(VietNamNet) - Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, vừa cho VietNamNet biết, đề án chính quyền đô thị TP.HCM sẽ được trình lên Trung ương để xin ý kiến thông qua vào cuối năm 2007.
>>Chính quyền đô thị: Bao giờ có?
>>Đô thị lớn nhất chưa sẵn sàng cho chính quyền đô thị?
Với đề án chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ có nếp sống hiện đại hơn. (Ảnh chụp mô hình khu đô thị Thủ Thiêm trong tương lai: C.P) |
Dự kiến, đề án sẽ được trình lên Bộ Chính trị, Chính phủ, và sau đó là Quốc hội vào kỳ họp kế ngay đó. Việc trình lên Trung ương vào thời điểm trên được xem là chậm hơn so với kế hoạch.
Theo ông Tỷ, đến nay đề án đã được hoàn tất tại TP.HCM sau khi khảo sát một số mô hình chính quyền đô thị của nước ngoài, xin ý kiến của nhiều nhân sỹ, trí thức, người dân.
Cuối năm 2006, TP đã tổ chức hội thảo "Xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM - một yêu cầu bức thiết của cuộc sống" thu hút nhiều tham luận có giá trị của các nhân sỹ, trí thức.
Dù quyết định cuối cùng về đề án chính quyền đô thị như thế nào, theo một số chuyên gia, đây sẽ là mô hình quản lý tinh gọn, tận dụng những lợi thế của TP so với nông thôn, nhằm xây dựng chất lượng sống cao cho người dân với sự thuận tiện trong thủ tục hành chính, tinh gọn của bộ máy quản lý, nền giáo dục chất lượng cao...
Mô hình chính quyền đô thị có thể sẽ chỉ còn hai cấp, lược bỏ cấp trung gian, tập trung trách nhiệm quản lý vào cấp TP.
Nhiều năm nay, các công trình xây dựng chậm trễ, kém chất lượng trên địa bàn TP như cầu Thủ Thiêm, đại lộ Đông - Tây, cầu Văn Thánh 2... chủ yếu do sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, khó quy trách nhiệm. Cấp chính quyền trung gian quận - huyện tham gia nhiều vào các dự án khi năng lực giải quyết còn hạn chế. Việc tập trung quản lý vào cấp TP để thống nhất đầu mối chưa thể khả thi do thiếu nhân lực và cần thời gian chuyển đổi bộ máy.
-
Phạm Cường