221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
985984
Quản lý tài sản công, chưa có số liệu tổng kết
1
Article
null
Quản lý tài sản công, chưa có số liệu tổng kết
,

(VietNamNet) - "Phí quản lý bay hàng năm thu vào 1.400 tỷ, nhưng không biết cơ quan, đơn vị nào định ra chế độ là đơn vị thu được giữ lại 32%. Số tiền đó, không biết đã dùng như thế nào, mua sắm trang thiết bị gì... Khi xây dựng Luật Hàng không, QH đã kiến nghị vấn đề này nhưng không biết đã xử lý thế nào?", Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu, trong phiên thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của UBTVQH chiều nay (24/9).

>> Cần minh bạch tiêu chuẩn xe công

ĐBQH khóa XII trong phiên thảo luận ngày 3/8

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng nhận định rằng đây là một dự án Luật có nhiều nội dung phức tạp do trên thực tế các chủ thể quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hết sức đa dạng. Vì vậy, phát biểu trong phiên thảo luận, ông Trần Thế Vượng cho rằng, về tài sản nhà nước, lâu nay vẫn cứ loanh quanh chuyện nhà công vụ, xe công.

 "Năm 1993, QH đã đặt ra vấn đề các doanh nghiệp được giao đất, nếu sử dụng không hết thì phải thu hồi lại. Đặt ra như vậy nhưng chưa làm được...", ông cho biết.  Luật Phòng chống tham nhũng đã được thông qua, việc ra đời của Luật mới này sẽ rất có ý nghĩa góp phần phát huy hiệu lực của luật phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, ông Trần Thế Vượng kiến nghị, phải giải quyết những vấn đề cụ thể về chế độ, chính sách rồi hãy bàn đến việc hoạch định chính sách.  Ông nói thêm, lâu nay, các cơ quan vẫn cứ tự đặt ra những quy định về quản lý tài sản công mà chưa có một tổng kết, đánh giá nào để rút kinh nghiệm.

"Trong lập lại trật tự quản lý tài sản nhà nước, khó nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định chế tài cụ thể. Thứ hai là gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Ở địa phương là vai trò của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp quản lý , phải có trách nhiệm của bản thân người quản lý tài sản" (Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, trao đổi bên hành lang phiên họp).

Gây tranh cãi nhiều nhất quanh dự thảo Luât này là vấn đề có nên hay không cho các cơ quan nhà nước, nếu sử dụng không hết năng suất tài sản thì sẽ được quyền cho thuê lại.

Ông Trần Thế Vượng khẳng định, lâu nay, hiện tượng các cơ quan nhà nước cho thuê địa điểm là rất phổ biến. Ông dẫn chứng, ngay QH cũng luôn phải đi thuê phòng họp, thuê chỗ ở cho ĐB dưới địa phương lên làm việc. Nhiều ĐB chuyên trách của Ủy ban Pháp luật trước kia, vẫn phải thuê phòng ở với giá 200.000 đồng/ngày như giá thị trường. "Có hiện tượng ngân sách nhà nước đầu tư cho một số cơ quan sử dụng, rồi cơ quan, đơn vị cho thuê lại. Quản lý vấn đề này thế nào?", ông Vượng bức xúc.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phân tích, có những "tài sản công" đặc thù như đường xá, cầu cống hoặc có những loại tài sản máy móc, công nghệ mà các đơn vị không khai thác hết, nên tiến hành cho thuê để khai thác được triệt để công suất. Dĩ nhiên, kèm theo đó, phải quy định điều kiện cho thuê cũng như quản lý, sử dụng số tiền thuê hợp lý.

Lý giải về việc trong dự thảo Luật quy định một số loại tài sản nhà nước được cho thuê, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, nếu các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng không hết công suất tài sản thì phải trả lại. Còn với các đơn vị sự nghiệp có thu đang được nhà nước khuyến khích thành đơn vị hoạt động tự hạch toán, hoặc động như doanh nghiệp thì khuyến khích việc cho thuê tài sản sẽ có tác dụng chống lãng phí.

Tuy nhiên, nhiều ĐB trong UBTVQH và UB Pháp luật lại không tán đồng phương thức xử lý này, vì cho rằng nếu tài sản nhà nước chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất thì cần được xem xét, bố trí cho cơ quan, tổ chức khác sử dụng nhằm phát huy tốt nhất công dụng của tài sản... Việc cho thuê tài sản sẽ gây thất thoát, lãng phí ngân sách và tạo kẽ hở cho tham ô, tham nhũng.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định quan điểm: "tài sản nhà nước thì không được để thất thoát". Bà nhấn mạnh, nếu quản lý không tốt sẽ được chuyển giao sang một hình thức sở hữu khác.

Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật cũng đề xuất, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, cơ quan soạn thảo cần báo cáo số liệu cập nhật về tổng giá trị tài sản của các cơ quan nhà nước, số liệu cụ thể về tài sản nhà nước hiện đang được giao cho các cơ quan để QH có thêm cơ sở cho ý kiến về dự án Luật. Bởi, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, "sự ra đời của dự Luật này hướng đến sự minh bạch, tạo điều kiện cho việc quản lý tài sản nhà nước tốt hơn".

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản. Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi nhất trong phiên thảo luận là vấn đề việc trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức nên được thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm quyết định mua hay thời điểm thanh toán. Theo dự thảo Luật, giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường. Trường hợp, giá tài sản tại thời điểm thanh toán cao hơn giá tại thời điểm quyết định trưng mua thì sẽ trả theo giá tại thời điểm thanh toán. Qua thẩm tra, UB Pháp luật cho biết, ngoài những ý kiến đồng tình với phương án trên, nhiều ĐB lại cho rằng, để tránh những kiện cáo, việc thanh toán phải được thực hiện ngay tại thời điểm công bố quyết định trưng mua. Trong báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của UB pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, vẫn cam kết sẽ giữ nguyên thời điểm thanh toán như dự thảo. Sau khi tiếp thu ý kiến của UB thường vụ QH, dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh.

Ngày mai, UBTVQH sẽ tiếp tục thảo luận cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý dự án Luật tương trợ tư pháp và dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù.

  • Lê Nhung 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,