(VietNamNet) - Trong cuộc trực tuyến trưa nay, Tân Đại sứ Pháp Hervé Bolot khẳng định Việt Nam luôn là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của Pháp. Vị Đại sứ có vợ mang dòng máu Việt này tỏ ra đặc biệt hứng thú về cuộc sống và làm việc trong 3 năm tới ở Việt Nam.
VietNamNet giới thiệu nội dung cuộc trực tuyến.
Pháp muốn tăng cường đối thoại chính trị với Việt Nam
- Trước hết, rất cám ơn ngài Đại sứ tuy lịch trình đang hết sức bận rộn nhưng vẫn dành cho độc giả VietNamNet một cuộc trực tuyến vào thời điểm cũng khá đặc biệt là giờ ăn trưa.
Câu hỏi đầu tiên dành cho Đại sứ: Chưa đầy 2 tuần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên đường thăm chính thức CH Pháp. Trước Thủ tướng, đã có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của VN thăm Pháp, vậy theo ông, chuyến thăm này sẽ có gì đặc biệt?
Tôi cho rằng đối với Chính phủ mới của VN, gặp gỡ các đồng nhiệm Pháp là rất quan trọng. Trước hết, đây là một cuộc viếng thăm mang tính chính trị mà trong đó, những nhà lãnh đạo hai nước đều có nhiệm kỳ 5 năm tương ứng, đó là nhóm lãnh đạo sẽ điều tiết mối quan hệ giữa Pháp và VN trong 5 năm tới.
- Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên cả 4 nhà lãnh đạo cấp cao của Pháp gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện tiếp đón Thủ tướng Việt Nam. Vậy phía Pháp trông đợi gì ở chuyến thăm này?
Trước hết, Pháp hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng VN sẽ tăng cường đối thoại chính trị giữa hai bên. Trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm việc với nhau. Dĩ nhiên, chúng ta đã làm nhiều việc tốt rồi nhưng vẫn có thể làm tốt hơn nữa.
Chính vì thế, tôi nghĩ cả hai phía đều hy vọng chuyến thăm này của Thủ tướng VN sẽ làm tăng cường mối quan hệ song phương về văn hóa, kinh tế, công nghiệp, mối quan hệ đối tác trên tất cả mọi phương diện.
- VN đang trong quá trình vận động để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Quan điểm của Pháp - một trong 5 thành viên thường trực - trong vấn đề này như thế nào? Nước Pháp trông đợi VN sẽ đóng vai trò như thế nào trong HĐBA?
Tôi xin trả lời vế thứ hai trước. Mong muốn của chúng tôi, như là các thành viên thường trực khác của Hội đồng. Có môt luật chơi của Hiến chương LHQ đề ra: Điều bình thường là tất cả các nước cảm thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và mong muốn tham gia HĐBA. Với VN, đây là lần đầu tiên ứng cử vào vị trí này. Điều mà nhiều người mong đợi ở VN cũng là điều người ta chờ đợi ở Pháp hay ở các nước khác là làm sao đương đầu được với những vấn đề khủng hoảng trên thế giới. Đây là quan điểm tập thể liên quan đến an ninh quốc tế, để làm sao tìm kiếm được sự đồng thuận cao nhất trong HĐBA.
Về thái độ của chúng tôi, theo thông lệ, các ứng cử viên phải được các nước trong khu vực giới thiệu. Châu Á đã giới thiệu VN, chúng tôi tôn trọng sự thống nhất ý kiến của các nước châu Á. Chúng tôi cũng vui mừng vì qua năm tháng, VN ngày càng xây dựng được vị thế quốc tế của mình. Qua các hội nghị Pháp ngữ, APEC, ASEAN, VN đã gia nhập WTO, đó chính là những thành công mang tính biểu tượng cao của VN.
Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với VN, chúng tôi đã tiếp ở Paris một đoàn của Bộ Ngoại giao VN để trao đổi với các chuyên gia của HĐBA. Cần nói thêm là các nhà ngoại giao VN phụ trách vấn đề này cũng là những người nói tiếng Pháp rất giỏi.
Ưu tiên tạo ra một bảng tổng kết ấn tượng về thương mại, kinh tế Pháp - Việt
- Trong cuộc ra mắt báo giới đầu tháng 8, ông có nêu ra một nghị trình khá tham vọng là muốn góp phần tạo ra một bảng tổng kết thực sự ấn tượng về quan hệ kinh tế - thương mại Pháp - Việt. Ông dự định bắt đầu từ đâu để thực hiện điều này?
- Trong cuộc sống, bao giờ chúng ta cũng phải có tham vọng và mong muốn thực hiện được tham vọng ấy, bởi thực tế cuộc sống nói chung và kinh tế nói riêng, không phải mong muốn nào cũng được thực hiện cả. Một vận động viên nhảy cao sẽ đạt được thành tích cao nếu đặt mức xà cao để phấn đấu. Rõ ràng chúng ta đã cùng nhau xác định mối quan hệ đối tác trong những lĩnh vực được ưu tiên: năng lượng, cơ sở hạ tầng, truyền thông...
Tôi tin rằng tiềm năng giữa 2 nước với một quan hệ có bề dày văn hóa, chúng ta có thể hợp tác trên thế mạnh đó: đầu tư trực tiếp, hỗ trợ kỹ thuật.., những lĩnh vực mà phía VN mong muốn có sự giúp đỡ của Pháp.
- Trước khi sang VN, ông có gặp gỡ những doanh nghiệp (DN) lớn của Pháp không? Ông mang theo mối quan tâm gì của họ tới Hà Nội?
- Tôi đã gặp rất nhiều người và đó là một phần quan trọng trong công việc của tôi. Những mối quan hệ của tôi ở những cương vị cũ với DN có thể phục vụ cho quan hệ hợp tác Pháp - Việt.
Tôi không thể quảng cáo cho DN này hay DN kia, kể tên họ ra đây, vì như thế sẽ làm mất sự công bằng. Nhưng có những DN có những dự án lớn ở VN, khi biết tin tôi được bổ nhiệm, đến nói với tôi: "Ngài sắp nhận nhiệm sở ở VN phải không, chúng tôi rất quan tâm đến điều đó".
Cuộc hôn nhân phải xuất phát từ hai phía
- Cũng liên quan đến doanh nghiệp, một trong những lĩnh vực tiềm năng của Pháp tại VN là viễn thông và các doanh nghiệp Pháp đã có mặt rất sớm ở VN. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông, Đại sứ Blarel khi kết thúc nhiệm kỳ đã từng tiếc nuối rằng sự hiện diện của các DN viễn thông Pháp trên thị trường VN chưa được như mong muốn. Một số hợp đồng lớn đã tuột khỏi tay họ. Theo ông, DN Pháp cần rút ra bài học gì?
- Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh, minh bạch, công khai. Nếu VN không chọn Pháp mà chọn đối tác khác thì đó là thực tế có thể hiểu được. Luật chơi là như vậy. Với tư cách là Đại sứ Pháp, tôi rất tiếc. Bài học là làm sao tăng cường sự hiện diện của mình hơn nữa và làm sao đưa ra đề xuất hấp dẫn nhất với đối tác của mình.
Vấn đề là, không chỉ cần hấp dẫn ở mức giá mà còn phải hấp dẫn ở nhiều mặt khác: các hoạt động kèm theo như chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, bảo trì… Trong các hợp dồng lớn, thường mức giá đưa ra bao giờ cũng phải kèm theo dịch vụ đi kèm thì mới đánh giá đúng được bản chất.
Trong lĩnh vực viễn thông, với các mức giá tương đương nhau, nhiều DN Pháp rất muốn tham gia vào các gói thầu mà VN chào.
- Độc giả Trần Thái Hòa hiện ở Paris hỏi: VN và Pháp có mối quan hệ trong lịch sử rất gần gũi về văn hóa. Hiện Pháp cũng là quốc gia hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực đầu tư vào VN. Nhưng nếu so sánh với tiềm năng thì rõ ràng hợp tác chưa tương xứng. Có rất nhiều lĩnh vực mà Pháp có thể đầu tư hợp tác thành công ở VN như điện hạt nhân, quốc phòng, giao thông (métro), công nghiệp ô tô, kể cả sản xuất các bộ phận cho máy bay Airbus. Với tư cách là tân Đại sứ Pháp ở VN, ngài có thể cho biết vì sao chúng ta chưa phát triển hết tiềm năng hiện có và trong nhiệm kỳ của mình, ngài sẽ ưu tiên những lĩnh vực hợp tác nào?
Như tôi đã nói, tôi đã trình bày những lĩnh vực ưu tiên mà VN và Pháp đã thoả thuận, đó chính là Tài liệu khung hợp tác Pháp - Việt. Nhưng tôi xin lấy một hình ảnh để so sánh thế này: Một cuộc hôn nhân phải xuất phát từ hai phía. Một hợp đồng không chỉ do phía DN Pháp quyết định, mà còn cần sự thống nhất hoặc thỏa thuận của cả hai Chính phủ.
Thứ 2, VN hiện đã là thành viên của WTO, luật chơi yêu cầu mở cửa thị trường và tạo điều kiện cho cạnh tranh công bằng. Trong lĩnh vực xây dựng chẳng hạn, khi chi phí vận chuyển rất lớn thì một DN Pháp khó có thể đưa ra một mức giá cạnh tranh so với DN VN hay của nước khác gần VN hơn.
Chính vì thế, tôi cho rằng chính trong những lĩnh vực công nghệ cao, mà bạn đọc nói đến như công nghiệp ô tô, năng lượng nguyên tử.. chúng ta có nhiều cơ hội. Chúng tôi muốn phát triển hợp tác trong những lĩnh vực công nghệ dựa trên thế mạnh của chúng tôi và dễ dàng chuyển giao công nghệ đó cho phía VN.
- Trong nhiệm kỳ của Tổng thống F.Mitterrand và J.Chirac, Pháp đã dành nhiều mối quan tâm và ưu tiên cho VN, thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển của VN. Pháp là một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất. Liệu với tân Tổng thống Sarkozy, Việt Nam vẫn duy trì được sự quan tâm như vậy?
Tôi xin được kể ra những sự việc sau. Chúng tôi đã có những cam kết và thực hiện cam kết ấy. Về quan hệ hợp tác từ nay đến 2010, chúng tôi đã xác định lộ trình và đó cũng là lời cam kết về tài chính.
Về ODA, Pháp là nhà tài trợ thứ 2 chỉ đứng sau Nhật Bản và như vậy là nhà tài trợ châu Âu số 1 với 1,4 tỷ euro từ nay cho tới năm 2010. Điều này không hề thay đổi. Các bạn hãy thấy, sự quan tâm của Pháp đối với VN vẫn rất lớn.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, Thủ tướng VN là một trong những nhà lãnh đạo ngoài châu Âu đầu tiên đến thăm Pháp. Dù có 1 tháng nghỉ hè nhưng Đại sứ Pháp đã sang ngay VN. Ngày 28/ 7 tôi còn ở Rumani mà ngày 4/8 đã ở VN để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng VN sắp tới. Nếu nhìn lịch các cuộc gặp gỡ cấp cao của các nhà lãnh đạo Pháp, các bạn sẽ thấy VN là một đối tác ưu tiên hàng đầu của Pháp. Tôi nghĩ chỉ qua một dẫn chứng như vậy, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ Pháp - Việt.
Hà Nội mang tới cho tôi cảm giác thật dễ chịu
- Khi ở Paris và ở Bucarest, ông nghĩ gì về VN? Và khi đến HN, ông thấy VN như thế nào?
Tôi đã đọc rất nhiều, lắng nghe nhiều người từng ở VN. Tôi cho rằng, kinh nghiệm ngoại giao của tôi có thể đóng góp nhiều cho các lĩnh vực hợp tác như văn học, khoa học. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên VN đang du học tại Pháp. Nhưng tôi cũng có thể đóng góp trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế.
Trong nhiệm kỳ trước của tôi ở Rumani, tôi rất tự hào về những thành công của mình, đặc biệt là sự tham gia của Rumani vào Liên minh châu Âu. Tôi sẽ vận dụng kinh nghiệm ngoại giao cũng như 15 năm kinh nghiệm của mình về kinh tế để thúc đẩy mối quan hệ với VN.
Nhưng với VN, chúng tôi có mối quan hệ đối tác chất lượng cao. Vì thế, tôi nghĩ một trong những nhiệm vụ của tôi ở VN nhiệm kỳ này là làm sao phát triển mối quan hệ này cho đến tận 2010 và sau đó. VN rất tin tưởng trong quan hệ với Pháp ở nhiều lĩnh vực. Sự khích lệ ban đầu sẽ tạo ra động lực tốt đẹp cho quan hệ hợp tác lâu dài.
Đây là một công việc có tính tập thể, phải cùng nhau xác định mục tiêu trên cơ sở khả năng mỗi phía, dĩ nhiên cũng phải có lịch trình. Ví dụ, trước khi hợp tác chuyển giao công nghệ, sẽ phải có các cuộc trao đổi, đào tạo nhân lực. Đây là một công việc tương đối phức tạp.
- Vậy trong 3 năm tới ở VN, ông trông đợi điều gì cả trên khía cạnh công việc và khía cạnh cá nhân?
Về công việc, cũng như mọi đại sứ khác, tôi mong mọi thứ phải làm sao để sau nhiệm kỳ của mình phải có kết quả tốt hơn người tiền nhiệm. Vì vậy, đặt ra mục tiêu công việc không phải quá khó. Về phương diện cá nhân, tôi không biết quan niệm cá nhân các bạn thế nào, nhưng với tôi, thành công cho công việc đã là một hạnh phúc của cá nhân.
Nhưng dù sao tôi cũng không quên rằng chuyên ngành đào tạo của tôi là địa lý nên chắc chắn tôi rất tò mò để tìm hiểu về con người, địa lý, xã hội VN…
Nghề ngoại giao cho tôi cơ hội cứ 3 - 4 năm lại đến một đất nước mới, kết một sợi dây tình cảm với những con người mới. Ở đây, Hà Nội, tôi có cảm giác dễ chịu trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt với một lớp người trẻ rất năng động. Tôi rất quan tâm đến họ và cũng có dịp gặp gỡ những người bình thường nhưng quan tâm đến chúng tôi. Và đó là một phần thưởng trong cuộc sống của chúng tôi.
Vợ tôi ngỡ như mơ khi chúng tôi sang Việt Nam
- Từ khi đến Hà Nội, ông đã có cơ hội đi du lịch ở VN?
Tôi chưa có dịp đi du lịch mà mới chỉ đi loanh quanh Hà Nội. Khi làm một chứng chỉ địa lý về các nền văn hóa lúa nước, tôi cũng đã nghiên cứu ít nhiều. Tôi rất quan tâm đến những người nông dân. Tuần sau tôi sẽ vào TP. HCM, nơi tập trung hơn 60% cộng đồng người Pháp và hơn 70% trong tổng số 200 DN Pháp tại VN.
Tháng sau, tôi dự định đi Huế, sau đó sẽ dự một cuộc hội thảo về kinh tế ở Đà Nẵng. Tôi cũng được mời đi Lào Cai. Niềm tự hào và cũng là nuối tiếc của tôi là ở Rumani có 42 tỉnh thì tôi mới đi 38 tỉnh. Không biết liệu tôi có thời gian đi thăm tất cả các tỉnh của VN không, từ Hà Giang đến các tỉnh miền Nam hay không, nhưng tôi sẽ cố gắng.
Gia đình tôi cũng rất quan tâm đến VN. Khi tôi hỏi với các con là Noel này, các con có muốn bố mẹ về Paris không thì chúng bảo: "Không không, Noel chúng con sẽ sang thăm bố mẹ ở VN". Như vậy, tôi sẽ đón Noel đầu tiên ở VN cùng cả gia đình.
- Một câu hỏi của độc giả: Được biết phu nhân của ngài mang một phần dòng máu Việt Nam. Vậy khi nghe tin ngài được bổ nhiệm Đại sứ tại VN, bà cảm thấy thế nào?
Tôi đã nhận lời ngay khi được bổ nhiệm sang VN. Bình thường, tôi vẫn phải dành 1, 2 ngày để suy nghĩ, bàn với gia đình vì mỗi khi luân chuyển bao giờ cũng có sự thay đổi trong cuộc sống. Nhưng tôi biết vợ tôi rất thích được sang VN. Khi tôi về báo tin cho vợ, bà ấy không tin, tưởng tôi nói đùa.
Hôm qua, khi vợ chồng tôi ăn tối ở một quán ăn nhỏ, gần sứ quán. Buổi tối yên tĩnh, nhìn ra đường thấy ánh đèn xe máy giao nhau. Vợ tôi bảo: "Em vẫn chưa tin là mình đang ở VN, cứ như trong mơ". Niềm vui của vợ tôi ngày nào cũng đi chợ để tìm hiểu về con người VN. Bà ấy học tiếng Việt tiến bộ hơn tôi nhiều.
- Ông cũng học tiếng Việt ư?
Tôi chỉ học được vài từ thôi, quả thực là tôi không có nhiều thời gian. Hơn nữa, tôi gặp nhiều khó khăn hơn vợ, vợ tôi có "đôi tai" để học tiếng Việt.
Sứ quán sẽ kết nối các DN Pháp với sinh viên Pháp ngữ
- Đươc biết ông từng là một quan chức trong Bộ Phát triển và Pháp ngữ. Chắc ông cũng biết, cách đây đúng 10 năm, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ và mô hình hợp tác của VN với một nước châu Phi với sự trợ giúp của một tổ chức quốc tế đã tỏ ra khá hiệu quả. Nhưng mô hình này dường như đang chững lại và cộng đồng Pháp ngữ ở Việt Nam hiện nay còn khá mờ nhạt. Ông nhận xét gì về điều này? Theo ông, phải làm gì để hợp tác trong khối Pháp ngữ trở nên thiết thực, hiệu quả hơn?
- Các bạn đã nhắc lại thành công rực rỡ của Hội nghị Pháp ngữ ở HN. Ở Rumani, tôi đã từng có nhiệm vụ giúp nước này tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Bucarest vào tháng 9/2006. Tôi đã có thời gian để suy nghĩ về một khối Pháp ngữ năng động và cởi mở. Có 2 hướng hoạt động.
Thứ nhất, Pháp ngữ cần đấu tranh vì sự đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa chính là sức mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chính vì thế, phải cố gắng để có những bạn trẻ và sinh viên VN nói được tiếng Pháp. Hiện trong hệ thống song ngữ của VN, có khoảng 16.000 học sinh đang học song ngữ Pháp - Việt. Như thế là tốt, nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Thứ 7 tuần trước, tôi có ý tưởng là tự mình trao bằng cho học sinh tốt nghiệp các lớp song ngữ Pháp - Việt ở Hà Nội và Hải Phòng. Tôi rất tiếc không đến được các vùng khác ở VN trong dịp này để cổ vũ động viên phong trào học tiếng Pháp. Đến các tỉnh, chúng tôi sẽ thăm các lớp dạy tiếng Pháp và có sự hỗ trợ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển CNTT, chúng ta có thể học ngoại ngữ hiệu quả hơn. Khi tôi xem xét các cháu mình học ngoại ngữ, tôi nghĩ có thể áp dụng nhiều phương pháp mới. Ngoài ra, cần tăng cường việc hỗ trợ và tiếp đón các sinh viên VN học tiếng Pháp.
Hướng thứ hai, cần tạo ra việc làm từ các DN Pháp. Tôi nghĩ khi có được việc làm, các bạn trẻ học tiếng Pháp ở VN sẽ hiểu rằng học tiếng Pháp mở ra nhiều cơ hội việc làm và tìm được việc làm thú vị ngay ở VN. Cũng phải làm thế nào để các bạn trẻ VN có thể tham gia vào ban lãnh đạo của DN Pháp tại VN. Ngoài ra, tăng cường thêm các hội chợ việc làm hàng năm ở các trường đại học, đẩy mạnh hợp tác giữa các trường học ở VN với DN Pháp.
- Ông vừa trả lời cho rất nhiều câu hỏi của các sinh viên Pháp ngữ. Họ nói rằng họ đã lựa chọn tiếng Pháp làm ngoại ngữ chính, nhưng cũng họ cảm thấy rất hoang mang khi tìm việc làm lúc ra trường.
- Bạn Mai Chi, email: ht220904@yahoo.com, hỏi: Có rất nhiều sinh viên Việt Nam đă tốt nghiệp ĐH và sau ĐH tại Pháp, trở về VN làm việc. Tuy nhiên, cơ hội để họ sử dụng và phát huy khả năng chuyên môn cũng như tiếng Pháp không nhiều. Ông có nghĩ đây là một sự lãng phí không? Chính phủ Pháp có kế hoạch gì để tận dụng nguồn lực này trong việc phát triển quan hệ mọi mặt giữa 2 nước?
Chúng tôi đang nói về hỗ trợ cho các trường ĐH cũng như các hội chợ việc làm vì rất muốn có mối liên hệ với các bạn sinh viên học ở Pháp về, có thể theo lĩnh vực học hay theo doanh nghiệp, chúng ta có thể có một niên giám các bạn trẻ đi học ở Pháp về để duy trì mối liên hệ, để làm sao họ có cơ hội tốt hơn khi tìm việc làm.
Trong 1 tháng kể từ khi sang đây, đã có 3 DN Pháp nói với tôi rằng: Chúng tôi đang tìm cán bộ biết tiếng Pháp cụ thể trong ngành này. Lại có những bạn trẻ nói: Tôi nói tiếng Pháp nhưng không biết DN nào cả. Vậy chúng tôi sẽ cố gắng để tạo ra sự kết nối giữa hai nhu cầu này.
VN là nước Pháp ưu tiên cấp học bổng hàng đầu ở châu Á
Cũng liên quan đến vấn đề học tiếng Pháp, Phạm Văn Tuấn ở 12 A Trương Định, HN hỏi: Hiện nay chương trình học tiếng Pháp đã triển khai rất cụ thể trong bậc tiểu học. Các em học sinh lớp một mới làm quen với tiếng mẹ đẻ cũng được học chương trình rất bài bản tiếng Pháp ở nhiều nơi. Nhưng càng lên lớp lớn thì tiếng Pháp lại càng bị xem thường. Cụ thể là số học sinh theo học tiếng Pháp bị loại bỏ dần. Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi thấy rõ nhất là nhiều phụ huynh học sinh cho con theo tiếng Anh vì tiếng Anh thông dụng hơn, sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống sau này. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này và có hướng gì giải quyết nó không ?
- Để đi vững, chúng ta phải đi bằng hai chân chứ không thể nhảy lò cò. Trong Liên minh châu Âu, chúng tôi đang hướng tới bắt buộc giảng dạy hai ngôn ngữ trong khối các nước thành viên. Ngay ở Pháp, chúng tôi cũng đã từng có thời nghĩ là để tiết kiệm thì có thể chỉ cần dạy một ngoại ngữ. Nhưng điều đó không hay. Khi đã học 2 ngoại ngữ, thì việc học ngoại ngữ thứ 3 còn dễ hơn vì nó có tương đồng.
Cá nhân tôi không chống lại tiếng Anh, tôi cũng nói thứ tiếng này. Học tiếng Anh hay tiếng Pháp không phải là cuộc đấu tranh một mất một còn. Theo thoả thuận văn hóa của UNESCO mà VN đã ký kết thì càng có sự giao lưu với nhiều nền văn hóa, chúng ta sẽ càng làm cho mình phong phú hơn. Vì thế, không cần lựa chọn dứt khoát là học tiếng Anh hay học tiếng Pháp.
Khi ở Zimbabwe, ngày Pháp ngữ, chúng tôi phát 1 áo phông với bản đồ châu Phi, nơi có hai ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là đặc thù. Điều này cũng là một thực tế trong các thể chế quốc tế lớn, và hợp với Hiến chương LHQ coi Anh, Pháp là hai ngôn ngữ chính. Ở Liên minh châu Âu, công việc hàng ngày đều dùng 2 ngôn ngữ này, ở Geneve cũng thế. Molière không hề tìm cách cạnh tranh với Shakespeare. Đọc cả 2 tác giả, chúng ta đều thấy thú vị mà (cười).
- Vũ Quỳnh Lan, Hà Nội hỏi: Trong thời gian gần đây, Chính phủ Pháp dường như hạn chế số lượng học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam. Các chương trình nhằm thúc đẩy việc học tiếng Pháp ở Việt Nam cũng bị hạn chế cả về giáo viên lẫn nguồn ngân sách hơn trước. Ông có kế hoạch gì để cải thiện điều này?
Đây là một nhà quan sát không có nhiều thông tin lắm. Bởi lẽ từ 2002, có một sự tổ chức lại hệ thống, tập trung thông qua cơ quan Đại học Pháp ngữ - AUF, 85% học bổng của cơ quan này do Pháp tài trợ. Tôi không có con số cụ thể ở đây nhưng tôi có thể khẳng định rằng VN là nước được ưu tiên hàng đầu trong việc cấp học bổng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bỏ xa các nước còn lại.
Quả thật, số sinh viên VN được nhận học bổng sang Pháp cũng tương đương với số sinh viên Trung Quốc, trong khi dân số Trung Quốc đông hơn rất nhiều. Cảm ơn bạn độc giả đã quan tâm, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn về mặt truyền thông để các bạn có nhiều thông tin hơn về chương trình học bổng của Pháp. Một chương trình nữa thông qua Cơ quan Liên Chính phủ Pháp ngữ - OIF có tên Valofrase, dành cho ba nước VN – Camphuchia – Lào , nhưng do quy mô địa lý và văn hóa nên hầu như là dành cho VN.
- Một nghiên cứu sinh ngành CNTT, tên là Nguyễn Hoàng Hà, ở địa chỉ 15, Rue LALO, 75116 PARIS có ý muốn học xong ở lại Pháp làm việc. Nhưng thủ tục để được làm việc tại Pháp đối với người VN rất phức tạp. Vậy ngài Đại sứ có thể có những đề xuất cụ thể gì nhằm đơn giản hoá thủ tục này ?
Chỉ cần có một dự định tốt, cụ thể thì mọi thủ tục sẽ trở nên đơn giản. Bạn cần xác định mục tiêu của mình rõ hơn nữa. Chúng tôi có một văn phòng gọi là Campus France đặt ở bộ phận văn hóa và một ở TP. HCM, có nhiệm vụ tư vấn và định hướng cho các bạn. Làm nghiên cứu sinh trong lĩnh vực viễn thông đã là trình độ cao rồi, nên tôi nghĩ các thủ tục không còn phức tạp nữa. Nhưng có lẽ , bất kỳ một bạn trẻ nào cũng nghĩ khi bắt đầu vào thủ tục hành chính là phức tạp.
- Nhiều người đặt câu hỏi: Quan hệ giữa 2 nước Pháp - Việt đã phát triển rất tốt đẹp. Liệu bao giờ thì hai Chính phủ sẽ ký hiệp định miễn thị thực cho công dân hai nước đi du lịch và thăm người thân của mình? Điều này rất quan trọng vì có nhiều người Việt có người nhà đang định cư ở Pháp.
Tôi nhận thấy là số lượng người VN xin được visa sang Pháp là tương đối dễ so với các sứ quán khác. Pháp nằm trong Shenghen (12 nước châu Âu dùng chung visa), muốn có thỏa thuận chung không phải là đơn giản. Nhưng qua số lượng xin thị thực, tôi nghĩ có vấn đề đặt ra. Chúng tôi dự định, nhưng chưa có quyết định, là làm sao ở cấp tỉnh cũng có văn phòng để giúp những người muốn xin thị thực, có thể đến làm thủ tục. Khi hoàn chỉnh rồi, sẽ chuyển hồ sơ đến sứ quán ở Hà Nội hoặc Lãnh sự ở TP. HCM để giải quyết. Nhưng thường hiện nay chưa đầy 1 tuần là chúng tôi đã cấp visa.
- Trở lại với quan hệ Việt - Pháp. Tổng thống F.Mitterrand từng nói: Lịch sử chia rẽ nhưng lịch sử cũng kéo 2 nước lại gần nhau. Có thể nói, 2 nước có mối đồng cảm rất sâu về văn hóa. Đối với nhiều thế hệ đi trước, nước Pháp có một vị trí khá đặc biệt. Nhưng với giới trẻ VN, dường như văn hóa Anh - Mỹ là một biểu tượng tươi trẻ và quyến rũ hơn nhiều. Với tư cách là Đại sứ Pháp tại VN, ông sẽ làm thế nào để làm tươi mới lại hình ảnh của nước Pháp?
- Đây không phải vấn đề tuổi tác, bởi nếu thế thì ngay lập tức, câu hỏi của bạn đã loại tôi ra khỏi cuộc chơi (cười). Chúng ta đang nói về việc hợp tác, học tập, nói đến việc giúp đỡ các bạn trẻ VN chuẩn bị tương lai của mình. Tôi luôn nghĩ về con gái và cháu tôi. Thế hệ như chúng tôi, có tuổi và địa vị luôn quan tâm đến hành vi của mình với thế hệ kế tiếp.
Như tôi đã nói, ấn tượng đầu tiên của tôi là về lớp trẻ VN. Nhiều người trẻ trên thế giới bị hấp dẫn bởi những xu thế giống nhau do tác động của marketing. Tôi mong muốn tái tạo trong lớp trẻ sự tò mò trong tư duy. Những phương pháp giảng dạy trong quá khứ đã tạo ra tư duy về trí tuệ, bởi với xu thế hiện nay, ngay cả những giá trị của văn hóa Anh hay văn hóa Mỹ cũng không được nhận ra một cách đầy đủ.
Phụ nữ VN có nhiều trang phục rất đẹp, nhưng tôi biết ngày nay nhiều người thích mặc quần bò cho tiện dụng trong công việc. Ngay cả sự khác biệt trong ẩm thực cũng chứa đựng giá trị văn hóa. Nếu tất cả người Việt đều mặc quần bò đi ăn Mc Donald thì thật đáng tiếc. Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm gì?
Tháng 10, chúng tôi sẽ tổ chức một Liên hoan phim Pháp, giới thiệu nhiều phim và sẽ không chỉ chiếu ở Trung tâm Văn hoá Pháp mà sẽ chiếu ở các rạp, đồng thời sẽ tìm kiếm nhà phân phối để việc phát hành rộng rãi hơn. Nhưng điều cơ bản là đào tạo được một đội ngũ trí thức ham hiểu biết.
- Xin cảm ơn ông!
-
VietNamNet