chống Mỹ, ông vẫn tiếp tục bảo vệ Tám Cao?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Sau khi đình chiến, tôi và anh Tám đều ở lại thành. Lúc này tôi thuê nhà ở khu Bàu Sen và ảnh vẫn ở nhà tôi. Tuy nhiên, lúc này tôi không còn bảo vệ ảnh vì chúng tôi lui vào họat động bí mật. Tôi thì làm mộc ở nhà còn ảnh thì họat động nội thành, tối về nhà tôi ngủ.

Thời kỳ này, ảnh họat động dữ lắm và phân công tôi làm liên lạc Sài Gòn - Cà Mau. Đến năm 1957, anh Tám Cao cùng anh Mười Hương điều tôi qua Lào làm công tác đặc biệt. Sau đó thì tôi ít giữ liên lạc với ảnh vì nhiệm vụ mà chỉ liên lạc với Hà Nội. Phải sau 75, tôi mới về nước và gặp lại ảnh.

- Một tình bạn mà 20 năm xa cách có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa ông?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Không hề. Tôi về nước năm 75, gửi thư bắt lại liên lạc với ảnh thì gần như ngay lập tức ảnh tìm tôi. Không một chút hoen ố, bạc màu. Lúc này ảnh đã là Giám đốc Sở Công an thành phố còn tôi là trưởng đồn Công an Xa cảng miền Tây. Ảnh vẫn thân tình với tôi như hai anh em ruột thịt. Dặn dò tôi công tác an ninh và khuyên tôi không được để chức quyền làm lóa mắt mà nhũng nhiễu dân.

Sau đó thành phố bắt đầu biến chuyển và tình hình an ninh trật tự đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Tám Cao cũng là người đầu tiên đề xướng phong trào "Xóa đói, giảm nghèo" mà đến giờ đây vẫn là chương trình xã hội có ý nghĩa nhất.

- Cảm giác của ông thế nào khi Đại tướng Mai Chí Thọ qua đời?

Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm: Tôi biết tin ông Tám mất sáng nay, dù biết điều này trước sau sẽ tới nhưng tôi vẫn bàng hoàng. Những người bạn già, những đồng chí một thời của tôi giờ đã ra đi hết.

Suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, tôi quý trọng nhất nhân cách của ông. Với mọi người trong nhà, ông luôn là một người anh lớn, một người còn hơn cả ruột thịt của tôi.

- Cảm ơn ông

·         Cung Tuy (thực hiện)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,