221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
944848
"Luân chuyển cán bộ, chỉ sợ trách nhiệm không rõ ràng"
1
Article
null
'Luân chuyển cán bộ, chỉ sợ trách nhiệm không rõ ràng'
,

(VietNamNet) - "Luân chuyển cán bộ, chỉ sợ nhất trách nhiệm cá nhân không rõ ràng", TS. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ bày tỏ lo ngại khi trao đổi với VietNamNet xung quanh dự thảo nghị định về "luân chuyển cán bộ" được đưa ra lấy ý kiến toàn dân mới đây.

"Điều kiện để việc luân chuyển khả thi đó là cần phải có những mô tả công việc thật chi tiết, cụ thể đến từng đầu việc". Ảnh: Lê Nhung

Thưa ông, lâu nay, việc luân chuyển cán bộ vẫn được tiến hành. Vậy trong điều kiện thực tế, nghị định mới ban hành này liệu sẽ khả thi đến đâu?

- Luân chuyển cán bộ là việc mà nhiều nền hành chính quốc gia đã làm. Một số nước cũng đã thực hiện việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác nhất định. Tuy nhiên, điều kiện để việc luân chuyển khả thi đó là cần phải có những mô tả công việc thật chi tiết, cụ thể đến từng đầu việc và trao trách nhiệm cá nhân thật rõ ràng đối với mỗi một vị trí công tác trong diện luân chuyển cán bộ.

Điều kiện thứ hai, khi bàn giao để luân chuyển vị trí phải có sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của tập thể chứ không thể chỉ là chuyển giao giữa hai cá nhân được luân chuyển. Công việc tiếp nhận và bàn giao phải làm hết sức chi tiết, cụ thể dựa trên bản mô tả công việc nêu trên. Xem là, công việc đã giải quyết đến đâu, còn những tồn đọng gì? Tồn đọng đó là do trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm tập thể.

Phải cụ thể như vậy thì việc luân chuyển mới có tác dụng. Còn nếu vẫn cứ là trách nhiệm tập thể như lâu nay, thì việc này rất dễ trở thành hình thức... Bản dự thảo chưa thấy nói rõ điều này.

Nhưng xưa nay vẫn có chuyện phải bàn giao công việc khi có người nghỉ hưu hoặc chuyển công tác?

- Lâu nay, việc bàn giao khi có người về hưu hay chuyển công tác đều diễn ra rất hình thức, không hề có những quy định xem tình trạng công việc thế nào, kiểm điểm từng đầu mục công việc ra sao... Trong hệ thống quản trị, việc này còn rất sơ sài, kể cả với cơ quan cấp Bộ.

Việc quy định rõ các đầu việc chưa thấy nêu trong dự thảo nghị định có phải vì ở nước ta hiện nay, việc quy trách nhiệm cá nhân vẫn chưa rõ ràng?

- Nếu chưa quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể rõ ràng thì có lẽ việc luân chuyển cán bộ mặc dù vẫn làm được nhưng hiệu quả chưa cao lắm.

"Luân chuyển cán bộ" cũng sẽ là mảnh đất tốt cho một số cá nhân cơ hội, lợi dụng việc này để kết bè phái hoặc trù dập cán bộ. Vậy  khắc phục hiện tượng này thế nào?

- Điều này không tránh được vì hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Dự thảo nghị định cũng có nói một câu rằng "nghiêm cấm lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ", để loại bỏ những người không thích. 

Tuy nhiên điều này phụ thuộc từng con người cụ thể làm công tác luân chuyển cán bộ. Người đó phải có nghiệp vụ chuyên môn chắc chắn và phải rất công tâm. Bởi việc điều chuyển này, ngoài chuyện phụ thuộc vào những quy định pháp luật thì hoàn toàn do ý chí cá nhân của con người quyết định.

Do đó, các cán bộ quyết định việc luân chuyển phải là cán bộ tốt, năng lực nghiệp vụ cao. Còn một cán bộ kém cỏi ở vào vị trí đó sẽ dễ dàng lợi dụng nguyên tắc luân chuyển bởi từng công chức đi đâu, về đâu do họ toàn quyền quyết định. Nếu không thích ai đó, sẽ điều chỉnh để họ phải đến một nơi khó khăn và ngược lại. Tôi cho rằng, ngoài các chuẩn mực thì cần có lương tâm con người.

Nếu đã thành thông lệ thì cứ luân phiên 3 năm một lần mà luân chuyển. Còn nếu để diễn ra những "ngoại lệ" thì chắc chắn sẽ có tình trạng lợi dụng tất cả những nguyên tắc luân chuyển này vì mục đích cá nhân. Vì thế, nghị định cần làm rõ hơn, chi tiết hơn vấn đề này. Nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ thì hiện tượng này sẽ trở thành một chuyện thường xuyên. Đây cũng là điều kiện thứ ba để việc luân chuyển khả thi.

Ông vừa nói rằng luân chuyển cán bộ là việc bình thường ở một số nước, vậy ở nước ta đã từng áp dụng điều này chưa và hiệu quả đến đâu?

- Trong nhiệm kỳ trước, Đảng đã có làm thí điểm luân chuyển cán bộ, phổ biến nhất là từ TƯ chuyển xuống địa phương hoặc ngược lại, chẳng hạn một số vị thứ trưởng về làm bí thư tỉnh ủy các tỉnh... Tuy nhiên, hình như chưa có thống kê về hiệu quả.

Tôi cho rằng, nên có thống kê và công khai điều này cho toàn dân biết. Để xem là trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta như hiện nay, có bao nhiêu trường hợp luân chuyển thành công, bao nhiêu trường hợp thất bại, bao nhiêu trường hợp luân chuyển mà không có tác dụng. Lý do vì sao? Rút kinh nghiệm đợt làm đó đó cho việc ban hành nghị định này thế nào?

Định kỳ thời gian dự kiến luân chuyển sẽ là 2, 3 năm với từng đối tượng. Nhưng thường mỗi tập thể có một môi trường văn hóa và các cá nhân cũng hay có những thói quen nhất định. Nếu cứ định kỳ luân chuyển thì theo ông có gây xáo trộn nhiều cho tập thể và tạo tâm lý "nhấp nhổm" cho cán bộ, công chức dẫn đến việc họ không thực sự tận tâm để cống hiến hay không?

- Điều này không đáng lo ngại. Như tôi đã nói, luân chuyển cán bộ, chỉ sợ nhất trách nhiệm cá nhân không rõ ràng. Còn khi nhiệm vụ đã rành rẽ, quy định và chức trách đã rõ ràng  thành các chuẩn mực thì việc luân chuyển chắc chắn cứ định kỳ mà làm. Trách nhiệm của "anh" như vậy, nghiệp vụ chuyên môn như vậy chỉ có điều sẽ áp vào trong một đối tượng khác mà thôi.

  • Lê Nhung (thực hiện) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,