221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
955134
TP.HCM: Đại biểu đòi chất vấn lãnh đạo UBND
1
Article
null
TP.HCM: Đại biểu đòi chất vấn lãnh đạo UBND
,

(VietNamNet) - Việc xoá công trình trọng điểm chậm trễ đã được Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo khẳng định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM hiện nay. Trách nhiệm đối với những công trình chậm gây lãng phí khổng lồ không chỉ về tiền bạc mà cả cơ hội, niềm tin thuộc về ai?  

Trong cuộc trao đổi với VietNamNet ngay sau kỳ họp HĐND TP vừa qua, hai trong số các “khẩu đại bác” của HĐND TP là Đặng Văn Khoa và Phạm Minh Trí cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về Thường trực UBND TP, và mỗi kỳ họp HĐND cần chất vấn lãnh đạo UBND TP. 

Đại biểu Đặng Văn Khoa nói: “Kỳ họp vừa qua, khi quy trách nhiệm cá nhân, có những trục trặc vượt tầm của các sở. Sở nào cũng trình bày bị vướng vào chỗ này, chỗ khác. Trách nhiệm, khả năng giải quyết nằm ở Thường trực UBND TP, người tổng chỉ huy, với mấu chốt là sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, đeo bám”. 

Chất vấn Chủ tịch UBND TP? 

Đại biểu Đặng Văn Khoa chất vất về chất lượng tái định cư. (ảnh: Phạm Cường)

- Thưa ông, tại các kỳ họp Quốc hội, ngoài các bộ trưởng, Thủ tướng hoặc phó thủ tướng thường trực chính phủ cũng trả lời chất vấn. Tại kỳ họp HĐND, với nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của UBND TP chưa được vạch rõ, liệu có thể đi đến việc chất vấn lãnh đạo UBND TP?  

- Đại biểu Đặng Văn Khoa: Điều này hoàn toàn có thể. Bởi vì cấp sở chỉ là đơn vị tham mưu ở cấp dưới, không phải đơn vị có quyết định cao nhất. Chẳng hạn, Giám đốc Sở Giao thông – Công chính chỉ nói được phần giao thông về mặt chuyên môn, ông có thể không nói được hoặc không am tường để quy rõ trách nhiệm cá nhân của đơn vị khác, như Công ty Điện lực TP. 

Theo tôi, lẽ ra cần chất vấn các phó chủ tịch UBND TP phụ trách các lĩnh vực. Ví dụ, mảng quản lý đô thị, chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín; mảng tài chính, chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng… Nếu cần thì có thể chất vấn cả Chủ tịch UBND TP.

- Đại biểu Phạm Minh Trí: Đúng thế, cần chất vấn lãnh đạo UBND TP thì mới rõ vấn đề. UBND TP có đủ thẩm quyền, thông tin để chỉ rõ việc này, việc khác lỗi tại ai và yêu cầu đối chất sòng phẳng. 

Hơn nữa, có những việc thuộc trách nhiệm của UBND TP. Chẳng hạn, vừa qua, khi Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa trình đề án tăng học phí lên Chính phủ để có khung học phí, UBND TP đã vội vàng đưa ra đề án tăng học phí không cân nhắc kỹ, gây “nóng” dư luận. 

Trách nhiệm UBND TP chưa được mổ xẻ? 

- Trong một số vấn đề nổi cộm như trì trệ trong thi công công trình trọng điểm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu được chất vấn trực tiếp thì trách nhiệm của UBND TP sẽ được phân tích thế nào? 

- Đại biểu Phạm Minh Trí: Trong mấy kỳ họp vừa qua nổi cộm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại biểu chất vấn về vấn đề này chỉ giống như ném đá ao bèo. Sự bê trễ trong quản lý, hạn chế trong đôn đốc, kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm kéo dài đã để xảy ra vụ nước tương và vụ này chỉ là một chuyện. 

Giám đốc Sở Y tế nhận lỗi là một chuyện, lãnh đạo UBND TP cũng có trách nhiệm, lẽ ra cần kiểm điểm việc kiểm tra, đôn đốc chưa đạt yêu cầu để xảy ra vụ việc trên. 

Tình trạng trì trệ ở các dự án trọng điểm chủ yếu do giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa thoả đáng. UBND TP cũng cần có trách nhiệm hơn đối với việc này. Luật đất đai và văn bản của UBND TP đã yêu cầu giá đền bù sát giá thị trường, nhưng thực tế lại đền bù dưới 50% giá thị trường.

Cử tri băn khoăn nhiều về dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với gói thầu số 7. Dự án cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND TP. 

Điều đáng chú ý hiện nay là năng lực điều hành và tinh thần trách nhiệm. Đối với các công trình trì trệ, cần xem lại ban quản lý dự án nào quá yếu kém thì cần thay đổi. 

Đại biểu có thể "truy" lộ trình mỗi việc 

Đại biểu Phạm Minh Trí. (ảnh: Phạm Cường)
- Kỳ họp vừa qua, đại biểu Đặng Văn Khoa lại lên tiếng về việc người dân TP phải sống với 30.000m3 nước thải y tế không qua xử lý mỗi ngày. Không chỉ vấn đề này, với nhiều tồn tại khác, liệu có thể yêu cầu các giám đốc sở hoặc lãnh đạo UBND TP đưa ra lộ trình cụ thể và các đại biểu HĐND giám sát chặt chẽ việc thực hiện lộ trình đó? 

- Đại biểu Đặng Văn Khoa: Mỗi lần chất vấn về vấn đề này, tôi thường nhận được câu trả lời: công trình kẹt đủ thứ, vướng sở nọ, sở kia, vướng cơ sở hạ tầng, một mình Sở Y tế làm không được. 

Quả thật, tôi mới chỉ là người khuấy lên vấn đề. Tác động của tôi còn hạn chế, mới chạm tới bề mặt, còn việc mổ xẻ, đi tới tác động rõ rệt thì chưa. 

HĐND cần đi sâu, yêu cầu đưa ra lộ trình và bám sát lộ trình, mổ xẻ những vướng mắc liên ngành. 

-  Đã một số lần ông yêu cầu Giám đốc Sở, thậm chí lãnh đạo UBND TP, đưa ra lộ trình giải quyết vướng mắc lớn, nhưng chưa được trả lời. Đại biểu HĐND hoàn toàn có thể hỏi lại để “truy” ra bằng được, nhưng thực tế đã không có điều đó. (Vừa qua, đại biểu Võ Văn Sen yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông quy trách nhiệm từng công trình chậm, nhưng ông Giám đốc hứa trình lên UBND TP)? 

-  Đại biểu Đặng Văn Khoa: Muốn đạt được điều gì cũng phải có lộ trình, đó là cốt lõi giải quyết vấn đề. Có thế mới biết đường giám sát.

Trước khi xây dựng lộ trình phải có quyết tâm chính trị. Nếu cách đây 2 năm, khi tôi đã nhiều lần chất vấn về nước thải y tế, UBND TP quyết định đến tháng 12/2007, các cơ sở y tế của TP buộc phải có xử lý nước thải, không thì cách chức Giám đốc, chắc chắn các cơ sở y tế sẽ phải răm rắp thực hiện đúng tiến độ.

Vì, tôi đã đi khảo sát, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải không quá dễ, nhưng không khó đến mức không thể làm được, chỉ cần đầu tư một số tiền không quá lớn. Điều quan trọng là có muốn làm hay không. 

Tuy nhiên, không thể đổ hết trách nhiệm cho các Giám đốc Sở. Lộ trình cụ thể, như lộ trình thực hiên nghị quyết 57 giải quyết tái định cư: đến 30/6 năm nay giải quyết xong, phải do Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực quyết định, thể hiện quyết tâm chính trị của cả TP. 

Biết mà không làm?

- Tầm quan trọng của một lộ trình cụ thể, dứt khoát chắc chắn rất nhiều người hiểu. Nhưng tại sao thấy được mà không làm? 

- Đại biểu Đặng Văn Khoa: Đây là phong cách lãnh đạo của UBND TP. Điều hành công việc của cả một thành phố lớn không chỉ là công việc chính trị mà là công việc khoa học nữa. Đưa ra mội lộ trình là việc rất bình thường trong vấn đề khoa học. Nhưng khi đã thiếu tính khoa học thì đưa ra lộ trình cũng là điều khó khăn. 

- Tại kỳ họp vừa qua, tính đối thoại đã được chú trọng hơn, mổ xẻ rõ hơn trách nhiệm cá nhân, như việc ông Giám đốc Công ty Điện lực TP được mời lên giải trình về hệ thống điện gây trở ngại cho giải phóng mặt bằng. Nhưng trách nhiệm cá nhân trong một số công trình trọng điểm chậm trễ vẫn bị coi là chưa được mổ xẻ đến nơi, đến chốn? 

- Đại biểu Đặng Văn Khoa: Việc đưa ông Giám đốc Công ty Điện lực lên giải trình trong kỳ họp vừa rồi chỉ mang tính biểu tượng. Việc này cũng tốt, nhưng chỉ nói được 3 - 5 điều. Cần có biện pháp khoa học và căn cơ hơn. 

Vấn đề cơ chế phối hợp không phải bây giờ mới được đặt ra. Chính ông Lê Thanh Hải, khi còn làm Chủ tịch UBND TP, từng nói: Những vướng mắc xuất phát từ những cơ chế do chính chúng ta đặt ra, tự chúng ta làm khó, trì trệ cho nhau. 

Có nhiều việc có thể tháo gỡ trong tầm TP, nhưng vẫn cứ lừng khừng. Theo tôi, nguyên nhân ngoài cách làm việc thiếu khoa học, còn có thể do cả nể nữa. 

Có lần, trong một cuộc họp, đại diện UBND một quận kêu ca nhiều về việc Sở Xây dựng giải quyết thủ tục kéo dài, rườm rà. Nhưng khi có mặt đại diện Sở Xây dựng thì đại diện UBND quận đó lại không dám nói thẳng. 

- Đã nhiều lần ông giám sát và chất vấn rất thẳng thắn, nhưng quan hệ đời thường giữa ông và các Giám đốc Sở không xấu đi. Phải chăng chưa hẳn sự không cả nể phá quan hệ giữa người này, người khác? 

-  Đại biểu Đặng Văn Khoa: Nếu đối thoại thẳng thắn, chân tình, xây dựng, không vụ lợi, thì không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người này, người kia. Điều quan trọng là hãy cho thấy đằng sau những lời thẳng thắn ấy là sự nhiệt thành, vì lợi ích chung. Cần xây dựng nhận thức: thẳng thắn, trong sáng là điều cần có trong công việc, là văn hoá. 

- Xin cảm ơn! 

  • Phạm Cường (thực hiện) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,