(VietNamNet) - "Tham gia HĐBA, các nước nhỏ nên tận dụng nhiệm kỳ để thể hiện quan điểm của các nước nhỏ và đang phát triển, để học một cách tường tận cách thức hoạt động của HĐBA và cách thức hoạt động trong HĐBA để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thách thức chính là nguồn lực trong nước sẽ phải bỏ ra cho các hoạt động ngoại giao"...
>> Sức hút Việt Nam>> Toàn cảnh chuyến công tác tại LHQ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tiến sĩ David Koh, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore chia sẻ cách nhìn về việc VN tham gia HĐBA LHQ. Ông có thể nói và viết tiếng Việt thông thạo và là tác giả của nhiều nghiên cứu, bài viết về Việt Nam.
Thế giới biết đến VN vì sự phát triển và nền văn hóa riêng biệt
TS. David Koh, chuyên gia về chính trị VN tại Viện nghiên cứu ĐNA, Singapore.
- Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay?
Sự phát triển kinh tế của VN, theo tôi, sẽ giống như mục tiêu VN đặt ra cho năm nay, sẽ đạt khoảng 8%. Tôi không cho rằng sẽ là cần thiết để VN đi nhanh hơn tốc độ phát triển hiện nay. Vấn đề cần được đặt ra là đào tạo nghề, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc.
Không có quốc gia nào có thể cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ có thể có được một mức hơn Trung Quốc nếu có thể sản xuất những sản phẩm tốt hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn, những hàng hóa, dịch vụ phù hợp với một giá thành cao hơn so với các sản phẩm và hàng hóa Trung Quốc.
Ổn định xã hội cũng nên là vấn đề quan tâm ưu tiên. Việt Nam cần suy nghĩ cẩn thận và nếu có thể, cần thiết kế lại chiến lược cho những khu vực kém phát triển, nơi tập trung phần đa là dân tộc thiểu số. Chiến lược phát triển phải có sự nhạy cảm về văn hóa bởi người dân địa phương có thể không tin tưởng và không muốn tuân theo.
- Sự phát triển này có tác động như thế nào đối với vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới?
Phát triển kinh tế nâng cao hình ảnh và vị thế của bất kỳ quốc gia nào. Do đó, vị trí của VN trong khu vực và trên thế giới nhìn chung cũng ngày càng cải thiện.
Tôi vui mừng nhận thấy 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, VN bây giờ được biết đến với sự phát triển kinh tế và nền văn hóa của mình.
Chúc mừng nhân dân VN, những người đã làm việc chăm chỉ và nỗ lực để biến những điều đó thành hiện thực.
HĐBA: chưa phải mốc hội nhập cuối cùng
- Liệu chúng ta có thể nhìn nhận việc trở thành thành viên HĐBA như là mốc đánh dấu sự hội nhập đầy đủ của Việt Nam với cộng đồng thế giới hay không?
Hội nhập là một tiến trình tiếp diễn. Tư cách thành viên HĐBA là một cột mốc nhưng tôi không cho rằng đó là cột mốc cuối cùng. Có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã hội nhập rất tốt với thế giới nhưng chưa từng là thành viên của HĐBA.
- Trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, thách thức lớn đối với các nước thành viên HĐBA nói chung và với Việt Nam nói riêng là gì?
Các thách thức cơ bản bao gồm: phổ biến vũ khí hạt nhân, thay đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống và an ninh con người.
Việt Nam đã xây dựng được một hình ảnh rất tích cực
- Theo dự đoán của ông, Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong tương lai, đặc biệt, sau khi đã trở thành thành viên của HĐBA Liên hợp quốc? Và làm thế nào Việt Nam có thể đóng vai trò này?
VN đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân cũng như sự thù địch của nước lớn trong khu vực. Bằng việc tham gia ASEAN và mang đến cho tổ chức này những giá trị của chủ nghĩa khu vực, VN đã ghi dấu ấn giá trị hòa bình của VN cho các nước láng giềng và mong muốn tránh trở thành đối tượng trong các cuộc xung đột khu vực với các nước lớn một lần nữa.
HĐBA tất nhiên do các nước lớn chi phối, và 3 trong số đó có lợi ích ở khu vực Đông Á. Sau khi trở thành thành viên của HĐBA, VN nên thúc đẩy mạnh hơn các giá trị của chủ nghĩa khu vực trong ASEAN, đặc biệt khi ASEAN thành công như là một tổ chức khu vực ở Đông Nam Á, trong khi tổ chức khu vực trước đó đã thất bại trong việc đoàn kết khu vực.
Điều thứ hai nên làm, nhất là khi VN đã gặt hái được những tiến bộ lớn trong các mục tiêu thiên niên kỷ, là VN cần đẩy mạnh sự quan tâm của Hội đồng bảo an về các vấn đề an ninh con người, và chia sẻ những kinh nghiệm mà các nước khác có thể tham khảo, mặc dù có thể không cần thiết để sao chép bởi vì mỗi nước có hoàn cảnh riêng.
- Với tư cách uỷ viên không thường trực HĐBA, theo ông, Việt Nam có thể đóng góp gì và đóng góp như thế nào cho hoà bình, an ninh và phát triển của thế giới?
Để đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển, trở thành thành viên HĐBA là không đủ. VN nên bước ra ngoài thế giới để chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến tranh và phát triển với thế giới. Hình ảnh VN rất tích cực và VN đã vượt qua nhiều trở ngại để xây dựng nên.
- Việt Nam có điều kiện thuận lợi gì để hoàn thành trách nhiệm này?
Đây là lần đầu tiên VN tham gia HĐBA. Đây sẽ là khúc ngoặt học tập khó khăn, nhưng kết quả cuối cùng đồng nghĩa với việc VN thích ứng tốt hơn trong cách thức hoạt động trong hệ thống LHQ và các nước lớn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Đây là cách tiếp cận chủ chốt của các nước nhỏ.
Thách thức chính: Nguồn lực trong nước
- Liệu có phải là rất khó khăn đối với một nước nhỏ và đang phát triển như Việt Nam để có thể hoàn thành nhiệm vụ của một thành viên HĐBA?
Những nước nhỏ là thành viên HĐBA nên tận dụng lợi thế của nhiệm kỳ tại HĐBA để lên tiếng, thể hiện quan điểm của các nước nhỏ và đang phát triển và để học một cách tường tận cách thức hoạt động của HĐBA và cách thức hoạt động trong HĐBA để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình
Trong bài phát biểu chiều 27/9 tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam là một thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Ảnh: Reuters.
Với tư cách thành viên không thường trực HĐBA, các nước nhỏ không có quyền phủ quyết nhưng ngược lại, họ có quyền tự do bỏ phiếu cho tất cả các vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của HĐBA. Nếu như đặt vấn đề quyền phủ quyết ra một bên, thì các nước nhỏ có quyền bỏ phiếu ngang bằng với các nước lớn.
Thách thức mà các nước nhỏ gặp phải chính là nguồn lực trong nước phải bỏ ra để ngoại giao sẽ không thể đa dạng và phong phú như so với các nước lớn.
- Việc Việt Nam trở thành thành viên HĐBA có ảnh hưởng gì không tới quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực?
Tôi cho rằng quan hệ giữa VN với các nước trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu có, chỉ là tư cách thành viên HĐBA sẽ cho phép VN làm việc chặt chẽ hơn trước với các nước trong khu vực bởi vì VN sẽ có tiếng nói trong HĐBA trong vòng 1 năm.
-
Phương Loan (thực hiện)