(VietNamNet) - "Có 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý xong trong năm 2006, nhưng đến nay mới xong 4 vụ. Còn 4 vụ nữa, mặc dù đã xác định sẽ cố gắng đưa ra xét xử trong tháng 10/2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phát biểu, trong buổi thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm sáng nay (18/10).
Phần lớn công chức có hành vi tham nhũng chỉ chịu án kỷ luật
Vụ PMU 18 là 1 trong 4 vụ án trọng điểm năm 2006 đã được xử lý trong năm 2007.
Bà nhấn mạnh: "Dư luận đặc biệt quan tâm đến quyết tâm chống tham nhũng qua việc xử lý các vụ án trọng điểm, nhưng đến nay chúng ta vẫn không xử lý dứt điểm".
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ: "Trong các báo cáo tổng kết, lúc nào, ở đâu cũng chỉ nhắc đi nhắc lại đất Đồ Sơn, Mạc Kim Tôn, Mai Văn Dâu... và chỉ dừng lại ở đó. Không có thêm một vụ nào mới".
Nguyên nhân, theo ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) TƯ phòng, chống tham nhũng là do những vụ án trọng điểm có đặc thù riêng. Vì vậy, dù trong tháng 9, các trưởng, phó BCĐ đã họp tới ba lần để bàn cách khắc phục, các cơ quan đều nói, nếu quyết tâm có thể làm xong trong tháng 10/2007 nhưng vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ. "Quan điểm của BCĐ là không can thiệp vào công việc chuyên môn", ông Chiến cho biết. Ông cũng khẳng định, bất kể có nêu lý do gì, nhưng để 4 vụ án chậm trễ đến bây giờ là có khuyết điểm.
4/8 vụ án nghiêm trọng, nổi cộm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trong năm 2006 (đến nay vẫn tồn đọng): Vụ điện kế điện tử; Vụ Nguyễn Đức Chi - Khánh Hòa; Vụ Nguyễn Lâm Thái; Vụ Lương Cao Khải. Từ 1/10/2006 đến 31/8/2007, đã phát hiện 441 vụ việc, khởi tố 406 vụ án và 826 bị can về các tội danh tham nhũng. Xử lý hành chính 306 đối tượng, các vụ việc khác đang được tiếp tục xem xét xử lý. Tổng giá trị thiệt hại do tham nhũng xác định được là 286 tỷ đồng. (Thanh tra CP). |
Vì vậy, BCĐ đã xác định phải quyết tâm dứt điểm trong năm 2007. Ngoài ra, BCĐ hiện đang tập trung theo dõi chỉ đạo 7 vụ án nghiêm trọng mới đã khởi tố và tiếp tục theo dõi chỉ đạo tiếp 8 vụ án nghiêm trọng khác đang điều tra, lúc nào đủ điều kiện sẽ công bố.
Liên quan đến tình trạng dây dưa trong phát hiện và đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các báo cáo đều dùng chữ công tác đấu tranh còn "hạn chế", "bất cập" nhưng nói như vậy chưa rõ nghĩa. "Phải chăng, đó chính là biểu hiện của không kiên quyết và né tránh trách nhiệm?", ông Kiên đặt câu hỏi.
Theo thống kê của BCĐ phòng chống tham nhũng TƯ, số vụ án tham nhũng xử lý trong sáu tháng đầu năm 2007 tăng 40% so với 2006. Nhưng kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp chỉ ra, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng phần lớn chịu "án" kỷ luật. Cụ thể, chỉ có 52/gần 1.500 vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, xử lý hành chính vẫn còn mỏng và nhẹ. Thậm chí, cùng một hành vi nhưng nơi thì người phạm tội tham nhũng bị cách chức, nơi chỉ xử lý kỷ luật thuần túy. Thậm chí, như ông Trần Thế Vượng bức xúc, Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định, nhận từ 500 ngàn trở lên là phạm tội nhận hối lộ. "Vậy có lẽ gần 1.500 vụ việc kia đều chỉ tham nhũng dưới dưới 500 ngàn đồng? Còn nếu từ 500 ngàn đồng trở lên nhưng chỉ xử lý hành chính nghĩa là chúng ta làm việc không nghiêm minh, hay là luật có vấn đề?"
Chưa có cơ quan nào tự phát hiện tham nhũng
"Đánh giá hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ở các địa phương tốt, xấu ra sao, thì tiêu chí là ở chỗ nào? Có tỉnh báo cáo phát hiện chưa có tham nhũng, có tỉnh báo cáo phát hiện xử lý nhiều vụ tham nhũng. Như vậy, việc phát hiện có tham nhũng là tốt hay chưa có tham nhũng là tốt?"... (Vũ Tiến Chiến, Chánh VP Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ. |
Liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, quy định đã có, nhưng thực hiện thế nào khi mà sự cố xảy ra, xử lý ai cũng được vì ai cũng "dính" một chút ít trách nhiệm.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc K’so Phước, do duy trì cơ chế "chịu trách nhiệm tập thể" nên vai trò của cá nhân vẫn chưa rõ ràng.
Bà Lê Thị Thu Ba cho biết: "Cấp dưới nhìn lên cách làm của cấp trên. Nếu lãnh đạo cấp trên làm không nghiêm thì ở dưới cũng buông tay". Đây cũng là lý do mà ở nhiều nơi, nhiều đơn vị xảy ra tham nhũng nhưng người trong cuộc không mạnh dạn đấu tranh, tố cáo. Hầu như các vụ việc tham nhũng đều được phát hiện từ đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua báo chí phanh phui hoặc do nội bộ "để lộ ra".
Theo thống kê của BCĐ phòng chống tham nhũng TƯ, có 3 tỉnh báo cáo chưa phát hiện ra tham nhũng là Hòa Bình, Thái Nguyên, Kon Tum... Ông K’s Phước chia sẻ, đi nhiều nơi, ông quan sát thấy quyết tâm chống tham nhũng ở nhiều địa phương chưa cao.
Ông Nguyễn Đức Kiên bổ sung thêm, nhiều địa phương không mặn mà đón tiếp các đoàn thanh tra về giám sát việc phòng chống tham nhũng và "kêu ca" vì cho là quá nhiều đoàn TƯ về thanh tra, giám sát ở địa phương mà "không mang lại kết quả gì". Vì thế, vẫn biết các văn bản phòng chống ban hành xong phải có thanh tra, giám sát, nhưng "hễ đi lại đụng chạm, nói ra là mất lòng", ông Kiên bức xúc.
-
Lê Nhung