Một trong những chủ mưu kích động người khiếu kiện gây rối an ninh, làm mất trật tự xã hội là Thích Quảng Độ, người cầm đầu cái gọi là “Viện hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, một tổ chức tôn giáo không được thừa nhận ở nước ta.
>>Chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh trật tự
Thích Quảng Độ (cầm loa) và Thích Không Tánh (đeo kính, bên trái ảnh) kích động người dân gây rối. |
Theo các tài liệu và chứng cứ mà cơ quan Công an có được, trong thời gian từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1978, Thích Quảng Độ đã có thái độ bất mãn, chống đối chính quyền nhân dân, dọa tự thiêu và lợi dụng việc tổ chức “Đại giới đàn” để thuyết giảng, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo như: Ra thông tư kêu gọi và kích động tăng, ni sinh sẵn sàng “tử vì đạo” nếu cần; đồng thời nhân vụ sư cô Như Hiền uống thuốc tự vẫn (vì chuyện riêng), Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng khác tung tin sư cô Như Hiền chết để phản đối chính quyền.
Vì có hành vi tổ chức các hoạt động chống đối Nhà nước, Thích Quảng Độ đã bị Công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giữ, truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã xử khoan hồng, trả về Thanh Minh Thiền Viện. Nhưng cũng kể từ đó, Thích Quảng Độ công khai chống lại chủ trương thống nhất Phật giáo toàn quốc. Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng chống đối trong cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” ( GHPGVNTN) tiến hành nhiều hoạt động nhằm cản trở việc chuẩn bị cho Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc, tiếp tục duy trì các hoạt động mang danh nghĩa “GHPGVNTN”. Vì lẽ đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phải ra quyết định cấm Quảng Độ cư trú trên địa bàn; UBND tỉnh Thái Bình cũng đồng thời ra quyết định buộc Quảng Độ cư trú tại Chùa Đông Xoài, tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, từ năm 1992 đến nay, Thích Quảng Độ tự ý vào cư trú tại Tp. Hồ Chí Minh và liên tục tiến hành các hoạt động chống đối, viết và phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc tình hình trong nước.
10/1994, Quảng Độ, Đức Nhuận chỉ đạo Thích Không Tánh, Nhật Ban, Hồng Ngọc, Nguyên Lý…thành lập cái gọi là “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” và “Ban công tác từ thiện xã hội – GHPGVNTN” để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích động tăng ni, Phật tử chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cũng trong năm 1994, lợi dụng tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ,…Quảng Độ đã chỉ đạo một số đối tượng trong nhóm “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” và “Ban công tác từ thiện xã hội – GHPGVNTN” tổ chức cho khoảng 150 tăng ni, Phật tử trương cờ, băng rôn, khẩu hiệu mang danh “GHPGVNTN”…lợi dụng việc cứu trợ để phô trương lực lượng và tuyên truyền nhằm công khai hóa các hoạt động của “GHPGVNTN”.
Do Thích Quảng Độ liên tiếp có những hành vi chống đối, ngang nhiên lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, nên tháng 1/1995, Công an Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Quảng Độ. Tháng 8/1995, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử, tuyên phạt Quảng Độ cùng nhóm (Không Tánh, Đồng Ngọc, Nhật Thường, Trí Lực) 5 năm tù giam và thời hạn quản chế 5 năm về tội phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội biết ăn năn, hối cải, có thành tích cải tạo tốt, nhân dịp Quốc khánh 2/9/1998, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho Quảng Độ, trả về nơi cư trú cũ tại Thanh Minh Thiền Viện.
Nhưng ngay sau khi về Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Độ lại cùng Huyền Quang, Đức Nhuận được sự hậu thuẫn của số chống đối cực đoan trong Phật giáo người Việt lưu vong hải ngoại như Võ Văn Ái (ở Pháp), Hộ Giác và Viên Lý (ở Mỹ)…lộ rõ bản chất chính trị phản động, đã công khai thách thức chống chính quyền và pháp luật, kêu gọi phục hồi “GHPGVNTN” .
Liên quan đến lịch sử hình thành và sự kiện kết thúc quá trình tồn tại của “GHPGVNTN”, cũng như những hành vi ngang ngược của vị tu sỹ “đặc biệt” này, ngày 9/11/2005, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: việc làm này của ông Thích Quảng Độ là mạo xưng, không có giá trị pháp lý, trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Trong Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ghi rõ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, về mặt lịch sử cũng như pháp lý, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” không còn tồn tại theo nguyên nghĩa là một tôn giáo độc lập. Hòa thượng Thích Thanh Tứ khẳng định thêm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tôn trọng quá khứ lịch sử của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” song không chấp nhận việc một số vị mạo xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” dựng lại tổ chức đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1981, thực chất đấy là việc làm hòng chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo và tổn hại tới lợi ích dân tộc.
Một vấn đề nữa cũng cần nhận rõ là bản thân Quảng Độ tuổi đã cao, lại không có cơ sở sản xuất, kinh doanh để có thu nhập, vậy Quảng Độ lấy đâu ra nguồn tiền lớn (nhiều trăm triệu đồng) để “phát chẩn” cho người khiếu kiện? Một là do một số nhóm phản động ở nước ngoài cung cấp. Hai là tiền công đức do bà con phật tử đóng góp nhằm mục đích hoạt động tôn giáo nhưng Quảng Độ và thuộc hạ lại sử dụng vào việc mua chuộc, kích động người khiếu kiện gây rối, chống phá Nhà nước.
Theo những tài liệu mà cơ quan Công an thu thập được, những tổ chức phản động như “Câu lạc bộ Hoa Mai” ở Mỹ, “Ủy ban yểm trợ người khiếu kiện” của Đỗ Thành Công ở Mỹ; “Đảng dân chủ nhân dân” ở Australia; “Liên hội nhân quyền Việt Nam” ở Thụy Sỹ thường xuyên tài trợ cho các hoạt động của các đối tượng phản động trong nước kích động người dân khiếu kiện mà điển hình là Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Khắc Toàn…Cũng chính nhờ những nguồn tiền có gốc gác như trên cùng với tiền công đức của bà con Phật tử và nguồn tiền từ cái gọi là “quỹ cứu tế dân oan” do chính y lập nên, với tên gọi mỹ miều của hành vi “cứu trợ”, Quảng Độ đã sử dụng vào mục đích nhằm tranh thủ tình cảm, sự tin tưởng của người dân khiếu kiện, từ đó kích động, lôi kéo họ phục vụ cho các mục đích cơ hội chính trị của cá nhân Thích Quảng Độ.
(Theo TTXVN)