(VietNamNet) - Ngày 6/6, Văn phòng Chính phủ đã thông báo những nội dung chính của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2007.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình phát triển KT - XH trong 5 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 5 diễn biến tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát mọi chỉ tiêu đã đạt được, để có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra cho cả năm. Những lĩnh vực chủ yếu sẽ phải tập trung giải quyết để có được sự ổn định và phát triển bền vững kinh tế vĩ mô gồm: đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý giá, trong đó phải chỉ đạo chặt chẽ, không để xảy ra đầu cơ giá xăng dầu - loại giá phải nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Giá xăng dầu phải nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Về chứng khoán, ông Phúc cho biết, chỉ đạo của Chính phủ là Bộ Tài chính và Ngân hàng NN phải kiểm soát được thị trường "tuy nóng nhưng chưa có đột biến" này, xem xét đưa ra chính sách phù hợp để có thể ứng phó kịp thời hơn nữa.
Những biện pháp khác cần tập trung làm tốt từ nay đến cuối năm gồm việc tập trung CCHC, mở cửa ngân hàng và hội nhập, đẩy mạnh xuất khẩu, chống nhập siêu, chống tham nhũng. "Đối với các vụ tham nhũng trọng điểm, thanh tra sẽ phải sớm có kết luận kịp thời, chính xác, xử lý nghiêm", ông Phúc nhấn mạnh.
"Bộ Y tế chỉ quản lý phần ngọn của an toàn thực phẩm"
Có mặt tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dùng hình ảnh "từ trang trại đến bàn ăn - một quá trình dài " để nói về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, khi được hỏi về vụ nước tương chứa hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép. Bà khẳng định, Bộ Y tế "chỉ quản lý phần ngọn, tức là phần cuối cùng" trong quá trình phức tạp ấy: từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến vận chuyển, phân phối. Những việc mà Bộ Y tế đã làm, theo bà Tiến, là "ra văn bản yêu cầu các sở Y tế, UBND các tỉnh thành thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm và lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Công việc này đã được làm mạnh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ nhiệm VPCP, tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng GTVT trình bày đề án tăng cường an toàn giao thông từ nay đến năm 2010, trong đó đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tăng mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm ATGT
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định, số vụ tai nạn giao thông và số lượng nạn nhân vẫn tiếp tục gia tăng, không có xu hướng được kiềm chế (13.000 người chết/năm). Đề án của Bộ GTVT đưa ra những giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của toàn hệ thống xã hội, với mục tiêu đến 2010, số người chết trên 10.000 phương tiện giao thông đường bộ giảm xuống còn 4,5 người (so với 2,5 người hiện nay).
Những giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, việc đào tạo người điều khiển phương tiện, việc tổ chức, điều hành giao thông, cưỡng chế thi hành luật, tuyên truyền, cứu hộ, cứu nạn và quản lý của Nhà nước.
Bộ GTVT cũng sẽ trình Chính phủ một nghị quyết, trong đó tập trung 7 giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ách tắc giao thông. Đáng chú ý là việc tăng cường giao thông công cộng ở các đô thị lớn, tăng cường năng lực của lực lưỡng cưỡng chế, thi hành pháp luật (công an và thanh tra giao thông) và việc nâng cao hiệu lực quả lý Nhà nước. Một đề án về kiện toàn, nâng cao thẩm quyền của UB an toàn giao thông Quốc gia và ban ATGT các tỉnh cũng sẽ được soạn thảo.
Bộ trưởng GTVT nói, tại phiên họp CP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, cần các giải pháp cụ thể và đồng bộ, trong đó sẽ phải tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông. "Đối với các đò ngang, nếu để xảy ra tai nạn, sẽ cách chức chủ tịch xã quản lý con đò đó".
-
Vân Anh