221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
940514
Phản biện xã hội và sự phát triển của Việt Nam
1
Article
null
Phản biện xã hội và sự phát triển của Việt Nam
,

(VietNamNet) - Triển vọng của phát triển Việt Nam sẽ một phần tuỳ thuộc vào chỗ chúng ta nghiêm chỉnh phản biện và tự phản biện đến đâu…

Bất kỳ cuộc cải cách xã hội nào cũng cần thiết một sự đồng thuận. Nhưng mâu thuẫn không tránh khỏi của phát triển luôn tồn tại: sự biến đổi mô hình kinh tế đi nhanh hơn, dẫn đến sự “hụt hơi” của các mặt khác trong cuộc sống trên đồng thời một quỹ đạo thời gian. Kết quả của sự lệch pha này dẫn đến xu hướng phân hoá xã hội thành các nhóm khác nhau về lợi ích và mục tiêu.

Ta có thể hình dung xã hội như căn hộ bao gồm một gia đình có nhiều anh chị em. Do khác nhau về tuổi tác, thể chất, giới tính... tạo cho mỗi cá thể sự khác biệt về sở thích và thói quen. Va chạm tự nhiên của các lợi ích hay các nhóm lợi ích này sinh ra mâu thuẫn (conflict of interests). Có mâu thuẫn thì xuất hiện tranh luận. Sự dung hoà lợi ích của các thành viên trong gia đình thường được giải quyết bởi tiếng nói cuối cùng của người lớn (bằng những lý lẽ - có phần chủ quan - cha mẹ sẽ ưu tiên cho anh hai hay chị cả, em út hay anh ba. Hoặc tạo điều kiện cho tất cả cùng có điều kiện phát triển).

So sánh khác với thí dụ đơn giản trên, sự dung hoà lợi ích của cuộc sống thực đan xen và phức tạp hơn rất nhiều lần. Trong mô hình quản lý xã hội hiện đại, có hai yếu tố quan trọng luôn được đề cập tới. Một, Nhà nước là đơn vị cao nhất để giải quyết các mâu thuẫn, hoạt động theo luật pháp. Hai, dù dưới hình thức thể chế chính trị nào đi nữa, vai trò và tác động của người dân lên chính quyền cũng như các chính sách công là không được phép xâm phạm, như phương châm qua câu phát biểu nổi tiếng của tổng thống Hoa kỳ Abraham Lincoln, xây dựng một chính quyền của dân, do dân và vì dân (Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth).

Mặt trận, nơi có vai trò quan trong tham gia phản biện xã hội
Mặt trận, nơi có vai trò quan trọng tham gia phản biện xã hội (Ảnh: VNN)

Từ hai yếu tố trên, hình thành nhu cầu tất yếu: Một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì không thể không lắng nghe dân nói, dù người dân đó thuộc tầng lớp nào, thành phần nào. Ngoài những lối minh hoạ, tán dương, khen thưởng, còn cần có góc nhìn trực diện vào những mặt khác nhau của vấn đề, góc nhìn qua lăng kính phản biện xã hội (PBXH).

Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, tại phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể nhân dân (ĐTND) có viết: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để MTTQVN và các ĐTND thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Nếu không có sự giám sát, quyền lực có xu hướng được sử dụng để trở thành lợi ích. Đặc biệt trong điều kiện một Đảng cầm quyền như ở nước ta hiện nay, nhu cầu xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành người đại diện thật sự và có thẩm quyền của các tầng lớp nhân dân, có tiếng nói đối với Đảng, với mọi công việc của đất nước là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết.

Làm sao hình thành văn hoá "tranh luận"

Không nghi ngờ gì nữa, xã hội càng phát triển nhu cầu tranh biện càng trở nên tự nhiên như hơi thở trong cuộc sống. Tuy nhiên việc áp dụng điều tự nhiên ấy vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản.

Tác giả Trần Đăng Tuấn trong một bài viết cùng đề tài đã lý giải ít nhất có ba vật cản về phạm trù tâm lý đối với PBXH: (1) Sự khó chịu thường tình với ai "trái ý". Người ta vẫn hay ca ngợi "Người hay cãi" nói chung nhưng vẫn ác cảm  với "Người hay cãi" cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình. Theo lối thông thường mọi người vẫn chuộng “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hơn là “thẳng mực tàu đau lòng gỗ”. (2) Sự lo ngại sẽ nảy sinh cái gì đó "bất ổn", ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực. Mà căn bệnh ích kỷ ấy cũng lại... rất tự nhiên, rất khó tránh. (3) Một yếu tố rất ư chủ quan của mỗi người:  Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc (một cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là tốn kém, không thể làm tràn lan được). Ai đó ngầm nghĩ trong bụng "Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết". (Thanh niên, 09/08/2006)

Tiếp cận dưới cách nhìn lịch sử tiến hoá, có thể đưa ra một nhận xét khái quát: So với sinh vật thích nghi với môi trường trực tiếp bằng cơ thể, nên sự phát triển của chúng là thay đổi cấu tạo cơ thể để có thể thích nghi cao hơn. Con người thích nghi với môi trường bằng tư liệu sản suất và những sản phẩm do mình chế tạo ra. Vì thế sự phát triển của con người nằm ở công đoạn cải tiến tư liệu sản xuất, mà động lực chính là thông qua trí tuệ.

Ở đây hai vế tương h với nhau trong một bài toán đã dần dần rõ ràng đáp số. Vế thứ nhất, trí tuệ được hình thành qua quá trình cá nhân tự thu thập kiến thức từ bên ngoài vào, qua học tập, sách vở, cuộc sống...

Ngược lại, kiến thức được mở rộng, kế thừa, giao thoa... thông qua vế thứ hai, nằm ở quy trình ngược (freeback) của mỗi cá nhân khi họ đem sự hiểu biết của mình ra trao đổi. Nhờ tranh luận, phê bình, phản biện... giúp gạn lọc những “hạt nhân hợp lý”, sao cho cái còn lại cuối cùng phù hợp nhất với khoa học và thực tiễn cuộc sống.

Khi chấp nhận trí tuệ đóng vai trò cốt lõi của sự phát triển (chúng ta vẫn đang hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức trong tương lai), thì sự khó chịu do ý kiến khác mình, là những lo ngại không cần thiết. Về mặt thực tiễn cuộc sống, ngay cả trong mô hình từng gia đình, các giải pháp áp đặt từ trên xuống của cha mẹ, thầy cô... hiện nay đã không còn mang lại hiệu quả như trước.

Thử suy nghĩ rộng ra xã hội: thay vì e ngại, áp đặt, ngăn cấm,… chúng ta nên hướng dẫn sự tranh luận, cách giải quyết mâu thuẫn trở thành những cuộc thảo luận chuyên nghiệp mà biểu hiện cao nhất của nó là sự phản biện. PBXH chính là cách thức cân bằng tốt nhất đối với các “tập đoàn lợi ích”, giúp họ phản ánh tiếng nói của mình để những nhà quản lý, chính trị gia uốn nắn, điều chỉnh lại các chính sách cho phù hợp với đòi hỏi của quần chúng số đông.

Tuy không phản bác ý kiến nhận định người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng thường mang nặng tâm lý “dĩ hoà vi quí”, "một tạ cái lý không bằng một tý cái tình”, nhưng không nên nghĩ vì thế mà chúng ta không thể tự tạo cho mình một môi trường văn hoá tranh luận phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.

Bên cạnh những hạn chế về khía cạnh tâm lý xã hội và con người, chúng tôi cho rằng: Văn hoá tranh luận vẫn có thể được hình thành một cách có hệ thống nếu chúng ta tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn bao quát hơn, góc nhìn thông qua việc phân tích tác động chung của chính sách và cơ chế.

  • Nguyễn Chính Tâm

Bài 2: Cơ chế nào giúp khuyến khích phản biện?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,