221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
962736
Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi có thể làm được gì hơn?
1
Article
null
Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi có thể làm được gì hơn?
,

(VietNamNet) - Tại buổi tiếp dân thường kỳ cuối cùng trên tư cách Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Mai Ái Trực đã không ít lần đặt câu hỏi: "Tôi có thể làm gì hơn?" trước quá nhiều những trường hợp khiếu kiện vượt cấp, không đúng thẩm quyền, và trách nhiệm của Bộ trưởng.

Giải quyết ngay khi có thể, ghi nhận để trả lời bằng văn bản sau khi cần phải thanh tra, và hướng dẫn cách khiếu kiện đúng cho dân, và nhấc điện thoại chỉ đạo ngay lập tức trước trường hợp bức xúc. Bộ trưởng đã "làm hết sức mình" như lời ông chia sẻ với người khiếu nại. 

Tiếp dân, đối thoại về khiếu nại đất đai là công việc

"Đừng gọi tôi là quan", Bộ trưởng Mai Ái Trực từ tốn nói với cụ bà Đỗ Thị Bé (Khánh Hòa) trong buổi tiếp dân sáng nay. Bà Bé là vị khách đầu tiên trong buổi tiếp dân thường kỳ tại văn phòng tiếp dân của Bộ Tài nguyên Môi trường. 

"Tiếp dân, đối thoại về khiếu kiện đất đai cũng là công việc". Ảnh PLoan.

Khi cụ ông Trần Văn Tâm, 70 tuổi, nói "có con ngõ nhỏ, nhưng tôi đi bộ từ Hoài Đức, Hà Tây ra Hà Nội, biết gây phiền hà cho Bộ vốn lắm công, nhiều việc...", Bộ trưởng nói ngay: "Tiếp dân, đối thoại về khiếu kiện đất đai cũng là công việc".

Từ tốn và chậm rãi, Bộ trưởng Mai Ái Trực thuyết phục những người dân đang gay gắt bức xúc về chuyện đất đai, giải đáp những khúc mắc, chỉ cho họ con đường khiếu kiện đúng.

Chỉ trong buổi sáng, Bộ trưởng đã tiếp 20 trường hợp khiếu kiện, có người với tư cách cá nhân, có người là đại diện cho một tập thể đông đảo: ông Nguyễn Văn Định, thay mặt 76 hộ gia đình xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ông Bùi Văn Lợi, đại diện cho hơn 300 hộ dân ở 5 xã 1 thị trấn huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình... Những người đến buổi tiếp dân, hầu hết đều Bộ trưởng đã quen mặt. Có trường hợp, đã theo kiện đến 17 năm. Có người, vừa bước vào phòng tiếp dân đã nói "Tháng nào cũng lên đây làm phiền các anh".

Đại diện bà con từ khu công nghệ cao Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh băn khoăn. "Theo quy định hiện nay, nếu người dân không đồng ý với giải quyết khiếu kiện lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh, có thể gửi lên Bộ trưởng. Nhưng mỗi năm, hàng trăm đơn không được giải quyết khiếu nại lần đầu, làm sao đơn đó có thể lên tới đến Bộ trưởng".

Chia sẻ nỗi băn khoăn ấy, Bộ trưởng Mai Ái Trực nói: "đó chính là kẽ hở của pháp luật". Bộ trưởng cũng nói đến chuyện này khi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tường, bà Đinh Thị Quang, ở Đống Đa, Hà Nội : "Chúng tôi (Bộ TNMT) cũng đã làm hết trách nhiệm, đã ra tới 5, 6 văn bản về vấn đề này... nhưng xin nói, cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo hiện nay không rõ ràng"... 

"Theo quy định, lãnh đạo địa phương để dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài sẽ bị xử lý, nhưng thực tế hiện nay, đã có ai bị kỷ luật?". 

Người đến khiếu nại, người đi tố cáo, và có người, gặp Bộ trưởng là một "liệu pháp tâm lý", để chắc rằng, mình đã được gặp người lãnh đạo cao nhất của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bà Đặng Thị Dỉnh, phường Quang Trung, thị xã Hà Đông, Hà Tây nói "tôi là dân thường, không hiểu pháp luật, nên tôi lên hỏi bác".

"Tôi có thể làm gì khác?"

Mỗi ngày, Bộ trưởng nhận từ 30 đến 50 đơn thư tố cáo, khiếu nại mà đa phần về lĩnh vực đất đai. "Tôi tiếp dân nhưng toàn các vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương", Bộ trưởng cho biết. 

Đa số người dân lên kêu với Bộ trưởng Trực bởi nguyên do "dù đã có văn bản của Bộ nhưng ở dưới, chính quyền địa phương không chịu xử lý"... Người dân tha thiết "xin Bộ trưởng lại ra văn bản để dưới tỉnh, dưới huyện người ta chịu gặp dân". 

Bộ trưởng thông báo với bà con, ông "đã giao bộ thanh tra, tổng hợp từng địa phương có bao nhiêu vụ khiếu nại, bao nhiêu vụ có văn bản từ Bộ gửi xuống địa phương nhưng không được giải quyết... và sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ". 

Ông nhiều lần phân trần "tôi hiểu, lợi ích của bà con bị ảnh hưởng, bà con bức xúc. Nhưng tôi không có giải pháp nào hay hơn"... "Bộ không thể làm thay, không thể quyết định mọi chuyện". "Đây là câu chuyện của cơ quan địa phương". "Chúng tôi chỉ gợi ý về mặt chính sách chứ không thể áp đặt địa phương, không thể ra lệnh cụ thể... Làm thế sẽ loạn"

"Theo ông/bà, tôi phải làm gì, và tôi có thể làm gì khác?". Không ít lần trong buổi tiếp dân, ông Mai Ái Trực đã đặt ngược lại câu hỏi đó với người đi khiếu kiện. 

Ông cũng đặt câu hỏi với những người khiếu kiện vượt cấp: "Gặp Bộ trưởng được, tại sao bà con lại không gặp được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND?". 

Nhiều lần, Bộ trưởng nhắn nhủ "Phải đi đúng chỗ, và kiên trì ở chỗ đó. Phải đến đúng nơi có trách nhiệm. Dù đi nhiều nơi nhưng cũng chỉ có một nơi có tránh nhiệm và thẩm quyền giải quyết". 

"Bà con còn chỗ để đi!" 

Những trường hợp đã thanh tra, Bộ trưởng giải quyết nhanh chóng. Những trường hợp chưa rõ ràng, ông "ghi nhận và sẽ có văn bản trả lời". Ông nói với bà con: "Giải quyết khiếu nại không thể chỉ nghe một bên. Chúng tôi sẽ xem xét, nếu thực tỉnh làm sai, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu giải quyết cho đúng"

Ông chia sẻ với những người đi khiếu kiện, "chúng tôi đặt địa vị người dân để giải quyết, khiếu nại. Bà con đi khiếu nại, cũng hãy đặt vào vị trí Bộ trưởng để xem nếu là Bộ trưởng bà con sẽ xử lý như thế nào... Về mặt tình cảm, tôi hiểu những bức xúc của bà con. Nhưng người nói phải có người nghe. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau."

"Bà con không hiểu, tôi giải thích nhẹ nhàng. Tôi chỉ đúng chỗ cần đến. Nếu cần tư vấn, tôi sẽ tư vấn đầy đủ. Nếu ra tòa, tòa yêu cầu Bộ thẩm định, chúng tôi sẵn sàng làm... Tôi hiểu bà con bức xúc, nhưng phải nói và làm đúng pháp luật, phải theo trình tự tố tụng".

Trường hợp xử lý được, Bộ trưởng bắt tay ngay vào xử lý. Nghe trình bày của ông Bùi Văn Lợi (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) thay mặt cho hơn 300 hộ tại 5 xã, 1 thị trấn về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Kim Bôi, trước thực tế 46 hộ gia đình chưa được tái định cư đã bị thu hồi đất bằng biện pháp cưỡng chế nhưng không có quyết định cưỡng chế, Bộ trưởng nhấc điện thoại gọi về Sở Tài nguyên - Môi trường Hòa Bình. Bộ trưởng chỉ đạo, "các việc khác xử lý sau, vấn đề dân chưa được tái định cư không được phép giải phóng mặt bằng. Sao để làm vậy được? Các anh nhanh chóng giải quyết cho dân."

Với những trường hợp ra ngoài trách nhiệm, quyền hạn, Bộ trưởng sẵn sàng "mách nước". "Bà con còn có chỗ để đi", Bộ trưởng nói.

Trường hợp của bà Đặng Thị Dỉnh, đã giải quyết bằng phán quyết của tòa án, Bộ trưởng khuyên nếu khiếu kiện tiếp, bác lại phán quyết của tòa, phải tìm đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Ủy ban tư pháp Quốc hội. 

Với ông Trần Bình An, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ Tây Nguyên, Hà Nội, Bộ trưởng bày: "hãy vào website: www.chinhphu.vn để phản ánh, đảm bảo sẽ được giải quyết chóng vánh. Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát và đôn đốc các địa phương, bộ ngành và có báo cáo lên Thủ tướng...". 

  • Phương Loan
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,