(VietNamNet) - "HN đang soạn thảo đề án thi tuyển công chức cho phường, xã. Có thể đợt thi đầu tiên sẽ được tiến hành ngay trong năm nay". GĐ Sở Nội vụ Lưu Tiến Định thông báo tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về cải cách hành chính (CCHC) cấp xã, phường, thị trấn chiều 28/9.
Chủ tịch, bí thư cũng phải đạt chuẩn
Theo ông Lưu Tiến Định, thi tuyển công chức sẽ giúp giải quyết những bất cập hiện nay về trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp cơ sở. "Với việc thi tuyển, chúng ta sẽ có những công chức xã, phường có trình độ đại học. Chủ tịch, bí thư cũng phải đạt tiêu chí nhất định".
Phó Chủ tịch phường Tràng Tiền Nguyễn Minh Thanh "Hà Nội cần xây dựng tiêu chuẩn chọn cán bộ có tính dài hơi" (Ảnh V.A) |
GĐ Sở Nội vụ cho biết, trong đề án, sẽ quy định rõ ràng chuyên viên phải có trình độ như thế nào, đồng thời, bậc lương cũng phải tương ứng. HN cũng đang đề nghị với Bộ Nội vụ được đăng cai một hội nghị về thay đổi chế độ, chính sách với khối xã, phường. Một trong những đề xuất của Thủ đô liên quan đến lương của chủ tịch, bí thư cấp xã, hiện mới chỉ có 2 bậc, dẫn đến bất hợp lý là lương chủ tịch xã thấp hơn cả cán bộ công chức cấp quận và thanh tra xây dựng ở địa phương.
Những đề xuất của HN xây dựng chế độ đãi ngộ thích hợp đối với công chức nhằm thu hút, tuyển dụng được những người có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi vào cơ quan hành chính cấp xã.
Đây cũng chính là một trong những bức xúc lớn nhất của mà đại diện UBND các phường, xã phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri về CCHC. Theo chủ tịch, phó chủ tịch các phường, xã, hiện trách nhiệm của lãnh đạo cấp này rất lớn, công việc đặc biệt quá tải từ khi công tác chứng thực được chuyển cho họ thực hiện, nhưng chế độ đãi ngộ thì không thay đổi.
Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm thừa nhận, năng lực của nhiều cán bộ còn hạn chế. Ông đề nghị: "Thành phố cần có hướng xây dựng tiêu chuẩn chọn cán bộ có tính dài hơi, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, có chính sách thỏa đáng về lương, phụ cấp... để thu hút cán bộ trẻ, có trình độ.
Ông cũng đề nghị: "Thống nhất coi cán bộ làm việc tại phường là cán bộ, công chức như ở cấp quận và chỉ nên coi cán bộ không chuyên trách là cán bộ từ cấp tổ dân phố trở xuống".
Chủ tịch phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình thì cho biết, trong CCHC, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, nhưng trong thực tế, hầu hết cán bộ phường không được sắp xếp đúng chuyên môn và phải kiêm nhiệm. "Sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ mới đi học ĐH tại chức".
Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa thẳng thắn đề nghị: "Chúng tôi muốn được giao quyền tự chủ trong việc tuyển chọn cán bộ". Bà cũng cho hay, cần phải bổ sung trách nhiệm đối với lãnh đạo phường. "Thanh tra xây dựng có 0,6% phụ cấp lương, trong khi chủ tịch là chỉ huy công tác thì không có đồng nào. Không thể đòi hỏi công chức làm tốt trách nhiệm mà không quan tâm đến quyền lợi của họ".
Xã, phường cần thêm biên chế
HN hiện có 455 thủ tục hành chính, trong đó 340 thủ tục của các sở, ban, ngành; 64 thủ tục từ các quận, huyện và 51 từ phường, xã. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận về CCHC được Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh thông báo tại hội nghị, chỉ 17% số người được hỏi hài lòng với công tác CCHC ở Thủ đô. |
Hiện số lượng cũng như cơ cấu chức danh cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo NĐ 121 của Chính phủ, với tổng số cán bộ chuyên trách và công chức cơ sở từ 19 đến 25 người, tùy theo số dân ở địa bàn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, không nên quy định cứng như vậy, vì "nhiệm vụ của chính quyền cấp phường là như nhau, có phường tuy dân số không đông nhưng nhiệm vụ nặng nề không kém phường đông dân".
Nhiều ý kiến phát biểu khác cũng đề nghị thành phố khẩn trương bổ sung cán bộ tư pháp cho cấp phường. Bởi nhiều phường mới chỉ có 1 cán bộ tư pháp, đảm trách một khối lượng công việc đồ sộ từ khi NĐ 79 về chứng thực có hiệu lực. Từ đầu tháng 9, những cán bộ này phải làm cả ngày thứ 7. "Nếu trong tuần, cán bộ này nghỉ bù thì sẽ không có người làm. Còn nếu không cho người này nghỉ bù thì anh ta có thể kiện người sử dụng lao động vì phạm luật", Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân nói.
"Đa số cán bộ của chúng tôi đều có trình độ đại học, nhưng một số vẫn chỉ được ký hợp đồng. Nếu không có biên chế lâu dài thì họ không yên tâm công tác, làm việc cầm chừng. Thành phố nên quan tâm đến vấn đề định biên cho các xã ven đô đang đô thị hóa rất nhanh", Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm cho biết.
Các ý kiến phát biểu đã được lãnh đạo UBND, HĐND và Ủy ban MTTQ thành phố có mặt tại hội nghị tiếp thu.
-
Vân Anh