221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
991042
Sức hút Việt Nam
1
Article
null
Sức hút Việt Nam
,

(VietNamNet) - Một Việt Nam hoà quyện trong mình những giá trị của quá khứ và hiện tại sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với chính giới và doanh nhân quốc tế - Đó là hình ảnh có thể thấy được từ chuyến công du 10 ngày qua của Thủ tướng Việt Nam.

>>Toàn cảnh chuyến công tác tại LHQ và Pháp của Thủ tướng VN

"Việt Nam không thể không đến"!?

Trong hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương bên lề khoá họp thường niên Đại hội đồng LHQ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cánh nhà báo được chứng kiến một hình ảnh hiếm gặp: một ông già khoảng 80 tuổi, tóc bạc phơ, bỏ xe giữa làn đường bị tắc nghẽn để chạy bộ tới khách sạn Inter Continental gặp cho kì được Thủ tướng Việt Nam, dù biết mình đã trễ hẹn tới 30 phút và cuộc gặp sẽ không thể diễn ra vì lịch trình của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã kín đặc.

May sao, ông cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien vẫn có được 10 phút để trò chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở ngay cầu thang máy, để kịp bày tỏ mối quan tâm của các doanh nghiệp Canada tới các cơ hội làm ăn tại Việt Nam!

Tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 3 tháng sau khi gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thư ký LHQ Ban kimoon tin tưởng VN sẽ trúng cử uỷ viên không thường trực HĐBA. Ảnh: Reuters.

Trong 4 ngày ở New York cho "sứ mạng lịch sử" - như cách Wall Street Journal mô tả về chuyến đi vận động cho Việt Nam trở thành uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đại gia Mỹ như AIG, Exxon Mobil, Chevron, City Group, Merrill Lynch, Goldman Sachs, SSA Marine, Conoco Phillips, hay Gannon, Bantry Bay Ventures- Asia, Sem Group, Alcoa, MMM cũng tranh thủ thời gian để trình bày với Thủ tướng Việt Nam những dự án đầu tư họ đang quan tâm và niềm tin của họ về "nền kinh tế năng động nhất nhì châu Á đang vươn lên mạnh mẽ" (lời ông Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán New York - John Thain)

Một danh sách nối dài 30 đại gia hàng đầu của Pháp (gọi tắt là MEDEF) trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng đã tỏ ra đầy sốt ruột khi Pháp có thể chậm trễ trong cuộc làm ăn với Việt Nam khi nước này vẫn chỉ đứng hàng thứ 9 trong số 80 nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Hay cái cách mà Tổng thống Mỹ Bush chào đón Thủ tướng Việt Nam trong buổi chiêu đãi dành cho các Trưởng đoàn: "Xin chào người bạn Việt Nam thân mến!", hẳn không chỉ là những ngôn từ ngoại giao theo thông lệ nếu không có cảm tình dành cho đất nước đã tiếp đón ông một cách trọng thị và mến khách.

Nếu nhớ lại vài năm trước, như tâm sự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể chính ông đăng ký mà chưa chắc đã được gặp những nhân vật quốc tế tầm cỡ ấy.

Không khó để lý giải cho sự nồng nhiệt này bằng sự tò mò về một nền kinh tế đang phát triển nhưng được gọi là "con hổ châu Á đang thức dậy" - cách mà một số nhà lãnh đạo và doanh nhân quốc tế gọi Việt Nam, sức hút của một thị trường đang nổi với 85 triệu dân.

Đứng phía sau các chính khách, là những đại gia kinh tế. Đó là lý do cựu Thủ tướng Canada cố công gặp bằng được Thủ tướng Việt Nam để lưu ý ông quan tâm tới lợi ích của các doanh nghiệp nước này tại Việt Nam.

Trong chính phủ Pháp mới theo cánh hữu của Tổng thống Sarkozy có thể không còn những nhân vật từng xuống đường đấu tranh cho Việt Nam trong những năm 60 hay có cảm tình đặc biệt nào với Việt Nam, song 4 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nước này, từ hành pháp tới lập pháp đều đón tiếp vị Thủ tướng đến từ Hà Nội một cách trọng thị. Và thông điệp mà người đồng nhiệm phía Pháp tuyên bố thật rõ ràng: Pháp cần phải nhấn ga tăng nhanh thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Giá trị Việt Nam ở chính trường toàn cầu

Nếu theo dõi các hoạt động dày đặc của Thủ tướng tại New York và Paris, thì có thể thấy, không chỉ lợi ích kinh tế làm nên sức hút của Việt Nam. Một Việt Nam đang sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế đã gây chú ý đặc biệt.

Ông đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước đối với nỗ lực tham gia Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của Liên hiệp Quốc vào đúng 30 năm sau ngày Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.

Một nhà ngoại giao nói rằng: Với gần 140 nguyên thủ các nước, nước nào cũng muốn hội kiến Tổng thư ký LHQ Ban-kimoon trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông này, việc ông Ban dành cho người đứng đầu Chính phủ 30 phút hội kiến, dù chỉ mới 3 tháng trước đó, ông đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đủ chứng tỏ ông ta đánh giá cao vai trò của Việt Nam như thế nào.

Giới quan sát nhận định cơ hội để Việt Nam trúng cử chiếc ghế uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, đồng nghĩa với một vị thế chính trị quốc tế lớn hơn đã "gần như chắc chắn" khi Hà Nội nhận được sự ủng hộ của 5 nước thường trực HĐBA và nhiều nước khác, sự đề cử duy nhất của nhóm nước châu Á.

Nếu như các nước lớn ủng hộ một Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA vì những yếu tố an ninh trong khu vực, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và cách thức Hà Nội chủ trì APEC 2006 một cách linh hoạt nhưng mạnh mẽ thì với các nước đang phát triển - nhóm chiếm đa số trong các lá phiếu tới đây, đó lại là niềm tin vào những giá trị mà đất nước này đã tạo dựng từ quá khứ, sự ngưỡng mộ đối với hình ảnh đẹp của một quốc gia luôn phải đấu tranh giành độc lập.

Sự khâm phục đối với quá khứ đấu tranh chống ngoại xâm và hiện tại phát triển kinh tế năng động đã được các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba, như Tổng thống Nicaragua, Ecuador, Thủ tướng Guinea hay ông Tổng thư ký Liên đoàn Arap nhắc lại trong các cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam như "bài học tích cực" mà họ muốn học hỏi.

Lịch sử đặc biệt của một đất nước đã phải "trải qua hàng nghìn năm đau thương của chiến tranh, luôn đấu tranh giành độc lập nhưng khi thắng lợi có thể gác lại quá khứ, bắt tay với kẻ thù và tích cực hướng tới tương lai", theo ông Andre Sauvageot đã là một minh chứng hùng hồn để thuyết phục cộng đồng thế giới là có hoà bình, có an ninh và an toàn cho con người thì mới phát triển bền vững được.

Giữa thời điểm cộng đồng quốc tế đang đau đầu bởi cuộc chiến tranh không hồi kết ở Iraq, hay những căng thẳng leo thang ở Iran,...thì Việt Nam, với những trải nghiệm lịch sử phù hợp, được hy vọng có thể cùng các nước trong HĐBA tích cực xây dựng một nghị trình hoà bình trong các vấn đề quốc tế, sứ mạng mà thế giới đã trao cho các thành viên HĐBA.

Đương nhiên, vai trò đó sẽ đặt Việt Nam trước những thách thức không nhỏ, sẽ đòi hỏi Việt Nam phải có những lựa chọn khó khăn, những tình huống phức tạp buộc phải bày tỏ chính kiến và cách hành xử tinh tế.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm của 30 năm hoạt động tại LHQ, khi đảm trách một số cương vị quan trọng như Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội (cơ quan quan trọng thứ hai sau HĐBA),...khiến nhiều chính khách quốc tế tin rằng "Việt Nam đã thực sự trưởng thành trong ngoại giao đa phương" và Hà Nội sẽ "không phải là một thành viên bình thường, mà là một thành viên tích cực trong HĐBA" (Ngoại trưởng Ukraine).

Những người mang sứ mệnh quảng bá

Trong tiến trình quảng bá hình ảnh và tạo dựng vị thế quốc tế cho Việt Nam, không thể không ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà lãnh đạo Việt Nam, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một "đại diện trẻ trung và năng động" - như nhận xét của quốc tế.

Hàng chục cuộc gặp mỗi ngày, xuống máy bay là bắt tay vào hoạt động, Thủ tướng Việt Nam đã tận dụng gần như triệt để mọi khoảng trống thời gian để gặp gỡ và thuyết phục các đối tác về một Việt Nam năng động và đang sẵn sàng gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong đời sống quốc tế.

Trong bối cảnh cuộc vận động cho chiếc ghế uỷ viên không thường trực HĐBA bước vào giai đoạn chót, sự hiện diện lần đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ, và cam kết: Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực, hợp tác, xây dựng và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế được thế giới coi là "thuyết phục và đáng giá".

Hay cái cách ông thuyết trình về kinh tế Việt Nam bằng những ví dụ sinh động hay những con số ấn tượng trong hàng loạt cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, cách ông đưa ra thông điệp với các đại gia Mỹ "hãy trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam" hoặc khuyến cáo giới chủ Pháp "đừng chậm chân đầu tư vào Việt Nam" đã nhận được những hưởng ứng một cách thích thú từ giới kinh doanh.

"Ông ấy là biểu trưng sống động cho tầm nhìn, nỗ lực và quyết tâm của những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay trong việc phát triển kinh tế và cải thiện vị thế đất nước", Michael Sullivan - Chủ tịch Tập đoàn AIG nhận xét.

Nếu như vị thế đất nước mang đến cho các nhà lãnh đạo tư thế để đi nói chuyện với bên ngoài thì ngược lại, họ là đại diện cụ thể và sinh động nhất cho hình ảnh đất nước. Hình ảnh đó sáng hơn hay mờ đi, phụ thuộc không ít vào phong cách và hình ảnh của cá nhân họ.

Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc WTO từng nói rằng thách thức đối với Việt Nam năm 2007 là làm sao duy trì được mối quan tâm của thế giới đối với hình ảnh mới mà đất nước này có được sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Toàn cầu. Với cánh cửa rộng mở vào HĐBA và những chuyến công du nước ngoài liên tục của các nhà lãnh đạo, Việt Nam đang nỗ lực viết tiếp những chương mới cho một câu chuyện hấp dẫn.

  • Việt Lâm

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,