(VietNamNet) - GS. Ngô Vĩnh Long, giảng viên môn Lịch sử, ĐH Maine, Hoa Kỳ cho rằng việc VN ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là cần thiết, để đóng góp tích cực cho cộng đồng và mang lợi ích cho VN.
>>Thủ tướng bắt đầu dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ
>>Việt Nam vào LHQ: Những kỷ niệm sâu sắc
>> Đại hội đồng LHQ và những khát vọng toàn cầu
>> Cải cách LHQ trông đợi những điểm mới từ VN
Giáo sư Ngô Vĩnh Long là một trong những người đầu tiên đóng vai trò tích cực trong giai đoạn Việt Nam vận động trở thành thành viên Liên hợp quốc.
GS. Ngô Vĩnh Long - Giảng viên môn Lịch sử, ĐH Maine, Hoa Kỳ. - Là người đã hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong quá trình vận động trở thành thành viên của LHQ, đến nay, sau 30 năm, Giáo sư có thể nói gì về thời điểm đó? - Giai đoạn đầu rất khó khăn vì thái độ thù nghịch của một số người trong chính quyền Mỹ như Ngoại trưởng Henry Kissinger và đại sứ Mỹ tại LHQ, Patrick Moynihan. Sau khi Jimmy Carter lên làm Tổng thống cuộc vận động có khả quan hơn, một phần vì Ngoại trưởng Cyrus Vance muốn ổn định khu vực Đông Nam Á bằng cách lập quan hệ tốt với Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại LHQ lúc ấy là Andrew Young, một người quen thuộc trong phong trào phản chiến từ giữa thập kỷ 60 đến giữa thập kỷ 70 và là một người rất cảm phục sự tranh đấu giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Nhưng cuộc vận động cũng rất gay go vì trong chính quyền Carter có phe dẫn đầu bởi Zbigniew Brzezinski, lúc đó làm cố vấn an ninh quốc gia trong Nhà Trắng, muốn dùng Việt Nam như là một chiêu bài để duy trì chiến tranh lạnh và chống Liên Xô. Rốt cuộc, đến ngày 11 tháng 10 năm 1978 Brzezinski thuyết phục được Tổng thống Carter bỏ ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, dù Carter vẫn giữ lời hứa để cho Việt Nam trở thành thành viên của LHQ. - Sau 30 năm nhìn lại, ông có thể đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam – LHQ hiện nay? Mối liên hệ Việt Nam - LHQ càng ngày càng phát triển và giúp Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế. - Hiện nay, Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc. Ông đánh giá như thế nào về động thái này? Ý nghĩa của việc này đối với quan hệ Việt Nam – LHQ và đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế? - Việt Nam là nước lớn thứ 12 trên thế giới tính theo dân số và đã là thành viên của LHQ 30 năm rồi. Việc Việt Nam ứng cử vào vị trí của một trong 10 Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ là việc cần thiết để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho an ninh thế giới và an toàn của con người, trong đó có người Việt Nam. Nếu Việt Nam tích cực làm việc này thì Việt Nam sẽ đóng góp rất nhiều trong việc tạo nên những giá trị thiết thực cho cộng đồng thế giới và qua đó, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tạo giá trị chung cho thế giới, mang lợi ích riêng cho VN - Theo ông, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng chưa cho vị trí này, và Việt Nam cần chuẩn bị gì thêm nữa? - Đã là thành viên của LHQ trong 30 năm rồi thì tôi nghĩ Việt Nam ắt đã phải chuẩn bị tốt cho vị trí này. Dù sao đi nữa, cờ đến tay thì phải phất. Việt Nam phải cố gắng để xứng đáng với trách nhiệm mà cộng đồng thế giới giao phó cho mình, phải chứng tỏ cho thế giới biết tinh thần tranh đấu vì độc lập và tự do của Việt Nam qua những hoạt động tích cực của mình tại LHQ cũng như tại các tổ chức đa quốc gia khác.
Ứng cử HĐBA là cần thiết
Tổ chức LHQ
- Tham gia HĐBA LHQ sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước và cho những người dân bình thường của Việt Nam, thưa Giáo sư?
Trước hết, hãy nghĩ đến tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho thế giới thì sau đó nhất thiết sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và cho những người dân bình thường của Việt Nam.
Uy tín Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên thì ắt nhân dân thế giới sẽ trọng người Việt Nam, sẽ muốn thăm viếng Việt Nam, sẽ muốn có nhiều quan hệ với Việt Nam - trong đó có các quan hệ trao đổi văn hóa và mậu dịch. Và qua việc mở rộng quan hệ với bên ngoài, không gian xã hội của Việt Nam cũng sẽ được mở rộng.
Quan trọng là đủ bản lĩnh
- Trong cuộc vận động giành sự ủng hộ 2/3 cần thiết, Việt Nam đang có những lợi thế nào?
- Việt Nam có lợi thế là nhiều nước đang phát triển vẫn còn rất khâm phục sự tranh đấu chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Thời điểm này rất thuận lợi cho Việt Nam vì nhiều người đang muốn học bài học tích cực của Việt Nam.
Ngoài ra, vì vấn đề an ninh trong khu vực châu Á, kể cả Mỹ cũng ủng hộ việc Việt Nam trở thành một thành viên không thường trực của HĐBA LHQ.
- Với một nước đang phát triển như Việt Nam, liệu việc tham gia vào HĐBA có quá sức?
- Tại sao lại quá sức? Khi chưa tham gia vào HĐBA thì Việt Nam hằng ngày chắc cũng phải đi vận động bao nhiêu thành viên LHQ khác vì lợi ích chung và lợi ích riêng của mình. Khi đã tham gia HĐBA rồi thì điều đó sẽ khác.
Vấn đề ở đây không phải là có đủ sức hay không nhưng có đủ bản lĩnh để làm những việc phải mà không sợ những áp lực nhất thời của các đại cường quốc hay không?
Tham gia HĐBA: Việt Nam có cơ sở lịch sử và kinh nghiệm
- Nếu trở thành thành viên không thường trực HĐBA, Việt Nam cần phải làm gì để thể hiện và phát huy vai trò của mình?
- Để phát huy vai trò của mình Việt Nam cần nói thẳng, nói thật, và đóng góp một cách tích cực cho nền an ninh thế giới và cho an toàn con người. Một ví dụ cụ thể là Việt Nam có thể đóng góp vào việc đem lại hòa bình sớm cho nhân dân Iraq và lên tiếng báo động ngăn ngừa chiến tranh lan rộng sang các nước lân cận, trong đó có Iran.
Bài học của Việt Nam là chiến tranh càng kéo dài thì càng đem đến sự phân cực ngày càng lớn trong dân chúng. Dù muốn hay không, cũng phải theo bên này hay bên kia. Hậu quả là sau chiến tranh chấm dứt vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc còn lâu gấp bội lần thời gian chiến tranh, và vết nội thương không biết bao lâu mới có thể lành hẳn.
- Việt Nam có những cơ sở nào để thực hiện tốt vai trò đó?
- Việt Nam có cơ sở lịch sử và kinh nghiệm bản thân để thành thực và thành khẩn thuyết phục cộng đồng thế giới là có hòa bình, có an ninh và an toàn cho con người thì mới có thể phát triển lâu bền được.
Đối với chính mình, Việt Nam cũng không nên quên là an toàn cho nhân dân là mục tiêu cao cả nhất vì không có an toàn là không có ổn định và không có ổn định thì không có thể phát triển bền vững được.
Dựa vào quan hệ đa phương để tranh thủ nước lớn
- Ngày 27/9, trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chuyển thông điệp của Việt Nam: Việt Nam tại LHQ là một thành viên tích cực, xây dựng, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Theo Giáo sư, Việt Nam đã thể hiện được thông điệp đó hay chưa? Và Việt Nam cần làm gì hơn nữa?
- Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp hết sức đúng đắn. Theo tôi nghĩ, Chính phủ phải có trách nhiệm với thông điệp này. Đây là lời hứa, một cam kết của một quốc gia đối với cộng đồng thế giới.
Cố gắng thể hiện từng bước thông điệp đó sẽ tạo uy tín cho Việt Nam và sẽ giúp Việt Nam có cái thế và cái đà để phát triển bền vững và để đoàn kết dân tộc.
- Việc Thủ tướng Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ và có nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề với các nhà lãnh đạo cấp cao các nước có ý nghĩa như thế nào, thưa Giáo sư?
- Trong việc đối ngoại, tất cả các nước lớn nhỏ đều phải thiết lập những quan hệ đa phương và song phương. Việc làm của Thủ tướng rất cần thiết để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, thông thường thì các nước lớn thích quan hệ song phương với các nước nhỏ hơn là sự ràng buộc của các quan hệ đa phương. Việt Nam nên dựa vào các quan hệ đa phương để tranh thủ các nước lớn.
Vai trò tích cực của Việt Nam tại LHQ hay tại ASEAN sẽ giúp nâng cao vị trí của Việt Nam và làm cho các nước lớn phải đắn đo khi muốn lấn ép Việt Nam.
-
Phương Loan (thực hiện)