(VietNamNet) – Trong buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với lãnh đạo TP ngày 16/10, đại biểu Trần Đông A góp ý, cần thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc.
Người giàu bù người nghèo
Đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, nhắc nhở các đại biểu cố gắng nêu vấn đề hay trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. (ảnh: PC) |
Hiện, Nhà nước đã hỗ trợ 600 tỷ đồng để lo bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi và 700 tỷ đồng mua bảo hiểm cho người nghèo. Nhưng vẫn còn hai địa phương là Đồng Tháp và Tiền Giang có 40% dân số không dám đi bệnh viện vì không có tiền. Các ý kiến phản ảnh thực tế từ các địa phương về bảo hiểm y tế sẽ được Bộ Y tế nghiên cứu, dù trong kỳ họp tới, Quốc hội chưa bàn về vấn đề này.
Lương công nhân khu vực FDI quá thấp
Một số đại biểu tỏ ra lo ngại về một số vấn đề xã hội gây chú ý dư luận thời gian gần đây tại TP.HCM. Đại biểu Lê Thanh Bình nêu bật tình trạng nhiều vụ đình công liên tục xảy ra, từ khu công nghiệp Linh Trung lan ra các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc giá cả leo thang, ảnh hưởng đến đời sống công nhân được giải quyết quá chậm.
Khiếu kiện đông người có xu hướng gia tăng. Hiện nay, không chỉ người dân các tỉnh khác mà có thêm cả người dân TP khiếu kiện đông người.
Đi sâu vào mức sống công nhân, nguyên nhân chính gây đình công, đại biểu Đặng Ngọc Tùng phản ánh: Từ đầu năm đến nay, TP có 34 cuộc đình công đòi tăng lương. Lương của công nhân khu vực FDI rất thấp, mức lương tối thiểu chỉ trên 800.000 đồng/tháng do quy định bất hợp lý và ký kết còn lỏng lẻo. Với mức lương như vậy, mỗi lần tăng lương chỉ được thêm vài chục nghìn đồng, chẳng đáng là bao.
Theo ông Tùng, cần sửa đổi một số quy định, xem lại việc ký kết giữa doanh nghiệp với công nhân để nâng mức lương cho công nhân. Hơn nữa, cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm ra điểm có thể gặp nhau giữa người lao động và công nhân để đảm bảo quyền lợi cho cả hai. Có như vậy mới giải quyết ược tình trạng đình công đòi tăng lương.
Không cho xe buýt vào đường nhỏ
Đại biểu Trần Du Lịch đặc biệt lưu tâm tình trạng ùn tắc giao thông, vấn đề gây bức xúc của nhiều cử tri hiện nay. TP phát triển xe buýt lớn, trong khi hệ thống đường hiện nay không đáp ứng được. Sự bùng nổ cao ốc, trường quốc tế trong đã kéo theo lượng người lưu thông quá đông. Đây là hệ quả của một quá trình phát triển, đòi hỏi TP tính toán, quy hoạch đô thị sao cho hợp lý.
Cũng về tình trạng ùn tắc giao thông, đại biểu Trần Đông A nhận xét: TP phát triển giao thông thiếu đồng bộ. Đường phố rất nhỏ, chỉ chịu được áp lực khoảng 10 tấn, nhưng TP lại nhập khẩu và sử dụng các loại xe lớn với trọng tải tới 30 - 50 tấn. Theo ông A, những tuyến đường nhỏ không nên cho xe buýt lưu thông.
Chia sẻ với đại biểu Đông A, đại biểu Nguyễn Việt Dũng chỉ rõ: Nếu chỉ đề ra giải pháp cục bộ như hiện nay thì TP sẽ mãi loay hoay không giải quyết được nổi tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Cần có giáp pháp đồng bộ mang tính vùng miền.
Đại biểu Lê Thanh Bình gợi ý TP thuê chuyên gia Thái Lan tư vấn hướng giải quyết ùn tắc giao thông, vì Thái Lan từng rơi vào tình trạng như VN.
Nhận sự uỷ quyền của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Công chính lên tiếng về vấn đề giao thông. Đối với dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông Toàn cho biết đã hoàn thành khoảng 60%. Nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm do khâu kích ống gặp một số trở ngại như mạch nước ngầm, đất sét gây mất cân bằng khi kích ống.
Từ tháng 8/2007, nạn kẹt xe của TP nhanh chóng trầm trọng thêm, chủ yếu do sinh viên ngoại tỉnh mang xe máy vào TP. Lượng xe 6,5 triệu các loại hiện nay quá sức chịu đựng hệ thống hạ tầng của TP. Mỗi ngày TP có thêm 1.200 xe máy, 200 xe ô tô mới đăng ký.
Ông Toàn cũng cho biết, do thiếu vốn nên trong 5 tuyến Metro, đến cuối năm nay mới khởi công tuyến đầu tiên.
-
Phạm Cường