(VietNamNet) - Nghiên cứu cách Bác nghĩ, Bác làm trước đây chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học, những triết lí quý giá để vận dụng vào công cuộc đổi mới hiện nay. Một triết lí Bác đã dùng trong việc tiếp thu các học thuyết, lí luận để tìm đường cứu nước có thể gọi là “Đặt tất cả trong một”.
Từ những năm đầu thế kỉ XX, Bác đã trăn trở cho một tâm nguyện, một ham muốn tột bậc “Độc lập dân tộc” và “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” thì ngày nay hơn 80 triệu người Việt chúng ta cùng trăn trở cho một tâm nguyện “Làm sao để đất nước thành Hổ, thành Rồng ”sánh vai các cường quốc năm châu.
Cởi mở về tư tưởng và thu hẹp định kiến
Điều quan trọng đầu tiên trong tâm thế học tập của Bác đó chính là sự cởi mở về tư tưởng. Chính từ sự cởi mở này, Bác đã tiếp thu rất nhanh các tư tưởng, các học thuyết từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng của Khổng Tử, chúa Giêsu, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên...
Bác đã từng viết: "Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta...”. Dòng cuối cùng Bác tự nhận mình là “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Sự tích hợp nhiều tinh hoa tư tưởng, văn hoá của nhân loại đã đưa Bác lên tầm cao để nhìn thấy con đường phù hợp nhất để giải phóng dân tộc mình. Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay. Đã có rất nhiều bài viết, tranh luận về “Triết lí phát triển cho Việt Nam” như của TS Vũ Minh Khương, bạn Hà Anh Tuấn và triệu triệu người Việt Nam khác nữa...Có người cho rằng cần phát huy vai trò của hệ thống, người khác cho rằng cần phải thực thi dân chủ... Theo tôi tất cả tâm nguyện, lí luận mọi người đưa ra đều đúng. Vấn đề ở chỗ “Làm thế nào để tích hợp tất cả mọi tư tưởng đó lại” như Bác đã từng làm.
Đặt tất cả trong một
Tất cả ở đây là các học thuyết, tư tưởng, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại. Cái Một ở đây là cái TÂM của mỗi người với nước, đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc...
Bác đã tiếp thu tinh hoa từ các học thuyết tư tưởng khác nhau trên nền tảng cái TÂM vì dân, vì nước của mình. Chính triết lí “Đặt tất cả trong một" đó, Bác đã nhìn ra sự hạn chế, ưu điểm, khuyết điểm của các tư tưởng, học thuyết trong quá trình vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Không chỉ là người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin cùng phong trào cộng sản, công nhân lúc đó - phong trào duy nhất ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, mà Bác đã bổ sung ngay vào học thuyết Mác tinh thần của “độc lập dân tộc”.
Bác đã từng viết: ”Chủ nghĩa Mác ra đời trên nền tảng lịch sử Âu châu. Mà Âu châu đó là gì? Đó chưa phải là toàn thể thế giới”.
Ngày nay, chúng ta được sống trong một kỉ nguyên toàn cầu hoá nơi chúng ta dễ dàng có thể học hỏi và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Tuy nhiên, tiếp thu cái gì và như thế nào thì lại nằm ở chính cái Một của chúng ta xuất phát từ lòng yêu nước và tinh thần, văn hoá dân tộc. Không phải ngẫu nhiên Đại hội gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong báo cáo chính trị của mình đã nêu lên tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao, lí luận Đặng Tiểu Bình và tinh hoa tư tưởng, văn hoá nhân loại làm cơ sở lí luận xây dựng một xã hội XHCN hài hoà.
Trong quá trình phát triển của đất nước, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề, các vướng mắc để xây dựng một nước Việt
- Vũ Duy Thắng