(VietNamNet) - "Chúng ta tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, mọi người dân có quyền khiếu kiện nhưng không cho phép lợi dụng khiếu kiện để lôi kéo, kích động, xúi giục người khác", Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Truyền nói.
>> Chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh trật tự
>> Vị tu sỹ đi ngược lại lợi ích dân tộc
Trả lời các câu hỏi của phóng viên VietNamNet xung quanh vấn đề khiếu kiện đông người, tại cuộc họp báo tháng 8 của Thanh tra CP diễn ra sáng nay, 30/8, Tổng TTCP Trần Văn Truyền cho biết quan điểm: Phải có hình thức cảnh cáo, xử phạt hành chính những phần tử xấu xúi giục khiếu kiện, nếu họ vẫn tiếp tục thì phải truy cứu trách nhiệm, bởi đây là hành vi cố ý vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Truyền nói nguyên nhân gây nên khiếu kiện kéo dài có lý do từ chính sách bất cập và cách xử lý chưa rốt ráo của chính quyền địa phương.
"Thanh tra CP đã kiến nghị cơ quan chức năng xử lý những phần tử xúi giục khiếu kiện đông người", Tổng TTCP Trần Văn Truyền nói. Ảnh: VA
Đã đủ chứng cứ về việc vi phạm pháp luật
Theo tổng kết của Thanh tra CP, trong tháng 8, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại HN và TP HCM đã tiếp 61 đoàn đông người, tăng 74% so với tháng trước. Báo cáo của TTCP cũng nói đến việc một số phần tử cơ hội chính trị đã có những thủ đoạn kích động công khai khiếu kiện. Nhận định của ông về vấn đề này?
Đây là vấn đề đã xuất hiện nhiều năm trước nhưng ít hơn. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt 2 tháng gần đây thì càng rõ rệt hơn, phức tạp hơn. Đó là một số người lợi dụng việc khiếu kiện đông người cho những mục đích khác nhau.
Có một số không vì mục đích chống đối chế độ hay làm mất an ninh trật tự mà vì động cơ cá nhân với chính quyền chỗ này chỗ kia nên đã khích xúi người ta khiếu kiện.
Thứ hai, có một số người đã khiếu kiện nhưng không đạt được yêu cầu của họ, bây giờ muốn tạo sự cộng hưởng của nhiều người, nên đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật và lôi kéo người khác tham gia khiếu kiện.
Thứ ba, có một số phần tử cơ hội lợi dụng khiếu kiện để gây rối ren nhằm những mục đích khác nhau. Tôi cho rằng hành vi này đã làm ảnh hưởng nhất định đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà bây giờ không chỉ ở nông thôn mà cả các đô thị, ở Thủ đô và TP HCM.
Những người này có đủ các thành phần, có cả những người ở một số tôn giáo. Họ đứng ra tuyên truyền công khai, khuyến khích những người đi khiếu kiện phải làm đến cùng, thậm chí công khai phát tiền cho người đi khiếu kiện.
Theo ông, phải xử lý những đối tượng này như thế nào?
Cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ để chứng minh rằng đây là việc làm vi phạm pháp luật. Chúng ta rất tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, mọi người dân có quyền khiếu kiện, có quyền tố cáo nhưng pháp luật không cho phép lợi dụng khiếu kiện để lôi kéo, kích động, xúi giục người khác đi khiếu kiện, đặc biệt không được dùng vật chất để xúi giục.
Chúng tôi cho đó là những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. TTCP đã kiến nghị các cơ quan chức năng phải xem xét, xử lý những người này. Trước mắt, theo pháp luật, phải có hình thức cảnh cáo, xử phạt hành chính, sau đó, nếu họ vẫn tiếp tục thì phải truy cứu trách nhiệm. Bởi vì đây là hành vi cố ý vi phạm pháp luật.
Chính sách còn bất cập, chính quyền chưa rốt ráo
Ông đã từng nói phần lớn các trường hợp khiếu kiện đều liên quan đến đất đai. Vậy nguyên nhân do đâu người dân lại bức xúc nhiều về vấn đề này, theo ông?
Nguyên nhân đầu tiên là do cơ chế, chính sách của chúng ta trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến nhân dân vẫn còn nhiều điểm bất cập. Đến hơn 90% số người khiếu kiện là về đất đai, mà chủ yếu là liên quan đến việc thu hồi đất để làm các khu công nghiệp, đô thị. Trong việc giải tỏa, đền bù cho người bị thu hồi đất, thực hiện những chính sách bao gồm tái định cư, giải quyết việc làm... nhân dân chưa đồng tình cao.
Trách nhiệm của các cấp chính quyền thực hiện các chính sách khi triển khai dự án thì nhiều nơi chưa làm đúng chỉ đạo của Chính phủ, chưa công khai, minh bạch, chưa dân chủ khi thảo luận những phương án liên quan đến lợi ích của người dân. Khi triển khai sẽ đụng chạm ngay và bị người dân phản ứng.
Riêng từ đầu năm đến nay, các vụ việc phát sinh cũng có nhưng ít. Phần nhiều là những vụ việc tồn đọng từ trước. Ví dụ ở An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh..., nhiều vụ lặp đi lặp lại từ vài năm nay mà giải quyết chưa dứt. Các cấp chính quyền đã giải quyết chưa rốt ráo.
Chúng ta đã đối thoại với dân, hứa với dân một số điều nhưng giải quyết lại chưa đúng mức nên dân lại tiếp tục quay lại khiếu kiện.
Nguyên nhân thứ ba là nhận thức của dân nói chung cũng chưa đầy đủ, chưa thông hiểu pháp luật. Đặc biệt về chính sách, người dân mong Nhà nước có suy nghĩ khác hơn, nên mặc dù địa phương đã giải quyết rốt ráo rồi, đúng pháp luật rồi, nhưng người ta thấy vẫn chưa thỏa đáng nên vẫn khiếu kiện. Chính quyền có giải thích thì người dân cũng thường không chấp nhận. Mà lý lẽ không chấp nhận thì không phù hợp với pháp luật.
Ví dụ, luật quy định đất đai đã giao cho người khác sử dụng ổn định trong thời gian dài thì nay không trả lại. Nhưng vừa qua, nhiều người cứ dai dẳng đòi phải trả lại. Xét về pháp luật, đòi như thế là không đúng, không có cơ sở pháp luật để giải quyết nhưng thực tế chúng tôi cũng thấy rằng vấn đề người dân nêu ra rất đáng quan tâm.
Đây là hai mặt của vấn đề: Một mặt do dân nhận thức chưa đúng, mặt khác do chính sách có chỗ chưa hợp lý, cần được điều chỉnh.
Thanh tra Chính phủ có kiến nghị gì với Chính phủ để giải quyết dứt điểm khiếu kiện và đặc biệt là khiếu kiện đông người?
Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, kiến nghị một loạt giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là phải điều chỉnh pháp luật, nhất là pháp luật quy định về đất đai, trong việc giải tỏa đền bù, thu hồi đất phải thỏa đáng hơn, phải có một cơ chế hợp lý hơn để làm sao người bị thu hồi đất yên tâm, thấy rằng dù bị mất đất nhưng vẫn có điều kiện sống. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TNMT sớm trình để điều chỉnh, xử lý vấn đề này.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị phải có chính sách xã hội, giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại một cách ráo riết hơn. Ví dụ ở An Giang, Bến Tre, Tây Ninh... phải có những chính sách đặc thù để giải quyết. Không đặt vấn đề trả lại hay đền bù là đúng, nhưng phải có chính sách hỗ trợ những người không có đất, không có việc làm hoặc không có chỗ ở như thế nào cho hợp lý để người dân yên tâm và tin tưởng vào chính quyền.
Chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề hậu thu hồi đất: Tái định cư, việc làm của những người không có điều kiện tham gia vào việc làm mới. Chính phủ đã ghi nhận và giao các cơ quan chức năng xem xét. Tôi tin rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm đến những vấn đề này tốt hơn.
Kiến nghị sửa luật
Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm của địa phương - một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện mà ông vừa nói?
Đây chính là gốc của vấn đề. Nếu cơ sở không đứng ra thương lượng, giải quyết với dân một cách triệt để những bức xúc thì khó mà giải quyết được khiếu kiện đông người.
Cấp huyện và đặc biệt là cấp tỉnh thì phải có trách nhiệm rà soát, xem xét giải quyết kịp thời các vụ việc. Chúng tôi chỉ đạo cho thanh tra các địa phương tham mưu cho UBND giải quyết tốt những vấn đề này, mặt khác, TTCP đã tổ chức hơn 15 đoàn thanh tra đi các địa phương, trong đó có 4 đoàn liên ngành với các bộ.
Ở Tiền Giang và Tây Ninh, bước đầu đã có những phương án cụ thể để giải quyết và dân đã chấp nhận. Ở Bình Thuận đang làm ráo riết những việc này. Ở miền Bắc, chúng tôi đã làm việc với Hà Tây và Hòa Bình, các phương án mà TTCP cùng địa phương thống nhất cũng đã được dân đồng tình.
Tôi tin rằng, theo cách thức này, một mặt địa phương sẽ nâng cao trách nhiệm, mặt khác sẽ cùng các cơ quan trung ương giải quyết vấn đề tốt hơn.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, vẫn còn tùy tiện, thiếu trách nhiệm, ngại khó, né tránh tiếp dân, hoặc hứa với dân rồi mà không làm, hoặc đã thống nhất phương án giải quyết với TTCP rồi nhưng không thực hiện.
Bởi thế, sau khi xem xét tại chỗ, TTCP nếu thấy không có lý do khách quan thì sẽ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm. Chúng tôi sẽ có tổng kết báo cáo với Thủ tướng, nhất là đến kỳ họp QH thứ 2 vào cuối tháng 10, chúng tôi sẽ có kiến nghị. Chúng tôi nhấn mạnh là các địa phương phải hết sức lưu ý việc này, bản thân Thủ tướng cũng đã chỉ đạo quyết liệt và cho rằng vấn đề không phải là chúng ta không thấy nguyên nhân, mà là làm chưa rốt ráo.
Chúng tôi cũng kiến nghị sửa Luật khiếu nại, tố cáo. Tới đây, Thủ tướng cũng phải có những quy định phân định trách nhiệm và làm rõ quy chế phối hợp để các cơ quan trung ương có thể phối hợp lại, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh hiện nay.
-
Vân Anh