221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
984356
Chính quyền đô thị: Cần cởi mở từ Trung ương
1
Article
null
Chính quyền đô thị: Cần cởi mở từ Trung ương
,

(VietNamNet) - Trong quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị TP.HCM, nhất là vào thời điểm đề án được trình lên Trung ương để thông qua sắp tới, sự cởi mở đối với mô hình đặc thù hữu ích cho sự phát triển của TP là hết sức cần thiết.

>>Chính quyền đô thị: Bao giờ có? 
>>Đô thị lớn nhất chưa sẵn sàng cho chính quyền đô thị?

Thị trưởng - người tổng tư lệnh

Trong buổi làm việc về cải cách hành chính vào tháng 8 năm 2007, ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, khẳng định: "Mục đích quan trọng của chính quyền đô thị là tạo ra cơ chế nâng cao, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong bộ máy quản lý".

Đây là giải pháp quyết liệt của cả nền hành chính VN hiện nay. Đối với chính quyền đô thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân có thể hiểu là tập trung quyền lực, hạn chế bộ phận trung gian, phân rõ giới hạn nhiệm vụ của mỗi vị trí trong bộ máy quản lý.

e
Chính quyền đô thị với cách tổ chức bộ máy đặc thù sẽ cho một đô thị ngăn nắp hơn. (ảnh chụp mô hình khu đô thị mới Thủ Thiêm: PC)

Với cơ chế thị trưởng là người đứng đầu chính quyền đô thị, vai trò tổng tư lệnh của thị trưởng sẽ rõ hơn so với chức vụ Chủ tịch UBND thành phố hiện nay. Ở VN, mô hình chính quyền đô thị là cơ hội để mối quan hệ giữa cấp uỷ và thị trưởng rõ ràng hơn, định cụ thể những nhóm việc mà thị trưởng cần xin ý kiến cấp uỷ, những nhóm việc có thể tự quyết định, cấp ủy can thiệp đến đâu vào việc điều hành của thị trưởng.

Bình Dương là một trong những địa phương được đánh giá có sự lãnh đạo năng động. Nguyên nhân quan trọng của thành công này là tỉnh đã xây dựng quy định chi tiết về những việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó Bí thư không phải mang ra Thường vụ tỉnh uỷ bàn, mà quyết định mau lẹ và cá nhân chịu trách nhiệm.

Ở chính quyền đô thị, vai trò tổng tư lệnh cho phép thị trưởng điều hành tất cả các ban ngành thuộc thành phố. Đặc biệt, trong tình huống cấp bách, thị trưởng có toàn quyền điều phối và chịu trách nhiệm ứng phó.

Khi vụ cháy Trung tâm thương mại (ITC) diễn ra năm 2002 đã có lúng túng nhất định trong việc điều phối lực lượng chống cháy, lực lượng quân sự khắc phục hậu quả. Trách nhiệm cá nhân ở cấp cao không thật rõ.

Hiện nay, Sở phòng cháy chữa cháy vẫn trực thuộc Bộ Công an về mặt chuyên ngành và trực thuộc TP về mặt hành chính. Nếu lực lượng phòng chống cháy chỉ trực thuộc riêng TP, người thị trưởng ứng phó tình huống cấp bách như vụ cháy trầm trọng trên có toàn quyền điều phối một cách mau lẹ, thì sự việc sẽ được khắc phục nhanh hơn.

Lập cảnh sát đô thị

Đã có một số ý kiến đề xuất chuyển lực lượng phòng chống cháy thành bộ phận dân sự, ít ra là đối với TP.HCM. Theo một chuyên gia cải cách hành chính, thời gian đầu sau khi giành được độc lập năm 1945, lực lượng phòng chống cháy được xây dựng thành một cơ quan dân sự. Sau đó, bộ phận này thuộc lực lượng vũ trang.

Với tư cách là bộ phận dân sự, phòng chống cháy có thể hướng tới việc xã hội hoá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để hiện đại hoá. Với tư cách lực lượng vũ trang như hiện nay, phòng cháy, chữa cháy không nhận được sự hợp tác của nước ngoài, vì pháp luật của nhiều nước hạn chế việc hợp tác với nước ngoài về mặt quân sự.

Một điểm khác mà TP.HCM từng đề xuất với Trung ương là thành lập lực lượng cảnh sát đô thị. Đây là lực lượng gộp chung tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, vệ sinh đô thị hiện có: cảnh sát 113, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, trật tự đô thị...

Việc tồn tại nhiều lực lượng cùng giữ gìn đô thị dễ dẫn đến sự chồng chéo nhưng vẫn sót nhiệm vụ, không phù hợp với địa bàn có mật độ dân cư cao, nhiều sự việc phức tạp. Chẳng hạn, từng có cảnh sát giao thông từ chối bắt cướp, trật tự đô thị thấy đi tiểu bậy không can thiệp vì cho rằng không phải việc của mình; công an quận này không giải toả lấn chiếm hè phố ngay gần trụ sở của mình vì khu vực đó thuộc quyền quản lý của công an quận khác...

Gộp tất cả các lực lượng trên thành lực lượng cảnh sát đô thị sẽ khiến tất cả các cảnh sát đều có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề thuộc trật tự, vệ sinh đô thị. Công tác của lực lượng này sẽ linh động, hiệu quả hơn, không còn tình trạng "mũ ni che tai" vì không phải việc của mình. Tất nhiên, cần đào tạo được những cảnh sát đa năng, có thể giải quyết nhiều lĩnh vực. Ban đầu, tính đa năng chưa có nhiều, các cảnh sát có thể dùng chuyên môn đã có để hỗ trợ cho nhau.

Một bộ phận cần thiết cho công tác công chứng đang quá tải tại TP.HCM là bộ phận thừa phát. Bộ phận này giúp các cơ quan công chứng, cơ quan thi hành án trong việc xác minh tài sản, tống đạt giấy tờ cho các đương sự... Những việc này trước đây khiến các công chứng viên phải xuống địa phương, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ.

Khi bàn về chính quyền đô thị TP.HCM, cơ chế quản lý công sản thỉnh thoảng được nhắc tới: chính quyền đô thị phải tự quản ngân sách cao hơn, chủ động hơn trong việc sử dụng tài sản. Hiện tại, nhiều tài sản trên địa bàn TP, như bất động sản, vẫn thuộc quyền quản lý của Trung ương. Khi cần sử dụng, TP phải đưa ra đề xuất hoặc xin uỷ quyền.

Thực trạng các địa phương cố giành phần thật lớn trong chiếc "bánh ngân sách" dễ khiến vấn đề tự quản ngân sách gây băn khoăn. Nhưng dù sao, một đô thị lớn như TP.HCM cần chủ động hơn, cần nguồn lực tương xứng hơn phục vụ cho phát triển. Đội ngũ quản lý của TP đã có những bước chứng minh và sẽ phải tiếp tục khẳng định khả năng tự quản, chịu trách nhiệm.

Cởi mở

Một số điểm cơ bản đó của chính quyền đô thị đã được xây dựng thành công tại nhiều nước, thậm chí có những điểm từng tồn tại ở VN. Tuy nhiên, so với luật hiện hành, mô hình chính quyền đô thị với một số đặc thù kể trên không khỏi có những mâu thuẫn. Nhưng, theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, "luật cũng do con người xây dựng nên con người hoàn toàn có thể thay đổi cho phù hợp", "không nên để phải trả giá cho thời gian".

Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, còn cho biết, hướng giải quyết đối với chính quyền đô thị TP.HCM là Quốc hội ra nghị quyết riêng về TP.HCM cho phép thử nghiệm cách tổ chức bộ máy đặc thù giống như nghị quyết cai nghiện trước đây, hoặc lập Ban sửa đổi luật để phục vụ mô hình này. Nhưng dù biện pháp gì cũng cần sự cởi mở từ Trung ương đối với những điều còn mới mẻ với VN nhưng sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển của TP.HCM.

  • Phạm Cường

                                                              Ý kiến của bạn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,