221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
963574
Ông Mai Ái Trực nói về "nghề" Bộ trưởng
1
Article
null
Ông Mai Ái Trực nói về 'nghề' Bộ trưởng
,

(VietNamNet) - Trong cuộc trực tuyến tối 26/7, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về "nghề" Bộ trưởng cũng như những suy tư về vận hội và thách thức của Chính phủ trong giai đoạn tới. Ông cũng không ngần ngại đối thoại với bạn đọc về chủ đề thời sự hiện nay: Khiếu kiện đất đai.

Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi sẽ giới thiệu từng phần cuộc trao đổi này.

Bộ trưởng phải biết cách làm Bộ trưởng

Bộ trưởng Mai Ái Trực trong cuộc trực tuyến tối 26/7. Ảnh: Phạm Hải

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những câu chuyện đất đai còn dài. Quay lại cương vị Bộ trưởng, ông có chiêm nghiệm gì sau quãng thời gian làm "nghề Bộ trưởng"?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Làm cái gì cũng phải có nghiệp vụ về cái đó, phải có khả năng về vấn đề đó. "Nghề" là nói về nghiệp vụ, không phải chuyên môn. Chẳng hạn là ĐBQH phải biết cách làm ĐBQH, Bộ trưởng phải biết cách làm Bộ trưởng. 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Khó khăn, thách thức lớn nhất của người làm Bộ trưởng là gì?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Khó khăn, thách thức lớn nhất là làm sao, trong lĩnh vực mình quản lý phải có chuyển biến. Bộ trưởng nào lên, trước mắt cũng ngồn ngộn công việc cần xử lý. Phải thúc đẩy để công việc đi lên.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đã vượt qua thách thức đó thế nào? Ông có nghĩ là, một, hai tháng nữa sau khi từ nhiệm, ông đã thấy thanh thản chưa? Đã giải quyết tốt thách thức trên chưa?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Chậm nhất là 02/8, Quốc hội phê chuẩn danh sách các thành viên CP mới. Mà khi QH đã phê chuẩn xong rồi thì Bộ trưởng cũ không còn tư cách nữa. Lúc đó, trách nhiệm của tôi đã xong. Tất nhiên, còn thủ tục Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng mới, nhưng sẽ chóng vánh thôi.

Thời gian vừa rồi, nếu nói làm mọi chuyện đều suôn sẻ, thì không có bất kỳ bộ trưởng nào có thể nói thế được. Ví dụ, trong vấn đề đất đai, có việc hài lòng, có cái chưa. 

Ba việc mà tôi thấy có tiến bộ trong đất đai là: Thứ nhất, hình thành quan niệm mới với đất đai. Đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực cho phát triển. Chính vì vậy, chúng ta đã có cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đó.

Thứ hai, có bước tiến dài trong chống bao cấp về đất đai. Đây là vấn đề nặng nề và là tàn dư cuối cùng trong cơ chế bao cấp của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế. Trước, đất đai giá trời ơi đất hỡi, Nhà nước muốn định như thế nào là tùy, duy ý chí. Kỳ này, chúng ta đã xóa bao cấp, điều 56 luật Đất đai nêu rõ, giá đất sát giá thị trường. Đây là cơ sở để tránh tình trạng xà xẻo, tham nhũng đất đai và cũng khắc phục việc bồi thường đất đai cho người dân không thỏa đáng.

Thứ ba, giải quyết được những vấn đề đất đai do lịch sử để lại. Qua 30 năm chiến tranh, có nhiều xáo trộn, người này sử dụng đất người khác. Thời gian qua, chúng ta đã giải quyết vấn đề này. Nghị định 84 đã giải quyết nhiều vấn đề tồn tại về đất đai.

Bên cạnh ba việc làm được trên, lại có những cái chưa làm tốt: Một là, nhận thức về quan điểm đổi mới, về pháp luật đất đai chưa tốt. Hiểu biết pháp luật hiện hành về đất đai chưa tốt nên dẫn đến nhiều sai phạm.

Hai là, mặc dù xóa bao cấp, từng bước đưa giá đất tiếp cận với thị trường, nhưng có tình trạng địa phương chưa áp dụng chính sách này, còn duy trì cơ chế xin - cho nặng nề.

Ba là, vấn đề mà ta đã bàn nhiều, đó là cơ chế giải quyết khiếu kiện đất đai chưa tốt.

Không phải Bộ trưởng muốn làm gì cũng được

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những cái chưa được có phải do quá thẩm quyền, quá sức của ông hay không? Do trong tầm tay mình, nhưng mình chưa giải quyết? Như ông từng nói trước QH là “quyền hạn thì hữu hạn mà trách nhiệm gần như vô hạn”. Theo ông, người kế nhiệm ông có cần trao nhiều quyền hơn không?

Bộ trưởng Mai Ái Trực:  Tôi không nghĩ là cần phải trao nhiều quyền hơn. Tôi nói câu đó không phải để đòi thêm quyền mà là  để có sự chia sẻ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Không phải bộ trưởng muốn làm gì cũng được, bởi theo quy định của pháp luật là quyền của anh chỉ tới mức đó thôi. Có đại biểu QH hỏi tôi tại sao cán bộ địa chính xã tiêu cực mà anh không xử lý. Hỏi như thế là làm khó vì bộ trưởng không thể làm việc đó được.

Trong sự vận hành cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay phải đối mới đồng bộ và rất rõ ràng về trách nhiệm. Bộ trưởng là Tư lệnh nhưng phải hiểu tư lệnh theo nghĩa như thế nào, chứ không phải "anh" đã là tư lệnh thì "anh" có quyền điều binh khiển tướng dù không thuộc quyền quản lý của anh.  Tôi điều binh khiển tướng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn thì được nhưng lĩnh vực khác thì không thể. Nói như Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, bộ trưởng là tư lệnh nhưng phải theo quy định của pháp luật, pháp luật quy định thế nào, anh làm như vậy. Không thể đòi hỏi Bộ trưởng làm những điều pháp luật không cho phép làm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về chất vấn trước QH, cử tri và người dân khi xem truyền hình vẫn có ấn tượng tốt và thiện cảm với bộ trưởng.  Ông là một trong số ít bộ trưởng tạo ra được sự khác biệt. Tại sao ông làm được điều đó?  

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Mỗi người có một tính cách. Tôi thích nói thẳng, nói thật, không quanh co. Tôi luôn nghĩ phải làm thế nào để làm việc tốt hơn chứ không nghĩ nói được lòng, nhiều khi nói mất lòng đấy. Có người nói, ông bộ trưởng ăn hiếp đại biểu Quốc hội quá. Tôi nói lại rằng: chẳng qua đại biểu nói không đúng nên tôi phải giải thích cho rõ.

Hoàng Tiến Dũng, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị: Kính thưa Bộ trưởng! Ông là vị Bộ trưởng mà tôi nhớ mãi với câu nói "thế chẳng nhẽ đợi đến khi dân không còn tin mới chịu thôi chức hay sao" khi trả lời phỏng vấn bên thềm Đại hội X của một phóng viên: vì sao ông đang còn uy tín mà không ứng cử để tiếp tục làm Bộ trưởng trong nhiệm kỳ đến. Tôi muốn hỏi lại ông câu này?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Xin nói lại với bạn Dũng là, câu đó của PV báo Tuổi trẻ. Bên Tuổi Trẻ họ nghe tôi xin không tái ứng cử nên đến phỏng vấn và tôi có nói như vậy.  Anh em cứ nói đây là câu trả lời thế này, thế khác, nhưng tôi thấy bình thường thôi.

Không thông qua báo chí đối thoại với dân là thiệt thòi

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông là người sẵn sàng lên đối thoại trên các phương tiện truyền thông, ông đối thoại trên VietNamNet lần này đã là  lần thứ ba trên tư cách Bộ trưởng. Không có nhiều bộ trưởng thế này. Theo ông, tại sao còn tình trạng không nhiều bộ trưởng sẵn sàng đối thoại mạnh mẽ với công chúng, với dân? 

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi quan niệm báo chí là kênh tiếp xúc rất quan trọng. Qua báo chí, có thể nói để dân hiểu và qua báo chí để nghe tiếng dân mà điều chỉnh cho phù hợp. Thời gian qua, chúng tôi cảm ơn các báo, trong đó có VietNamNet. Tôi không chọn báo tiara phát hành nhiều, báo lớn báo bé mà đối thoại với tất cả. Tôi cho rằng, trả lời như thế có lợi. Mình không thể hiểu hết được dân, không đủ điều kiện để đi xuống hết người dân. Nên qua báo chí để mình được nói và cũng được nghe.

Các văn bản, nghị định do Bộ xây dựng đều có kết quả từ các cuộc tiếp xúc đó. Tôi có thói quen trực tiếp trả lời qua email cho anh em chứ không qua thư ký. Làm như vậy, tư duy của mình phát triển. Mỗi lần suy nghĩ để trả lời anh em là tôi được một lần tư duy về vấn đề do cuộc sống đặt ra. Mà tôi lại thích câu hỏi hóc búa vì càng hóc búa càng phải suy nghĩ nhiều và mỗi lần như vậy lại hiểu vấn đề hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có chia sẻ, góp ý gì cho những người đồng nghiệp (các bộ trưởng), những người còn chưa mạnh dạn với truyền thông, quan hệ với công dân qua báo chí?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Mỗi Bộ trưởng có cách làm việc của mình. Mỗi người có cái mạnh riêng, tôi cũng không có gì hơn để khuyên ai. Nhưng kinh nghiệm của tôi là qua hoạt động báo chí rất tốt. Trong thời đại truyền thông phát triển thế này, không thông qua báo chí đối thoại với dân là một thiệt thòi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng cũng có nhiều quan chức e ngại báo chí phỏng vấn sẽ về viết không nói đúng ý mình. Ông có bao giờ gặp tình trạng đó chưa?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Lúc mới nhậm chức, lĩnh vực đất đai lại rất nhạy cảm, nên ban đầu, vì chưa biết anh em, sợ anh em không hiểu hết ý mình nên tôi có nguyên tắc: yêu cầu gửi câu hỏi qua email, tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau. Tôi e họ không hiểu hết, cắt ý mình muốn nói. Vấn đề mình nói, trả lời mang tính hệ thống, có thể anh em sẽ cắt đi đoạn nào đó. Mình nói một đằng, anh em hiểu một ý khác thì khó. Hơn nữa, họ hỏi mình, có khi mình trả lời chưa hay lắm, vì chưa có thời gian chuẩn bị.

Về sau, khi đã quen, tôi lại có nguyên tắc khác. Anh em hỏi, tôi trả lời, anh em bóc băng, gửi lại tôi xem, tôi gửi lại, và có kèm theo câu: "Nếu có thêm bớt, trao đổi lại với tôi qua số điện thoại...".  Anh em phóng viên cũng rất chú ý việc đó khi làm việc với các chính khách, rất có trách nhiệm. Tin tưởng nhau rồi, có thể trả lời trực tiếp cho anh em và để anh em xử lý. Còn đối với phát thanh, truyền hình hoặc như trả lời trực tuyến trên VietNamNet như thế này thì tôi trả lời trực tiếp.

Thách thức của Chính phủ trước vận hội mới

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sắp không làm Bộ trưởng nữa, nhưng là một công dân, hẳn ông có những suy tư về con đường phát triển của dân tộc. Vậy con đường phát triển của dân tộc trong giai đoạn tới, ông hình dung sẽ thế nào?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Đất nước đang đứng trước thời cơ lớn, có người nói "thời cơ vàng". Tôi cho rằng, cũng có thể nói như vậy. Thời cơ lớn bởi Việt Nam đã mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, tăng "sức đề kháng" của mình, thâm nhập vào các nước, tăng vai trò của mình lên. Ta đang có thời cơ đưa đất nước đi lên. Sự đồng thuận của nhân dân đang ở mức cao, đó là cơ hội.

Nếu làm tốt, ta sẽ sớm vượt qua nước nghèo có thu nhập thấp, đạt mục tiêu của Đảng đã đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đó nằm trong tầm tay, thậm chí ta có thể vượt xa. Nhưng thời cơ chỉ là điều kiện cần, muốn đủ phải có những cái khác, chẳng hạn có một Chính phủ thật mạnh. Vai trò Chính phủ rất lớn. CP hiện nay ngoài việc điều hành đất nước còn có trách nhiệm lớn là đề xuất với QH hoặc tự ban hành các chính sách để phát triển.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong vấn đề phát triển, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề phát triển theo tăng trưởng nhanh, nóng và phát triển bền vững. Có thể cùng phát triển nhanh, mạnh và bền vững được không?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Chọn con đường nào thì thế giới đã chọn, ý kiến của tôi cũng không có gì mới hơn. Ba trụ cột của phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong từng trụ cột đó cũng phải phát triển bền vững.

Chẳng hạn, trong kinh tế, chỉ quan tâm một ngành nào đó, không quan tâm ngành khác, nếu ngành đó rủi ro sẽ gây ra hụt hẫng lớn. Phải bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng đều đặn, bền vững. Nay lên, mai xuống sẽ không tốt. Chúng ta phải biết chọn ngành kinh tế phát triển, đột phá, Tất nhiên, phải có cụm mũi nhọn, không phải chỉ một ngành mũi nhọn.

Ví dụ, khai thác khoáng sản. Tăng trưởng của chúng ta hiện nay dựa một phần quan trọng vào tài nguyên khoáng sản. Nếu khai thác khoáng sản nhiều lên để xuất khẩu, trước mắt tăng trưởng cao nhưng khoáng sản là tài nguyên hầu hết không được tái tạo. Sau này khi bị thiếu hụt, ngành sẽ đi xuống. Vì vậy, trong khai thác khoáng sản, phải biết khai thác cái nào, giữ lại cái nào và tăng cường chế biến sâu để phát triển bền vững.

Hay vấn đề môi trường. Nếu cho rằng phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường là duy ý chí. Phát triển kinh tế cần sử dụng nhiều đất đai. Diện tích đất nông nghiệp, cây cối thu hẹp đi... để làm đường sá, nhà cửa, công trình. Phát triển kinh tế cũng cần sử dụng nhiều nước hơn, có thể gây cạn kiệt nguồn nước. Tài nguyên sinh học cũng bị ảnh hưởng khi khai thác gỗ, đánh bắt cá. Rồi chất thải do sản xuất, sinh hoạt...

Không thể nói "không được gây ô nhiễm môi trường". Nói vậy, chỉ có thể sống trong thời thượng cổ thôi. Chấp nhận có ô nhiễm môi trường nhưng ô nhiễm đó không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vấn đề là chúng ta giải quyết sao cho hài hòa. Có nước trong khu vực chúng ta, do phát triển nóng đã phải trả giá đắt về ô nhiễm môi trường. Nếu tăng trưởng nóng mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Theo ông, chúng ta có thể đột phá vào ngành nào?

Bộ trưởng Mai Ái Trực:  Nghị quyết của Đảng cũng đã nói về vấn đề này. Theo tôi, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta phong phú, cái gì cũng có nhưng không nhiều. Khoáng sản than đá vào loại kha khá nhưng không bao nhiêu. Dầu khí đóng góp lớn cho ngân sách nhưng năm nay đã giảm một triệu tấn rồi.

Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên không lớn nhưng  tiềm năng con người mới là lớn. Người VN thông minh, chỉ số IQ cao, đó là thế mạnh, nên phát huy nguồn lực con người, phát triển những ngành sử dụng nhiều hàm lượng chất xám.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với tư cách một bộ trưởng, ông thấy Chính phủ mới cần làm gì để nắm vận hội này?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: (cười) Tôi không có khả năng để đưa ra lời khuyên với CP. Nhưng có thể thấy, cơ hội càng lớn, sự trông chờ, kỳ vọng của người dân vào thời cơ càng lớn thì thách thức cũng càng lớn. Trong đó, thách thức bao trùm lớn nhất của CP là làm thế nào để chớp được thời cơ.

Cụ thể, thứ nhất, phải làm thế nào để chúng ta có cơ chế, chính sách hội nhập phù hợp thúc đẩy sự phát triển. Nói cho cùng, lại vẫn tiếp tục quay trở lại câu chuyện làm thế nào để cải cách  thể chế mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, trước khi Hội nghị TW 4 họp bàn về hội nhập, tôi đã đề xuất cơ chế giải quyết. Rồi nhiều vấn đề khác về cơ chế chính sách như về doanh nghiệp, về đầu tư... Chính phủ mới vẫn phải vừa điều hành đất nước vừa đề xuất cơ chế, chính sách.

Thứ hai, làm thế nào để chuyển biến bộ máy, vận hành thông suốt từ trên xuống dưới, trên bảo dưới nghe và xử lý tốt việc đẩy mạnh vấn đề phân cấp. 

Thứ ba là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đều và cao. 

Thứ tư, chống tham nhũng.

Tách Bộ dễ, nhập vào rất khó

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hội nghị TƯ5 đã kết thúc. Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án sắp xếp lại các bộ, ngành. Ông có ý kiến gì về vấn đề tinh giản, sắp xếp này ?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Chính phủ cũng đã bàn về vấn đề sắp xếp lại các bộ ngành và sắp tới QH sẽ cho ý kiến. Tôi không có bình luận gì.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển, như tôi biết, việc tổ chức lại bộ máy CP luôn theo hướng đơn giản, gọn nhẹ. Có nước giảm từ 20 bộ xuống còn 10 bộ, thậm chí có nước chỉ còn 7 bộ.

Thông thường, các nước luôn giữ ổn định một số bộ, chẳng hạn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, hầu như nước nào cũng có, còn những bộ khác có thể thay đổi. Khi một đảng hay một chính phủ mới lên cầm quyền, người dân không quan tâm xem có bao nhiêu bộ mà họ quan tâm đến “gương mặt” bộ trưởng, gương mặt nào sẽ vào nội các và có đảm đương nhiệm vụ được hay không.

Kinh nghiệm tổ chức của nhiều nước là Bộ có thể thay đổi nhưng ngành thì giữ ổn định và rất quy củ. Việc thay đổi Bộ sẽ không làm ảnh hưởng đến ngành.

Còn chúng ta, khi Bộ sát nhập, có khi lại xẻ ngành ra, thành vụ này, vụ nọ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cũng có nhiều người nói, có thể tinh giản thêm để gọn nhẹ hơn?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi nghĩ, còn một số bộ có thể được sắp xếp gọn nhẹ hơn nữa. Chắc chắn CP mới sẽ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này. Tôi cho rằng, cố gắng đừng để chồng chéo và mỗi lĩnh vực nên giao tập trung, đừng chia năm xẻ bảy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Việc sát nhập và giải thể các bộ, ngành bao giờ cũng khó khăn. Theo ông nguyên nhân tại sao?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Bao giờ cũng vậy, tách ra rất dễ, nhập vào thì rất khó. Điều đó vì mấy lí do: Thứ nhất, những người đã gắn bó với bộ đó, họ không muốn bộ của họ bị giảm đi, không muốn mất đi cái tên của Bộ.

Hai là, tách ra, sẽ nhiều “ghế”, nhiều người được bổ nhiệm, đề bạt. Nhập vào, sẽ rất khó sắp xếp. Bộ tôi khi mới thành lập, có 2 tổng cục độc lập, Tổng cục địa chính và Tổng cục khí tượng thủy văn, rồi các đơn vị về bảo vệ môi trường, quản lý khoáng sản, tài nguyên nước từ các bộ khác chuyển sang. Có Vụ trưởng thành Vụ phó, từ Tổng cục phó xuống làm Vụ trưởng. May mắn là anh em cũng chia sẻ. Tôi nhiều lần cảm ơn anh em vì tinh thần anh em rất tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có chia sẻ gì với những người sẽ phải làm công việc mà ông đã từng làm không? Những kinh nghiệm nào có thể hữu ích cho họ?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi cũng không có kinh nghiệm gì nhiều. Đưa ra lời khuyên như vậy thì vô phép. Nếu là chia sẻ, thì tôi có kinh nghiệm như thế này: Mình vì công việc chung thì chắc chắn kết quả sẽ tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi cuối cùng về chuyên môn: Tài nguyên - đất đai là vấn đề nóng. Nhưng còn một lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của ông, có thể chưa nóng nhưng cũng vô cùng quan trọng là môi trường. Theo ông, môi trường của chúng ta đã được quan tâm đến mức độ nào?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Về môi trường, với các vấn đề cơ bản thì thời gian qua đã đạt được một số kết quả: Một là, thể chế về môi trường được quy định rõ ràng hơn, đặc biệt đã có những quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, các cấp tỉnh, huyện, xã.

Hai là, tổ chức về môi trường quy định rõ ràng hơn. Vừa rồi Chính phủ ra Nghị định về tổ chức bảo vệ môi trường. Theo đó, từng tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường đều có tổ chức bảo vệ môi trường riêng.

Thứ ba, đã có khoản chi riêng cho môi trường. Từ năm 2006, Quốc hội đã quyết định hằng năm chi một phần trăm ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Còn những việc cụ thể để chặn đứng tình trạng ô nhiễm thì hiệu quả chưa nhiều. Đó là thách thức đặt ra với Bộ TN-MT trong thời gian tới.

Ngày đầu tiên làm thường dân: Sẽ thưởng thức một tách trà theo đúng nghĩa

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sau khi nghỉ, việc gì sẽ được ông chọn làm trong ngày đầu tiên?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi sẽ thưởng thức một cốc nước trà theo đúng kiểu uống trà. Thời gian qua, quá bận rộn, uống cà phê thì như con gái tôi nói là ba "uống tốc hành". Lúc nào cũng tất bật. 

Ngoài ra, tôi còn đọc sách, theo dõi trên mạng xem các bạn làm gì và nhiều việc khác phải làm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy ông có sẵn sàng làm cố vấn cho VietNamNet?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi chưa nghĩ tới điều đó. Tôi cũng nói thêm, đã mấy lần tôi xin nghỉ. Cuối cùng tôi phải đưa đơn lên Đoàn chủ tịch Đại hội để xin không ứng cử vào Ban chấp hành TW và sau ĐH Đảng X, xin không làm Bộ trưởng. Nhưng ròi vẫn phải làm Bộ trưởng thêm hơn một năm nữa.

Đợi Chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn, có Bộ trưởng mới, tôi sẽ không làm gì trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Nếu báo chí mời làm gì đó, tôi sẽ suy nghĩ kỹ. Đó cũng là cái nghề của tôi. (Trước đây, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã có 16 năm làm báo). Cố vấn thì phải nghĩ kỹ hơn. Thời tôi làm báo cổ lỗ sỹ. Thời nay hiện đại rồi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nghỉ hưu rồi, ông sẽ về Bình Định hay ở lại Hà Nội?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Tôi có ba đứa con, một đứa ở Quy Nhơn, một đứa ở TP. Hồ Chí Minh và một đứa ở Hà Nội. Chắc nhiều năm tới, tôi sẽ ở Hà Nội là chính. Sau này, yếu rồi thì về quê. Cũng có thể chỗ nào mát mẻ thì ở. Về nghỉ, tôi vẫn sống và sinh hoạt Đảng ở đây. Nhân đây, tôi cũng muốn cảm ơn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện cho tôi 5 năm làm việc ở Hà Nội. Tôi không nghĩ có cơ hội ra đây gánh vác công việc chung. Đó là diễm phúc cho tôi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi cuối cùng cho ông trước khi kết thúc buổi trực tuyến, ông có điều gì muốn nhắn gửi tới bạn đọc VietNamNet?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Cám ơn độc giả đã quan tâm đến tôi, có nhiều câu hỏi gửi đến qua VietNamNet. Qua VietNamNet, chúng tôi đã cố gắng đáp ứng, tuy chưa làm tròn được. Hy vọng, thời gian tới, bạn đọc VietNamNet tiếp tục ủng hộ Bộ TN- MT, hỗ trợ Bộ trưởng mới. 

  • VietNamNet

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,