221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
971378
"Lợi ích nhiệm kỳ" làm khó du lịch
1
Article
null
'Lợi ích nhiệm kỳ' làm khó du lịch
,

(VietNamNet) 14 năm lăn lộn với ngành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ mới nhận quyết định hưu. Đầy tâm huyết, ông Từ cho rằng cần tận dụng thời cơ hợp nhất để đẩy mạnh xúc tiến du lịch ở tầm quốc gia.

a
Nguyên Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Từ: "Những ai có trí tuệ, tâm huyết, có tiền đều có thể tham gia hội đồng xúc tiến du lịch".
Với sức mạnh của 3 ngành, du lịch sẽ phát triển

- Là một người làm lâu năm trong ngành, ông nhận định thế nào về việc sáp nhập du lịch với văn hóa và thể thao?

Hơn 15 năm trước, du lịch đã được sáp nhập thế này. Nhưng lần này, tôi tin sẽ khác. Lịch sử không bao giờ lặp lại mà phát triển theo đường xoắn ốc đi lên. Thời gian qua, du lịch đã làm được rất nhiều việc, nhưng do chỉ là một Tổng cục, không có chức năng quản lý đầy đủ, nên có nhiều việc " lực bất tòng tâm".

Từ nay, nằm trong Bộ lớn, du lịch sẽ làm được nhiều việc mà một mình Tổng cục trước đây làm không xong. Tôi nghĩ rằng, bây giờ đã nâng lên thành một Bộ thì với sức mạnh tổng hợp của cả 3 ngành, có lẽ chuyển biến dễ thấy nhất ngay trong 6 tháng hay 1 năm tới là du lịch sẽ phát triển nhanh hơn. Đó là kết quả của bộ máy mới, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương thành lập Bộ đa ngành. 

Trước đây, ngành văn hóa trùng tu, nâng cấp di tích, nhưng do không gắn với du lịch nên văn hóa cứ trùng tu, du lịch cứ khai thác, hoặc trùng tu một đằng, du lịch một nẻo. Nay đã về một Bộ, dưới sự chỉ đạo của cùng một Bộ trưởng, thì trùng tu di tích nào trước, di tích nào sau để vừa bảo tồn di sản, vừa phục vụ du lịch với một định hướng rõ ràng là thu hút khách thì rất hay.

Những cuộc trình diễn giao lưu văn hóa ở nước ngoài, những cơ quan tham tán văn hóa, những ngôi nhà VN ở các nước sẽ gắn chặt với xúc tiến du lịch. Điều này quá tốt. Tính hiệu quả sẽ được nhân lên gấp bội so với thời du lịch đứng riêng lẻ.

Thể thao cũng vậy. Các sự kiện trong nước, quốc tế trước đây, thể thao cứ việc làm mà du lịch không vào được. Bây giờ trong cùng một nhà thì hoàn toàn có thể kết hợp với nhau để mỗi sự kiện thể thao đều có thể quảng bá du lịch. Và rõ ràng, khi du lịch phát triển, khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, chiêm ngưỡng nhiều hơn thì sẽ thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao. 

Lợi ích “nhiệm kỳ” ở một số địa phương: Cái khó cho du lịch 

- Ông có nói rằng có những việc muốn làm mà TCDL trước đây không làm được vì “lực bất tòng tâm”?

Bên cạnh xúc tiến, quảng bá thì một khó khăn lớn là quy hoạch, bảo vệ tài nguyên du lịch. Lập quy hoạch đã khó nhưng vẫn làm được. Cái khó hơn là quản lý quy hoạch.

Đôi khi, quy hoạch chỉ còn nằm trên giấy. TCDL không là cơ quan quản lý nhà nước đầy đủ nên hiệu lực quản lý rất thấp. Quy hoạch bị xâm lấn, chồng chéo, biến dạng bởi rất nhiều lý do. Bây giờ lên Bộ rồi, chúng ta có điều kiện khắc phục tình trạng này.

Vấn đề là phải kết hợp các lợi ích: ngành nọ và ngành kia, ngành và địa phương, trước mắt và lâu dài. Cũng có phần do hạn chế về tầm nhìn, nhưng chủ yếu là do bị giằng xé vì những yêu cầu trước mắt mà đây đó có tình trạng “lợi ích nhiệm kỳ”.

Từ chỗ phải tính đến các nhiệm vụ trong 5 năm, 10 năm, thành ra người ta vô tình đẩy khó khăn cho thế hệ sau. 

Lợi ích của du lịch thì lại không rõ ngay. Có chậm hoặc chưa làm cũng không chết ai, trong khi nếu không xây nhà máy này, khu công nghiệp kia, khai thác mỏ nọ thì thiệt. Các địa phương nếu không có quy hoạch kinh tế - xã hội thật khoa học, hành lang pháp lý lại chưa chặt chẽ thì rất khó giải quyết vấn đề. 

Theo tôi, nói chuyện nhận thức không đủ mà phải có chế tài. Hành lang pháp lý phải đủ, ai vi phạm phải bị xử lý bằng luật. 


Người làm xúc tiến du lịch phải tác chiến thực sự

- Khi thống nhất trong một Bộ mới, theo ông, du lịch nên tập trung vào nhiệm vụ gì để có thể thu hút khách du lịch đến và trở lại Việt Nam?

Theo tôi, phải tìm cách phát huy tổng lực sức mạnh của cả 3 ngành để phát triển du lịch. Chức năng quản lý nhà nước cần dâng lên ở Bộ. Du lịch cần tận dụng thời cơ, đi ngay vào hiện đại, gắn với quốc tế, học tập kinh nghiệm các nước để nâng cấp và đổi mới cơ quan xúc tiến du lịch thành Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia (DLQG), gắn chặt với văn hóa, thể thao, khai thác tối đa các nguồn lực, đa dạng hóa thành phần để làm thật chuyên nghiệp việc quảng bá hình ảnh điểm đến quốc gia. 

nhiều nước, Cơ quan DLQG chủ yếu làm xúc tiến, nghiên cứu thị trường, còn quản lý nhà nước là việc của bộ. Những người làm ở Cơ quan xúc tiến không phải là các “sĩ quan” bàn giấy, nặng về tham mưu, mà là những người tác chiến thực sự, đi nghiên cứu thị trường, tổ chức các sự kiện để quảng bá, thu hút khách. Nhiệm vụ quan trọng là giới thiệu hình ảnh quốc gia để các doanh nghiệp bán hàng, ký kết các hợp đồng đưa đón khách. 

Tên gọi không quan trọng mà theo tôi, Cơ quan xúc tiến phải được tổ chức thành một đơn vị trực thuộc Bộ có các Ban: Ban thị trường châu á, Ban thị trường châu Âu, Ban thị trường châu Mỹ, Ban tổ chức các sự kiện, Ban nghiên cứu phát triển… và làm đầu mối đối ngoại về du lịch, giao lưu văn hóa.

Cơ quan này sẽ quản lý các văn phòng đại diện du lịch VN tại nước ngoài. Nhiệm vụ chính của nó là marketing, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, sản xuất ấn phẩm, tổ chức các sự kiện trong và ngoài nước. 

Ai có tâm huyết, có điều kiện đều có thể tham gia


- Có bao giờ ông cảm thấy tiếc khi dưới thời của mình, Tổng cục Du lịch ( TCDL) chưa có cơ quan xúc tiến như ông vừa nói?

Đâu phải cái gì muốn cũng làm được ngay. Trước đây, TCDL cũng có Cục xúc tiến nhưng mới hình thành và chưa được trao quyền đầy đủ. Về cơ bản, Cục xúc tiến cũ vẫn là cơ quan hành chính, tham mưu, trông chờ ngân sách nhà nước. 

Ở đây 14 năm, tôi thấy TCDL đã làm việc của một Bộ, từ nghiên cứu, xây dựng luật, đến quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách... Tập trung rất nhiều công sức cho việc tạo hành lang pháp lý mà quyền hạn thì không tương ứng nên quản lý nhà nước không xong mà lại không đi sâu và chuyên tâm vào công tác xúc tiến mà lẽ ra nó phải làm là chính. 

Bây giờ chính là thời cơ ngàn vàng để đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Phải tổ chức làm sao để nó không phải là một cơ quan hành chính, không là một cơ quan tham mưu đơn thuần mà là một đơn vị tác chiến thực sự.

Tất nhiên, Cục vẫn có chức năng quản lý về xúc tiến do Bộ trưởng phân cấp, nhưng nhiệm vụ chính là đi “đánh trận”. Có thể nên có Hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp được rộng rãi các nguồn lực. Những ai quan tâm đến du lịch, có điều kiện, tâm huyết, trí tuệ, có tiền và tình nguyện tham gia, được Bộ trưởng chấp nhận và mời gọi thì đều có thể tham gia Hội đồng này. 

Như thế mới phát huy sức mạnh tổng hợp và ngân sách nhà nước sẽ không phải là nguồn tài chính duy nhất. Hàng không cũng có thể vào đây, rồi ngân hàng, đường sắt, hàng hải, các nhà đầu tư lớn… Sẽ đa dạng hóa nguồn lực và thành phần, xúc tiến du lịch và giao lưu văn hóa sẽ mạnh hơn lên rất nhiều, tôi tin như vậy.

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,