221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
951872
Chứng thực bản sao: Gánh nặng mới lên xã, phường?
1
Article
null
Chứng thực bản sao: Gánh nặng mới lên xã, phường?
,

(VietNamNet) - Từ nay, cảnh tượng chen chúc quen thuộc ở 6 phòng công chứng của Thủ đô chính thức lùi vào quá khứ. Không còn cảnh giữ chỗ từ 6h sáng, không còn những tay "cò" sẵn sàng "giúp" bạn công chứng mọi loại giấy tờ, không còn không khí ngột ngạt bất kể thời tiết nào... Gánh nặng 80% công việc trước đây của các công chứng viên được chuyển sang các "đồng nghiệp mới": cán bộ tư pháp ở UBND cấp phường, quận.

a
Từ nay, Phòng công chứng số 4, 59/61 Trần Duy Hưng, Hà Nội không còn cảnh chen chúc như thế này nữa.

7h30 sáng thứ 6, 29/6. Trước cửa Phòng công chứng số 4, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, dưới nắng sớm chói chang, cậu thanh niên Phạm Xuân Đức, cựu sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, đứng ngẩn người. Ý định công chứng bản sao tấm bằng cử nhân để làm thẻ hướng dẫn viên du lịch tiêu tan, khi đập vào mắt Đức là tấm biển "Hết giờ nhận giấy tờ sao y bản chính" đặt ngay ở cửa. Thất vọng, cậu đành quay xe về. "Chiều thứ hai quay lại vậy, chiều nay em bận rồi".

â
Tấm biển thông báo hết giờ sẽ không còn được sử dụng.
Đức là một trong số đông những người dân Hà Nội không hề biết thứ hai, 2/7, là ngày đầu tiên, công việc chứng thực bản sao không còn được thực hiện ở phòng công chứng nữa. Đến phòng công chứng số 4, đọc thông báo ngắn gọn, mọi người cũng không mấy hiểu những đổi thay quan trọng sắp diễn ra, rằng một trong những thủ tục hành chính phổ biến bậc nhất sẽ diễn ra ở địa điểm khác: UBND quận hoặc phường. 

Tâm trạng chung: Lo lắng

Cùng thời điểm ấy, ba nữ cán bộ tư pháp hộ tịch còn trẻ ở UBND phường Láng Hạ, ngập đầu với hàng chục đầu việc, đang lo lắng cho những ngày sắp đến. Vốn dĩ, họ có không ít nhiệm vụ: từ chứng thực bản sao giấy khai sinh, khai tử, xác nhận hộ khẩu, sơ yếu lý lịch thông thường, cho đến hòa giải, thi hành án... đều đến tay 3 cô. Nay, với bước cải cách hành chính quan trọng mới, các cô sẽ kiêm việc chứng thực sao y bản chính và chữ ký văn bản bằng tiếng Việt. 

"Đây thực sự là một "gánh nặng" đè lên vai xã, phường. Cho dù đã được tập huấn, nhưng chúng em lo lắm". Một trong ba cô, Phạm Thị Phương Lan cho hay, các cô được cán bộ Phòng công chứng số 3 chia sẻ kinh nghiệm nhận biết bằng giả, chứng chỉ giả trong vòng một ngày, nhưng công việc nhiều, trách nhiệm nặng nề, phương tiện lại thiếu. "Chúng em đang đề nghị phường mua cho máy photocopy và kính lúp", Lan cho biết.

Kính lúp là phương tiện cần nhưng có đủ với những cán bộ tư pháp xã, phường - "tân công chứng viên"? Đem câu hỏi ấy đến hỏi ông Đặng Mạnh Tiến, trưởng Phòng công chứng số 4, người có thâm niên 13 năm trong nghề, ông chân thành: "Kính lúp chỉ là một phương tiện rất nhỏ. Nó có những tác dụng nhất định để phát hiện một số thứ giả mạo, nhưng cái cần nhất là đôi mắt của cán bộ làm chứng thực. Sự tinh tế, nhạy bén nằm ở trong đầu mình, kính lúp chỉ hỗ trợ thôi".

Ông Tiến lấy ví dụ: Riêng một tấm bằng tốt nghiệp PTTH, mỗi một giai đoạn có một loại mẫu khác nhau, con dấu ở từng thời kỳ, các loại bìa cũng khác. "Thời kỳ này do đồng chí này ký, thời kỳ sau lại là người khác, cái đó mình phải nhớ ở trong não. Nghề này dựa nhiều vào kinh nghiệm, chỉ hơi lạ là mắt thường phát hiện ra ngay, chứ không phải soi bằng kính lúp đâu". Rồi còn chuyện giấy tờ giả mạo vẫn xảy ra như chuyện cơm bữa, chuyện xử lý thế nào khi nghi ngờ một văn bằng giả, phải tự đi xác minh thế nào hay lập biên bản ra sao...

Chính vì thế, bên cạnh tâm trạng vui mừng vì công việc không phải là đích thực của mình đã được chuyển đi nơi khác, để từ nay tập trung vào công việc chuyên môn, những.giao dịch dân sự như mua bán nhà, thế chấp, cầm cố tài sản, thừa kế, ủy quyền, ông Tiến không khỏi lo lắng cho sự quá tải ở UBND các xã, phường. "Cán bộ tư pháp phường không thể ngày một ngày hai có thể làm nhuần nhuyễn công việc mới, bởi họ không được đào tạo chuyên sâu về mảng công chứng, lại phải kiêm rất nhiều việc. Chủ tịch, phó chủ tịch phường, hai người có trách nhiệm ký các chứng thực, vốn cũng phải làm rất nhiều việc rồi".

"Phải có bộ máy con người, có cơ sở vật chất, từ những thứ đơn giản nhất như máy tính để lưu trữ, thống kê số liệu. Người không ở trong nghề có thể cho rằng chứng thực bản sao là công việc hết sức giản đơn, so sánh hai văn bản với nhau, đóng dấu rồi ký vào là xong. Nhưng thực tế không phải chỉ có thế. Chúng tôi đã từng phát hiện được những sổ đỏ, giấy tờ đất đai, quyền sở hữu giả. Nếu người khác lạm dụng được sai sót đó, đưa vào giao dịch, gây hậu quả cho cá nhân hoặc xã hội thì nguy hiểm lắm", ông Tiến chia sẻ.

aa
Cán bộ tư pháp hộ tịch phường Láng Hạ nhận thêm nhiệm vụ: chứng thực bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng Việt.
Cải cách nhưng còn bất cập

Ai đã từng trải qua công đoạn đi chứng thực bản sao trước thời điểm 1/7/2007: đi từ sớm, xếp hàng, chờ đợi, đôi khi phải mất phí cho "cò" thì chắc chắn đều thở phào khi từ nay chỉ cần đến UBND phường. Thế nhưng, các tác giả của Luật Công chứng cũng chưa lường hết được những bất cập nảy sinh.

Trước hết, phải nói đến việc chứng thực bản sao các loại giấy tờ song ngữ. Cựu sinh viên du lịch Phạm Xuân Đức, người sở hữu tấm bằng cử nhân bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh do trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cấp cũng không biết rằng, sẽ chẳng nơi nào chứng thực cho cậu cả.

Theo luật, phòng Tư pháp - UBND quận, huyện chỉ có trách nhiệm chứng thực bản sao của các loại văn bản bằng tiếng nước ngoài. UBND phường, xã thì chỉ chứng thực văn bản bằng tiếng Việt mà thôi. "Điều này thật buồn cười. Ai cũng có thể đẩy trách nhiệm này cho người khác", ông Đặng Mạnh Tiến nhận xét.

Một điều bất hợp lý mà cô cán bộ tư pháp hộ tịch phường Láng Hạ, Phạm Thị Phương Lan lo "không biết sẽ giải thích cho dân thế nào". Đó là, với quy định trên, người nào muốn làm chứng thực cho 2 loại giấy tờ: một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng nước ngoài, sẽ phải đến hai địa điểm: UBND phường và UBND quận, thay vì chỉ đến phòng công chứng như trước đây.

Ông Phạm Thanh Cao, trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết, vài ngày trước khi Luật Công chứng có hiệu lực, Sở đã gửi một văn bản, trong đó nêu những thắc mắc đến Bộ Tư pháp. Nhiều câu hỏi được đặt ra: phòng Tư pháp cấp quận, huyện có được phép chứng thực bản sao từ các loại giấy tờ song ngữ không? Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người chứng thực, vậy nếu người yêu cầu chứng thực không biết chữ, không biết ký thì có được điểm chỉ không? Người yêu cầu chứng thực vì lý do sức khỏe hoặc lý do nào khác không thể đến trụ sở để yêu cầu chứng thực thì người chứng thực có được ký ngoài trụ sở không v.v...

Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã đề nghị UBND thành phố tăng biên chế cho phường, xã, nhằm giảm sức ép công việc cho các cán bộ tư pháp hộ tịch. Một giai đoạn "xếp hàng, chen chúc" đã qua. Người dân có quyền hy vọng được hưởng những dịch vụ hành chính công tốt nhất, trong đó có công chứng.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,