(VietNamNet) - Tại cuộc Hội thảo ngày 09/10, đại diện phía VN và EU chia sẻ quan điểm cho rằng quan hệ song phương VN - EU đã chín muồi. Hai bên cần đẩy nhanh đàm phán, trao đổi thực chất, nhanh chóng đạt được Hiệp định về quan hệ hợp tác và đối tác PCA.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng hội thảo có ý nghĩa chiến lược đánh giá và đề xuất phương pháp, biện pháp nhằm phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, bền vững, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh trong thế kỷ mới.
VN là nhân tố năng động trong khu vực và quốc tế
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Italia Massimo D’Alema khẳng định: "Việt Nam là đối tác chủ chốt của Italia nói riêng và EU nói chung tại Đông Nam Á". "Việt Nam là nhân tố năng động trong trường khu vực và quốc tế".
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1990, quan hệ song phương VN - EU đã phát triển mạnh mẽ ở tất cả các cấp độ. với việc đa dạng hóa nhanh quy mô hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Đối thoại chính trị mở rộng.
Hiện nay, EU là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại hàng đầu cho VN và tiếp tục hỗ trợ VN trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển con người, cải cách kinh tế, xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.
EU là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu rộng lớn, nguồn cung cấp FDI quan trọng của VN. EU là một trong những đối tác thương mại lớn đầu tiên kết thúc đàm phán song phương WTO với VN năm 2005.
"Quan hệ VN - EU đã phát triển chín muồi", Phó Thủ tướng Italia khẳng định. Do đó, ông cho rằng, hai bên xác định cần nâng cấp quan hệ đối thoại, tương xứng với vị thế của Việt Nam và đáp ứng mong muốn của cả hai bên.
Trao đổi thực chất, đẩy nhanh đàm phán PCA
"Những bước tiến mạnh mẽ của VN và mong muốn chung xây dựng quan hệ đối tác thực chất đòi hỏi quan hệ hai bên phải có một tầm nhìn tham vọng và mang tính chiến lược hơn."
"EU, VN, môi trường toàn cầu đã trưởng thành và thay đổi. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại mối quan hệ song phương, xét đến những thay đổi, những vấn đề hiện tại, đề ra những lĩnh vực hợp tác và đối thoại mới", Đại diện phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại VN Willy Vandenberghe nói.
"Đây là thời điểm xác định nền móng và cấu trúc nào thích hợp cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ hai bên". Đại diện phái đoàn Ủy ban châu Âu tin tưởng, Hiệp định quan hệ hợp tác và đối tác PCA sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.
Do đó, hai bên cần "trao đổi thực chất và đẩy nhanh tiến độ đàm phán" hiệp định về quan hệ đối tác và hợp tác PCA.
Đầu năm 2007, bà Benita Ferrero Waldner, Ủy viên EU về quan hệ quốc tế và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã quyết định bắt đầu đàm phán Hiệp định mới, thay thế cho Hiệp định khung về hợp tác toàn diện VN - EU được ký kết tháng 7/1995.
VN: điều phối viên trong đàm phán ASEAN - EU về FTA
Đại sứ Georgi Vassilev, Chủ tịch EU tại VN cho rằng, không chỉ trong đàm phán PCA, "VN sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU - VN" đã được khởi động vào năm 2007 này.
Ông Vandenberghe khẳng định: "VN sẽ đóng vai trò chủ chốt với tư cách điều phối viên đại diện cho ASEAN trong tiến trình đàm phán FTA".
"Chúng tôi - EU kỳ vọng ở sự lãnh đạo năng động và chủ động của VN, đảm bảo tiến độ đàm phán diễn ra nhanh chóng, các bên sớm được thụ hưởng các lợi ích mà kết quả đàm phán mang lại".
Hiện nay, EU đã ký kết PCA với Nga và đang đàm phán với nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và 7 quốc gia khác trong ASEAN.
-
Phương Loan