(VietNamNet) - Trong khóa họp lần thứ 62 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam ứng cử làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Nhân dịp này, VietNamNet giới thiệu bài viết của ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu, về những kỷ niệm cách đây 30 năm, ngày Việt Nam được kết nạp vào LHQ.
Theo Hiến chương LHQ mọi quốc gia yêu chuộng hoà bình đều có thể tham gia LHQ (hiện nay đã có 192 nước thành viên). Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt. Tôi may mắn được tham gia từ đầu khi Việt Nam tham gia LHQ nên xin ghi lại những ký ức và kỷ niệm sâu sắc về LHQ.
|
Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. |
Bác Hồ – người khởi xướng
Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, Hội Quốc Liên chuẩn bị thành lập (tháng 6 năm 1919), Người đã nhân danh những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Quốc tế Versailles. Nhưng Hội Quốc Liên sau khi thành lập cũng không hoạt động hiệu quả và tự giải thể khi Chiến tranh Thế giới II bùng nổ.
Năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, “đứng hẳn về phía Đồng minh để chống phát xít”, cứu phi công Mỹ, hợp tác chặt chẽ với sĩ quan Mỹ để chống Nhật, thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập cho đất nước...
Khi các nước Đồng minh thành lập LHQ với khoá họp đầu tiên ngày 10 tháng 1 năm 1946 tại London, ngày 14 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nộp đơn xin gia nhập LHQ. Do tương quan lực lượng tại LHQ và trên thực tế khi đó Việt Nam chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.
Việt Nam tiếp tục đấu tranh tự giải phóng. Với “thắng lợi Điện Biên chấn động địa cầu”, Việt Nam đã giành được độc lập, giải phóng một nửa đất nước, đồng thời góp phần làm tan rã chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện cho hàng loạt các nước khác được “trao trả độc lập” theo Nghị quyết 1514 của Đại Hội đồng LHQ. Năm 1960 được gọi là “Năm Châu Phi” với 16 nước châu Phi được trao trả độc lập và tham gia LHQ (1). Trong khi đó Việt Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường với sách lược sáng suốt “đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào”, hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và chính thức gia nhập LHQ, điều mà Bác Hồ từ rất sớm đã mong muốn “đưa Việt Nam sánh vai cùng cường quốc 5 châu”.
Vào LHQ "bằng cổng trước"
9 giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 1977, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại cửa chính trụ sở LHQ. Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký LHQ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu cùng đại diện Việt kiều và bạn bè Mỹ đã dự buổi lễ.
Luật sư Mỹ Peter Weiss nhận xét: “Việt Nam đã hy sinh đấu tranh gian khổ để mở đường cho chính mình và trước đó đã tạo điều kiện cho hàng loạt các nước khác vào LHQ”. Đúng như dư luận quốc tế đã thừa nhận, Việt Nam đã vào LHQ “bằng cổng trước”.
Trước đó, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, mở đầu với Điều 1: ”Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam...”. Điều đó đã đề cao chính nghĩa giải phóng dân tộc của Việt Nam và làm phá sản âm mưu của Mỹ áp đặt cục diện chiến tranh lạnh chống chủ nghĩa Cộng sản.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hai tháng sau (tháng 7 năm 1975), chúng tôi, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam được lệnh sang New York để cùng bạn bè vận động tham gia LHQ. Các nước đều hoan nghênh và ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ. Nhưng “thất bại ở Việt Nam” còn quá mới mẻ đối với chính quyền Mỹ. Tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), đại biểu Mỹ đã đơn độc dùng quyền phủ quyết của uỷ viên thường trực HĐBA để ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ.
Tuy chưa được là thành viên chính thức của LHQ trong năm đó, Việt Nam vẫn được Đại Hội đồng LHQ và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Đại Hội đồng LHQ đã đặc cách mời hai đoàn đại biểu Việt Nam ngồi trong hai bàn đầu của hội trường và thông qua dự thảo Nghị quyết do Algerie, Chủ tịch Phong trào Không liên kết giới thiệu. Nghị quyết được 123 nước bỏ phiếu thuận, không phiếu chống, Mỹ và một số nước theo Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị quyết đề nghị HĐBA “xem xét lại ngay và thuận lợi việc Việt Nam tham gia LHQ”. Nhưng sau đó, Mỹ lại dùng quyết phủ quyết ở HĐBA. Tuy chưa chính thức tham gia các hoạt động của Đại Hội đồng, các đại biểu Việt Nam vẫn tích cực hoạt động tại LHQ và phong trào Không liên kết.
Đoàn Việt Nam cũng được sự giúp đỡ tận tình của bạn bè Mỹ và Việt kiều yêu nước. Những nhân vật nổi tiếng trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam đến thăm và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam như nữ diễn viên điện ảnh Jane Fonda, nữ ca sĩ Joan Baez, nhà báo Dave Dellinger, Cha Daniel Berrigan, Mẹ Theresa. Các bạn Mỹ ở New York như Cora Weiss, Merle Ratner, Don Luce... giúp chúng tôi thuê nhà và sắm thiết bị cho cơ quan. Anh Luỹ, Chủ tịch Hội Việt kiều cùng lớp sinh viên cùng lý tưởng với Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình như Trần Quôc Hùng, Vũ Quang Việt, Ngô Thanh Nhàn cùng các chị vợ đến tận tình giúp đỡ chúng tôi tạo không khí đầm ấm thân tình trong những tháng đầu ở New York xa lạ.
Tháng 1 năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức tỏ thái độ tích cực với Việt Nam, đồng ý Việt Nam vào LHQ, nới lỏng cấm vận, cử đoàn do Woodcock sang thăm Việt Nam. Trong phiên họp Đại Hội đồng LHQ kết nạp Việt Nam, Đại sứ Mỹ Andrew Young, sau khi đọc bài phát biểu hoan nghênh Việt Nam vào LHQ đã đi thẳng tới đoàn Việt Nam bắt tay chúc mừng trước sự chứng kiến của toàn thể Đại Hội đồng. Trong buổi chiêu đãi sau đó, Đại sứ Andrew Young đã mời đoàn Việt Nam. Tôi được đoàn cử đi dự và Đại sứ Andrew Young đã tiếp đón thân tình.
Việt Nam đổi mới tại LHQ
Công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” đã giúp Việt Nam nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chống đối quyết liệt trên diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã có một vị thế mà nhiều nước mơ ước: Quan hệ tốt với cả 5 nước uỷ viên thường trực HĐBA, nòng cốt trong các tổ chức khu vực ASEAN, APEC, ASEM, Francophonie, gắn bó với châu Phi, Mỹ La tinh. Môi trường quan hệ quốc tế lý tưởng đó là điều kiện thuân lợi để Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời cùng với các nước khác đóng góp cho sự nghiệp hoà bình và phát triển trên thế giới.
Việc Việt Nam ứng cử làm uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ thể hiện quyết tâm của Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế và cũng sẽ đề cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tại LHQ cũng như tại các diễn đàn quốc tế khác, Việt Nam đang thực hiện thành công tư tưởng ngoại giao Hồ Chi Minh. Trong quá khứ, tư tưởng đó đã vượt qua mọi thử thách và thành công. Trong hoàn cảnh quốc tế thuận lợi chưa từng có như hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng với nỗ lực tối đa, có thể làm tư tưởng ngoại giao Hồ Chi Minh toả sáng hơn nữa, phục vụ lợi ích dân tộc và đóng góp cho sự nghiệp hoà bình và phát triển trên thế giới.
Ý kiến của bạn